Người khuyết tật ngày càng chủ động hơn trong việc hưởng thụ văn hóa, mạnh dạn tiếp cận cả những loại hình tưởng chừng như vượt ngoài khả năng, giới hạn. Để có được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực bền bỉ từ chính họ, còn có sự đồng hành đầy tâm huyết, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức luôn tận tâm vì quyền lợi của người yếu thế.
Bất kỳ ai đều có thể xem kịch
Trong vài tháng trở lại đây, vào một số đêm sáng đèn tại Sân khấu Kịch Thiên Đăng (TP.HCM), không ít người ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các khán giả khiếm thị. Giúp người khiếm thị hòa mình vào đời sống kịch nghệ cùng với “người sáng mắt” là mục tiêu thành lập của dự án Từ tai đến mắt thuộc Tổ chức Sunbox (TP.HCM). Năm 2022, khi đang tu nghiệp ở Vương quốc Anh, anh Lương Linh (người sáng lập tổ chức Sunbox) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và trải nghiệm các dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị, trong đó có hỗ trợ đối tượng này đi xem kịch tại rạp.
Mô hình sân khấu 3D được thay đổi theo từng vở diễn, để khán giả có thể chạm và cảm nhận trước khi thưởng thức vở diễn - Ảnh: Sunbox
Từ những trải nghiệm thực tiễn ở xứ người, anh Lương Linh đã đúc kết thành đề tài nghiên cứu để có thể áp dụng tại Việt Nam. Anh Linh cho biết, trong quá trình tìm hiểu thực tế, anh đã làm việc, trao đổi với nhiều người khiếm thị, để hiểu rõ hơn về cách thức họ di chuyển, cũng như tiếp nhận thông tin về môi trường xung quanh. Với những nỗ lực đầy tâm huyết, từ ý tưởng trên giấy, dự án Từ tai đến mắt của tác giả Lương Linh đã được Ban Giám đốc Sân khấu Kịch Thiên Đăng tạo điều kiện thuận lợi để triển khai trên thực tế.
Anh Lương Linh chia sẻ thêm, khác với mô hình bên nước ngoài, để người khiếm thị đến và thưởng thức nghệ thuật sẽ được tài trợ thêm một vé cho người đi cùng, ở trong nước thì các khán giả khiếm thị thường tự chủ động di chuyển. Chính vì thế, dự án Từ tai đến mắt sẽ hỗ trợ người khuyết tật bằng cách có 2 tình nguyện viên được sắp xếp để hỗ trợ các khán giả khiếm thị khi vừa bước chân vào rạp.
Ở Anh, khoảng một tiếng rưỡi trước giờ diễn, các khán giả khiếm thị sẽ được ưu tiên lên sân khấu gặp diễn viên, chạm vào đạo cụ, làm quen với sự sắp đặt của sân khấu. Nhưng Từ tai đến mắt lại hướng tới giải pháp làm mô hình 3D mô tả lại sân khấu, để các khán giả có thể cảm nhận bằng xúc giác, hình dung ra bối cảnh vở diễn. Đồng thời, các khán giả khiếm thính cũng sẽ được nghe thuyết minh viên đọc lời mô tả các diễn biến trên sân khấu bằng tai nghe.
Khán giả nghe thuyết minh nội dung vở kịch qua tai nghe - Ảnh: Sunbox
Sau trải nghiệm mới lạ này, khán giả Huỳnh Thanh Yến Vy (TP.HCM) chia sẻ: “Sunbox đã mang đến cơ hội tuyệt vời cho những người khiếm thị như tôi được thưởng thức kịch nói thông qua lời mô tả và sự hỗ trợ tận tình của các tình nguyện viên”. Nhờ tình cảm từ khán giả, trong thời gian tới, Sunbox tiếp tục cố gắng đưa Từ tai đến mắt trở thành một dịch vụ thường xuyên vào mỗi dịp cuối tuần. Cùng với đó, Sunbox sẽ tiến tới hoàn thiện chương trình hơn, nhằm phục vụ cả đối tượng khán giả khiếm thị nhỏ tuổi vào một ngày không xa.
Cất lên thanh âm huyền diệu từ hội họa
Dành tình yêu thương, tâm huyết với những mầm non tương lai cũng chính là nghĩa cử cao đẹp mà lớp học vẽ miễn phí Âm thanh hội họa, do họa sĩ Võ Văn Y (Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Mekong Art, trực thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM) và một số họa sĩ trong cùng câu lạc bộ muốn hướng tới. Cứ từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều thứ Bảy hằng tuần, trong con ngõ trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận), nhiều bạn trẻ câm điếc lại tập hợp tại xưởng vẽ của họa sĩ Văn Y để thỏa sức tung hoành với những màu sắc rực rỡ. Căn phòng vốn chẳng được rộng rãi, nên mỗi khi có tiết học, thầy cô cùng các tình nguyện viên lại dọn dẹp, bố trí cho căn phòng có thêm chỗ ngồi cho học viên.
Lớp học chính thức hoạt động từ tháng 3-2017, xuất phát từ tình thương của họa sĩ Văn Y khi chứng kiến những em nhỏ câm điếc phải mưu sinh bằng công việc nặng nhọc trên đường phố. Ông đã ngỏ ý với các em có hoàn cảnh khó khăn đến với xưởng để được tìm hiểu, trải nghiệm và học tập môn hội họa. Thời gian đầu đứng lớp, họa sĩ Văn Y thấy việc truyền đạt kiến thức không hề đơn giản. Nhưng may sao, các học viên của ông đều biết đọc, biết viết, nên khi giảng bài, ông thường viết lên bảng. Qua một thời gian đồng hành cùng nhau, thầy cũng “bắt nhịp” được một số biểu đạt trong ngôn ngữ ký hiệu của các trò.
Các học viên câm điếc của lớp Âm thanh hội họa thỏa sức sáng tạo với nhiều màu sắc - Ảnh: Âm thanh hội họa
Họa sĩ Văn Y chia sẻ, điểm chung ở các học viên là luôn tồn tại âm ỉ sự ức chế trong tâm lý, mà không thể giải phóng thành lời. Thông qua những tiết học, ông mong muốn giúp các trò giải tỏa được những dồn nén trong cảm xúc bằng màu sắc. Không chỉ giải tỏa, học viên còn có thể dùng hội họa để truyền đi những tâm tư, nguyện vọng tới người xem. Từ đó, mỗi học viên đến với lớp dần cảm nhận cuộc đời cũng đầy màu sắc như những bức tranh mà mình tự vẽ ra. Đó cũng chính là tinh thần của cái tên Âm thanh hội họa mà họa sĩ Văn Y đã đặt cho lớp học.
Ban đầu lớp học chỉ có 4-5 học viên. Sau đó, thông tin về lớp học được lan truyền trên mạng và qua lời giới thiệu của các học viên, nên nhiều phụ huynh biết và đưa con em đến học. Đến nay, lớp còn đón thêm một số học viên thuộc các dạng khuyết tật khác như khuyết tật vận động, chậm phát triển trí tuệ. Trước đây, lớp hướng đến đối tượng các bạn trẻ, nhưng một số người khuyết tật lớn tuổi vì thích không khí của lớp, cũng đã chủ động tìm đến. Học viên lớn tuổi nhất hiện tại là 72 tuổi, và nhỏ nhất là 15 tuổi.
Cứ 2-3 tháng, các học viên lại được tìm thêm cảm hứng sáng tác mới trong những chuyến dã ngoại ở ngoại thành. Trong chuyến đi, các học viên không còn cảm giác bỡ ngỡ, mặc cảm mỗi khi gặp gỡ những khách du lịch trong và ngoài nước. Mỗi người đều tự hào giới thiệu bản thân là những họa sĩ khuyết tật, được Hội Mỹ thuật TP.HCM công nhận. Được nhìn thấy nụ cười, sự hạnh phúc của các học viên là điều khiến họa sĩ Văn Y cảm thấy thành công nhất khi tổ chức lớp học này.
Mỹ thuật được thưởng thức bằng tay
Nếu như người câm điếc có thể làm họa sĩ, thì người mù cũng hoàn toàn có thể tạo ra các tác phẩm mỹ thuật và thưởng thức những tác phẩm ấy. Đó chính là nỗ lực mà dự án Sờ, nặn, bóp (Hà Nội) thực hiện. Đây là dự án được khởi xướng bởi nghệ sĩ Trần Lương, do Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật APD tổ chức, với sự đồng hành của Tổ chức Vietnam and Friends. Dự án tích hợp chuỗi các hoạt động thực hành nặn đất sét và trải nghiệm tác phẩm trong điều kiện không sử dụng thị giác.
Khán giả khiếm thị thích thú với các tác phẩm được tạo ra bởi những học viên của dự án Sờ, nặn, bóp - Ảnh: APD
Là một trong chuỗi sự kiện của dự án Sờ, nặn, bóp, Nặn đất trong bóng tối là hoạt động được thực hiện vào cuối tháng 10-2024. Thông qua việc nặn đất sét trong khi không nhìn bằng mắt, những người tham gia gồm cả người “sáng” lẫn người mù được hướng dẫn, cùng nặn ra những khối hình từ trí tưởng tượng của mình, đó có thể là con gà gọi bình minh thức dậy, gia đình, bạn bè mến thương… Qua đó, mỗi người như tìm thấy những cách diễn giải, trình bày tư duy, quan điểm của cá nhân đầy mới mẻ, mà không nhất thiết phải bằng lời nói và chữ viết thông thường.
Nghệ sĩ Trần Lương chia sẻ, nặn đất sét là khả năng bẩm sinh của con người, việc nặn đất đơn giản như hành vi tạo tác nguyên thủy, không cần đến kiến thức của nghệ thuật tạo hình. Hành vi ấy được ông lý giải là tự nhiên như cách con người trong thời sơ khai từ đất nặn ra những món đồ gốm thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày. Bạn Nguyễn An Như (sinh viên khiếm thị tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chia sẻ với niềm vui mừng: “Đây là lần đầu tiên tôi được chú tâm nặn đất, tạo tác một tác phẩm nghệ thuật cùng bạn bè. Hoạt động này cho tôi được thỏa sức sáng tạo về hình khối”.
Sau Nặn đất trong bóng tối, buổi trưng bày - tương tác Nhìn bằng tay đã giới thiệu tới công chúng những tác phẩm được hoàn thiện sau quá trình sáng tác. Mỗi tác phẩm đất nặn được đặt trong một chiếc hộp vuông, bên ngoài phủ một lớp cỏ. Để “chiêm ngưỡng” tác phẩm, khán giả áp sát da vào lớp cỏ bên ngoài hộp, thò tay vào để cảm nhận vẻ độc đáo của tác phẩm. Vì được tạo ra từ trí tưởng tượng, mỗi tác phẩm như thể phá vỡ chuẩn mực trong tạo hình thông thường về những sự vật có thể được nhìn thấy bằng mắt. Theo nghệ sĩ Trần Lương, mượn việc nhìn bằng tay để mở ra sự tái nhận thức trong mỗi người đến thưởng thức nghệ thuật. Bạn Nguyễn Mạnh Quyết (sinh viên khiếm thị tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) mong muốn, bằng các tác phẩm trong triển lãm, có thể giúp cho mọi người hiểu thêm cảm nhận của người khiếm thị về thế giới xung quanh.
Một trong những tác phẩm do học viên của dự án Sờ, nặn, bóp thực hiện dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trần Lương - Ảnh: APD
Nghệ sĩ Trần Lương cho biết thêm, trong tương lai, Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD sẽ tổ chức các khóa chia sẻ kiến thức về vật liệu, cách thức thực hành tạo hình bài bản. Qua đó, tạo điều kiện để người khiếm thị có thể dễ dàng khám phá và mô tả thế giới tưởng tượng của mình. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức hoạt động giao lưu cho các nhà văn trẻ, nhằm gợi mở những chiêm nghiệm thú vị về thế giới nội tâm của người khiếm thị.
Những người yếu thế giờ đây ngày càng được hòa mình vào với cộng đồng nhờ có sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức. Điều đó giúp cho những người khiếm khuyết được hưởng thụ văn hóa ngày một phong phú hơn. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, những người yếu thế được tham dự, hòa mình vào các loại hình nghệ thuật, giúp họ có nhiều niềm vui, tự tin hơn trong sáng tạo. Tinh thần nhân văn đó ngày càng được lan tỏa rộng rãi, để rồi, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn tiếp tục ra đời, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa mọi đối tượng trong xã hội.
AN NGỌC - NAM DƯƠNG