Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã đơm hoa kết trái trên quê hương Phong Điền (thành phố Huế). Quân và dân Phong Điền cùng với quân và dân cả nước không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và tài sản, trí tuệ và công sức, tất cả vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc. Đây chính là ngọn nguồn sức mạnh để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Cơ sở hạ tầng thị xã Phong Điền ngày càng khang trang, hiện đại
Đúng 17 giờ ngày 8/3/1975, các đơn vị của Trung đoàn 4 Quân khu Trị Thiên đánh chiếm Phổ Lại (Phong Sơn) gồm cao điểm 57 và 37 do Tiểu đoàn 130 Bảo An thuộc quyền chỉ huy của Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy chiếm giữ. Sau hơn 30 phút tiến công mãnh liệt bằng pháo binh, bộ binh, ta nhanh chóng làm chủ khu A và một số mục tiêu khác. Cùng với đòn tiến công của Trung đoàn 4, ở mặt trận phía Bắc, lực lượng quân khu, thành phố và thị xã cùng các đội du kích địa phương tấn công các phân chi khu quân sự của địch tại Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương, Phong Hiền, Phong An. Đồng thời, các chi bộ cơ sở đã phát động, cung cấp lương thực, thuốc men, chăm sóc thương binh và dẫn đường cho bộ đội truy kích địch. Trước khí thế tấn công của ta, ngụy quyền tại các xã mất phương hướng. Ở vùng đồng bằng, bộ đội chính quy và địa phương, du kích đã tấn công nhanh gọn Phân chi khu Phong Lộc (tức Phong Chương); nhân dân và du kích các xã Phong Chương, Phong Bình, Phong Hòa, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu… đồng loạt nổi dậy, làm tan rã lực lượng dân vệ và ngụy quyền cấp xã. Ta giành dân, giữ dân, giành quyền làm chủ một vùng rộng lớn.
Phía địch dù thất bại vẫn ngoan cố tiến hành ngăn chặn ta ở giáp ranh các thôn, ấp, tăng cường gài mìn, phục kích bắt thanh niên, phụ nữ, xây dựng hầm hào, các ụ điểm nhằm đề phòng sự tấn công bất ngờ của ta. Bên ngoài chúng tăng cường đối phó nhưng bên trong thì hoang mang, co cụm, nhiều ấp bị bỏ trống… từ đó tạo cho ta nhiều thuận lợi trong việc triển khai tấn công. Chỉ trong 2 ngày đêm, ta đã đánh vào 22 ấp, phát động gần nghìn người dân treo cờ, rải truyền đơn ở các thôn, ấp, đọc lời kêu gọi của UBND cách mạng, của Mặt trận thành phố. Ta thu về được thắng lợi to lớn, nhất là đã đánh bại và tiêu diệt bọn ác ôn kìm kẹp ở địa phương quan trọng vùng sâu.
Từ những ngày đầu tháng 3 lịch sử, quân và dân Phong Điền phối hợp chặt chẽ với Bộ đội chủ lực của Quảng Trị, Tiểu đoàn 10 (K10), Đại đội 3 (C3) của thành phố Huế và những đơn vị đóng quân trên địa bàn đồng loạt nổi dậy tấn công với khí thế ào ào ra trận với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”. Trước khí thế tiến công của cách mạng, rạng sáng 23/3/1975, các chi bộ đảng, các đơn vị du kích, đội công tác của huyện phát động quần chúng phối hợp với các lực lượng vũ trang nhất tề nổi dậy truy lùng bọn ác ôn, bắt tàn binh địch, thu vũ khí. Hàng trăm tên địch hoang mang, vứt súng đạn đào ngũ tháo chạy. Đêm 23/3/1975, ta đã chớp lấy thời cơ, đánh đuổi bọn dân vệ gác cầu Phò Trạch, chủ động tiến công chiếm quận lỵ Phong Điền, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được kéo lên đỉnh cột cờ giữa sân quận lỵ Phong Điền. Đồng thời, các mũi tấn công của ta tiếp tục truy kích tàn binh địch. Đúng 3 giờ ngày 24/3/1975, huyện Phong Điền (nay là thị xã Phong Điền) được hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng giải phóng thành phố Huế vào ngày 26/3/1975.
Ông Võ Văn Vui, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Phong Điền cho biết: “Bước vào thời kỳ mới, Đảng bộ, quân và dân Phong Điền đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quê hương Phong Điền sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu, kết quả đạt được, phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, thử thách; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyết tâm xây dựng quê hương Phong Điền ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng thành phố Huế phát triển nhanh và bền vững”.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phong Điền
“Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phong Điền đã đoàn kết, nỗ lực, phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng quê hương Phong Điền ngày càng phát triển. Kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch từ Nông nghiệp 58%, Dịch vụ 32%, Công nghiệp 10% (năm 1991)… sang Công nghiệp 61%, Dịch vụ 21%, Nông nghiệp 18% (năm 2025). Sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt hơn 62.000 tấn/năm (tăng gấp 2,3 lần so với thời kỳ 1991-1995); tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 15%/năm (tăng 2,2 lần so với thời kỳ 1996-2000); tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 đạt hơn 22.000 tỷ đồng (tăng hơn 200 lần so với giai đoạn 1996 - 2000). Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13/12/2021 của Tỉnh ủy (nay là Thành ủy) về xây dựng, phát triển Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Điền đã đoàn kết, nỗ lực, với quyết tâm chính trị cao nhất xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV và trở thành Thị xã. Đây chính là dấu mốc quan trọng và là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phong Điền trong tiến trình phát triển, đi lên” - ông Vui thông tin.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế phát biểu tại buổi lễ
Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phong Điền, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế - ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tựu to lớn, ý nghĩa mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Phong Điền đã nỗ lực phấn đấu, đạt được trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và 50 năm xây dựng và phát triển: “Trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, Phong Điền luôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quân sự, chính trị, là cửa ngõ của thành phố Huế, có quan hệ chặt chẽ, sống còn đối với thành phố. Trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Phong Điền cùng với thành phố Huế luôn vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để giữ chính quyền, tiến hành kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chi viện cho cả nước và lập nên những chiến công oanh liệt. Giải phóng Phong Điền không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà trực tiếp là Khu ủy Trị Thiên, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. Sức mạnh tổng hợp của 3 lực lượng là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã chặt đứt một mắt xích quan trọng, xung yếu của địch ở vành đai hành lang thành phố Huế, mở rộng vùng giải phóng của tỉnh, góp phần giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975”.
50 năm qua, kể từ ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phong Điền đã đoàn kết một lòng, kế tục xứng đáng truyền thống anh hùng của quê hương, nỗ lực sáng tạo, tìm ra những hướng đi thích hợp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Hiện nay, Phong Điền đã khoác áo mới với hạ tầng đô thị khang trang, đường sá thông thương, cảnh quan môi trường sạch - đẹp. Cơ cấu kinh tế của thị xã tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, chú trọng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp (chiếm 20%). Thu nhập bình quân đạt 75,7 triệu đồng/người. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường. Đảng bộ thị xã có hơn 4.000 đảng viên, với 51 tổ chức cơ sở đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớphân dân Phong Điền hết sức vui mừng và phấn khởi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 1314 về công nhận Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phong Điền trở thành thị xã.
VĂN KHÁNH TRÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025