Ninh Thuận là nơi người Chăm cư trú lâu đời và có số dân sống tập trung đông nhất (hơn 50.000 người) so với người Chăm ở Việt Nam. Hiện nay, họ sinh sống ở 22 làng cổ truyền. Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Chăm đã để lại nhiều di sản văn hóa có giá trị và độc đáo như: kiến trúc, điêu khắc, hệ thống tín ngưỡng, ngôn ngữ, chữ viết, truyện cổ, dân ca, dân vũ, âm nhạc, y học, nghề thủ công, hệ thống đắp đập dẫn thủy nhập điền…
Ngày nay, do tác động bởi trào lưu hội nhập đã làm cho một số loại hình di sản văn hóa truyền thống của người Chăm Ninh Thuận có nguy cơ bị mai một và thất truyền, trong số đó phải kể đến trò chơi dân gian mà người Chăm gọi là: “Kaya mâ-in” cần được bảo tồn và phát huy.
1. Vài nét về trò chơi dân gian Chăm
Trò chơi dân gian là một loại hình hoạt động của tư duy sáng tạo, nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí và giải tỏa những căng thẳng cho con người sau thời gian lao động vất vả, để tăng thêm sự sảng khoái về tinh thần, kích thích nội lực, lao động thêm hăng say và yêu đời.
Xuất phát từ môi trường sống khắc nghiệt đầy nắng gió, nơi ít mưa thừa nắng, bởi thế người Chăm đã suy nghĩ, mô phỏng ra những hoạt động và sử dụng các vật dụng xung quanh để sáng tạo trò chơi có tính hấp dẫn, hứng thú trong lúc chơi và nhiều trò chơi đã mang lại giá trị tích cực về mặt văn hóa xã hội. Qua tìm hiểu nghiên cứu thực địa tại 22 làng Chăm Ninh Thuận đã ghi nhận có hơn 100 trò chơi với các thể loại khác nhau: Trò chơi có tính chất thi thố tài năng (khéo léo, mẫn cảm, sức lực, trí tuệ) như Catur/kain naong (cờ gánh), Habik abaoh (chuyền vật), Panâk talei su (búng dây thun); Trò chơi có tính chất diễn xướng (vừa chơi vừa kết hợp với câu nói, bài hát, bài đồng dao) như: Blaop (nhảy cò chẹp), Cakac mun dunya (moi đất trần gian), Kalang pah anâk ciép (diều hâu bắt gà con)… Vết tích trò chơi trong nghi lễ: trong nhiều nghi lễ của người Chăm có liên quan đến trò chơi dân gian, trong đó đã trở thành những biểu tượng rất đáng quan tâm như: Dai buei (đánh đu) trong nghi Rija praong (lễ múa lớn) của các tộc họ thờ atau tathik (dòng biển), Papar kalang (thả diều) của tộc họ Yang-in, Tamia juak apuei (múa đạp lửa) trong Rija nâgar (nghi lễ múa mừng đầu năm của cộng đồng làng)…
Trò Kandah cakai (móc chân)
2. Đặc điểm của trò chơi dân gian
Trò chơi dân gian của người Chăm không chỉ là những trò tiêu khiển để giải trí, thư giãn… mà còn giúp cho người chơi trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng tính toán, sức khỏe dẻo dai, khéo léo, nhanh nhẹn, gợi mở óc tư duy, tinh thần thượng võ, tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật cao, ý chí vươn lên giành chiến thắng, tính vận động phù hợp với sự phát triển về mặt thể chất và năng lực nhận thức của trẻ thơ.
Các thể loại trò chơi đều có nội dung phù hợp theo từng lứa tuổi. Những trò chơi ở lứa tuổi trẻ em thường rất linh hoạt, trên cơ sở tinh thần tự nguyện, không vụ lợi, bình đẳng, ai cũng có quyền tham gia và có thể chơi ở mọi lúc, mọi nơi, địa điểm nào cũng được, nội dung, dụng cụ đơn giản, dễ kiếm như: viên sỏi, cây que, cây gậy, trái cây, bông cỏ… Khi tham gia, trẻ em tự đặt ra luật chơi, có thưởng có phạt cho người thắng, người thua để khích lệ, động viên sự cố gắng. Dù là người thắng hay thua, điều đó không quan trọng, mục đích cuối cùng là mang lại tiếng cười và niềm vui.
Môi trường vui chơi lành mạnh của trẻ góp phần giáo dục trẻ em về lòng trung thực, đoàn kết, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau và dân chủ, bình đẳng (em nào cũng có quyền tham gia, dù trai hay gái, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi). Hình thức thưởng phạt đơn giản, người thắng chỉ được vài viên bi, hạt me, trái cây hay vui hơn là được búng tai, quệt than lên mặt người thua và sự thắng, thua ở đây chỉ là để vui vẻ, để tự hào với nhau mà thôi. Trò chơi người lớn thì phải có sức khỏe bền bỉ, so tài, đọ sức, thường tổ chức vào những dịp lễ hội. Dụng cụ chơi có thể là: dây thừng, đòn gậy, trái banh… Mỗi trò đều có những quy định nghiêm ngặt, những hình thức thưởng phạt khác nhau do những người chơi thỏa thuận, quy định trước khi chơi. Các trò đều có nội dung chơi phù hợp với không gian và thời gian để chơi. Tất cả các thể loại trò chơi dân gian Chăm đều phản ánh được giá trị văn hóa xã hội và sự thông minh sáng tạo của quần chúng nhân dân.
Panâh talei su (búng dây thun)
3. Sự lan tỏa của trò chơi trong các làng Chăm
Từ thực tiễn cho thấy, đa số các làng Chăm ở Ninh Thuận sống cận cư với nhau nên nhiều trò chơi có mức độ lan tỏa với phạm vi rộng như: Gai yit - gai taong (kiểng gậy), Kalang pah anâk ciép (diều vây hâu bắt gà con), Pablei hamu (trò ô ăn quan), Papar kalang (thả diều)… Ngược lại, có trò chơi chỉ lan tỏa trong phạm vi nhỏ/hẹp như: Gai ba huing (say roi), Parah gai/glam kandaup (phóng lao), Jhul gai (đẩy gậy)… Một số trò được nhiều làng cùng chơi với nội dung, luật chơi như nhau, nhưng cũng có một số trò có nội dung và luật chơi như nhau nhưng tên gọi lại khác nhau như: Gai taong (kiểng gậy) làng Thành Tín gọi là Blik, làng Lương Tri gọi là Klung, Limaow baok (thả bò) làng Như Bình gọi là Kaling cing. Mỗi trò chơi đều có những nội dung, dụng cụ chơi phù hợp với môi trường sống của mỗi vùng/làng. Có thể nói, do một số vùng/làng Chăm có những đặc điểm môi trường sống khác nhau, làm cho một số trò lan tỏa trong phạm vi rộng hay hẹp cũng bởi nội dung chơi của nó phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại địa phương.
Plaong caoh taok (nhảy đá mông)
4. Thực trạng của trò chơi dân gian Chăm
Từ xưa, người Chăm có hình thức giáo dục trẻ đơn giản mà hiệu quả thông qua trò chơi dân gian, đó là những giá trị thể hiện nền văn hóa lâu đời của người Chăm. Trò chơi dân gian đã góp phần hình thành nên ý chí kiên cường, sự dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng của mỗi con người, mỗi cộng đồng và đã tạo nên bản sắc riêng của tộc người. Tuy nhiên, hiện nay trong xu thế hội nhập, ảnh hưởng trào lưu văn hóa mới, tác động cơ chế thị trường đã dẫn đến sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội người Chăm. Các giá trị di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một và đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó thể loại trò chơi dân gian là một điển hình. Đến nay, chỉ có một số ít trò chơi mặc cho mưa nắng, thời gian hay sự phát triển của xã hội vẫn còn tồn tại.
Ngày nay, dọc theo ngõ xóm, đường làng, người Chăm ít khi thấy bóng dáng các em tụ tập chơi những trò chơi dân gian vừa thư giãn, vừa có tính giáo dục cao ở ngõ xóm, đường làng. Cuộc sống văn minh, hiện đại hơn, đi kèm với đó là nhiều em nhỏ chỉ chơi các trò chơi trên điện thoại, máy tính. Đáng ngại là nhiều trò chơi mang tính kích động bạo lực, xa lạ với bản chất nhân văn, nhân hậu của tộc người đang tràn lan, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới tâm tính của trẻ sau này. Chỉ có trò chơi dân gian là phương pháp thư giãn hữu hiệu nhất, không chỉ rèn luyện cho trẻ về phẩm chất cần có, mà còn giúp cho trẻ biết đoàn kết, chia sẻ với nhau, chơi để hiểu để biết cách ứng xử với nhau. Trò chơi dân gian có tác dụng giáo dục cho trẻ một cách tự nhiên và có hiệu quả. Ngày nay, trò chơi dân gian Chăm đang bị lấn át và mai một nhanh chóng, vỏn vẹn chỉ còn thấy trẻ em chơi các trò đánh bi, đá banh, thả diều… Thế nhưng, các dụng cụ chơi thì mua trực tiếp ở ngoài chợ để thay thế cho việc tự làm như: viên bi bằng trái cây, đất sét thay bằng bi chai; quả bóng bằng tổ kiến, khăn quấn tròn thay bằng quả bóng bằng nhựa, da; con diều truyền thống thay bằng con diều nhựa (hình bươm bướm, đại bàng, rồng bay…).
CHÂU VĂN HUYNH, HIỀN ANH (Còn tiếp)