Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Ca Huế

Năm 2015, Ca Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật Ca Huế" trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương là hoạt động thu hút khách du lịch mỗi khi đến Huế tham quan - Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn

 

Ngày 7/7/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 7/7/2021 phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2021- 2025”. Việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025” là hết sức cần thiết, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị đặc trưng của Ca Huế.

Trong thời gian qua, Ca Huế đang từng bước khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ Ca Huế để trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, góp phần vào thành công đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở về Ca Huế đã được triển khai thường xuyên, định hướng đúng, cụ thể như:

1. Tổ chức Liên hoan Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên: Với mục đích đưa Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên đến gần hơn với công chúng, năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Ca Huế và Dân ca Bình Trị Thiên gồm sự tham gia của 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, tại Liên hoan lần này, các bài bản lớn và khó của Ca Huế như: Phú lục, Nam Bình, Tứ đại cảnh... lần đầu tiên được các nghệ nhân đưa vào trình diễn trên sân khấu quần chúng, qua đó nhằm bồi dưỡng các thế hệ nghệ nhân, các văn nghệ sĩ trẻ cũng như công chúng biết thêm về loại hình dân ca mang âm hưởng bác học này. Liên hoan cũng là dịp để công chúng Thừa Thiên Huế nói riêng, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức, hiểu thêm về Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên.

2. Đưa ca Huế và các điệu lý Huế vào các chương trình nghệ thuật tham gia các Liên hoan do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức như: Câu hò nối những dòng sông, Tiếng hát làng Sen, Đàn và hát dân ca… Qua mỗi kỳ Liên hoan, nội dung các chương trình tham dự đều đem đến cho Ban Tổ chức và công chúng những tiết mục đặc sắc mang bản sắc độc đáo riêng của Ca Huế dân ca Huế, trong đó có các bài bản lời cổ và sáng tác lời mới dựa trên làn điệu Ca Huế và điệu lý Huế phù hợp với chủ đề của Ban Tổ chức. Sự chú trọng trong công tác dàn dựng và nội dung đã góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị độc đáo của Ca Huế đến công chúng.

3.  Đưa ca Huế vào trường học: Một trong nhiều hoạt động điển hình đáng ghi nhận của việc giáo dục di sản cho học sinh được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện khá tốt thời gian vừa qua chính là chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học nhờ sự phối hợp tích cực của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Việc tập huấn hát Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường THCS ở thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế tại các trường THCS là việc làm hết sức ý nghĩa và kịp thời. Thông qua mô hình CLB, Ca Huế được triển khai tại nhiều trường học. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, với nhiều hình thức như: Tổ chức biểu diễn hát Ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, lễ khai giảng và các dịp lễ kỷ niệm, chương trình liên hoan văn nghệ, ngoại khóa tìm hiểu về Ca Huế nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật Ca Huế.  Việc đưa Ca Huế vào trường học, đồng thời hình thành mô hình CLB Ca Huế tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, qua đó tạo được sự tiếp cận, kế cận và bồi dưỡng hạt nhân Ca Huế cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là một hoạt động mang tính định hướng lâu dài và kế thừa, phát huy và nhân rộng loại hình Ca Huế đến với lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, đại đa số lớp trẻ không mặn mà với loại hình âm nhạc dân gian thì đây là hướng đi đúng đắn, bền vững, từ đó nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế trong đời sống đương đại.

4. Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế và điệu lý Huế.

Từ năm 2014, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (trước là Trung tâm Văn hóa và Thông tin) tỉnh đã tổ chức 2 cuộc thi sáng tác lời mới Ca Huế và dân ca Huế, thu hút đông đảo các bài dự thi với nhiều thể loại phong phú của Ca Huế cũng như dân ca Huế.

Năm  2021, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cuộc thi “Sáng tác lời mới dựa trên các bài bản Ca Huế” nằm trong kế hoạch hưởng ứng chủ trương xây dựng Bộ hồ sơ di sản nghệ thuật Ca Huế đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, bảo vệ và phát huy các giá trị nghệ thuật Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau mỗi cuộc thi, Ban Tổ chức đều chọn những tác phẩm đoạt giải, có chất lượng để xuất bản, làm tài liệu phục vụ cho công tác văn hóa ở cơ sở.

5. Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 - 2022 (theo Quyết định số 1867/ QĐ-UBND ngày 19/8/2017 của UBND tỉnh), tháng 11/2019, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã biên soạn, xuất bản cuốn “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nhằm giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật Ca Huế. Các chuyên mục gồm Ca Huế - Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật; Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế trong đời sống đương đại. Sau khi ra đời, cuốn sách “Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đã thu hút được đông đảo bạn đọc, đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên… muốn nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật Ca Huế. Việc được tái bản và lựa chọn đưa vào Tủ sách Huế bên cạnh việc bổ sung nguồn tư liệu quý đến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc trưng của văn hóa Huế, đặc biệt trong quá trình xây dựng Bộ hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 6. Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (trước là Trung tâm Văn hóa Thông tin) đã phối hợp với các cá nhân là nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trên địa bàn tỉnh xuất bản sách các sáng tác lời mới dựa trên bài bản Ca Huế và dân ca Huế. Xuất bản các sáng tác lời mới của nghệ nhân, nghệ sĩ trên địa bàn về Ca Huế và dân ca Huế ngoài việc ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị Ca Huế, đồng thời làm phong phú tài liệu cho công tác văn hóa cơ sở, vừa bảo tồn được loại hình âm nhạc đặc trưng vừa mang yếu tố bác học (các làn điệu ca Huế), vừa mang yếu tố dân gian (các làn điệu dân ca: lý, hò, vè, nói vần, nói lối...).

7. Duy trì hoạt động các CLB Ca Huế trên địa bàn tỉnh với hình thức và nội dung sinh hoạt của các CLB Ca Huế là phù hợp với yêu cầu của việc bảo tồn, phát huy các giá trị dân gian ca Huế và dân ca Huế. Thông qua hình thức sinh hoạt các CLB, thành viên các CLB hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ca Huế có vai trò là người truyền bá văn hóa Huế, truyền bá những làn điệu dân ca Huế mang đậm bản sắc địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, từ đó phát huy, lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân gian ca Huế và dân ca Huế trong đời sống xã hội một cách thiết thực, hiệu quả.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc dân tộc thấm sâu vào đời sống của công chúng, nhất là lớp trẻ, nhân rộng, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống quý báu qua các làn điệu dân ca của cha ông ta để lại là rất cần thiết trong xu thế hội nhập và phát triển, vì chính bản sắc văn hóa tạo nên sự hòa nhập mà không hòa tan. Để góp phần giữ gìn nét văn hóa dân gian độc đáo đó, việc duy trì và phát triển các CLB Ca Huế có ý nghĩa rất lớn, đây chính là kênh truyền bá, truyền dạy và nhân rộng loại hình này đến công chúng khá hiệu quả. Các hoạt động của các CLB Ca Huế góp phần “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Ca Huế” trên địa bàn tỉnh, đặc biệt mô hình CLB Ca Huế trong các trường học là rất thiết thực, cần nhân rộng,  thông qua đó tạo niềm đam mê với di sản văn hóa dân gian đặc sắc Ca Huế và dân ca Huế đến các em, các nhân tố mới, hạt nhân phong trào Ca Huế sẽ được phát hiện, bồi dưỡng, kế thừa, phát huy loại hình âm nhạc dân gian độc đáo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của vùng đất cố đô.

8. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên các tuyến phố đi bộ, tại không gian văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhằm, giới thiệu giá trị di sản của Ca Huế đến công chúng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và các lễ hội, festival… Diễn viên là các CLB, đội nhóm, các nghệ nhân Ca Huế tham gia biểu diễn, ngoài ra còn có các dàn nhạc thuộc Học viện Âm nhạc Huế, CLB Ca Huế thính phòng… Hoạt động này đã lan tỏa được giá trị của một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đến đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.

9. Sự quan tâm của người dân đối với nghệ thuật Ca Huế: Trong dịp khánh thành các nhà thờ họ ở một số làng trên địa bàn tỉnh, người dân luôn chú trọng việc tổ chức chương trình Ca Huế, mời các nghệ nhân, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn về biểu diễn. Trong đó, tiêu biểu tại làng Kế Môn, huyện Phong Điền, việc khánh thành đình làng, họ tộc và một số lễ trọng đại của làng, họ tộc luôn có đoàn biểu diễn Ca Huể. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện người dân luôn quan tâm, coi trọng nghệ thuật dân gian Ca Huế, qua đó vừa tuyên truyền, quảng bá và phát huy được giá trị độc đáo của loại hình diễn xướng dân gian này trong nhân dân.

Có thể nói, việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2021 đến 2025” đã, đang gặt hái được những hiệu quả tích cực. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng hành bảo vệ di sản của cả cộng đồng, Ca Huế sẽ ngày càng phát huy hết giá trị theo hướng bảo tồn bản sắc và bền vững.

Đại nội Huế - Nguồn: svhtt.thuathienhue.gov.vn/

 

 

THANH THÚY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 498, tháng 5-2022

 

;