Một số giải pháp bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt

1. Một số đặc điểm của dân tộc Chứt

Dân tộc Chứt gồm có 5 nhánh: Sách, Mày, Rục, A rem và Mã Liềng. Dân số hiện nay khoảng trên 7.000 người, cư trú tại 23 tỉnh thành trên cả nước trong đó chủ yếu ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Theo sử sách ghi chép lại “người Chứt được nhắc đến sớm nhất trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn với tên gọi: Sách, Man, Hoang Man. Đầu TK XX, các nhóm người Chứt được các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm. Tuy nhiên, đến năm 1960 các nhà khoa học trong và ngoài nước đi sâu nghiên cứu chứng minh mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ giữa các nhóm Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng, từ đó xác định thuộc nhóm ngữ hệ Việt - Mường. Mặc dù vậy, trong các số liệu thống kê những năm 60 của TK XX, các nhóm thuộc tộc người Chứt vẫn được xem là những dân tộc riêng biệt, chưa xuất hiện tộc danh “dân tộc Chứt”. Đến cuối năm 1973, với những kết quả nghiên cứu liên ngành và các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, đồng bào các nhóm Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng được các nhà khoa học xác định là một dân tộc với tộc danh là Chứt (1). Tên gọi dân tộc Chứt có từ tháng 2-1979 theo bản công bố danh mục các dân tộc Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu: “Người Sách, người Rục trước đây cư trú ở địa bàn các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch. Thời Hồng Đức (1470-1495), khi người Kinh từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh di cư vào Quảng Trạch, Bố Trạch đã thấy có người Sách, Rục có mặt ở đây” (2). Về sau, để chống giặc và nhiều biến cố khác, họ chạy lên vùng phía Tây và chuyển dần vào núi cao. Như vậy, từ xa xưa, do tác động của lịch sử, có một bộ phận cộng đồng người sinh sống ổn định trên địa bàn vùng trung du tỉnh Quảng Bình, lấy nông nghiệp trồng lúa làm nghề sinh sống chủ yếu. Do các tác động của lịch sử, họ phân tán thành những nhóm nhỏ, sống trong các hang đá, chịu sự chi phối của điều kiện sống mới.

Về kinh tế: Do sinh sống ở địa hình núi cao nên dân tộc Chứt chủ yếu làm nương rẫy du canh, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm theo mùa. Mùa khô người ta trồng ngô, sắn, đậu, đỗ và thuốc lá, còn mùa mưa trồng lúa ngô.

Về tổ chức xã hội: Tuy phân thành những nhóm nhỏ nhưng thiết chế xã hội các nhóm người Chứt chặt chẽ và tương đồng, tổ chức xã hội cơ bản là làng, bản. Người đứng đầu bản có uy tín nhất, được người dân suy tôn là già làng. Thiết chế xã hội này phản ánh một thực tế xa xưa của lịch sử: các nhóm Chứt từng là cư dân nông nghiệp phát triển trên một địa bàn tương đối thống nhất. Trước Cách mạng Tháng Tám các tộc người của dân tộc Chứt không có họ, ngày nay tộc người này thường nhận mình là họ Cao, Đinh, Phạm, Hồ… Mỗi dòng họ đều có tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung.

Về đặc trưng hôn nhân và gia đình: Các nhóm người Chứt có cùng chế độ một vợ một chồng, theo phụ quyền, con trai khi lấy vợ ra ở riêng, con gái lấy chồng về ở nhà chồng. Con trai, con gái đến tuổi dậy thì có quyền tự do tìm hiểu nhau và theo nguyên tắc không chấp nhận hôn nhân cùng huyết thống trong phạm vi ba đời.

Về phong tục, tập quán: “Mỗi năm đồng bào dân tộc Chứt đón hai cái tết truyền thống, đó là Tết Lấp lỗ vào dịp 7-7 âm lịch và Tết Chăm Ba Bới vào dịp tháng 11 âm lịch” (3). Tết Chăm Ba Bới còn gọi là lễ cúng cơm mới - Tết truyền thống của đồng bào, thường tổ chức sau khi vụ mùa đã thu hoạch xong và chuẩn bị cho một mùa mới.

2. Những khó khăn trong đời sống của dân tộc Chứt hiện nay

Thói quen

Người Chứt trước kia chủ yếu sống ở các hang đá trong rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống gần như nguyên thủy, họ có đặc tính là không biết trao đổi các sản phẩm. Tính tập thể của họ rất cao, mỗi hang có khoảng 3-4 gia đình sinh sống, họ không muốn tiếp xúc với người lạ nên thường tách biệt với các cộng đồng khác trong vùng. Những người Chứt ở thế hệ trước không nhớ được tuổi, không lưu giữ quá khứ hay ký ức về tổ tiên mà chỉ nhớ về rừng núi nơi họ đã từng sinh sống.

Năm 1959, bộ đội ở Đồn Biên phòng 585 đã thuyết phục họ từ chỗ sống trong hang đá xuống sống trong bản làng. Chương trình 134, 135 của Chính phủ xây nhà gạch cho họ, nhưng họ thường bỏ đi do thói quen sinh hoạt và theo quan điểm nhà gạch không mát như trong hang đá, nên họ quay về sống ở đó. Nhưng “đợt sốt rét cuối những năm 70 đã giết chết hàng chục người sau đó họ được các cấp chính quyền và bộ đội biên phòng đưa ra khỏi hang đá quay trở lại sống trong các bản làng” (4).

Đời sống dựa hoàn toàn vào rừng núi của người Chứt chỉ thay đổi từ năm 1980 khi được bộ đội biên phòng hướng dẫn trồng lúa nước, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của họ ngày càng tiến bộ, đổi mới. Người dân đã biết cách tích lũy tiết kiệm, sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu các loại để phục vụ cuộc sống... Ngày nay, về cơ bản họ đã thoát khỏi cuộc sống săn bắn và hái lượm, tuy nhiên với nền kinh tế chủ yếu là tự cấp, tự túc nên hái lượm còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào.

Những năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của đồng bào dân tộc Chứt. Về cơ bản, đồng bào đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn, hộ. Bình quân mỗi hộ có 1-2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi đều được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, họ còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước.

Như vậy, kể từ khi hòa nhập với cộng đồng, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt đã có những thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, so với các dân tộc khác, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt vẫn còn lạc hậu, khó khăn, trình độ dân trí thấp…

Nguy cơ suy thoái tộc người Chứt vì hôn nhân cận huyết

Như đã phân tích ở trên, đồng bào dân tộc Chứt sinh sống ở vùng cao, vùng sâu… bị chia cắt bởi núi non, sông suối nên đi lại rất khó khăn. Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng lớn đến tập quán sinh hoạt của đồng bào. Người Chứt không có thói quen giao tiếp với người lạ, không tiếp xúc với bên ngoài, không có nhu cầu trao đổi các sản phẩm nông nghiệp. Họ suốt ngày ở trong nhà. Khi đến tuổi lập gia đình, họ thường lấy người trong họ hàng. Mặc dù theo nguyên tắc hôn nhân của người Chứt, đến đời thứ tư những người có cùng quan hệ huyết thống mới có thể kết hôn. Vấn đề hôn nhân cận huyết diễn ra gay gắt nhất ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Hương Khê, từ năm 2010-2015, ở bản Rào Tre có 4 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết. Hậu quả là những đứa trẻ sinh ra bị chết sớm hoặc dị tật bẩm sinh. Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cái chúng tôi lo nhất là vấn đề hôn nhân cận huyết thống. Đây là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của người Chứt nơi đây”(5). Từng nhiều lần về thăm khám cho đồng bào Chứt, ông Phan Trường Sang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hương Khê cho biết: “Ở bản Rào Tre có một số trẻ em bị dị tật bởi ảnh hưởng của hôn nhân cận huyết. Đây là vấn đề nan giải và sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được” (6). Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Nguyễn Tiến Lành thừa nhận rất khó giải quyết việc hôn nhân cận huyết trong đồng bào Chứt: “Cán bộ xã đã nhiều lần tới khuyên nhủ, trao đổi rằng đó là vấn đề không nên, lấy nhau sẽ sinh ra bệnh tật. Nhưng họ chỉ im lặng, cứ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, rồi hệ quả đáng buồn vẫn xảy ra” (7).

Để tránh nguy cơ suy thoái tộc người, chính quyền xã Hương Liên đã cử cán bộ xã cùng bộ đội biên phòng đồn Bản Giàng cắm bản, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tuyên truyền, tập cho đồng bào nơi đây sản xuất, học văn hóa. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét lập dự án đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 15km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi có một số hộ người Chứt và các dân tộc khác sinh sống. Mục đích là tạo điều kiện cho đồng bào Chứt ở bản Rào Tre sang giao lưu, cưới vợ lấy chồng, khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Năm 2010, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình phối hợp thực hiện đề án Phát triển đồng bào dân tộc Chứt giai đoạn 2010-2020 (8). Một trong những nội dung của đề án là hỗ trợ cho các cặp vợ chồng kết hôn giữa người Chứt với các dân tộc khác. Mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn được hỗ trợ 30 triệu đồng, xây dựng nhà mới, cấp đất sản xuất… Sau 4 năm thực hiện Đề án đã có nhiều mối tình “xuyên biên đơm hoa, kết trái”. Trên thực tế lại có vấn đề mới nảy sinh đó là tình trạng mất cân bằng giới tính. Hiện nay, tại bản Rào Tre có 16 thanh niên đến tuổi lập gia đình, nhưng có tới 11 nam và chỉ có 5 nữ. Tình trạng mất cân bằng giới tính của đồng bào các dân tộc Chứt ở Quảng Bình cũng diễn ra tương tự: Số trẻ vị thành niên và thành niên nam gấp ba lần nữ. Thời gian qua, có 5 cặp kết hôn với người Kinh thì 4 trường hợp là gái bản lấy trai Kinh. Việc trai bản lấy được con gái người dân tộc khác là rất khó. Bởi vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trở nên trầm trọng và nguy cơ tái hôn nhân cận huyết ngày càng cao.

Người Chứt được phát hiện muộn nhất ở Việt Nam và là một trong mười dân tộc bí ẩn nhất thế giới

Đã hơn 50 năm gia nhập cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhưng tộc người Chứt vẫn giữ cho mình những nét bí ẩn. Cho đến nay, nhiều phong tục tập quán của người Chứt vẫn còn là điều bí ẩn đối với giới nghiên cứu và cộng đồng các dân tộc. Họ leo trèo vách đá, chuyền cành nhanh thoăn thoắt như những con thú trong rừng. Năm 2013, tộc người Rục được cộng đồng quốc tế đưa vào danh sách 10 bộ tộc có nhiều nét bí ẩn nhất thế giới. Theo GS,TS Trần Trí Dõi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số: “Dân tộc Chứt là một dân tộc chậm phát triển nên vẫn đậm nét của người Việt cổ. Vì họ sinh sống trong các hang đá mà theo phương ngữ của họ là hang đá có nước chảy qua. Trước khi rời hang đá cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên” (9). GS,TS Trần Trí Dõi cũng cho rằng: “Sự thay đổi của điều kiện sống dẫn đến thay đổi thói quen sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt. Nhưng đối với một số tộc của người Chứt vẫn giữ nguyên nếp sống nguyên thủy. Một số người vẫn nhớ hang đá hằng năm có tới ba hoặc bốn tháng họ quay về hang đá để sống mặc dù đã có nhà và được chính quyền cấp đất để sản xuất. Trong thời gian ở hang đá họ bỏ ruộng hoang, quay về cuộc sống săn bắn, hái lượm như người nguyên thủy” (10). Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đã nhiều lần vận động nhưng họ vẫn quay về hang đá. Một số người Rục vẫn có tục ngủ ngồi. Theo GS,TS Trần Trí Dõi, hiện trong cộng đồng người Rục còn tồn tại hai loại phép thuật bí hiểm mà các bộ tộc khác không có đó là tục “thổi thắt”, “thổi mở” và thuật “hấp hơi”. Tục “thổi thắt” là dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng không có con, còn khi dùng bùa chú để thổi vào người phụ nữ để sinh hoạt vợ chồng có con gọi là tục “thổi mở”. Thuật “hấp hơi” để tránh thú dữ, mỗi khi vào rừng người Rục chỉ cần đọc câu “thần chú” thì dù có hổ, báo hay voi rừng cũng không dám tấn công con người. Việc lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian đối với các tộc người Chứt cũng rất khó khăn vì lối sống khép kín, không có thói quen chia sẻ. Đối với người Mã Liềng, A Rem hay người Sách, việc giao tiếp của họ rất khó khăn, không có thói quen nói từ đầu đến cuối một câu chuyện mà thường đứt đoạn khiến cho người nghe rất khó hiểu. Ngay cả kinh nghiệm săn bắn khi đi rừng họ cũng chỉ truyền dạy cho con cháu.

Như vậy, do nếp sống và thói quen cũng như quan niệm của người Chứt, cho đến nay nhiều phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào vẫn được coi trọng và duy trì, trong khi đó một số hoạt động văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc đang ngày bị mai một, biến dạng và mất dần.

3. Một số giải pháp bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt

Để bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, giúp họ thoát đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ để đưa các đề án phát triển đồng bào các dân tộc ít người vào thực tiễn cuộc sống. Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 (11). Đối tượng hưởng lợi của đề án này là 16 dân tộc rất ít người khác nhau (các dân tộc dưới 10.000 người) trong đó có dân tộc Chứt. Với thời gian thực hiện 10 năm, Đề án có mục tiêu: duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Để phối hợp tăng cường hiệu quả của tính định danh này, trong các văn bản hành chính của tất cả các cấp, trong các chính sách, dự án, các bài báo, ấn phẩm truyền thông viết về dân tộc thiểu số cũng như các giấy tờ tùy thân của đồng bào (căn cước công dân, bằng cấp, thẻ bảo hiểm y tế, sổ đỏ…) yêu cầu phải viết đúng, viết đủ và nhất quán tộc danh của đồng bào theo sự công nhận hiện hành của Nhà nước và phải thẩm định kỹ nội dung này trước khi ban hành, phát hành.

Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông và giáo dục đồng bào về ý thức tộc người bằng các hình thức phong phú, phù hợp với phong tục tập quán, trình độ của đồng bào. Chủ động xây dựng, biên soạn các tài liệu phổ thông về lịch sử, văn hóa các tộc người và dân tộc Chứt dùng để cập nhật, giảng dạy trong các trường phổ thông có học sinh đồng bào dân tộc Chứt, bên cạnh các chương trình chính khóa của ngành giáo dục cho dễ hiểu, dễ nhớ.

Tổ chức các lớp học, mời các nghệ nhân dân gian ở địa phương đến trường truyền dạy học sinh các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, truyện cổ, giới thiệu nghề truyền thống của các nhóm địa phương, tạo điều kiện cho các em tìm hiểu và trao đổi về những chủ đề thân thuộc và gần gũi. Đẩy mạnh và tổ chức có hiệu quả công tác vận động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cộng đồng đối với đồng bào từng tộc người, nhằm khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc chung của đồng bào. Người Chứt thích dùng đàn, sáo, hát các giai điệu khác nhau. Họ có nhiều truyện cổ tích, thần thoại, đặc biệt truyện kể về sự khai thiên lập địa và sinh ra con người. Mục đích của việc truyền dạy nhằm từng bước sưu tầm, khôi phục và gìn giữ, bảo tồn, giá trị nhân văn trong nghi lễ tín ngưỡng, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc Chứt; góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững văn hóa các dân tộc. Mặt khác, động viên đồng bào dân tộc Chứt trong việc tự bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, Hà Tĩnh (nơi tập trung dân tộc Chứt sinh sống) cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi từ bậc mầm non tới bậc phổ thông trung học nhằm giới thiệu văn hóa độc đáo của dân tộc Chứt, tạo điều kiện cho con em đồng bào có cơ hội giao lưu học hỏi và trình bày những ý tưởng sáng tạo của bản thân. Đồng thời, đưa đời sống văn hóa tinh thần của người Chứt ra để giới thiệu, quảng bá nhằm bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo.

Các cấp chính quyền có kế hoạch từng bước ổn định, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc Chứt. Tổ chức thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo cơ hội phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, kết hợp với hướng dẫn, động viên đồng bào tự lực tổ chức cuộc sống. Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội dân tộc Chứt nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế, thu hẹp khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống của đồng bào, góp phần vào sự bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

____________

1, 8. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, Vài nét khái quát về đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình, Tạp chí Dân tộc học, 12-7-2017, tr.12-18.

2. Trần Hùng, Người Chứt ở Quảng Bình: Dân tộc thiểu số rất ít người, baoquangbinh.vn, 15-10-2017.

3. Đặng Nghiêm Vạn, Bà con dân tộc Chứt vui đón Tết Chăm Cha Bới, Báo Biên phòng, 9-2-2020.

4. Tuấn Long, Để đồng bào Chứt hòa nhập và phát triển, Chuyên đề Dân tộc và miền núi của Báo Đại đoàn kết, 7-12-2015, tr.11-20.

5. Trọng Tùng, Xuân Sinh, Những người “đặc biệt” sáng sớm đi từng nhà… gọi dân dậy, Tạp chí Khoa học Giáo dục Biên phòng, 16-8-2018, tr.44-46.

6, 7. Trần Văn Tuấn, Rào Tre, người Chứt và hôn nhân cận huyết, Chuyên đề Dân tộc và miền núi của Báo Đại đoàn kết, 20-6-2019, tr.36-43.

9, 10. Trần Trí Dõi, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr.167, 238.

11. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, Tạp chí Dân tộc, 12-11-2016, tr.25-32.

TS NGUYỄN THỊ THU TRÀ - Ths ĐINH THỊ CẨM TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;