Nghệ thuật trang trí trên cây cột lễ của dân tộc Cơtu

Đối với người Cơtu, cây nêu (đơ doong), cột lễ (sanuôr) được xem như “lễ đài” chính của lễ hội, là nơi diễn ra các hoạt động chính trong lễ hội như đâm trâu, nhảy múa, khấn thần và nó còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân.

Phần chính diện của cây nêu với nhiều hoa văn họa tiết trang trí

Cây nêu, cột lễ - cột đâm trâu của người Cơtu là những cây tre và cây thân gỗ mềm như xoan huyết được gia công trang trí, đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng. Nơi dưới cột, người ta buộc các con vật hiến tế như trâu, bò, dê, ngựa. Trước khi vào rừng hạ cây làm cột lễ, đồng bào làm lễ cúng thần linh tại nơi định đặt cây nêu. Người ta lấy huyết gà và rượu đổ xuống vị trị dựng nêu và lấy cây lao (dụ) cắm xuống đất rồi đánh cồng chiêng vài lượt để thông báo với thần linh. Người được chọn làm cột lễ là người khỏe mạnh, trong sạch, gia đình yên ấm thì cột lễ mới thiêng và nhất là có khả năng điêu khắc và vẽ tranh.

Mỗi cây nêu, cột lễ chỉ được phép sử dụng một lần. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, cây nêu, cột lễ còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội. Do đó, nơi dựng nêu luôn phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Người ta làm cây nêu, cột lễ vào các dịp lễ hội quan trọng như Tạ ơn công lao cha mẹ (prơ dăh), Lễ hội Kết nghĩa (prơ ngosck), Lễ hội Ăn mừng lúa mới (aví tơ mêê), Lễ Cúng tộc họ (a veng), Làm nhà mồ (bhrơ ping), Lễ cúng đất (pa dướh crung), mừng thắng trận…

Cây nêu là một thành tố có quan hệ mật thiết với cây cột lễ nhưng lại hoàn toàn tách rời với cây cột lễ. Trong khi cây cột lễ được chôn chính giữa sân nhà gươl thì cây nêu (thường là hai cây tre) được chôn ở vòng ngoài câu ngọn vào phía trong tạo thành hình cung gấp gãy ngay trên đỉnh của cột lễ, người Cơtu gọi là dơ doong. Trên ngọn cây này thường được trang trí tượng chim chèo bẻo - đại diện cho linh, vật tầng trên. Chim chèo bẽo (a vang) là loài chim có thể nuôi, hát hay, bay khỏe, khôn khéo, dũng cảm trong “chiến đấu” bảo vệ giống loài của mình. Vì vậy, khi sinh con cái, đồng bào cũng mong muốn những đứa trẻ có những ưu điểm như con chim này.

Trang trí trên đỉnh cây nêu

Cột lễ chia làm 2 phần: phần gốc và phần ngọn. Phần gốc (tơơm) là phần được chôn dưới đất và lộ thiêng, để trơn không trang trí, chạm khắc. Ðó chính là chỗ để buộc con vật làm lễ hiến sinh. Phần ngọn (tu) chính là còn lại phía trên của cây nêu. Phần ngọn cột lễ được đồng bào chia ra thành 9 mô tip trang trí khác nhau, thứ tự từ dưới lên trên, đó là: dây thừng (bhrướt pơr lanh), dây thắt lưng phụ nữ (cơtêêng pa pát), hoa cây chi rong- mô típ này lặp lại 3 lần trên thân cột, chuỗi cườm crôl, a pac, crơ lăng, pa pagương. Trong đó, dây thừng tượng trưng cho dây buộc gia súc với ý mong muốn cho đàn gia súc đông đúc; dây thắt lưng là hình ảnh tài hiện loại dây được dệt bằng vải bông rất dài để buộc thắt lưng và buộc tóc khi tham gia điệu múa Tân tung da dắ, tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Cơtu; 3 mô típ hoa chi rong lặp lại nhau trên cột lễ biểu tượng cho nhiều vật dụng liên quan thiết thân đến cuộc sống hằng ngày của đồng bào như chày cối, xoong nồi, bát đĩa và cả hình ảnh mang tính công thức để người ta nhìn vào đó mà trang trí hoa văn trên các đồ đan lát, thêu dệt...Cây chi rong là loại cây phát triển nhanh, rất tươi tốt, đầy sức sống, nên người Cơtu thường lấy vài nhánh lá cây này buộc vào cây chọc lỗ để tỉa lúa, cầu mong cho cây lúa lên nhanh như cây chi rong. Chuỗi cườm tròn trên cây cột lễ miêu tả hạt cườm crôl là một loại cườm to, đẹp, nhiều màu sắc và đắc giá nhất (một con trâu to trở lên) là loại trang sức mà người đàn ông Cơtu thích nhất, được đeo trong tất cả các lễ hội truyền thống của dân tộc mình. A pác có thiết diện hình hộp chữ nhật, mặt lớn nằm phía chính diện của cột lễ, nơi tập trung nhiều hoa văn, hình vẽ như mặt trăng, mặt trời, con rồng A dóc, lá cây a tút, cây a dương (cây mây), cây tà đin- loại cây để lấy nước làm rượu giống như cây tà vạc... Gọi cây nêu cột lễ là “cây vũ trụ” thì phần trang trí ở a pác là nơi tập trung nhiều hình vẽ biểu tượng cho đất trời, có mặt trời là có tất cả, thiên nhiên và cuộc sống con người; nhờ có mặt trăng, người Cơtu mới biết chọn thời gian thích hợp để trồng cây gì, săn con thú nào, hái lượm những loại rau quả gì để sinh sống. Cặp rồng Bha dưa A dóc đầu hướng về trên, thân mình và đuôi kéo dài xuống dưới, theo đồng bào thì con rồng này của thần nước sinh ra, nuôi dưỡng và sai khiến. Con rồng này sinh ra để trừng trị những kẻ ăn ở thất đức. Vì vậy mà các vị già làng thường lấy hình ảnh con rồng này để răn đe, giáo dục bà con trong làng sống sao đúng lẽ phải, phép tắc của luật tục, đoàn kết, thương yêu nhau. Phần mặt nhỏ của a pác thường khắc họa hình con chó, hoa lơ lang, cây dhờ lờm và chuỗi hạt mã não, trong đó mã não là loại trang sức có giá trị mà các cô gái Cơtu thích đeo nhất. Crơ lăng là 4 thanh gỗ chĩa ra 4 hướng trên gần đỉnh cột lễ, biểu trưng cho chiếc nỏ, chiếc ná- công cụ săn bắt và là vũ khí cổ sơ giúp đồng bảo bảo vệ cuộc sống của mình. Trên đầu mỗi crơ lăng được gắn vào 4 tua dài được đang bằng tre núa, buông xuống phía dưới, lượn bay theo từng cơn gió, rất đẹp mắt, biểu trưng cho xương cá trê, cá lóc, chân con rết. Pa pa là phần trên cùng của cột lễ, được đan bằng tre, nhìn giống cái phểu, xung quanh gắn đầy lá nón, lá cọ, biểu trưng cho ổ gà. Ðồng bào xem đây như là một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Cuối buổi hiến tế thần linh, đồng bào thường ném con gà đã cắt tiết và những đồ vật khác lên trên pa pa để dâng cúng cho các vị thần. Gương là bộ phận quan trọng nhất, là hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ, trên đó tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ và nổi bật là hình vẽ chim tring, gà trống hoặc một số con vật khác như trâu, heo, ếch, rồng... Gương là bộ phận quan trọng vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa là cho cột tế có sự cân đối. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa Da dáGương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.

. Vũ điệu Tân tung da dắ mừng cây nêu mới

Cột lễ là cột “thiêng” vì đây là nơi thần linh hội tụ về dự lễ; bàn thờ cúng dâng lễ vật hiến sinh cho thần linh; nơi trình diễn điệu múa “Tân tung dá dá”; không gian thiêng kết nối, thông quan giữa thần linh với con người. Với ý nghĩa như vậy, cột tế thường được làm cao hơn, trang trí cầu kỳ hơn những vật trang trí khác. Sẽ không quá lời khi nói rằng: cây cột tế là vật trang trí đẹp nhất của người Cơ Tu cũng như nhiều tộc người khác trong các lễ hội. Ðây là công trình sáng tạo mỹ thuật của tập thể nghệ nhân khéo tay nhất trong làng.

Theo một số nhà nghiên cứu, cột lễ thuộc “biểu tượng cây”, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tộc người qua các hệ thống mô típ hoa văn, màu sắc, hình tượng, đồ vật trang trí trên cột. Hầu như những hoa văn đẹp, tiêu biểu nhất thường xuất hiện trên vải đều được người Cơ Tu chọn lọc ra để trang trí, làm đẹp cho cây cột lễ như hoa pơ lơm, lá a htút, hoa văn chày giã gạo (h’jêê)... Nếu trên nền vải thì chúng chỉ có hai màu đen trắng, nhưng khi được vẽ trên cây cột lễ, những hoa văn đó được bổ sung thêm màu đỏ tươi, thể hiện đầy đủ những màu truyền thống. Với những hoa văn đó, cây cột lễ của người Cơ Tu trở nên gần gũi và thiêng liêng trong con mắt của dân làng. Một phần hình ảnh của cây cột lễ được thể hiện trên trang phục truyền thống Cơ Tu với sự cách điệu, đường nét khác biệt, tạo nên điểm nhấn đáng nhớ.

Cây nêu, cột lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơtu. Xét về phương diện tinh thần, đây là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng - hiến tế. Xét về phương diện nghệ thuật, đây là một sản phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức. Những hoa văn đẹp, tiêu biểu nhất được trang trí, làm đẹp cho cột lễ. Hình ảnh cây nêu, cột lễ còn là đề tài mà nghệ nhân Cơtu thường khắc họa sinh động trong các bức phù điêu, tranh vẽ, hoa văn trang trí.

Tác giả: Trần Tấn Vịnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;