Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam năm 2023: Những ấn tượng đọng lại

Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam năm 2023 được tổ chức nhằm khẳng định hiệu quả hoạt động của văn nghệ cơ sở có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và cũng là dịp để biểu dương, khích lệ những diễn viên không chuyên, tài năng trẻ đang hoạt động có hiệu quả trong phong trào văn hóa cơ sở. Liên hoan đã thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật với những màn trình diễn xuất sắc của các diễn viên quần chúng đến từ các huyện, thị, thành phố, các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Tổ chức tặng hoa và Cờ lưu niệm cho các đội tham dự liên hoan

 

Tham gia liên hoan có 20 đoàn nghệ thuật quần chúng, với trên 1.000 diễn viên, nhạc công. Khán giả đã được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc với chủ đề ca ngợi Đảng, Tổ quốc, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của địa phương trong tỉnh. Từ cách dàn dựng, biểu diễn cho thấy chất lượng nghệ thuật của các đoàn văn nghệ quần chúng được nâng cao hơn so với kỳ liên hoan trước. Các thể loại như: đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca, múa, tiểu phẩm đều có mặt ở Liên hoan.

Ban Tổ chức đã trao 28 giải Vàng, 38 giải Bạc, 3 giải Triển vọng cho các tiết mục. Về giải toàn đoàn, giải Nhất được trao cho 9 đoàn nghệ thuật quần chúng của các đơn vị, gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội nữ doanh nhân tỉnh, thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Bình Lục, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Giải Nhì thuộc về 7 đoàn: Huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm, huyện Kim Bảng, Trường THPT chuyên Biên Hòa, Trường Cao đẳng y tế Hà Nam, hệ thống trường Mầm non Olympus, Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam - Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà. Giải Ba được trao cho Câu lạc bộ Hát mãi khúc quân hành và Công ty cổ phần Casla; giải Khuyến khích thuộc về Trung tâm Nghệ thuật Kiều Hương và Câu lạc bộ Dân ca và Chèo.

Thành công của Liên hoan trước hết là do Sở VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, báo chí, đài phát thanh – truyền hình làm tốt công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Liên hoan; sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Các đoàn đều tuân thủ thể lệ, bám sát chủ đề: ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, những thành tựu xây dựng quê hương, đất nước thời kỳ đổi mới, ca ngợi sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản; tập hợp được lực lượng diễn viên, nghệ nhân các địa phương tập luyện với tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo nghệ thuật; chuẩn bị đầy đủ đạo cụ, trang phục; xây dựng chương trình với nhiều ý tưởng hay và độc đáo, nội dung phong phú... Các tiết mục có thể mộc mạc, giản dị hay công phu, hoành tráng nhưng đều đem đến cảm xúc bất ngờ, tạo không khí hào hứng, phấn khởi, thu hút người xem. Nếu như ở những kỳ Liên hoan trước, các đoàn thường chỉ tập trung vào từng tiết mục cụ thể thì nay đã quan tâm hơn đến khâu dàn dựng tổng thể chương trình với chủ đề rõ ràng, biên tập và kết hợp các yếu tố như trang phục, âm thanh, ánh sáng, đèn Led, hình ảnh minh họa khá nhuần nhuyễn.

Thành phố Phủ Lý mở màn Liên hoan bằng chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng. Người xem cảm nhận rõ sự gắn kết xuyên suốt giữa các tiết mục, tạo nên bố cục chương trình chặt chẽ. Với lực lượng ca sĩ, diễn viên múa phụ họa hùng hậu, chương trình đã thực sự lôi cuốn người xem qua màn trống hội “Vang mãi ngàn năm”, hợp ca “Vững bền một cõi non sông”, tam ca “Tự hào hai tiếng Việt Nam”, múa độc lập “Hồn quê”, song ca “Chúng con canh giấc ngủ của Người”, đơn ca “Thành phố tình yêu tôi”.

Chương trình tham gia Liên hoan của huyện Bình Lục khá đa dạng với liên khúc: “Lá cờ Đảng - nguyện theo chân Bác”, “Đất nước - Giai điệu Tổ quốc”, múa độc lập “Mùa bội thu”, hoạt cảnh “Bác Hồ với Hà Nam”, đơn ca “Bình Lục miền yêu thương” đã cho thấy phong trào văn hóa nghệ thuật trong huyện ngày càng phát triển sâu rộng.

Duy Tiên với sức trẻ của một thị xã mới đã mang đến Liên hoan một chương trình ấn tượng. Từ “Người là niềm tin tất thắng”, “Duy Tiên thị xã trẻ mùa xuân” đến “Miền quê huyền thoại”… đều hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT chuyên Biên Hòa lần đầu tiên tham gia Liên hoan nhưng có sự đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc. Từ hát múa “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Làng tôi”, múa “Mười cô gái Lam Hạ” đến “Bài ca sư phạm”, “Hành khúc truyền thống trường chuyên Biên Hòa”... đều tạo ấn tượng với khán giả qua màn trình diễn chân thật, mộc mạc của các thầy cô giáo, các em học sinh.

Chương trình tham gia Liên hoan của Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho thấy các chiến sĩ không chỉ vững vàng trên mặt trận công tác, bảo vệ nền hòa bình của dân tộc và cuộc sống bình yên cho nhân dân mà còn luôn yêu đời, luôn cất cao lời ca, tiếng hát. Các tiết mục được đầu tư công phu từ giọng hát đến trang phục biểu diễn, múa phụ họa, âm thanh, ánh sáng, như: Liên khúc Hà Nam, đơn ca “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”, tốp ca “Tổ quốc nhìn từ biển”, hợp ca “Khát vọng hùng cường” (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh); tổ khúc “Dưới lá cờ Đảng quang vinh”, tam ca “Trống cơm”, song ca “Hà Nam trong ánh nắng vàng”, đơn ca “Vinh quang thầm lặng”, múa độc lập “Đồng quê hò hẹn” (Công an tỉnh) đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người yêu nghệ thuật.

Đối với khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan cho thấy rõ khí thế sôi nổi của tuổi trẻ. Điều đó được thể hiện qua phần hát, múa, nhảy như: “Hào khí Việt Nam”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Trường Cao đẳng y tế Hà Nam); “Việt Nam sẽ chiến thắng”, “Hương đất Việt”, “Sáng mãi niềm tin” (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)...

Khép lại Liên hoan, ông Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở VHTTDL - Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Thành công lớn nhất của Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam năm 2023 đã tạo tiếng vang, được đông đảo nhân dân đón nhận. Có một số tiết mục nổi bật đã làm nhòa đi ranh giới giữa chuyên nghiệp với không chuyên, để lại trong lòng người xem những ấn tượng sâu lắng khó quên. Sự phong phú về màu sắc, tinh tế trong dàn dựng đã góp phần khẳng định sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh luôn gắn với bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc. Qua Liên hoan, đã xuất hiện một số giọng ca trẻ triển vọng, có thể phát triển thành những nhân tố gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, như: Thu Hương, Minh Diễn (thị xã Duy Tiên), Trường Linh (thành phố Phủ Lý), Trung Anh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Văn Đức (Công an tỉnh), Thanh Tùng (Đại học Công nghiệp Hà Nội)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc lựa chọn, sắp xếp tiết mục biểu diễn của một số đoàn chưa có sự gắn kết chặt chẽ nên chưa làm nổi bật được chủ đề chương trình. Có tiết mục hát tốp ca, đồng ca còn thiếu phần bè nên hiệu quả chưa cao. Khâu biên tập dàn dựng vẫn có sự chắp vá, việc khai thác hình ảnh minh họa trên màn hình Led đôi lúc còn chưa phù hợp. Tình trạng hát chênh, phô ở một số đoàn lộ rõ, song đó là điều khó tránh tại một liên hoan nghệ thuật quần chúng”.

Thành công của Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam năm 2023 đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;