Mô hình Phát triển dựa trên văn hóa (Culture Based Development-CBD Model) mang đến những thay đổi căn cơ trong cách chúng ta nhận thức và tích hợp văn hóa vào các lý thuyết kinh tế và phát triển. Khi bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đã và đang phải trải qua những biến đổi nhanh chóng, khó lường, thì mô hình CBD đang mang đến những tia hy vọng, vạch ra con đường hướng tới phát triển bền vững, toàn diện và hài hòa về mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Bài viết làm sáng tỏ những ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn của mô hình CBD, đồng thời rút ra những hàm ý chính sách quan trọng để có thể áp dụng vào trong thực tế của đời sống kinh tế, xã hội.
Lễ hội Văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế Hà Giang lần thứ I năm 2024 thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế - Ảnh: hagiangtv.vn
1. Phát triển kinh tế, xã hội là một khái niệm liên quan đến hầu hết mọi phương diện của đời sống xã hội loài người. Nếu như các yếu tố truyền thống như công nghệ, vốn, tài nguyên thiên nhiên luôn được các học thuyết phát triển chú trọng, nhìn nhận là những nhân tố tối quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thì yếu tố văn hóa lại thường trừu tượng, “mơ hồ”, khó nắm bắt hay đo lường và thậm chí vai trò của văn hóa như một yếu tố tổng hòa về kinh tế, xã hội đôi khi còn bị gạt ra ngoài lề của các cuộc thảo luận. Từ khi mô hình CBD - một mô hình định lượng đo lường tác động của yếu tố văn hóa đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội được nhà nghiên cứu Annie Tubadji công bố vào năm 2012 (1), lĩnh vực nghiên cứu về các lý thuyết phát triển đã trở nên toàn diện và bao quát hơn.
2. Cơ sở lý thuyết của mô hình CBD càng thêm phần thuyết phục khi trước đó Báo cáo Sự đa dạng sáng tạo của chúng ta năm 1996 của Ủy ban Văn hóa và Phát triển Thế giới đã làm dịch chuyển nhận thức của giới nghiên cứu bằng nhận định: “Văn hóa không phải là một yếu tố ngoại vi mà chính là một trụ cột trọng tâm gắn liền mật thiết với tiến bộ kinh tế, xã hội của các quốc gia và khu vực” (2). Bản Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa năm 2001 của UNESCO cũng đã khẳng định: “Văn hóa không chỉ là kho tàng lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật, văn học đơn thuần, và nhấn mạnh giá trị nội tại của văn hóa trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị, truyền thống và lối sống hình thành nên nền tảng của tất cả xã hội trên thế giới” (3).
Trong lịch sử, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế là tương đối mờ nhạt. Các lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển thường ít đề cập đến vai trò của văn hóa chủ yếu do sự trừu tượng, tính kém tương thích với các phương pháp định lượng (khó lượng hóa tác động của văn hóa). Trước đó, lý thuyết của Veblen vào năm 1899 đã đề cập đến vai trò của văn hóa (như đã nêu ở trên) dưới lăng kính của kinh tế thể chế học (4), nhưng vì thiếu vắng các bằng chứng định lượng nên không phù hợp với các mô hình tăng trưởng tân cổ điển, đã đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực nghiên cứu này. Mãi đến khi những hiểu biết sâu sắc của Myrdal (năm 1957) về các mô hình kinh tế, xã hội (5) cũng như các định đề của Minsky (năm 1982) (6) đã làm dày thêm nền tảng lý thuyết cho mối liên hệ giữa văn hóa và các mô hình phát triển.
Các nghiên cứu thực nghiệm thời kỳ hiện đại của Florida (năm 2005) (7) và Glaeser (năm 2005) (8) nhấn mạnh những tác động kinh tế hữu hình của yếu tố văn hóa và mô hình CBD đã phản ánh rõ nét hơn những phát hiện thực nghiệm này, cho thấy những tác động có thể đo lường được của văn hóa đối với kết quả phát triển kinh tế, xã hội của một số quốc gia được nghiên cứu. Cách tiếp cận của các nghiên cứu vừa nêu giúp thu hẹp khoảng cách giữa độ cứng nhắc về mặt định lượng và tính linh hoạt về mặt định tính, cho phép phản ánh chính xác và toàn diện hơn tác động đa phương diện của văn hóa; đồng thời cũng đã bồi đắp thêm về tính thực tiễn cho mô hình CBD, đo lường tác động xã hội rộng lớn hơn của văn hóa khi các địa phương, vùng đất có thể khai thác nguồn lực/ tiềm năng văn hóa độc đáo của mình không chỉ vì lợi ích kinh tế, thúc đẩy du lịch, thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương mà còn vì sự gắn kết xã hội, tăng trưởng bền vững và phục vụ chiến lược phát triển dài hạn, bền vững thông qua công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, tránh sự mai một của các giá trị, di sản văn hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội cho các thế hệ mai sau.
Hình 1: Mô hình CBD và các kênh truyền dẫn tác động (Nguồn: Tác giả xây dựng dựa trên lý thuyết của Annie Tubadji được công bố vào năm 2012)
Mô hình CBD kế thừa các lý thuyết nêu trên và đã được củng cố, mở rộng, phát triển theo thời gian; đã định vị lại vị trí của văn hóa không phải là yếu tố ngoại vi hay phụ trợ mà chính là động lực, nguồn lực thiết yếu, trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời, chứng tỏ văn hóa và kinh tế không thể loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tồn tại và bổ sung cho nhau trong việc giải thích các hiện tượng kinh tế, xã hội. Đặc biệt, “tác động mang tính địa phương của văn hóa” chính là phát hiện quan trọng của mô hình CBD và chứa đựng nhiều hàm ý chính sách. Trên cơ sở đó, mô hình thừa nhận rằng, văn hóa một khi được tạo ra và tích lũy ở một địa phương sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế của địa phương đó. Quan điểm này rất quan trọng, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa, nơi các nền văn hóa địa phương đang có sự giao thoa mạnh mẽ với các dòng chảy kinh tế toàn cầu. Hiểu được tác động mang tính địa phương của văn hóa giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm văn hóa địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước.
Các bằng chứng nghiên cứu thực nghiệm tại Hoa Kỳ, Trung Quốc hay châu Âu cũng đã củng cố ý nghĩa về mặt thực tiễn của mô hình CBD. Sự năng động của các hoạt động kinh doanh tại một địa phương bắt nguồn từ sự tương tác qua lại của các yếu tố kinh tế, tâm lý con người và văn hóa, xã hội, để từ đó yếu tố văn hóa tác động rõ nét đến nền kinh tế của một vùng, địa phương, hay quốc gia (9). Quan điểm này được bổ sung thêm nhiều góc nhìn thực tiễn nhờ nghiên cứu của Yue Dai (năm 2021) về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc, cho thấy vốn văn hóa, được phân chia thành văn hóa sống và di sản văn hóa đã ảnh hưởng lớn đến động lực và kết quả kinh doanh của nền kinh tế một địa phương (10). Những công trình nghiên cứu này phát đi những tín hiệu mới, buộc các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân cần nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của “hòa hợp văn hóa”, “đa dạng văn hóa”, tận dụng vốn văn hóa để tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tựu trung lại, mô hình CBD mang đến sự thay đổi căn cơ trong cách chúng ta nhận thức và tích hợp văn hóa vào các diễn ngôn về kinh tế và phát triển. Khi bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đã và đang phải trải qua những biến đổi nhanh chóng, khó lường, thì mô hình CBD đang mang đến những tia hy vọng, vạch ra con đường hướng tới phát triển bền vững, toàn diện và hài hòa về mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội.
3. Cách thức phát triển dựa trên nền tảng văn hóa không đơn thuần chỉ là một ý tưởng, mà còn là sự tổng hợp của nhiều hành động chính sách đa ngành, đa lĩnh vực, đa phương diện nhằm khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; tận dụng tối đa những thời cơ, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là khơi gợi khát vọng phát triển, niềm tự hào, niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để áp dụng mô hình này trong thực tế, cần rút ra các hàm ý chính sách sau đây:
Một là, cần tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị tại mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng và phát triển văn hóa nhằm lan tỏa những tinh thần chứa đựng trong các văn bản chiến lược của T.Ư Đảng đến các tổ chức đảng ở cơ sở và từng đảng viên, cán bộ, công chức (nhất là người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp) và nhân dân với mục tiêu giúp cả hệ thống chính trị cùng nắm vững và nhất trí cao nhất với đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa.
Hai là, cần đi sâu làm rõ nội hàm của văn hóa dưới góc độ nghiên cứu khoa học theo cả 2 giác độ: văn hóa nghĩa hẹp và văn hóa nghĩa rộng. Đồng thời, vai trò, sức mạnh, giá trị, tiềm năng của văn hóa với sự phát triển của mỗi con người trong cuộc sống thường nhật (ai không có văn hóa sẽ không thể trở thành một con người “hoàn chỉnh” - tức hoàn thiện về nhân cách, về thế giới quan), đối với từng cơ quan, doanh nghiệp và địa phương, rộng hơn là cả quốc gia cũng cần được đào sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển thành lý luận. Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm rõ, chứng minh bằng cơ sở lý luận, khoa học kết hợp với tổng kết thực tiễn từ các trường hợp quốc gia, địa phương đã áp dụng thành công trong thực tế để giúp hệ thống chính trị, và quan trọng hơn là mỗi cá nhân trong xã hội thấy rằng văn hóa không chỉ là một yếu tố tinh thần, mà còn là nền tảng tinh thần của toàn xã hội, là sức mạnh - nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển của bất cứ nền kinh tế, quốc gia nào. Nếu một quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương hay tổ chức, cá nhân không chú trọng và xây dựng sức mạnh mềm, đặc biệt là sức mạnh mềm về văn hóa, sẽ không phát triển bền vững. Mặt khác, nếu chỉ sở hữu sức mạnh cứng hết sức hạn chế, nhưng tổ chức, cá nhân đó biết nhận diện, xây dựng và phát huy sức mạnh mềm từ văn hóa của chính mình thì sẽ tạo ra được nguồn lực cho sự phát triển (từ sức mạnh mềm tạo nên sức mạnh cứng).
Ba là, các cấp ủy lãnh đạo địa phương cần đề cao và chú trọng yếu tố văn hóa, đạo đức, nhân tâm, nghĩa tình, khoan dung từ công tác xây dựng phương hướng, chủ trương phát triển đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong từng chính sách phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng văn hóa ứng xử từ trong hệ thống chính trị đến trong sinh hoạt cộng đồng theo hướng văn minh, lịch thiệp với những căn tính tốt đẹp mang đậm tính cách của người Việt Nam và của con người ở mỗi địa phương.
Bốn là, nâng cao vai trò của các kênh thông tin truyền thông đại chúng, chú trọng đề cao tính tư tưởng, tính chính xác, khoa học, tính nhân văn và thẩm mỹ trong từng nội dung truyền thông; xem công tác thông tin, truyền thông (cả truyền thông nội bộ trong hệ thống chính trị và truyền thông đại chúng) là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tuyên truyền, lan tỏa các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời, là phương thức mang tính tiên quyết để tạo mặt bằng nhận thức chung, tạo sự đồng thuận và xây dựng sự ủng hộ của các giai tầng xã hội đối với từng chủ trương, hành động chính sách được ban hành.
Năm là, người đứng đầu cấp ủy ở từng cơ quan, tổ chức cần nhận thức sâu sắc và toàn diện về tầm quan trọng của văn hóa tương xứng với các yếu tố kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, để từ đó tạo sự chuyển biến thực chất trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cấp ủy, mỗi người đứng đầu, tạo thành những hành động chỉ đạo cụ thể giúp phát huy triệt để “sức mạnh mềm” từ văn hóa của địa phương, kết hợp với các loại hình “sức mạnh cứng” hình thành sức mạnh tổng hợp kiến tạo phát triển bền vững.
Sáu là, vì khái niệm văn hóa khá trừu tượng, sự nhận thức của mỗi người về vai trò của văn hóa sẽ không thể đồng nhất, do đó cần phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, quán triệt với chỉ đạo thực hiện thí điểm, xây dựng các mô hình điển hình về tác dụng của văn hóa đối với phát triển, về xây dựng văn hóa trong chính trị - kinh tế - văn hóa, qua đó từ những thành công của các mô hình thí điểm sẽ tạo được niềm tin đối với nhân dân và đội ngũ cán bộ, tạo cơ sở để nhân rộng những bài học kinh nghiệm thành công và biến thành những chính sách áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố; trong bối cảnh nếu ngân sách địa phương hạn hẹp, các điều kiện kinh tế, tài chính khó khăn, cần linh hoạt huy động các nguồn lực xã hội hóa, sự đóng góp từ các thành phần kinh tế khác nhau.
Đặc biệt, cần kiên quyết phòng tránh và bài trừ “tư duy nhiệm kỳ” - là một trong những nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng “đứt gãy chính sách”, “lợi ích nhóm”, các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, “sân sau”…; cần thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, nêu cao tinh thần tuân thủ Hiến pháp, thượng tôn Pháp luật; xây dựng đội ngũ Đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo các cấp cần phải liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực (vì các hành vi vừa nêu đều là “phi văn hóa”); cần quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì lợi ích chung của địa phương, của người dân, nhưng không được chọn doanh nghiệp để biến thành “sân sau”.
____________________
1. Annie Tubadji, Culture based development: culture as an encompassing socio-economic factor (Phát triển dựa trên văn hóa: Văn hóa như một yếu tố kinh tế xã hội toàn diện), Journal of Institutional Economics, 2012.
2. World Commission on Culture and Development, Our Creative Diversity: Report of the World Commission on Culture and Development, (Sự đa dạng của chúng ta - Báo cáo của Ủy ban Văn hóa và Phát triển Thế giới), UNESCO, Paris, 1996.
3. UNESCO, Universal Declaration on Cultural Diversity (Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa), UNESCO’s 31st General Conference, Paris, 2001.
4. Thorstein Veblen, The theory of the leisure class, (Lý thuyết về tầng lớp nhàn rỗi), An Economic Study in the Evolution of Institutions, New York, 1899.
5. Gunnar Myrdal, Rich Lands and Poor: The Road to World Prosperity (Những vùng đất giàu có và người nghèo khổ - Con đường dẫn đến sự thịnh vượng của thế giới), Harper & Bros, New York, 1957.
6. Hyman Minsky, The financial-instability hypothesis: Capitalist processes and the behavior of the economy (Giả thuyết bất ổn tài chính - Các quá trình tư bản và hành vi của nền kinh tế), Financial Crises: Theory,
History, and Policy, Cambridge, 1982.
7. Richard Florida, The Flight of the Creative Class: The New Global Competition for Talent (Chuyến bay của tầng lớp Sáng tạo: Cuộc cạnh tranh mới trên toàn cầu về tài năng), Harper Collins, London, 2005.
8. Edward Glaeser, Review of Richard Florida’s ‘the rise of the creative class (Bàn về nghiên cứu “Sự trỗi dậy của tầng lớp Sáng tạo” của Richard Florida), Regional Science and Urban Economics, số 35, tr. 593-596, 2005.
9. Annie Tubadji - Brian J. Osoba - Peter Nijkamp, Culture-based development in the USA: Culture as a factor for economic welfare and social well-being at a county level (Phát triển dựa trên văn hóa tại Hoa Kỳ - Văn hóa như một yếu tố đóng góp vào phúc lợi kinh tế và phúc lợi xã hội của các quận thuộc bang), Journal of Cultural Economics, số 39, 2015, tr. 277-303.
10. Yue Dai, A Behavioral Cultural-Based Development Analysis of Entrepreneurship in China (Phân tích sự phát triển dựa trên văn hóa hành vi của tinh thần khởi nghiệp ở Trung Quốc), Administrative Sciences, số 11, tr.1-16.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Cường, Ngày 24-11-1946: Bác Hồ nói gì về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất?, qdnd.vn, 22-11-2021.
2. Trần Kim Dung, Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 - một di sản văn hóa quý báu, baochinhphu.vn, 20-2-2023.
3. Đinh Xuân Dũng, Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.
4. Trần Hữu Dũng, Vốn xã hội và kinh tế, Tạp chí Thời đại, số 8, 2003.
5. Đại Dương, Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và xây dựng văn hóa, hochiminh.vn, 11-2-2020.
6. Federico Mayor, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992.
7. Hernando De Soto, Bí ẩn của vốn - Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2006.
8. Nhóm phóng viên Báo QĐND điện tử, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai - ánh sáng soi đường”, qdnd.vn, 21-11-2021.
9. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022.
Ths VÕ NHẬT NAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024