Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành

Tranh cổ động:  “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” - tác giả:  Bạch Thị Lợi (Vĩnh Phúc)

 

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1).

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên yêu cầu phải “tổ chức ra quân đội công nông”(2). Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời, mở đường cho các tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập sau này như Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941),… Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(3). Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã giành liên tiếp hai chiến thắng tại đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta. Năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước trưởng thành và ngày càng lớn mạnh, cùng nhân dân ta giành chiến thắng trong các chiến dịch lớn, quan trọng như chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950 và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Quân đội nhân dân Việt Nam đã có bước trưởng thành mới, ngày càng chính quy, hiện đại, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tạo cơ sở tiến tới thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn sau thống nhất (1975 - 1986), Quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, Quân đội cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội ta luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội. Ngày hội Quốc phòng toàn dân nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.

Hiện nay, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”(4). Nhiều điểm nóng, xung đột tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại, nhiều hình thái chiến tranh mới làm thay đổi môi trường chiến lược. Trong nước, kết quả của 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(5). Tuy nhiên, “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới”(6). Trong khi đó, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”(7). Đặc biệt, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong những năm tới; trọng tâm cần tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản chất cách mạng, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần chiến đấu, thực sự là công cụ sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện lệch lạc, nhận thức không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; bảo đảm cho Quân đội càng tiến lên chính quy, hiện đại thì sự lãnh đạo của Đảng càng phải được giữ vững và tăng cường”(8).

Tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam, đường lối, quan điểm của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, nâng cao tính bền vững và khả năng huy động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong các tình huống. Xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, tạo thế bố trí phòng thủ liên hoàn trên từng địa bàn và phạm vi cả nước. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Điều chỉnh tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, gắn với bố trí lại lực lượng và nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội. Giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam; thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”; sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; nâng cao năng lực phòng, chống chiến tranh không gian mạng, chiến tranh thông tin. Đồng thời, quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và chính sách hậu phương quân đội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, kiên định chính sách quốc phòng “Bốn không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”(9) của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

“Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam luôn tự hào và đặt niềm tin vào Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”(10). Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định, lan tỏa lịch sử hào hùng của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

                                    

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.4.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.356.

4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.105, 25, 107-108, 108.

8, 10. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.37-38, 30.

9. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.25.

 

 

NGUYỄN QUANG BÌNH - ĐẶNG VĂN HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 588, tháng 11-2024

;