Vấn đề cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong cán bộ hậu cần quân đội

     Trong các phẩm chất đạo đức cần có của người cách mạng thì cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến nhiều nhất. Người không chỉ luận giải sâu sắc mà còn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội phải thấu hiểu và ra sức thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thường xuyên trong cả tư tưởng và hành động.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho bộ đội, trong đó có cán bộ, chiến sĩ hậu cần sự quan tâm giáo dục, rèn luyện, động viên mọi mặt. Sinh thời, Người đã nhiều lần gửi thư thăm hỏi, căn dặn, giáo dục cán bộ, chiến sĩ hậu cần về mọi mặt, nhất là vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân (1) và yêu cầu: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính... Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” (2). Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội - những người trực tiếp quản lý một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản quý báu của quân đội, của quốc gia và chăm lo, nuôi dưỡng bộ đội. Vì vậy, trong công việc, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, mỗi cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội phải thấm nhuần lời dạy của Người: “Cần, kiệm, liêm, chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó” (3). Vấn đề này có ý nghĩa lớn lao đối với việc nâng cao nhận thức lý luận cách mạng, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội hôm nay và mai sau.

     Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, những khái niệm vốn có trong đạo đức truyền thống của dân tộc ta, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu có chọn lọc, phát triển và định hướng vào phục vụ lợi ích của đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ.

     Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm, phải kiên trì, bền bỉ. Cần là làm việc đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai. Cần đối với cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội là “tăng năng suất công tác, bất kỳ công tác gì” bởi “người siêng năng thì mau tiến bộ; cả nhà siêng năng thì chắc ấm no; cả làng siêng năng thì làng phồn vinh; cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu (4). Muốn tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội phải kiên quyết đấu tranh chống lại căn bệnh trông chờ ỷ lại, coi thường lao động hoặc lười biếng. Ai làm biếng tức là lừa gạt dân. Chính căn bệnh đó sẽ ảnh hưởng xấu đến thực hiện cần của cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội.

     Kiệm là tiết kiệm của cải, thời giờ, lao động, tiền bạc, sử dụng có kế hoạch và có mục đích, không xa xỉ, lãng phí, bừa bãi, phô trương hình thức. Kiệm khác với bủn xỉn, cái gì đáng chi thì phải chi. Người chỉ rõ: “Mọi thứ đều phải tiết kiệm, mà không tăng gia thì lấy gì tiết kiệm. Mục đích của tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội ăn no” (5). Đặc biệt, “lương thực, vũ khí là mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội” (6), “xe, xăng là mô hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu” (7). Theo Người: “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” (8). Tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, vì đều là công sức, tiền của, tài sản của quân đội, của đất nước, của nhân dân. Tiết kiệm không chỉ nhằm sử dụng hợp lý thiết thực mà còn bao hàm cả việc triệt để chống xa hoa, lãng phí, làm hư hại đến tiền của, công sức của bộ đội, của nhân dân… Đấy mới là tiết kiệm thực sự có ý nghĩa. Người căn dặn, “Cần với kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm, thì “làm chừng nào xào chừng ấy”... kiệm mà không cần, thì không tăng thêm, không phát triển được” (9).

     Liêm là trong sạch, không tham lam, luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham ô, chiếm đoạt của công làm của tư, sách nhiễu nhân dân. Trong đó, “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân” (10). Liêm của cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội là: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” (11). Người đã sớm cảnh báo về nguy cơ tham nhũng: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân... Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu” (12).

     Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn tức là tà; cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. “Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính” (13). Mỗi cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội thực hành cần, kiệm, liêm chưa đủ, còn phải chính mới làm tròn “bổn phận cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc” (14) và “toàn tâm, toàn lực, phục vụ bộ đội” (15). Muốn vậy, đối với mình, không được tự cao tự đại, luôn cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm, tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình; đối với người, không nịnh hót, không xem khinh người dưới, thái độ phải chân thành khiêm tốn, thật thà đoàn kết; đối với việc phải đặt việc công lên trên trước việc tư, việc nhà; đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.

     Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm, rèn luyện, phẩm chất chí công vô tư cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần. Chí công vô tư là câu châm ngôn của người xưa dùng để định hướng, động viên mỗi người hoạt động phấn đấu, rèn luyện vươn tới cái tốt đẹp: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “phải lo trước cho thiên hạ, vui sau thiên hạ” (16). Mình là người làm việc công thì phải có tâm, có đức. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Muốn có chí công vô tư thì phải triệt để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Do vậy, Người dạy cán bộ hậu cần: “Phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt” (17), từ đó trung thành với Đảng, Chính phủ và nhân dân, không được lên mặt làm quan cách mạng.

     Như vậy, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nằm trong một chỉnh thế thống nhất, tạo nên giá trị đạo đức cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội. Các phẩm chất đó có mối quan hệ mật thiết, khăng khít, bổ sung cho nhau. Thấm nhuần cần, kiệm, liêm, chính thì tất yếu dẫn đến chí công vô tư và ngược lại, có chí công vô tư sẽ một lòng, một dạ phấn đấu vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân, vì quân đội. Sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội phải biến thành hành động cách mạng thiết thực để phụng sự quân đội, phụng sự đất nước và nhân dân. Bởi, đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm hậu cần quân đội, tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cán bộ cung cấp (hậu cần) “phải thật sự kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính” (18), nếu thiếu phẩm chất này thì họ dễ lợi dụng chức quyền được giao để vụ lợi cá nhân làm thất thoát tiền bạc, tài sản nhà nước.

     Hiện nay, việc thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có ý nghĩa giáo dục hết sức quan trọng với cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội hiện nay.

     Để cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội thật sự làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính theo lời dạy của Người, cần làm tốt những vấn đề chủ yếu sau:

     Một là, phải thường xuyên quán triệt, thấm nhuần sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào công tác hậu cần và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội. Đây chính là việc làm có tính nguyên tắc xuyên suốt, không những góp phần nâng cao và phát triển nhận thức, giữ vững ý chí, bản lĩnh chính trị mà còn có giá trị định hướng, chỉ đạo cho toàn bộ các hành động cụ thể, thiết thực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần và ngành hậu cần quân đội hiện nay.

     Hai là, trên cơ sở quan điểm phục vụ đúng đắn, quý trọng trí tuệ công sức, cơ sở vật chất kỹ thuật hậu cần - tài sản quý báu của quân đội và quốc gia, cần đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Mặt khác, tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ khoa học công nghệ… cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu về hậu cần, bảo đảm kịp thời cho quân đội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

     Ba là, kiên quyết đấu tranh với những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra như: bệnh xa rời thực tế, lười biếng, trông chờ ỷ lại, lối sống xa hoa, hưởng thụ, nhất là phải loại trừ tham nhũng, gia trưởng, quan liêu… trong môi trường hoạt động hậu cần quân đội. Đây thực sự là mặt trái, lực cản với phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động của cơ chế thị trường, mặt trái tiêu cực đó lại có điều kiện nảy nở, phát triển, gây hại. Vì thế, phải tăng cường đoàn kết nội bộ trên cơ sở tự phê bình và phê bình, giúp đỡ lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội; tăng cường mối quan hệ, đoàn kết quân dân… để không ngừng kế thừa, phát huy truyền thống và sức mạnh tổng hợp cùng hoàn thành nhiệm vụ chung.

     Bốn là, đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh; xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp trong toàn quân vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị, từ đó tiếp tục tổ chức tốt phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” như: ngành quân nhu phải “nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; ngành vận tải phải “yêu xe như con”, “xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”; ngành xăng dầu phải “quý xăng như máu”, “quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”; ngành doanh trại phải “xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”... Những phẩm chất đặc thù đó thể hiện rất rõ sự đa dạng, phong phú của hoạt động bảo đảm hậu cần, song cũng đặt ra yêu cầu rất cao với cán bộ, chiến sĩ hậu cần quân đội trong việc kiên trì, bền bỉ rèn luyện, tu dưỡng các phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tình hình và nhiệm vụ mới.

____________

1, 11, 12, 13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.292, 292, 123, 241.

2. Sđd, tập 9, tr. 354.

3, 5, 6, 7, 8, 14, 17, 18, Sđd, tập 7, tr.220, 432, 482, 58, 352, 433, 76.

4, 9, 10. Sđd, tập 6, tr.118, 122, 127.

15. Sđd, tập 8, tr.131.

16. Sđd, tập 11, tr.603.

 

Tác giả: Nguyễn Trọng Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;