Cùng với làng gốm Bàu Trúc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tại Ninh Thuận là một trong những làng Chăm cổ có từ lâu đời. Nghề dệt cùng với các sản phẩm của làng Mỹ Nghiệp không chỉ là biểu tượng của văn hóa Chăm, mà còn thu hút, níu chân du khách mỗi khi đến với vùng đất đầy nắng gió này.
Tọa lạc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách quốc lộ 1A khoảng hơn 1km về phía Đông, Làng Mỹ Nghiệp hiện có 700 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, có tới hàng trăm thợ dệt tay nghề cao, trong đó có nhiều nghệ nhân kinh nghiệm gắn bó lâu năm với nghề.
Theo truyền thuyết, vào vào thế kỷ XVII, có một phụ nữ tên Po Inư Nagar đến vùng đất này, đã truyền dạy nghề dệt vải cho ông Xa và bà Chaleng. Hai ông bà là vợ chồng sinh sống ở làng Ca Klaing xưa và nay chính là làng Mỹ Nghiệp. Ngoài ra, Po Inư Nagar còn dạy người Chăm cách cày cấy, trồng lúa... Từ đó, người Chăm coi Po Inư Nagar là tổ nghề, là nữ thần đã dạy người Chăm nghề dệt.
Nghề dệt của người Chăm phát triển khá sớm và đã đạt đến trình độ tinh xảo. Với chế độ mẫu hệ, nghề dệt cũng được trao truyền qua nhiều thế hệ, với phong tục mẹ truyền con nối. Nhiệm vụ chính của phụ nữ là dệt vải, còn đàn ông sẽ là người cắt may thổ cẩm, tạo thành sản phẩm. Hầu như trong mỗi gia đình đều có một nơi đặt khung dệt. Đây vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi dệt, cũng là nơi sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm và kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Bà Lộ Thị Lợi đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm gần 40 năm
Bà Lộ Thị Lợi, 58 tuổi, đã gắn bó với nghề dệt được gần 40 năm cho biết, trước đây, người Chăm sẽ trồng bông vải trên nương, rẫy để lấy sợi dệt thổ cẩm, nhưng đến nay nguyên liệu sẽ được mua trực tiếp tại thị trường, thuận tiện và cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Bà Lợi cũng cho biết, quy trình dệt vải vẫn được sử dụng khung gỗ với những công đoạn như trước kia. Trong đó, sẽ sử dụng khung dệt dài để dệt vải khổ hẹp, dây và ngồi có đai qua lưng dùng để dệt vải khổ rộng. Để có thể dệt một tấm thổ cẩm, trên khung dệt phải sử dụng nhiều dụng cụ như đánh ống, thước, móc sợi, bắt go tạo hoa văn… Cùng với đó là sự khéo léo, tỉ mỉ, cần cù của người dệt mới cho ra đời tấm thổ cẩm đẹp mắt, ưng ý.
“Để làm một tấm thổ cẩm rộng, trước kia làm khoảng 3 ngày, nhưng giờ nhiều tuổi, phải mất 5 ngày tôi mới hoàn thành, sau đó là công đoạn may thành phẩm. Còn với dệt khăn, thời gian sẽ ngắn hơn, khăn có hoa văn sẽ có giá thành cao hơn những khăn bình thường. Nghề này đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận, nếu đi sai đường chỉ là sản phẩm sẽ mất đi vẻ đẹp, nên người dệt cũng phải có nhiều kinh nghiệm làm nghề” – Bà Lộ Thị Lợi chia sẻ.
Đối với các sản phẩm dệt của người Chăm, phần lớn mang sắc màu nguyên, bên cạnh các sắc màu thông dụng như nâu, đen chàm… thì đỏ, trắng, vàng… là những gam màu tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những hoa văn, họa tiết cũng trở thành điểm nhấn và đòi hỏi người dệt cần nhiều kinh nghiệm, sự cẩn thẩn hơn. Hoa văn, họa tiết dệt trên thổ cẩm của Mỹ Nghiệp thường được trang trí đối xứng với nhau, nó không chỉ để trang trí, mà còn tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng…
Các sản phẩm dệt thổ cẩm được du khách yêu thích
Mỗi sản phẩm thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp không chỉ thể hiện sự tài tình, khéo léo của các mẹ, các chị, mà còn chứa đựng sự đặc sắc văn hóa lâu đời của người Chăm. Đến với Mỹ Nghiệp, được chiêm ngưỡng các sản phẩm thổ cẩm, cùng trải nghiệm với các nghệ nhân dệt, người xem và du khách càng hiểu và yêu thích nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm trên mảnh đất nắng gió Ninh Phước, Ninh Thuận.
THÁI ANH - Ảnh: TUẤN MINH