Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội được coi là nét văn hóa độc đáo lâu đời không thể thiếu của người dân Việt Nam. Theo thống kê, Hà Tĩnh có gần 70 lễ hội với đủ các loại hình. Các lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác được tổ chức hằng năm vào trung tuần tháng Giêng (âm lịch) đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung nhằm tri ân công đức Đại danh y Lê Hữu Trác.

Du khách tham quan tại Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Lê Hữu Trác (1724 - 1791), tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông được sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc có cha là ông Lê Hữu Mưu đỗ đệ tam giáp tiến sĩ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông. Mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, một người phụ nữ thông minh, hiền lành quê ở Bàu Thượng, Tình Diệm, Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Lê Hữu Trác thi đậu tam trường nhưng khi cha mất, ông bỏ đường cử nghiệp chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và đã giành được nhiều thắng lợi khi tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến, ông chán ghét cảnh đầu rơi máu chảy, lại nhận được tin anh qua đời, nhà còn mẹ già nên ông lấy cớ xin về sống ở quê mẹ là xóm Bàu Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc. Ông tự đặt cho mình hiệu là Hải Thượng Lãn Ông và không màng danh lợi, phú quý vinh hoa, trở thành một thầy thuốc, một danh sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với quan điểm “Mình đã trót là một ông thầy thuốc thì phải làm cho hết sức của mình, dựng lên một lá cờ trong y giới”. 

Trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, ông đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, góp phần làm phong phú thêm kho thuốc quý của dân tộc, tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho nhân dân. Riêng cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là đã đặt nền móng cho y học nước nhà. Ông được xem là ông Tổ của đông y Việt Nam và là tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho người đời sau noi theo. Đặc biệt, 9 bài học về y đức của Đại danh y Lê Hữu Trác trong Y huấn cách ngôn và 8 chữ “Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần” mãi là ngọn đuốc sáng ngời soi đường chỉ lối cho những ai công tác trong ngành y. Năm 2023, danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 tại Paris, Cộng hòa Pháp thông qua nghị quyết cùng vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm.

Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình tồn tại của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sự thay đổi theo thời gian. Theo các cụ cao niên đang sinh sống tại xã Quang Diệm, Sơn Giang và Sơn Trung, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ra đời sau ngày kỵ đầu tiên của cụ. Những năm đầu nói là lễ hội, song thực chất chỉ được tổ chức với quy mô hết sức gọn nhẹ với các hoạt động chính như dâng hương tại mộ; cúng tại nhà thờ; cầu siêu, cầu an tại chùa Tượng Sơn. Ít năm sau, ngày càng đông khách thập phương gần xa, nhất là những gia đình trước từng được cụ cứu mạng, đã tìm về đây để bày tỏ sự biết ơn, ngưỡng mộ Đại danh y. Vùng miền núi huyện Hương Sơn có rất nhiều gia đình theo đạo Phật, họ tôn vinh cụ Bồ tát tái sinh, cứu người giúp đời. Chính vì thế mà Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông một thời gian dài chủ yếu tập trung vào các hoạt động cầu siêu, cầu an, cầu sức khỏe. Thời gian của Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là cứ vào ngày rằm tháng Giêng, du khách gần xa sắm lễ đến chùa Tượng Sơn, nhà thờ và mộ cụ Hải Thượng để thắp nén hương vừa tưởng nhớ công ơn của Đại danh y, vừa cầu chúc cho gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, may mắn, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, chăn nuôi thuận lợi và cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Vào những năm đầu thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám (1800 – 1944), Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông đã thực sự đi vào nề nếp và người dân các xã miền núi huyện Hương Sơn xem đó như là một hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của họ. Từ năm 1945 đến năm 1980, do ảnh hưởng của cách mạng, cải cách ruộng đất và tư tưởng cực đoan xem lễ hội là một hoạt động mê tín dị đoan ở Nghệ Tĩnh,Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông cùng chung một số phận với các lễ hội khác, phải tước bỏ nhiều chi tiết trong phần lễ và kể cả phần hội. Từ năm 1985 đến nay, nhất là sau khi quần thể di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn Ông (bao gồm nhà thờ, mộ, tượng đài và chùa Tượng Sơn) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì lễ hội ngày càng phát triển về cả quy mô, nội dung và hình thức lễ hội. Những năm gần đây, với chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh là đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa, lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông trở thành một sự kiện quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển các điểm du lịch nhân văn và sinh thái của tỉnh. Ngày 13/10/2015, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL, đưa Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.

Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội là quần thể di tích lịch sử Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác được trải dài trên một cung đường gần 8km. Điểm khởi đầu là khu mộ tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, điểm giữa là chùa Tượng Sơn tọa lạc bên sông Ngàn Phố, ở xã Sơn Giang. Điểm cuối là nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, xã Quang Diệm. Từ trước đến nay, lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, dù quy mô to, nhỏ khác nhau, song vẫn được diễn ra tại các không gian chính là khu nhà thờ, chùa Tượng Sơn, khu mộ và tượng đài.

Cũng như các lễ hội truyền thống khác, lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bắt đầu bằng nghi lễ báo cáo do người trông coi Khu di tích thực hiện. Người này sẽ thay mặt Ban Tổ chức lễ hội báo cáo trình tự nội dung lễ hội và cầu xin các vị thổ thần, thổ địa và ngài Hải Thượng Lãn Ông phù hộ để tổ chức thành công tốt đẹp. Lễ báo còn có đại diện dòng họ và ban tổ chức tham gia, chứng kiến. Lễ vật gồm có: hương, nến, rượu, trầu cau, nước lã, tiền vàng mã… Công việc này được thực hiện vào chiều ngày 13 hoặc sáng 14 tháng Giêng. Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông kéo dài cả tuần lễ, nhưng lễ chính chỉ diễn ra trong 2 ngày 14, 15 tháng Giêng tại ba không gian chính, gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm tại khu mộ và nhà thờ; lễ giỗ tại nhà thờ; lễ tế và khai mạc lễ hội chính tại khu mộ; lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn. 

Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu mộ thường diễn ra từ 8 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng. Nghi lễ dâng hương được Ban Tổ chức thực hiện theo nghi lễ truyền thống của dân tộc và phong tục tập quán của địa phương. Lễ vật được bày biện đơn giản hơn các lễ khác, gồm: hương, rượu, hoa quả. Những năm gần đây, nhiều vị quan khách đã về đây tưởng niệm Đại danh y và tham dự lễ hội, nên Ban Tổ chức thường chuẩn bị sẵn ít nhất 2 lẵng hoa có ghi dòng chữ kính dâng của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, ngành Y tế… 

Lễ cúng ngày kỵ thường diễn ra vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 14 tháng Giêng tại nhà thờ. Nghi lễ cúng lễ cũng được tổ chức thực hiện theo nghi lễ truyền thống của dân tộc và phong tục tập quán của địa phương. Vùng Hương Sơn thường cúng kỵ theo sách Thọ Mai gia lễ. Các công việc liên quan đến cúng kỵ chủ yếu do con cháu trong dòng họ cùng các thành viên trong Ban Tổ chức chuẩn bị và dâng cúng. Lễ vật gồm hương, nến, hoa quả, trầu cau, nước, xôi, gà, rượu, tiền vàng mã… Để tưởng nhớ và nêu cao những tấm gương sáng của bậc tiền bối, hằng năm vào dịp ngày giỗ ngài, dòng họ Lê Hữu lại tổ chức họp tất cả các con cháu xa gần về đây để dâng hương và báo công những con cháu thành đạt với tổ tiên. Qua đó, nhắc nhở con cháu cần nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với công lao, danh tiếng của Đại danh y.

Lễ tế và lễ khai mạc lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông thường được diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng, tại khu mộ lăng mộ. Hằng năm, Ban hành lễ là đại diện chính quyền và nhân dân các xã Sơn Trung, Quang Diệm, Sơn Giang phối hợp với Hội Phật giáo huyện Hương Sơn tổ chức lễ tế với nghi thức nghiêm trang, bài bản trước khu mộ của ngài. Kết thúc lễ tế, tất cả quan khách và nhân dân lần lượt thành tâm thắp nén hương tri ân Đại danh y, đồng thời cầu mong cho một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, thành đạt. Xong phần tế lễ và dâng hương, tất cả những người lễ hội được mời về quảng trường, sân khấu lớn được bài trí đẹp mắt tại một không gian rộng ở phía bên trái khu mộ để tham dự Khai mạc lễ hội. Mở đầu lễ khai mạc là màn trống hội với 16 nam thanh niên mặc trang phục áo vàng, quần nâu, buộc đai bụng bằng vải lụa màu xanh hoặc màu đỏ, mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt của nhân dân ta trong ngày lễ hội. Tiếp đến là màn múa lân, hoạt động gắn với phong tục tập quán của cư dân miền núi. Đến giờ khai mạc, Ban Tổ chức tuyên bố lý do, sau đó mời đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội lên đánh trống khai mạc lễ hội với 3 hồi 9 tiếng. Khi tiếng trống cất lên, không gian của buổi lễ vang vọng hồn thiêng sông núi. Như vậy, có thể thấy tiếng trống hội không chỉ là hiệu lệnh bắt đầu của một mùa lễ hội mà còn là tiếng trống thúc giục một năm mới với nhiều thắng lợi. Dứt tiếng trống là màn trình diễn nghệ thuật khai hội. 

Lễ cầu an, cầu sức khỏe thường được diễn ra bắt đầu từ lúc 19 giờ tối ngày rằm tháng Giêng tại chùa Tượng Sơn, lễ kéo dài trong vòng hai tiếng đồng hồ. Lễ cầu an, cầu sức khỏe là một trong những nội dung phần lễ thu hút đông đảo tầng lớp quan thân, trí thức, nông dân, tăng ni phật tử tham gia. Tất cả ngồi xếp bằng, chắp tay thành kính nghe các nhà sư niệm chú, ai ai cũng như quên hết những lo toan đời thường trở về chốn thanh tịnh, cầu xin Bồ tát Dược sư ban cho sức khỏe. Sau phần niệm kinh, nhà chùa và các tăng ni, phật tử tổ chức các hoạt động như phóng sinh (thả chim bồ câu); thả hoa đăng trên bến Rồng, thả diều…

Song song với các nghi lễ cúng tế tại không gian chính lễ, tại các địa điểm diễn ra lễ hội diễn ra các nghệ thuật trình diễn dân gian như hát Sắc bùa, Hò, Ví Giặm Nghệ Tĩnh… và các trò chơi dân gian như múa lân, thả diều, kéo co, đẩy gậy, chọi gà, chơi cờ, đua thuyền… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Giá trị lớn nhất của Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong huyện, xã, giữa bà con thân nhân dòng họ từ Hưng Yên đến Hà Tĩnh; là môi trường giáo dục về y đức, y đạo, y thuật cho cán bộ và nhân viên ngành y hôm nay và mai sau và là môi trường bảo tồn lưu truyền văn hóa truyền thống, giúp người dân nhớ về thân thế của Hải Thượng Lãn Ông – người cứu nhân độ thế. 

Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang là một điểm đến quan trọng, hằng năm thu hút đông du khách về tham quan và hành lễ, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Bài và ảnh: NGUYỄN NGA 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;