Hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa thế giới Luang Prabang nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Tóm tắt: Di sản văn hóa Luang Prabang (Lào) được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới năm 1995. Thực tế từ năm 1995 đến nay, nhà nước Lào đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng tới việc quản lý di sản Luang Prabang trong phát triển bền vững. Một trong những hoạt động tích cực hiện rõ đó chính là phát triển hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản đô thị đặc biệt này. Các chương trình, dự án hợp tác với các quốc gia như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ... được triển khai trên nhiều phương diện nhằm bảo tồn kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường, bảo tồn nhà cổ, làng/ bản cổ, giáo dục cộng đồng... Kết quả của sự hợp tác trong nhiều năm qua đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa thế giới Luang Prabang tồn tại bền vững

Từ khóa: hợp tác, quốc tế, bảo tồn, di sản, Luang Prabang.

Abstract: The cultural heritage of Luang Prabang (Laos) was recognized as a UNESCO World Heritage site in 1995. Since then, the Lao government has implemented various activities aimed at managing the Luang Prabang heritage in line with sustainable development. One of the most notable efforts has been the development of international cooperation for the preservation of this unique urban heritage. Programs and projects in collaboration with countries such as France, Japan, South Korea, China, Germany, the United States, and others have been carried out across various aspects, including the preservation of urban architecture, environmental landscapes, historic houses, traditional villages, and community education. The results of this cooperation over the years have contributed to the sustainable preservation of the Luang Prabang World Heritage site.

Keywords: cooperation, international, preservation, heritage, Luang Prabang.

Chùa Wat Xieng Thong, Luang Prabang - Ảnh: Discovery Laos

Di sản văn hóa thế giới Luang Prabang nằm trên địa bàn của thành phố Luang Prabang và một phần của huyện Chom Pet, tỉnh Luang Prabang. Theo số liệu từ hồ sơ khoa học, toàn bộ không gian của đô thị cổ chiếm 800ha, trong đó 319ha thuộc một phần của huyện Chom Pet, phần đất này tiếp giáp với thành phố Luang Prabang chỉ cách nhau bởi sông Mê Kông. Diện tích còn lại là 481ha thuộc địa phận thành phố Luang Prabang, thành phố này trước đây là một huyện của tỉnh, sau được nâng cấp lên thị xã, đến năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Lào đã nâng cấp từ thị xã lên thành phố Luang Prabang. Luang Prabang là một trong những thành phố cổ lâu đời nhất ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, là kinh đô của Vương quốc Lang Xang. Theo tư liệu của tác giả Su Nệt Phô Thị Sản, năm 1353, bằng tài quân sự cùng với sự giúp đỡ của Vương quốc Campuchia, hoàng tử Phạ Ngừm đã thống nhất các tiểu vương quốc Lang Xang rộng lớn, Xiêng Đông - Xiêng Thong đã trở thành thủ đô của Vương quốc Lang Xang và chính thức đổi tên thành Luang Prabang. Năm 1560, Vua Say Set Tha Thi Sat đã rời thủ đô tới Viêng Chăn. Viêng Chăn hiện nay là thủ đô của quốc gia Lào (1).

Năm 1995, thành phố Luang Prabang và một phần của huyện Chom Phet thuộc tỉnh Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là Thành phố di sản, một trong những ưu điểm nổi bật của Luang Prabang là sự bảo tồn gần như trọn vẹn các giá trị văn hóa truyền thống trong nhiều thế kỷ qua.

Có 3 giá trị nổi bật và cũng là tiêu chí di sản thế giới: Luang Prabang có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Hai dòng sông Mê Kông và Khan hợp lưu với nhau khiến cố đô như một hòn đảo sống động. Trên đảo có núi, rừng, nhiều ao hồ, suối nhỏ, thác nước. Tất cả đã tạo nên môi trường sinh thái ở đây trở nên hấp dẫn; Luang Prabang là thành phố duy nhất của Lào còn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc cổ, do trong nhiều thế kỷ qua nơi đây ít bị tàn phá bởi chiến tranh. Đó là những nhà sàn cổ, nhà ở của người Lào kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống của người Lào với kiến trúc kiểu Pháp, các công sở được xây dựng theo kiểu Pháp trong thời Pháp thuộc. Đặc biệt ở thành phố di sản còn bảo tồn nhiều kiến trúc chùa tháp Phật giáo mang đậm nét đặc trưng của văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng tại Luang Prabang. Luang Prabang còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, các diễn xướng nghệ thuật như múa cung đình, múa Nang Keo và Ramanaya, hát Khắp Thum (một loại dân ca đặc trưng của cố đô). Nhìn chung đó là loại hình di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc còn tồn tại ở Luang Prabang (2).

Đây là một thành phố cổ, duy trì được những giá trị bản sắc ban đầu mà vẫn là một thành phố lịch sử hàng ngàn năm có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đây cũng được đánh giá là thành phố có môi trường trong lành của ASEAN (3).

Năm 1995, thành phố Luang Prabang đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Vấn đề lớn đặt ra cần phải có các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thực tế nước Lào đã thực hiện nhiều hoạt động quản lý cụ thể như: ban hành các văn bản quản lý; xây dựng thực hiện quy hoạch, kế hoạch trong quản lý; đầu tư kinh phí thực hiện các dự án trong quy hoạch kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đào tạo và huy động các nguồn lực trong quản lý; đẩy mạnh, mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy di sản; nhà nước thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý các hiện tượng vi phạm trong thực tế đã xảy ra. Trong bài nghiên cứu này, người viết tập trung phân tích những hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản Luang Prabang nhìn từ các văn bản quốc tế và quốc gia. Trong nội dung của hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (năm 1931) đã được thông qua tại Đại hội Quốc tế lần thứ nhất, các kiến trúc sư và kỹ thuật gia về di tích lịch sử họp tại Athens năm 1931. Đại hội đã thông qua 7 nghị quyết trong đó nghị quyết số 1 đã khuyến nghị chung là cần phải xác lập các tổ chức quốc tế về trùng tu ở cấp độ thao tác và tư vấn (4). Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972) đã xuất phát từ việc bảo vệ cấp thiết di sản văn hóa và thiên nhiên, việc bảo vệ di sản ở cấp độ quốc gia có thể còn tồn tại sự bất cập, vì vậy, cần phải được bảo tồn như là bộ phận của di sản thế giới của toàn nhân loại (5). Từ các văn bản quốc tế, các quốc gia khi xây dựng văn bản luật cũng đều đưa vào các nội dung thể hiện rõ cần phát triển sâu và rộng tinh thần hợp tác quốc tế vì mục tiêu chung bảo tồn di sản của toàn nhân loại. Tại Luật Di sản văn hóa của Việt Nam điều 54 ghi rõ 8 nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa, nội dung thứ 7 quy định về tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (6). Luật Di sản quốc gia nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, trong điều 79 (sửa đổi) về quyền và nhiệm vụ của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch trong quản lý di sản quốc gia trong đó có 13 nhiệm vụ, nhiệm vụ thứ 11 quy định cần liên lạc và hợp tác với các vấn đề đối ngoại trong khu vực và quốc tế để bảo vệ di sản quốc gia (7). Như vậy, trong các văn bản luật của các quốc gia đều có các nội dung liên quan đến việc phát triển hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản văn hóa. Trường hợp ở Luang Prabang trong nhiều năm qua từ 1995 tới nay đã có những hoạt động hợp tác với nhiều quốc gia, các tổ chức và cá nhân trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam…

Tư liệu do Phòng Quản lý di sản văn hóa thế giới Luang Prabang cho biết quốc gia có nhiều thời gian hợp tác với Lào là Pháp. Thành phố Luang Prabang và quận Chinon (Pháp) đã có mối quan hệ hợp tác theo thỏa thuận được ký ngày 4-8-1997. Sau đó các thỏa thuận hợp tác được tiếp tục ký bổ sung vào các năm 2001, 2003, 2009, 2012… Nhìn chung, hợp tác được thực hiện ở các lĩnh vực cụ thể như: Quy hoạch quản lý và phân bố đô thị; Bảo tồn di sản kiến trúc, thiên nhiên và văn hóa; Bảo tồn vùng nông nghiệp truyền thống xung quanh tỉnh Luang Prabang, tập trung vào các vùng trồng cây đặc thù ở dải đồng bằng nhỏ hẹp dọc theo sông Mê Kông. Luang Prabang là một di sản đô thị, vì vậy, kinh nghiệm quản lý cần phải thực hiện quy hoạch và phân bố hợp lý bởi trên thực tế trong khu vực di sản vẫn là nơi cộng đồng cư dân sinh sống và đô thị vẫn luôn hướng tới sự phát triển văn minh và hiện đại, chính vì vậy, kinh nghiệm quy hoạch và phân bố đô thị trong tiến trình tham gia của các kiến trúc sư Pháp với các chuyên qua Lào ở góc độ tư vấn và thao tác đã mang lại kết quả tốt đẹp. Vấn đề cơ bản ở đây là bảo tồn đô thị trong bối cảnh xã hội phát triển. Các chuyên gia Pháp rất quan tâm tới việc bảo tồn các kiến trúc Pháp xây dựng ở thành phố Luang Prabang. Bảo tồn các khu vực thiên nhiên và văn hóa một bộ phận thiết yếu làm nên giá trị của di sản Luang Prabang (cụ thể có dự án về xây dựng cột mốc và hàng rào bảo vệ khu vực tự nhiên của núi Phu Sĩ - một điểm nhấn của đô thị di sản, các chuyên gia Pháp đã thiết kế bảng thông tin ở các điểm có làng cổ, bản cổ, nơi có ao hồ, các vùng cây xanh, khu vực quy định trồng cây hợp lý…). Đánh giá hiệu quả hợp tác với Pháp, ông Kham Chăn Thavisuoc, Chủ tịch Ủy ban di sản thế giới của tỉnh Luang Prabang nhận định: “Chúng tôi luôn mở rộng và tranh thủ sự giúp đỡ của UNESCO và các quốc gia khác, đặc biệt là sự giúp đỡ của Pháp. Sự hợp tác của Luang Prabang và quận Chinon trong 20 năm qua trên nhiều lĩnh vực và hiệu quả rất rõ ràng”.

Ông Jean - Lucdupout, Chủ tịch quận Chinon đã đánh giá trực tiếp hiệu quả các dự án đặc biệt là dự án phân bổ chiến lược các khu vực của di sản đô thị, bảo vệ khu vực sinh thái ở trong và bao quanh đô thị cổ (8). Bà Greaut phó thị trưởng Chinon đã phát biểu, đánh giá hiệu quả của sự hợp tác rằng Chinon tự hào đã đóng góp cùng bạn và UNESCO trong việc thực hiện các dự án hướng tới bảo tồn văn hóa Lào (9).

Hợp tác với Nhật Bản cũng được triển khai trong nhiều năm và đã có nhiều kết quả nhất định. Viện Công nghệ Tokyo Tech Nhật Bản là một đơn vị khoa học và công nghệ tiên tiến, là một trung tâm về khoa học thông tin và máy tính. Dự án hỗ trợ Luang Prabang được gọi là “Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới vì sự phát triển bền vững liên quan đến quản lý khu vực di sản của Luang Prabang”. Hợp tác giữa Lào và Nhật Bản được thể hiện ở dự án nghiên cứu các nhà cổ, bản cổ của tổ chức Jica (tổ chức này luôn quan tâm đến các kiến trúc nhà cổ trong không gian làng/ bản cổ). Jica đã tổ chức nghiên cứu về đặc điểm các kiến trúc nhà cổ, từ đó có phương án bảo tồn một cách có hiệu quả nhất. Quan điểm của các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, các nhà cổ đều thuộc sở hữu tư nhân, vì vậy, cần triển khai chương trình giáo dục cộng đồng mục đích là giúp họ nhận thức đúng về giá trị của ngôi nhà cổ trong đô thị cổ Luang Prabang. Khuyến cáo họ cần có sự phối hợp với các nhà khoa học chuyên ngành để không làm mất đi giá trị nguyên gốc của những kiến trúc nhà cổ. Jica đã tổ chức nghiên cứu, tiến tới đặc họa các ngôi nhà trọng điểm, tiêu biểu để lưu trữ hình ảnh và thông tin. Tổ chức đã khuyến cáo người dân chú ý bảo tồn cấu trúc cảnh quan của làng, cảnh quan đó đã tạo nên bản sắc của cộng đồng. Văn phòng di sản thế giới đã đề nghị với tổ chức Jica về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lắp đặt các trạm cứu hỏa ở những nơi có kiến trúc chất liệu gỗ. Đồng thời sửa chữa các cây cầu cũ ở các làng bản, mặc dù các cây cầu này ngày nay đã không sử dụng nữa. Tổ chức hợp tác với Nhật Bản còn triển khai thử nghiệm xử lý nước thải ở một số ao, hồ trong khu di sản.

Trong những năm qua, cơ quan quản lý văn hóa của Lào đã phát triển quan hệ hợp tác với Hàn Quốc. Văn phòng di sản Luang Prabang đã được cơ quan quản lý cấp trên thống nhất nhận nguồn tài trợ từ chính phủ Hàn Quốc. Dự án này được cấp từ “Quỹ bảo tồn di sản phi vật thể (ICH)”. Dự án tập trung vào việc nghiên cứu thu thập thông tin về hai loại di sản văn hóa phi vật thể các nghề như nghề chạm bạc, nghề giấy, nghề đánh bắt cá trên sông, múa Nang Keo và múa rối. Kết quả của sự hợp tác đã được đánh giá rất hiệu quả và tiếp tục phát huy chủ yếu nghiên cứu bảo tồn loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Hợp tác với Đức tập trung chủ yếu vào dự án cho việc lắp đặt các biển hiệu thông báo thông tin trong khu bảo tồn ở 14 thôn/ bản trọng điểm. Mục đích để giới thiệu khái quát về các thôn/ bản, cấu trúc bố cục không gian cảnh quan, những di sản đáng chú ý như chùa cổ, nhà cổ.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia sớm có mối quan hệ với quốc gia Lào trên nhiều lĩnh vực, trường hợp như: dự án bảo tồn và phát triển thành phố di sản do Công ty Nolingo tài trợ, kết quả 32 tòa nhà trong danh sách bảo tồn đã được cải tạo trong đó có 12 công trình tôn giáo, cải tạo 7 tuyến đường lớn, 12 đường thung lũng, di dời đường dây điện ngầm, chỉnh trang các bãi đỗ xe, công viên, gia cố chống sụt lở đất ở các điểm có khách tham quan. Làm lại và mở rộng hệ thống mương thoát nước để tránh tình trạng ngập úng. Quy hoạch bãi rác thải ở khu vực bảo tồn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường (10). Sự hợp tác với Trung Quốc còn có các doanh nghiệp khác tới Luang Prabang để phát triển các loại hình dịch vụ buôn bán hàng hóa.

Hợp tác với Hoa Kỳ - thực tế việc hợp tác với Hoa Kỳ thể hiện sự đóng góp của Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ. Quỹ này được thực hiện với hai dự án chính: Dự án cải thiện núi Phu Sĩ với các nội dung bao gồm tổ chức nghiên cứu về các yếu tố tự nhiên đảm bảo tính toàn vẹn, chống xói mòn, nghiên cứu hệ sinh thái đặc thù tập trung chủ yếu cho việc đảm bảo bền vững về môi trường - một trong những yếu tố cơ bản trong chính sách của UNESCO; Quỹ Đại sứ Hoa Kỳ còn tiến hành thực hiện dự án gia cố, tu bổ, chỉnh trang không gian (bảo tồn chùa Xiêng Thong với tổng kinh phí là 584.821 USD) (11). Cũng từ quỹ này đã đầu tư tu bổ chùa Vishum với tổng giá trị là 90.150 USD, dự án đã tiến hành tu bổ tập trung những kiến trúc bị hư hỏng, chỉnh trang tường, các bức hội họa bị mờ nhạt, đầu tư thêm cho cảnh quan chùa, đặc biệt là cây xanh (12).

Ngoài việc hợp tác với các quốc gia nêu trên, Chính phủ Lào, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Luang Prabang, Văn phòng di sản thế giới còn chú trọng hợp tác liên tục với cộng đồng quốc tế như: đón tiếp các vị khách là: Đại sứ Ấn Độ, Thái Lan, Mexico, phái đoàn hội đồng châu Âu (EU), Thị trưởng Thakayama Nhật Bản, Đại biểu Trường Đại học Nara Goya Nhật Bản, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới và du lịch bền vững tại Paris và các kiến trúc sư của Tổ chức UNESCO. Giao lưu và hợp tác quốc tế với Việt Nam được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung trong việc hợp tác giao lưu với các tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Sơn La… Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được cộng đồng người Lào biết tới và Luang Prabang cũng được cộng đồng người Việt Nam biết tới và thường xuyên tham quan du lịch.

Thông qua nghiên cứu về sự hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản văn hóa thế giới trường hợp Luang Prabang, có thể đưa ra những nhận xét cụ thể sau đây: Di sản văn hóa thế giới là tài sản của nhân loại vì vậy không chỉ có cộng đồng chủ thể của quốc gia có di sản tham gia vào tiến trình bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mà cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế; các văn bản quốc tế trong đó có các hiến chương, công ước, các văn bản quốc gia như các văn bản luật di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng. Từ nghiên cứu các hoạt động hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản văn hóa thế giới Luang Prabang (Lào) cho thấy tính hiệu quả cao trong hợp tác, hoạt động đó đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa thế giới Luang Prabang được bền vững theo chính sách của UNESCO và quan điểm của quốc gia có di sản; trong dài hạn quốc gia Lào sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa tinh thần hợp tác quốc tế để bảo tồn di sản Luang Prabang và các di sản thế giới khác trên đất nước Lào.

__________________

1. Su Nệt Phô Thị Sản, Lịch sử Lào, Nxb Quốc gia Viêng Chăn, 2000, tr.116.

2. Phadone Insaveang, Di sản văn hóa cố đô Luang Prabang với phát triển du lịch, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2011, tr.32-33.

3. Cục Di sản tỉnh Luang Prabang, Thông tin về tình trạng di sản thế giới và việc bảo vệ làm cho Luang Prabang có giá trị, 2013, tr.32

4, 5. Các hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2004, tr.141, 149

6. Luật Di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bổ sung 2009, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.66.

7. Xem điều 79, Luật Di sản quốc gia (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) ban hành năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2021, Nxb Viêng Chăn.

8, 9. Tổng kết 20 năm Luang Prabang trở thành di sản thế giới, Tư liệu lưu trữ tại Văn phòng di sản thế giới Luang Prabang, 2015, tr.4, 31.

10, 11, 12. Báo cáo 2018 của Văn phòng di sản thế giới Luang Prabang năm 2018-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Di sản văn hóa (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được sửa đổi bổ sung 2009, Nxb Lao động, Hà Nội.

2. Báo cáo tổng kết thường niên của Văn phòng di sản thế giới Luang Prabang từ các năm 2015 đến 2023.

3. Tư liệu, số liệu do người viết sưu tầm và điền dã thực địa tại thành phố di sản các năm 2022-2024.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 4-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-1-2025; Ngày duyệt đăng: 3-2-2025.

SAISAMONE SULIXAY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;