Xây dựng môi trường văn hóa quân sự của học viên sĩ quan các nhà trường quân đội

Môi trường văn hóa quân sự ảnh hưởng lớn đến sự hình thành, nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của sĩ quan. Việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cần phải được quan tâm chỉ đạo sâu sát về mọi mặt, nhất là xây dựng văn hóa trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị; xây dựng môi trường và cơ chế dân chủ trong hoạt động giáo dục, đào tạo; tăng cường phương tiện kỹ thuật mới theo hướng “nhà trường đi trước đơn vị”, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của người học.

     Học viên sĩ quan là lực lượng trực tiếp kế cận, bổ sung nguồn cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ ở các đơn vị, họ phải có phẩm chất, năng lực toàn diện, đặc biệt là năng lực làm chủ vũ khí, trang bị. Đây là năng lực giúp sĩ quan kiểm soát và phát huy cao nhất sức mạnh của vũ khí, trang bị nhằm tiêu diệt mục tiêu trong chiến đấu, đảm bảo chiến đấu thắng lợi. Nhận thức được tầm quan trọng của năng lực làm chủ vũ khí, trang bị, những năm qua, các nhà trường quân đội đã luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan nói chung, năng lực làm chủ vũ khí, trang bị nói riêng. Sau khi tốt nghiệp, đa số sĩ quan có năng lực toàn diện, đáp ứng được chức trách, nhiệm vụ công tác quân sự tại các đơn vị.

     Tuy nhiên, trước sự vận động nhanh chóng của thực tiễn, vấn đề nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của đội ngũ sĩ quan càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Thực trạng vũ khí, trang bị của quân đội ta còn chưa theo kịp các nước tiên tiến về số lượng, chất lượng và chủng loại. Trong khi đó, một số sĩ quan trẻ chưa thực sự nắm hết tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí, trang bị ở đơn vị; kỹ năng, kỹ xảo thực hành làm chủ vũ khí, trang bị hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thực trạng đào tạo ở các nhà trường quân đội còn bất cập, môi trường văn hóa quân sự chưa thực sự được “chuẩn hóa”. Do đó, cần phải có quan điểm khoa học và giải pháp phù hợp trên cơ sở thực tiễn để nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên sĩ quan.

     Môi trường văn hóa quân sự của các nhà trường quân đội bao gồm: hệ thống các quan hệ ứng xử giữa các cơ quan, đơn vị; hệ thống các hình thức hoạt động giáo dục và đào tạo; hệ thống các nội quy, quy định và cơ sở vật chất bảo đảm của nhà trường; cảnh quan văn hóa quân sự trong nhà trường. Sự tác động qua lại giữa các yếu tố đó tạo thành điều kiện cho sự nâng cao tri thức quân sự, hình thành kỹ năng, kỹ xảo sử dụng và khả năng, phương pháp giải quyết hiệu quả các tình huống trong khai thác, quản lý và sử dụng vũ khí, trang bị của học viên. Các yếu tố cấu thành năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên chỉ được hình thành và nâng cao trong một môi trường văn hóa phù hợp, thuận lợi và mẫu mực. Ngược lại, môi trường văn hóa không phù hợp, không thuận lợi sẽ cản trở quá trình nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên. Do đó, xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực ở các nhà trường quân đội là giải pháp mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị cho người học. Bởi môi trường văn hóa là yếu tố khách quan tác động thường xuyên và trực tiếp hình thành năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên; vừa là điều kiện bảo đảm, vừa là nhân tố định hướng, động lực thúc đẩy học viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của mình.

    Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của môi trường hoạt động, để góp phần thiết thực vào việc nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị cho học viên các nhà trường quân đội, cần tập trung vào một số biện pháp cơ bản sau:

     Một là, xây dựng văn hóa quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị ở các nhà trường quân đội nhằm giúp quân nhân luôn có trách nhiệm cao trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị.

     Hình thành thói quen giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm cho học viên trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị. Đồng thời, các tổ chức, lực lượng cần tăng cường đôn đốc, chấn chỉnh hành vi của học viên khi tiếp xúc với vũ khí, trang bị. Các hành vi như vi phạm quy tắc an toàn không chỉ bị nhắc nhở mà cần gắn với xử phạt nghiêm theo quy định. Như vậy, người học mới hình thành được thói quen tốt nhằm nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của bản thân.

     Bên cạnh đó, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm cho học viên trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị với nhiều hình thức khác nhau. Trọng tâm là lồng ghép nội dung bồi dưỡng ý thức trách nhiệm thông qua giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Đồng thời, thông qua các hội nghị sinh hoạt tập trung, cán bộ quản lý cũng trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người học đối với vũ khí, trang bị. Cần kết hợp giữa xây và chống trong giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, vừa biểu dương điển hình tốt, vừa phê bình, nhắc nhở cá nhân chưa có ý thức trách nhiệm.

     Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm kết hợp với các hội thi, hội thao về quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị trong nhà trường. Qua tham gia các phong trào thi đua, người học am hiểu về vũ khí, trang bị, thuần thục về động tác, củng cố được phương pháp và nâng cao hơn năng lực làm chủ vũ khí, trang bị, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm và trình độ, năng lực trong tự học tập, tự rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là sĩ quan ưu tú trong tương lai. Trong các phong trào thi đua cần thực hiện tốt chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các điển hình tốt, đồng thời xử phạt các cá nhân có hành vi, suy nghĩ lệch chuẩn.

     Hai là, xây dựng môi trường và cơ chế dân chủ trong hoạt động giáo dục, đào tạo, trong đó, chú trọng dân chủ trong huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Dân chủ trong huấn luyện là lắng nghe và tôn trọng các ý kiến của giảng viên và học viên về tính phù hợp của nội dung, chương trình đào tạo, tính hợp lý của lịch huấn luyện và tính minh bạch trong thực hiện các chính sách huấn luyện; là sự khuyến khích và lắng nghe ý kiến của học viên trong quá trình học tập, nhất là những ý kiến phản biện, thông tin nhiều chiều. Dân chủ trong nghiên cứu khoa học là mọi thành viên trong nhà trường đều phải được tham gia tập dượt và tiến hành nghiên cứu khoa học phù hợp với khả năng của từng đối tượng. Trong quá trình nghiên cứu phải tạo điều kiện để các đối tượng tiếp xúc với các số liệu thống kê, dám nghiên cứu thực trạng còn bất cập nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường hiện nay.

      Để xây dựng môi trường và cơ chế dân chủ trong hoạt động giáo dục, đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu các nhà trường cần tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn trường về thực hiện tốt quy chế dân chủ nói chung, dân chủ trong giáo dục, đào tạo nói riêng, thông qua các chủ trương, biện pháp. Các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo cũng thực hiện và phát huy dân chủ trong thực hiện quy chế giáo dục, đào tạo, thực hiện các chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và minh bạch trong thực hiện các chính sách đối với giảng viên và học viên trong huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Phát huy dân chủ của học viên trong học tập, đội ngũ cán bộ quản lý cần thực hiện nghiêm các quy định về thời gian học tập của học viên; tôn trọng, lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị của học viên, nhằm tạo điều kiện học thuận lợi nhất cho người. Với đội ngũ giảng viên, vừa phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học viên về nội dung và phương pháp giảng dạy, vừa phải khuyến khích học viên đóng góp ý kiến xây dựng nội dung bài học, không truyền thụ một chiều. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, cần quan tâm, khuyến khích và giúp đỡ, tạo điều kiện để người học tập dượt và tham gia nghiên cứu, góp phần nâng cao tri thức và hình thành kỹ năng, kỹ xảo, củng cố phương pháp nghiên cứu khoa học.

     Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật mới theo hướng “nhà trường đi trước đơn vị”, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên.

     Trước hết, đầu tư nâng cấp hệ thống thư viện số, thư viện điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để học viên nghiên cứu, khai thác thông tin, nhất là những kiến thức quốc phòng hiện đại, đồng thời, phải bảo đảm đủ số lượng giáo trình, giáo khoa, tài liệu nghiên cứu chuyên ngành để người học có đủ điều kiện nghiên cứu nhằm làm giàu tri thức, phát huy được sự chủ động, tự giác trong học tập, rèn luyện nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của mình. Những môn chuyên ngành quân sự do mang tính đặc thù nên căn cứ vào tình hình cụ thể, giao nhiệm vụ cho hội đồng khoa học nghiên cứu, biên soạn giáo trình nội bộ, phục vụ kịp thời cho việc giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên cũng như cán bộ quản lý các cấp.

     Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trạm xưởng sửa chữa khí tài, giảng đường chuyên dùng, phòng thí nghiệm, thao trường bãi tập, mô hình học cụ; đẩy mạnh ứng dụng các trang, thiết bị hiện đại vào quá trình dạy học, kết hợp với tiến hành tổ chức bồi dưỡng cho học viên biết sử dụng, khai thác các phương tiện phục vụ huấn luyện, các mô hình học cụ, tạo điều kiện cho học viên tự học, tự nghiên cứu, vận dụng lý thuyết vào thực hành nhằm củng cố tri thức, thuần thục kỹ năng, kỹ xảo và hình thành phương pháp làm chủ vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện của sĩ quan.

     Như vậy, môi trường văn hóa quân sự có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên sĩ quan. Việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự chính quy, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cần phải được quan tâm. Nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên các nhà trường quân đội là quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực, tích cực cao của tất cả mọi người. Nội dung xây dựng môi trường văn hóa quân sự tuy có khác nhau song có mối quan hệ hữu cơ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, tác động đồng thời, trực tiếp đến quá trình nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị của học viên các nhà trường quân đội.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

3. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21-12-2012 về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

Tác giả: Nguyễn Văn Hải

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;