Văn Đáng xuất sắc với vai Dương Khương (phải) trong vở Ngạ quỷ
Đó là nhận xét của nhiều khán giả yêu nghệ thuật truyền thống dành cho nghệ sĩ Nguyễn Văn Đáng - Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Nghệ sĩ Văn Đáng sinh năm 1982 trong một gia đình trung nông thuộc thôn Giáp Ngũ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Năm lên 12 tuổi, Văn Đáng đã bắt đầu yêu thích Cải lương. Anh hay nghe ca hát trên Đài Phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình và đĩa nhạc Cải lương. Tình yêu với nghệ thuật Cải lương cứ lớn dần lên, Văn Đáng quyết theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ Cải lương. Thế rồi năm 17 tuổi, Văn Đáng thi tuyển vào chuyên ngành Diễn viên Cải lương của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Kết quả là cậu bé Văn Đáng hồi ấy đã trúng tuyển vào trường và đạt điểm loại ưu. Sau mấy năm học tập với niềm đam mê nghệ thuật Cải lương, Văn Đáng đã tốt nghiệp loại Giỏi với vai diễn Nhân trong vở Những đứa con oan nghiệt và sau đó được nhận vào công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Văn Đáng vai Ngô Thì Nhậm trong vở Người đi tìm minh chủ
Với chất giọng trong sáng, âm vực rộng và ngọt ngào, Văn Đáng đã thể hiện rất tốt các bài ca Cải lương. Năm 2012, Văn Đáng tham gia cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” và anh đã đạt được giải Ba. Từ cuộc thi này, Văn Đáng đã có thêm bản lĩnh, kiến thức để bổ trợ cho nghề nghiệp của mình. Anh hăng say hơn với nghề, tận tụy nghiên cứu, tìm tòi cách ca, cách diễn. Với nỗ lực không ngừng nghỉ ấy của mình, nghệ sĩ Văn Đáng đã gặt hái được một loạt thành công trong các kỳ hội diễn và liên hoan sân khấu Cải lương với các giải thưởng lớn: Huy chương vàng (HCV) vai Dương Khương trong vở Ngạ quỷ - Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2018; HCV vai diễn Ngô Thì Nhậm trong vở Người đi tìm minh chủ - Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020; Giải Diễn viên Cải lương xuất sắc cho vai diễn Hồ Nguyên Trừng trong vở Vì sao lạc xứ năm 2020; Huy chương Bạc (HCB) vai diễn Phùng Khắc Khoan trong vở Thượng Thiên Thánh Mẫu - Liên hoan Quốc tế sân khấu thể nghiệm lần thứ V năm 2022. Và trong Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 vừa qua, nghệ sĩ Văn Đáng lại đoạt HCV trong vai diễn Phạm Bá Thắng của vở Cánh cửa khép hờ, tác giả Hoàng Song Việt và Triệu Trung Kiên, đạo diễn: TS. NSND Triệu Trung Kiên. Mỗi vai diễn là một tác phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ Văn Đáng đã xây dựng nên nhiều tác phẩm ấn tượng, nhưng có lẽ vai diễn Dương Khương trong vở Ngạ quỷ của tác giả Đại đức Thích Nguyên Thanh, đạo diễn TS. NSND Triệu Trung Kiên là vai diễn ấn tượng nhất của anh. Trong vai diễn này, anh vừa thể hiện mình là nghệ sĩ Cải lương và cũng vừa là một nghệ sĩ Múa rối. Nhân vật Dương Khương là một kép hát, cùng với vợ là Lưu Thị đi biểu diễn để mưu sinh. Khi vợ Dương Khương đang mang thai lại lọt vào mắt xanh của Cung túc vương Trần Nguyên Dục. Trần Nguyên Dục xem hát thì đem lòng say mê Lưu Thị và bắt ép cô về làm vợ. Sau 6 tháng Lưu Thị sinh ra Nhật Lễ nhưng đứa con này không phải là của Trần Nguyên Dục. Nhà Trần sau này khó khăn trong việc chọn người kế vị đã chọn Nhật Lễ lên làm vua. Nhật Lễ tính tình thì ngang ngược, bày nhiều trò vui chơi độc ác và nhẫn tâm giết cả Thái hậu - người đã nhất tâm đưa Nhật Lễ lên ngôi vua. Sau 19 năm, Khương Dương được vợ cũ - lúc này là Hoàng hậu đưa vào cung để ra mắt Nhật Lễ. Trong cuộc gặp mặt này, Hoàng hậu cũng nói luôn cho Nhật Lễ biết về cội nguồn của mình và nói Dương Khương chính là cha ruột của Nhật Lễ. Còn Dương Khương chỉ muốn nhận huyết thống chứ không màng gì danh lợi. Nhật Lễ vì muốn giữ vị thế là Vua của mình nên đã đuổi cha ruột đi. Sau khi Dương Khương đi thì Nhật Lễ suy nghĩ lại và quyết định xoay chuyển thế thời, dựng triều họ Dương lên, dứt huyết thống họ Trần nhưng vẫn hưởng lộc nhà Trần. Việc làm này của Nhật Lễ đã dẫn đến biến loạn. Những người trong huyết thống nhà Trần nổi lên, quyết trừng phạt Nhật Lễ. Nhật Lễ cũng cho binh lính tàn sát hết những người nhà họ Trần gây phản loạn. Trong vở còn có sự xuất hiện của hai con Rối hình nhân là Triệu Thuẫn và Đồ Ngạn Giả. Hai con rối hình nhân này, Dương Khương được Đinh Bàng Đức tặng cho. Dương Khương dùng hai con Rối này để diễn tích Triệu Thị cô nhi báo đại cừu - câu chuyện từ thời Xuân Thu ở Bắc quốc. Triệu Thuẫn và Đồ Ngạn Giả là hai vị quan của triều vua Tấn Linh Công. Triệu Thuẫn là người chính trực, thiện lành. Đồ Ngạn Giả là kẻ gian thần, ác độc. Đồ Ngạn Giả gài bẫy hãm hại Triệu Thuẫn vào tội danh hãm hại Vua. Nhân vật Đồ Ngạn Giả như một điềm báo linh ứng tính cách ác độc vào con trai của Dương Khương là Nhật Lễ sau này. Cuối nội dung vở diễn Ngạ quỷ, gánh hát của Dương Khương được mời vào cung diễn tích Triệu thị cô nhi báo đại cừu cho Vua xem. Tại đây mọi thù hằn, mâu thuẫn của các nhân vật trong tích chuyện Triệu Thị cô nhi báo đại cừu cùng với hiện thực mâu thuẫn của những người trong triều đình nhà Trần được hóa giải. Cái ác bị tiêu diệt - Nhật Lễ chết. Người cha già Dương Khương ủ rũ, lưng còng gục xuống, bước những bước chân nặng nề, kéo theo sau là chiếc xe đồ nghề nặng trĩu cùng với xác của con trai như gánh nặng cuộc đời mà Dương Khương phải mang.
Vai diễn Dương Khương trong vở Ngạ quỷ là vai diễn ấn tượng nhất của Văn Đáng
Lớp nhân vật Dương Khương diễn tích Triệu thị cô nhi báo đại cừu là một lớp diễn rất khó. Lớp kịch này, Văn Đáng đã độc diễn một lúc 3 vai, lúc đóng vai Tấn Linh Công là người, lúc lại đóng vai Đồ Ngạn Giả và Triệu Thuấn là con Rối. Lớp diễn ngắn nhưng rất cao trào, kịch tính. Văn Đáng đã hóa trang giọng nói của mình để biểu đạt 3 tính cách nhân vật. Với nhân vật vua Tấn Linh Công - là một vị vua ăn chơi, không lo gì đến việc triều chính, thích giết người vô tội, nghệ sĩ Văn Đáng đã thoại và ca diễn với giọng điệu cười nói bả lả, coi thường bề tôi. Với vai Triệu Thuẫn là người tốt, một vị quan chính trực, Văn Đáng thoại và ca diễn với giọng điệu rõ ràng, khẳng khái. Với vai Đồ Ngạn Giả là một kẻ gian thần, hãm hại người ngay, nghệ sĩ Văn Đáng đã thoại và ca diễn với giọng điệu thâm trầm, nham hiểm. Không chỉ có xử lý chất giọng thật của mình theo mỗi tính cách nhân vật mà nghệ sĩ Văn Đáng còn phải xử lý hình thể của mình để diễn tả lớp kịch “ba trong một” này. Gương mặt và thân của anh diễn tả vị vua Tấn Linh Công. Tay phải của anh xỏ vào hình nộm con Rối màu đỏ để diễn tả vai Triệu Thuẫn. Tay trái của anh xỏ vào hình nộm con Rối màu đen để diễn tả vai Đồ Giả Ngạn. Lớp diễn này, ba nhân vật giao lưu, tương tác với nhau liên tiếp, nghệ sĩ Văn Đáng đã cải biến thái độ liên tục, giọng điệu cũng chuyển đổi liên tục, vừa biểu diễn Cải lương, vừa biểu diễn Rối tay - đây là một lớp diễn cực khó, được các bạn nghề thán phục.
Với vai diễn Hồ Nguyên Trừng trong vở Vì sao lạc xứ Văn Đáng đạt giải Diễn viên Cải lương xuất sắc năm 2000
Với vai diễn Phạm Bá Thắng vừa rồi đạt HCV trong vở Cánh cửa khép hờ thì nghệ sĩ Văn Đáng trổ về ca hát. Các làn điệu Cải lương: Vọng cổ, Vọng kim lang, Duyên kỳ ngộ, Xuân tình, Phi vân điệp khúc, Khốc hoàng thiên, Lý chim quyên, Khổng minh tọa lầu, Lưu thủy hành vân …được anh thể hiện đầy cảm xúc, diễn tả sắc thái tình cảm của câu chuyện. Anh có chất giọng trong sáng, mượt mà, luồng hơi khỏe, dài, ca hát đầy nội lực “thổ tận can tràng” nên rất thuyết phục công chúng. Anh chú ý lấy hơi, nén hơi, buông hơi, nhả chữ rất trau chuốt. Quá trình làm nghề của mình, anh học tập kỹ thuật ca hát rung, ngân, luyến, láy của thần tượng Thanh Tuấn nên khi anh cất giọng ca lên là nghe êm ái, ngọt ngào và bay bổng.
Không chỉ đi biểu diễn phục vụ công chúng theo nhiệm vụ, nghệ sĩ Văn Đáng còn đi hát thiện nguyện phục vụ bà con ở nhiều nơi của tỉnh Hưng Yên, Hà Tây…Nghệ sĩ Văn Đáng cũng đã nhiều lần tham gia chương trình hiến máu cứu người.
Với sân khấu Cải lương, nghệ sĩ Văn Đáng đã gặt hái được nhiều thành công nhưng anh vẫn luôn khiêm tốn, giản dị và miệt mài, bền bỉ, say mê sáng tạo để cho ra đời những vai diễn mới. Anh chia sẻ: “Tôi cần phải phấn đấu, rèn luyện bản thân và nghiệp vụ hơn nữa để cho ra đời những vai diễn ấn tượng, phục vụ công chúng và giữ gìn nghiệp tổ Cải lương”. Tài năng và đức độ ấy của nghệ sĩ Văn Đáng thật đáng trân trọng.
Bài: ĐẶNG MINH NGUYỆT; Ảnh: NSCC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024