Về học liệu mở dạng Modul sử dụng cho giáo dục đại học số trong bối cảnh hiện nay

Tóm tắt: Trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học hiện nay tại Việt Nam nói chung và bối cảnh các khóa học trực tuyến mở (MOOCs) nói riêng, học liệu số và học liệu số dạng mở đã và đang được triển khai xây dựng. Việc triển khai xây dựng hệ thống học liệu số và học liệu số mở của các trường đại học còn có thể có nhiều bất cập, không chỉ ở khía cạnh sở hữu trí tuệ mà còn cả ở khía cạnh pháp lý, tài chính. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về học liệu mở dạng modul chương mục sử dụng cho giáo dục đại học cùng với một số đề xuất với hy vọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo tại các trường đại học hiện nay

Từ khóa: học liệu mở, học liệu số, modul, giáo dục đại học số.

Abstract: Vietnam’s higher education system is undergoing a digital transformation, particularly with the rise of massive open online courses (MOOCs). Consequently, digital and open digital learning materials are being developed. Developing these systems presents challenges for universities, notably concerning intellectual property, legal frameworks, and financial resources. This article examines the use of modular open learning materials in higher education and suggests ways to address current training difficulties.

Keywords: open learning materials, digital learning materials, modules, digital higher education

Tháng 9-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Theo đó, mục tiêu chung là xây dựng mô hình về phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập, đáp ứng nhu cầu của người học để được cấp bằng và nhu cầu học tập suốt đời. Trong giai đoạn 2023-2026, phấn đấu có trên 40% số cơ sở giáo dục đại học tham gia xây dựng, phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.

Trước đó, vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến quốc gia tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều hội nghị, hội thảo với các mức độ khác nhau bàn về các nội dung xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam với nền tảng khóa học dùng chung MOOCs chứa đựng học liệu số vốn có nhiều ưu điểm và tính phổ cập, đã được nhiều nước trên thế giới triển khai, áp dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tuy vậy, việc triển khai xây dựng hệ thống học liệu số và học liệu số mở của các trường đại học còn có thể có nhiều bất cập, không chỉ ở khía cạnh sở hữu trí tuệ mà còn cả ở khía cạnh pháp lý, tài chính dành cho nội dung này. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề về học liệu mở sử dụng cho giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay với một số đề xuất nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thời gian tới.

1. Sơ lược về học liệu mở và học liệu mở dạng modul

Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, với sự xuất hiện của thư viện số, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đặc biệt là đại dịch toàn cầu COVID-19 đã làm thế giới có sự chuyển dịch rõ rệt trong việc cung cấp các khóa học trực tuyến đi kèm với các học liệu số, học liệu mở. Nội dung này còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khi Việt Nam thần tốc bước vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Do phạm vi của bài viết, chúng tôi xin phép không đề cập đến các công trình nghiên cứu về học liệu số, học liệu mở trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là trong phạm vi các khóa học trực tuyến mở MOOCs. Tuy vậy, có thể đánh giá sơ bộ rằng, học liệu mở dạng modul còn ít được nhắc tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam.

Khái niệm học liệu mở dạng modul ở đây, với chúng tôi bắt nguồn từ việc các nhà xuất bản lớn trên thế giới từ lâu đã cho ra đời các cuốn sách dạng bản in giấy và sau đó là bản điện tử (hạn chế quyền truy cập) ở hình thức từng chương. Theo đó, mỗi chương sách có thể do nhiều tác giả khác nhau viết. Cấu trúc mỗi chương này về cơ bản đều có lời nói đầu, mục lục chương, bài tập (nếu có) và tài liệu tham khảo của từng chương. Thông tin này vốn khá quen thuộc với những người làm công tác biên mục tài liệu ngoại văn và những người làm công tác nghiên cứu trong các trường đại học.

2. Một số vấn đề đang tồn tại

Sự tương tự trong nội dung chính các học phần đang được sử dụng cho giảng dạy đại học

Như chúng ta đều biết, các trường đại học tại Việt Nam hiện đang được chủ động đào tạo hệ đại học và sau đại học theo mô hình ngành và chuyên ngành. Có khá nhiều ngành có tên gọi trùng nhau giữa các trường đại học do phải tuân thủ quy định về mã ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đồng nghĩa với việc đó là về cơ bản, nhiều môn học trong chương trình có tên giống nhau. Theo đề cương chi tiết của các học phần đó, có nhiều chương, mục hoặc nội dung giống nhau, bảng dưới đây là một ví dụ cụ thể với môn Lý thuyết ô tô trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật ô tô (hoặc Công nghệ Kỹ thuật ô tô) mà một số trường đại học công bố trên trang web.

Có thể thấy, mức độ tương đồng trong nội dung học phần tại các trường là khá lớn, cho dù đây là học phần thuộc nhóm cơ sở ngành.

Thực tế về vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và kinh phí chi cho công tác viết, xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo, học liệu

Có một thực tế xảy ra với có lẽ không ít giảng viên đại học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi viết bài giảng, giáo trình, học liệu đó là vấn đề lo ngại vi phạm quy định pháp luật về bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhất là với các chủ đề có tính chất “truyền thống” mà học phần Lý thuyết ô tô nêu trên là một ví dụ. Làm sao để giải quyết được việc tránh trùng lặp, tránh “sao chép” với các nội dung kiến thức nền tảng, cơ bản đã được cô đọng qua rất nhiều thập kỷ? Bên cạnh đó, để có thể được công nhận đạt chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp là giảng viên chính và giảng viên cao cấp, giảng viên đại học cần phải có ít nhất 1 sản phẩm là giáo trình phục vụ đào tạo đại học ở dạng hoàn chỉnh và là bản in trên giấy. Đây cũng lại là một vấn đề không dễ giải quyết trong bối cảnh pháp lý về bản quyền, sở hữu trí tuệ nêu trên.

Về vấn đề kinh phí, qua tham khảo quy định của các trường đại học trên trang web hoặc thông qua nguồn thông tin tham khảo riêng, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết các trường đều có quy định về kinh phí chi trả cho việc viết hoặc xuất bản giáo trình in mà chưa có quy định về kinh phí chi trả cho học liệu điện tử hay học liệu số. Mức chi trả phổ biến cho tài liệu in ở mức 3-5 triệu đồng trên đơn vị 1 tín chỉ của học phần mà giáo trình đó sẽ phục vụ. Sau đây là một số ví dụ: Trường Đại học Cần Thơ (2022): 5.000.000 đồng/1 tín chỉ; Trường Đại học Nông Lâm Huế (2017): 200.000 đồng/1 tiết theo đề cương học phần; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (2020): 300.000 đồng/1 tiết theo đề cương; Trường Đại học Tân Trào (2022): 10.000.000 đồng/1 đầu sách (các con số trong ngoặc là năm ban hành quy định). Cá biệt, có trường hợp có chính sách khuyến khích rất cao trong việc xuất bản giáo trình, đó là Trường Đại học Tài chính Marketing (2021): 30.000.000 đồng/1 tín chỉ.

Như vậy, với trường hợp học liệu số (thường là học liệu mở), theo nhận định của chúng tôi, kinh phí dự kiến sẽ phải trả cho một học liệu số đầy đủ chương, mục có thể sẽ lớn hơn các con số nêu trên do công sức của các tác giả sẽ phải lớn hơn để đảm bảo quy định pháp lý về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Khi sử dụng học liệu mở dạng modul và dùng chung hay theo cách tiếp cận khác là học liệu chia sẻ thì các vấn đề pháp lý và kinh phí sẽ được giải quyết theo hướng dễ dàng hơn.

3. Sự cần thiết hình thành mô hình học liệu mở dạng modul dùng chung cho giáo dục đại học số trong bối cảnh hiện nay

Với những thực tế và những lợi ích của học liệu mở modul như đã phân tích ở trên, theo chúng tôi, các trường đại học tại Việt Nam hiện nay nên hợp tác, nghiên cứu xây dựng quy định, sử dụng học liệu mở dạng modul theo kiểu chương, mục nhằm giải quyết hiệu quả nhiệm vụ quản lý, tổ chức đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học cũng như những khó khăn thường gặp trong công tác giáo trình, học liệu hiện tại. Một học phần sẽ chứa đựng nhiều modul học liệu, bao gồm cả dạng mở do các tác giả đến từ trường đại học khác, đơn vị khác soạn thảo và dạng đóng do đặc thù chuyên môn và sở hữu trí tuệ của tác giả thuộc trường đại học đó.

Các modul này nên được phân loại theo một bộ quy tắc nhất định, đảm bảo dễ dàng nhận biết, sử dụng, nhất là mức độ mở của học liệu; đảm bảo quy định về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Cũng nên có quy định về quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền công bố của từng modul.

Việc sử dụng học liệu mở này cũng đem lại những thuận lợi không hề nhỏ cho các Trung tâm Thông tin - Thư viện hoặc Trung tâm học liệu khi công bố các tài liệu phục vụ người học trong bối cảnh đảm bảo quy định pháp lý về quyền tác giả, quyền công bố sản phẩm trí tuệ.

Bên cạnh đó, các trường cũng nên có những đề xuất phù hợp với các Bộ ngành có liên quan trong việc công nhận kết quả công tác của giảng viên trong nội dung nhiệm vụ viết giáo trình, tài liệu tham khảo, học liệu mở dạng modul chương, mục khi xét công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ giảng viên, xét đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp và các vấn đề khác…

4. Lời kết

Trong bối cảnh tự chủ đại học, chuyển đổi số quốc gia trong đó chứa đựng trụ cột kinh tế số và xã hội số, bối cảnh giáo dục đại học số, các trường đại học nói chung và giảng viên đại học nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít thuận lợi do thành tựu công nghệ thông tin đem lại. Mô hình học liệu mở dạng modul chương mục dùng chung trong giáo dục đại học số trong bài viết này hy vọng là một gợi mở tốt cho công tác quản lý, tổ chức đào tạo nói riêng và công tác quản trị nói chung của các trường đại học.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1117/QĐTTg phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, 2023.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, 2022.

3. Mỹ Ngọc, Kiến nghị sớm phê duyệt Đề án thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số, giaoduc.net.vn, 8-12-2024.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Giáo dục đại học với công nghệ số, 7-12-2024.

5. Nguồn tài liệu mở hỗ trợ đào tạo từ xa và trực tuyến, ir.vnulib.edu.vn, 2019.

6. Lê Ngọc Diệp, Thư viện số, tài nguyên giáo dục mở, góp phần thúc đẩy giáo dục mở Việt Nam, scholar.dlu.edu.vn.

7. Hoàng Thị Minh Anh, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Hoàng Giang, Mô hình MOOC - Xu hướng phát triển giáo dục số hiện đại, lib.yhn.edu.vn, Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, số 19, tháng 7-2019, tr.8-12.

8. Trương Minh Hòa, Bàn về học liệu mở và vai trò của học liệu mở trong đào tạo ngành khoa học Thông tin - Thư viện tại các trường đại học ở Việt Nam, dulieu.itrithuc.vn.

9. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 05/2024/TTBGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm, 2024.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 3-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-1-2025; Ngày duyệt đăng: 6-2-2025.

NGUYỄN MẠNH HÙNG - NGUYỄN THANH THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025

;