Đồng Tháp: Kéo giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em nhờ triển khai Chương trình bơi an toàn

Đồng Tháp là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở đầu nguồn sông Tiền, có hệ thống sông ngòi khá chằng chịt. Cùng với sông Tiền và sông Hậu, hằng năm Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực thường chịu ảnh hưởng của nước lũ dâng lên, trong khi người dân phần đông ở khu vực nông thôn sinh sống ven kênh rạch, sông nước là chủ yếu. Ngoài ra, một bộ phận bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông nước nên đã tác động không nhỏ đến công tác phòng, chống đuối nước ở địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Đồng Tháp ngày càng đem lại hiệu quả xã hội tích cực, được đông đảo người dân đồng tình, góp phần kéo giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp - ông Nguyễn Ngọc Thương - cho biết, Chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước trẻ em đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua tại Đồng Tháp với sự chung tay của các ngành, các cấp và đạt được một số kết quả khả quan: Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh mở được 4.936 lớp, dạy cho 124.863 em trong độ tuổi từ 7 - 15 biết bơi; tỷ lệ trẻ em chưa biết bơi được phổ cập bơi đạt trên 70%; đã có 5 hội thi bơi lặn, cứu đuối cấp tỉnh và 45 hội thi bơi cấp huyện được tổ chức; tình trạng trẻ em bị đuối nước giảm đáng kể. Nếu giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh có 234 em bị đuối nước, trung bình mỗi năm có 46,8 em thì giai đoạn 2016 – 2020 đã giảm xuống còn 147 em bị đuối nước, trung bình mỗi năm có 29,4 em. So với giai đoạn trước, trung bình mỗi năm giảm 17,4 em bị đuối nước (số trẻ em tử vong do đuối nước năm 2020 là 22 em, trong đó trẻ từ 6 tuổi trở xuống là 14 em).

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thương, về cơ sở vật chất, hiện nay toàn tỉnh có 44 hồ bơi cố định vừa và nhỏ, đa số do tư nhân đầu tư xây dựng tại địa phương làm dịch vụ; bên cạnh đó là trên 50 hồ bơi đơn giản, di động, tập trung nhiều tại các khu đô thị. Ở các xã vùng sâu và trường học hiện nay, số hồ bơi còn hạn chế. Với những kết quả như trên, Đồng Tháp được đánh giá là một trong những tỉnh thuộc ĐBSCL thực hiện tốt Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình còn bộc lộ những hạn chế như: Sự phối hợp giữa các ngành ở địa phương chưa đồng bộ, lực lượng hướng dẫn viên luôn biến động, kinh phí và cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều địa phương dạy bơi dưới sông không an toàn và nguồn nước bị ô nhiễm nên ảnh hưởng đến sức khỏe các em; có nơi chưa triển khai sâu rộng việc đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở do điều kiện cơ sở vật chất còn ít so với quy mô trường lớp.

Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - ông Đoàn Tấn Bửu -  cho biết, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ mở ít nhất 4.000 lớp, dạy cho ít nhất 100.000 trẻ em biết bơi, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước (800 lớp mỗi năm); huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em từ 7 đến 15 tuổi (học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước, phấn đấu giảm tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước hằng năm.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện như: Tăng cường thông tin tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở; phổ biến, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh học sinh…; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên và cải tiến phương pháp giảng dạy, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai đưa bơi lội vào giảng dạy ngoại khóa và chính khóa trong các trường Tiểu học, Trung học cơ sở có hồ bơi, huy động các em chưa biết bơi tham gia tập bơi tại các điểm dạy bơi ở cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất như tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ bơi vừa làm dịch vụ vừa hỗ trợ mở lớp bơi tại địa phương. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ nhằm phục vụ công tác phổ cập bơi trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm; xã hội hóa phổ cập bơi để vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học và tập luyện bơi.

Tác giả: Nguyễn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;