Nâng đỡ tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Tiết mục của Nhà hát Tuồng Việt Nam - Ảnh: Liên Hương

 

Đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tài năng là một trong những nguồn nhân lực quan trọng đối với sự phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật (VHNT). Trong xu thế hội nhập, đặc biệt trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đội ngũ sáng tác, phê bình VHNT cần được chú trọng quan tâm đầu tư. Vì vậy, cần có những chính sách và giải pháp cụ thể trong việc nâng đỡ tài năng trẻ, phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy các giá trị văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Thực trạng về tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT

Tìm kiếm đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực VHNT những năm gần đây luôn được Nhà nước chú trọng quan tâm. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1341/QĐ-TTg, ngày 8-7-2016 ban hành Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu “Phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội để trở thành những nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy; tham gia biểu diễn, dự thi các chương trình, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế; phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế; trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước”.

 Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị đào tạo nghệ thuật thực hiện triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực VHNT. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm gần đây, các trường năng khiếu văn hóa, nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL đều đặn mỗi năm đều tuyển sinh hệ tài năng một lần. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm tài năng, trong lĩnh vực VHNT vẫn còn bị thiếu hụt, gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để có đội ngũ tài năng trẻ, một trong những yếu tố quan trọng đó là khâu tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng. Thực tế cho thấy, nguồn tuyển sinh đầu vào của các cơ sở đào tạo tài năng nghệ thuật bị khan hiếm. Bởi, đối với các trường nghệ thuật, khâu tuyển sinh mang tính đặc thù, nên học sinh đăng ký phải có năng khiếu, cộng thêm các môn xét tuyển theo quy định, vì thế số lượng thí sinh đăng ký cũng bị hạn chế.

Đơn cử, để thi vào Khoa viết văn, báo chí Trường Đại học học Văn hóa thì học sinh phải dự tuyển bằng: tác phẩm dự thi; song song với đó là thi hai môn trực tiếp: phỏng vấn và sáng tác trực tiếp trong vòng 3 tiếng; đồng thời xét cả điểm tốt nghiệp PTTH. Khi được tuyển vào trường, trong quá trình học tập, các học sinh sẽ thi vào hệ tài năng. Các em thi đỗ hệ tài năng sẽ được ưu tiên về học phí, học bổng… Đối với Khoa Viết văn, báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mỗi năm tuyển được khoảng 15 học viên, có những năm ít hơn. Trong quá trình học tập, đào tạo, các giảng viên sẽ phát hiện những ưu thế của học viên để chuyển sang đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực như viết văn, phê bình.

Đối với các ngành biểu diễn nghệ thuật, số lượng học sinh đăng ký theo học cũng ngày càng giảm. Trước đây, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội mỗi kỳ tuyển sinh nhà trường nhận khoảng trên 3000 hồ sơ đăng ký, thì những năm gần đây, số lượng này chỉ còn gần 1.500 hồ sơ. Trong đó, số lượng học sinh thi tuyển vào các ngành Nhạc công, kịch hát dân tộc, đạo diễn sân khấu không nhiều. Số lượng nghệ sĩ trẻ chuyên về sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương ra trường hằng năm thường rất thấp, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành sân khấu truyền thống không nhiều, thường chỉ khoảng vài chục người. Đặc biệt khoa lý luận, phê bình càng hạn chế, những năm gần đây không mở được lớp vì không có thí sinh đăng ký tuyển sinh đầu vào.

Số lượng học sinh đăng ký đầu vào của các trường chuyên ngành VHNT bị giảm sút một phần nguyên nhân là do tại các trường đại học khác cũng có các khoa đạo tạo một số ngành liên quan đến VHNT, nên học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực sáng tác VHNT, cùng với việc học tập, trau dồi trên giảng đường đại học thì cũng cần phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, cũng như học tập trong thực tế mới có được tác phẩm “sạch nước cản”. Hay đối với chuyên ngành phê bình - lý luận càng khó khăn hơn, bởi để có thể phê bình một tác phẩm VHNT thì đòi hỏi phải có cả một quá trình dài học tập, nghiên cứu sâu về một lĩnh vực. Các sinh viên sau 4 năm học tập, rời giảng đường đại học mới chỉ nắm được kiến thức phần cơ bản, vì thế đòi hỏi phải tiếp tục học hỏi, nghiên cứu. Trong khi sau khi hoàn thành khóa học, thì nhu cầu tìm kiếm công việc phục vụ đời sống sinh hoạt được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế để nuôi dưỡng đam mê sáng tác, phê bình lý luận đối với các bạn trẻ gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, nên họ không mặn mà, theo đuổi.

 Một trong những lý do khiến học sinh không chọn thi tuyển vào các trường nghệ thuật còn vì sau khi ra trường các học viên sống bằng nghề rất khó khăn. Bởi, trong sáng tác văn học, để có một tác phẩm tạo nên những “gợn sóng” trong làng viết, thì người cầm bút phải trải qua biết bao nhọc nhằn, khổ luyện, thậm chí là thiếu thốn cả về vật chất.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn các nghệ sĩ trẻ cũng phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Đơn cử, tại các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, các gương mặt diễn viên trong các đoàn nghệ thuật thường “khá quen mặt”, ít gương mặt trẻ xuất hiện. Tình trạng này đã có trong nhiều năm, bởi phần lớn đội ngũ nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là làm việc tại các nhà hát đều trực thuộc các bộ, ngành, và mỗi năm chỉ có vài vở diễn, thời gian sáng đèn tại các nhà hát không nhiều, lượng khán giả đến với sân khấu ít ỏi. Việc dựng, đạo diễn phần lớn được gửi gắm cho các “cây đa, cây đề”, đội ngũ sáng tác trẻ chưa được các nhà quản lý quan tâm, đặt niềm tin, vì thế dẫn đến tình trạng sẽ bị thui chột đi đội ngũ sáng tác trẻ.

Chính vì thế, nhìn vào các hội chuyên ngành VHNT, việc xét kết nạp các hội viên dường như thiếu vắng các gương mặt trẻ. Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn có các nhân tố hội viên trẻ được kết nạp hằng năm, thì ở các địa phương, những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực VHNT càng hiếm hoi. Nếu như Hội Điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm luôn thiếu vắng gương mặt trẻ, thì Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng rơi vào tình trạng như vậy. Đặc biệt là lĩnh vực sân khấu truyền thống, tại các nhà hát nhiều năm không tuyển được đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ trẻ.

 Theo số liệu khảo sát tại Hội Nhà văn Việt Nam, tỉ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 5%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống thì chỉ được khoảng 3% trên tổng số hơn một nghìn hội viên, một con số quá thấp và đã tồn tại như thế nhiều năm nay. Hằng năm, Ban Nhà văn trẻ căn cứ vào chất lượng tác phẩm, tiềm năng và sự dấn thân, cống hiến của các cây bút trẻ, để giới thiệu lên Ban Chấp hành xem xét kết nạp vào Hội. Tuy nhiên số lượng mỗi năm chưa nhiều, trung bình khoảng 5-6 người, tương đương 10% hội viên mới được kết nạp. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam thì có khá nhiều cây bút trẻ mong muốn trở thành hội viên của Hội. Tuy nhiên, để trở thành hội viên, thì đó phải là những cây bút có tác phẩm chất lượng, gây được ấn tượng với Ban Chuyên môn và bạn đọc.

Trong khi đó, những năm gần đây nước ta đang trong xu thế hội nhập, các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học… nước ngoài ồ ạt tràn vào. Sự hấp dẫn, mới lạ đó đã làm cho thị hiếu, thưởng thức của người dân dần thay đổi, bị phân tán, không còn mặn mà với các loại hình VHNT truyền thống nước nhà. Nền nghệ thuật Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt chư từng có. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sân khấu truyền thống mất đi một lượng lớn khán giả yêu nghệ thuật.   

Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, trong 10 năm gần đây, có một số gương mặt đạo diễn trẻ Việt Nam (chủ yếu là các nhà làm phim độc lập) đã thành công tại các liên hoan phim quốc tế. Họ là những người làm phim năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn và hội nhập quốc tế. Và chính đội ngũ sáng tác, sản xuất phim trẻ này chính là lực lượng nòng cốt, góp phần để điện ảnh Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, đội ngũ làm phim trẻ lại chưa được thực sự quan tâm, họ gặp phải những trở ngại về chính sách trong quá trình làm phim trong nước…

Một số giải pháp góp phần nâng đỡ tài năng trẻ trong lĩnh vực VHNT

Để đội ngũ nghệ sĩ trẻ lĩnh vực VHNT được phát huy tài năng và phát triển, cần có những giải pháp đồng bộ.

Đối với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống, cần đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với các trường học phổ thông, các khóa học hè, các chương trình hướng nghiệp, thông qua đó giúp các em được sớm tiếp cận với nghệ thuật, từ đó hình thành đam mê, phát triển kỹ năng, từ đó phát hiện và ươm mầu tài năng trẻ.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường năng khiếu, bên cạnh đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, am hiểu sâu về từng loại hình nghệ thuật, truyền đạt kiến thức cũng như cảm hứng để nuôi dưỡng niềm đam mê đến với học viên. Thì cần phải giúp sinh viên hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, và tinh thần của mỗi loại hình âm nhạc, nghệ thuật truyền thống. Điều đó sẽ giúp học viên hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật đang theo đuổi, góp phần giúp họ truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa cũng như thăng hoa cùng tác phẩm. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ thích hợp, tạo môi trường làm việc để các sinh viên tài năng sau khi ra trường tiếp tục phát huy sở trường, thế mạnh.

Tại các Nhà hát truyền thống, Nhà nước cũng cần có các chính sách trong công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ, thông qua đó để tìm kiếm tài năng. Tạo điều kiện để các tài năng, diễn viên trẻ được đứng trên sân khấu thể hiện bản thân; hay được tham gia các cuộc thi, liên hoa, sự kiện văn hóa, qua đó giúp họ thực hành, rèn luyện, tự tin hơn trong biểu diễn…

Trong sáng tác VHNT, cần tạo điều kiện, môi trường để các tác giả trẻ khám phá, sáng tác tác phẩm. Đồng thời, tác phẩm của họ cần được quảng bá, sử dụng, đến với công chúng. Đối với sáng tác văn học, phê bình lý luận VHNT, các tài năng trẻ cần được tài trợ kinh phí để họ có điều kiện, chuyên tâm trong nghiên cứu, sáng tác. Đồng thời, để nâng cao tay viết, bên cạnh tham gia các trại sáng tác, giao lưu với các nhà văn dày dặn kinh nghiệm thì những người viết trẻ cũng cần được tạo điều kiện trong việc đào tạo chuyên sâu tại các nước có nền văn học cũng như nền phê bình lý luận phát triển.

Để các tài năng trẻ trong lĩnh vực điện ảnh được phát huy, cung cấp cơ hội làm việc trong các dự án phim là thực sự cần thiết, từ đó họ có thể học hỏi thêm các kỹ năng trong sản xuất phim. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để tài năng trẻ về điện ảnh tham gia các sự kiện, hoạt động về điện ảnh, qua đó giúp họ được giao lưu với khán giả, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà sản xuất, góp phần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình làm phim; có chính sách đãi ngộ trong việc tài trợ, hỗ trợ về kỹ thuật sẽ giúp các tài năng trẻ thực hiện ý tưởng của mình mà không bị giới hạn bởi chi phí và công nghệ…

Đào tạo, bồi dưỡng và nâng đỡ tài năng trong lĩnh vực VHNT là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển nền VHNT nước nhà, cũng như góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

                                  

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.

 

Ths. NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH

Phó Trưởng Ban Tạp chí điện tử, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

;