Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Sáng ngày 8-11-2022, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ tổng kết, trao thưởng Cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở”, hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2022.

Tham dự Lễ tổng kết có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng; Lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương và một số địa phương cùng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngành VHTTDL năm 2022 và Kế hoạch triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Kết luận 76-KL/TW và Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả là thước đo của công tác PBGDPL và là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc thi “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các tác giả, nhóm tác giả đạt giải

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trên phạm vi cả nước nhằm tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở tiêu biểu đang được triển khai trong thực tiễn hoặc có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 14-4-2022 và kết thúc nhận bài dự thi ngày 30-9-2022. Qua hơn 5 tháng phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận đuợc sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và sự tham gia vào cuộc của Sở VHTTDL, Sở VHTT các địa phương đã động viên, thu hút, khuyến khích đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia Cuộc thi.

Kết thúc thời gian diễn ra Cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 1015 bài dự thi gồm 190 bài tập thể và 825 bài cá nhân. Các bài dự thi được gửi về từ 40 tỉnh,  thành trên cả nước, trong đó một số địa phương có số cá nhân, tập thể tham gia đông đảo như: tỉnh Bắc Ninh (277 bài), tỉnh Cà Mau (124 bài), lực lượng Bộ đội Biên phòng (166 bài)… Các bài dự thi có sự đa dạng về tuổi tác, có những bài đến từ các em học sinh THCS với độ tuổi khoảng 11-14, cũng có những bài dự thi đến từ các cụ ông, cụ bà có độ tuổi ngoài 80, như bài dự thi của cụ Trần Ngọc Uy, sinh năm 1938. Không chỉ đa dạng về vùng miền, đa dạng về thành phần tri thức, độ tuổi mà còn có sự đa dạng về dân tộc như: dân tộc Tày, Hoa, Khmer, Mường,...

Góp phần vào thành công của Cuộc thi phải kể đến sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan thông tin, truyền thông đại chúng ở Trung ương và các địa phương, tạo thành đợt cao điểm truyền thông có chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi cả nước. Công tác truyền thông về Cuộc thi được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong quá trình diễn ra Cuộc thi.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm báo cáo tổng kết cuộc thi

Phát biểu khai mạc Lễ tổng kết và trao thưởng cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm chia sẻ: Trên cơ sở thể lệ Cuộc thi, Ban Giám khảo đã ban hành quy chế chấm thi và lựa chọn được 10 giải tập thể, 11 giải cá nhân. Một số mô hình sáng kiến tiêu biểu tham dự cuộc thi đã được lựa chọn như: mỗi tháng một bộ luật; tổ chức biểu diễn tuyên truyền lưu động gắn với phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở; tổ chức cuộc thi hùng biện dưới cờ; an toàn giao thông hạnh phúc mọi người, mọi nhà; ngôi nhà trí tuệ…

Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương như Bộ Tư pháp, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên cả nước. Cuộc thi được triển khai nghiêm túc bài bản và đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch. Cơ cấu giải thưởng cuộc thi phong phú, đa dạng, tạo sức hấp dẫn, thu hút mọi người tham gia – Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, một số địa phương chưa chủ động trong phát huy vai trò trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc hưởng ứng tham gia cuộc thi nên số lượng người tham gia Cuộc thi chưa cao. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu, phương pháp tiếp cận chưa tốt, chưa đúng thể lệ nên chưa được xếp giải.

Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng phát biểu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và sự hưởng ứng tham gia Cuộc thi của lực lượng Bộ đội biên phòng

Tại Lễ tổng kết, Đại tá Văn Ngọc Quế - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng chia sẻ, khi Bộ VHTTDL phát động Cuộc thi, nhận thấy nhiều mô hình của Bộ đội biên phòng đang triển khai thực hiện cũng rất phù hợp với Cuộc thi của Bộ VHTTDL phát động, cho nên Cục Chính trị Bộ đội biên phòng tiếp tục tham mưu cho Bộ Tư lệnh triển khai phát động trong toàn lực lượng Bộ đội biên phòng, khi theo dõi, thấy được nhiều mô hình rất hay và chúng tôi tiếp tục nhân rộng và phát động các đơn vị tổng hợp lại và gửi dự thi. Một số đồng chí, một số bài dự thi cũng được ban tổ chức ghi nhận.

Đại tá Văn Ngọc Quế trao đổi thêm: Lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp, ngoài tuyên truyền phổ biến cho nhân dân nắm, hiểu và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì đối với lực lượng Bộ đội biên phòng vừa tuyên truyền phổ biến, vừa duy trì thực thi pháp luật biên giới, cho nên lực lượng Bộ đội biên phòng thông qua các hoạt động như là các tổ đội tuyên truyền văn hóa tự xây dựng, dàn dựng các tiểu phẩm liên quan đến pháp luật để vừa tham gia sinh hoạt với bà con, vừa tuyên truyền phổ biến. Trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các hoạt động khác ở địa phương, Bộ đội biên phòng cũng tích cực cùng các ban, ngành, đoàn thể tham gia phối hợp với các địa phương bằng các hình thức và các hoạt động văn hóa đến gần với bà con hơn. Từ đó các hoạt động diễn ra thuận lợi hơn, góp phần duy trì an ninh trật tự và duy trì pháp luật ở biên giới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ Tổng kết, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đánh giá cao sự thành công của Cuộc thi do Bộ VHTTDL phát động, những mô hình, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật rất sáng tạo và hiệu quả, đạt kết quả cao. Sự phối hợp chặt chẽ của Bộ VHTTDL với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Những nỗ lực và sự tham gia tích cực của Bộ VHTTDL trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật nói chung và hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam nói riêng.

Để thực hiện hiệu quả các hoạt động, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trong thời gian tới, để ngày Pháp luật Việt Nam thực sự trở thành ngày hội toàn dân, nhằm lan tỏa tinh thần và ý thức thượng tôn pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị: Bộ VHTTDL thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022, ngày 6-11 vừa qua, đồng thời đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục có nhiều sáng kiến đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Trên cơ sở Cuộc thi này, đề nghị Bộ VHTTDL tập hợp và có đề xuất với Hội đồng phổ biến và giáo dục pháp luật Trung ương chỉ đạo, triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đồng thời Bộ VHTTDL chỉ đạo, hướng dẫn ngành VHTTDL trong cả nước phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương cũng như ở các địa phương để thực hiện hiệu quả các đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trên cơ sở Kết luận 80 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Chỉ thị 32.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng Bộ VHTTDL trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Lễ Tổng kết

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Tổng kết, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục khẳng định, một trong ba khâu đột phá chiến lược đó là hoàn thiện, đồng bộ thể chế, coi đây là khâu đột phá cần phải tổ chức thực hiện trong suốt cả nhiệm kỳ này. Chính vì vậy, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng, Bộ VHTTDL đã chủ động chuyển hướng hoạt động của mình, từ làm văn hóa, chuyển sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ đã chủ động rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất với cấp có thẩm quyền, và trực tiếp chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội để đưa vào trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định.

Bộ trưởng chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mới thông qua 4 kỳ họp Quốc hội, trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta đã trình Quốc hội thông qua 2 bộ luật, trong đó Luật Điện ảnh (sửa đổi) được xác định như là một công cụ quản lý và đồng thời tạo ra một bước phát triển với tư cách là một loại hình kinh tế. Văn bản luật thứ 2, mà Quốc hội sắp sửa ấn nút để thông qua vào ngày 14-11, là Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), góp phần hình thành một gia đình văn hóa, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, từ đó tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh ngay từ trong mỗi gia đình. Ngoài ra chúng ta còn phải xây dựng các nghị định, cố gắng khu trú để tìm lại những vấn đề mà đang còn các khoảng trống, chưa có các chế định để kịp thời bổ sung và hoàn thiện. Cũng theo đó chúng ta phải chủ động rà soát, và đang chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền để ban hành luật, ban hành nghị định, trong đó nghị định mà sắp sửa Chính phủ sẽ xem xét thông qua đó là Nghị định về Phát triển văn học. Đây là một khâu khó mà trong nhiều nhiệm kỳ qua chúng ta chưa có các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Đi kèm với đó là Nghị định về Chính sách cho nhưng người làm công tác nghệ thuật có tính chất đặc thù. Chúng ta nhìn lại những người đang trực tiếp làm những vấn đề này, để hiểu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ, phát triển những nguồn lực mà chúng ta cần thiết phải bổ sung. Như Đảng ta vẫn nói, họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng, và nhiệm vụ của họ cũng rất đỗi quang vinh, nếu không có những chính sách này, chúng ta sẽ rất khó để có được những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Nhiệm kỳ này, chúng ta tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Không chỉ là quản lý các di tích, di sản mà chúng ta coi di tích, di sản là một trong những nguồn tài nguyên văn hóa vô tận của đất nước ta được trao truyền từ thế hệ cha ông để lại, được thiên nhiên ban tặng mà chúng ta phải biết cách khai thác nó, để hiện thực hóa nó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Khái quát lại những công việc như vậy để thấy rằng chúng ta đã có những nỗ lực, đi đúng hướng, làm đúng cách và thực sự chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật. Bên cạnh sự nỗ lực chung trong vấn đề hoàn thiện thể chế theo đúng sự chỉ đạo của Đảng ta, chúng ta cũng nhận được sự quan tâm đồng hành của các bạn, bộ, ngành, của các cơ quan hữu quan và chúng ta cũng ý thức một cách sâu sắc rằng, việc ban hành luật đã khó, nhưng để luật đi vào thực tiễn lại càng khó khăn hơn. Chính vì vậy mà Bộ VHTTDL đã nghiên cứu, để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và từ sức mạnh mềm của văn hóa để chúng ta lan tỏa, phổ biến pháp luật thông qua loại hình nghệ thuật, truyền tải được những nội dung cần đến với công chúng. Chúng ta bước đầu đã thành công, và quả thực đó cũng là một tư duy để chúng ta biết cách khai thác sức mạnh mềm này sẽ lan tỏa hơn, sẽ đưa luật vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc hơn. Chỉ thông qua một câu hát, một lời ru, một tiểu phẩm sẽ giúp cho người ta nhận thức được pháp luật kỹ hơn thay vì chúng ta đọc, phát biểu một cách khô khan trong các hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao giải Nhất cho ông Võ Thành Đông - Trung tâm Văn hóa và điện ảnh tỉnh Phú Yên

Bộ trưởng khẳng định, không chỉ dừng lại ở đó, vừa gắn với tuyên truyền, chúng ta  đạt được hiệu quả kép, đó là tạo dựng được các phong trào, các loại hình văn hóa từ cơ sở để có điều kiện được nảy nở,  phát huy tài năng và sự sáng tạo trong lĩnh vực này. Chúng ta đang tập trung để xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở gắn với công tác cán bộ mà chủ đề năm 2022 Bộ ta đã xác định. Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta cũng phải có sáng kiến để tổ chức cuộc thi, và thời gian phát động cuộc thi không nhiều, nhưng đã có hàng ngàn người tham gia hưởng ứng, gửi đến các bài thi, các đề tài sáng kiến… đó là những sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, được hội đồng chấm một cách nghiêm túc, khách quan. Những người được vinh dự nhận các giải thưởng trong cuộc thi lần này,  là những mô hình mà chúng ta đã thấy hiện hữu, có tác dụng thúc đẩy  phong trào. Hôm nay chúng ta tổng kết để vinh danh, và chúng ta cũng mong muốn sẽ có nhiều cách làm mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong việc đưa luật vào cuộc sống.

Bộ trưởng cũng đánh giá, những kết quả đạt được nêu trên chỉ là mới bắt đầu, chúng ta cũng phải nhận thức sâu sắc rằng, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là mệnh đề bắt buộc, nhưng nhiệm vụ của chúng ta, những người làm công tác VHTTDL hơn bao giờ hết cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chính vì vậy mà trong khuôn khổ chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 10 năm Ngày pháp luật của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, cần phải ý thức một cách đầy đủ rằng, Ngày pháp luật không phải chỉ là ngày hôm nay chúng ta tổ chức kỷ niệm mà ngày pháp luật phải được làm thường xuyên,  bền bỉ, làm hằng ngày, hằng tháng trong mỗi một cán bộ công chức, viên chức, và nói rộng ra là trong nhân dân, lan tỏa để mọi người đều phải làm. Chúng ta nhìn lại công việc đã làm trong một năm, khẳng định những kết quả làm được, đồng thời cũng thấy được những khó khăn, hạn chế, bàn những giải pháp để khắc phục. Có như vậy, Ngày pháp luật Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa. Chính vì vậy, Lãnh đạo Bộ đánh giá cao Vụ Pháp chế và các Vụ có liên quan đã có sự chủ động tốt hơn trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng vui mừng thông báo: Tại Lễ kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam, Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) đã được Thủ tướng tặng Bằng khen, đó là sự động viên khích lệ rất kịp thời.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các Tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng cuộc thi

Bộ trưởng cũng mong muốn: Những kết quả đó sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Phần thưởng đó không chỉ dành riêng cho Vụ Pháp chế mà của tất cả các cơ quan, đơn vị mà Vụ Pháp chế chỉ là cơ quan đại diện. Chúng ta không nên thỏa mãn và chủ quan, mà càng phải quán triệt sâu sắc lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư đó là “không được say sưa và ngủ quên trong vòng nguyệt quế”. Để nhìn nhận, làm tốt hơn nữa, nhất là phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, trước mắt phải tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà Nghị định Chính phủ đã ban hành cho ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, để chúng ta tham mưu cho Quốc hội,  Chính phủ sớm ban hành các luật, các nghị định nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển. Mục đích là phải giải phóng được các nguồn lực của xã hội, thông qua công cụ pháp luật, để kiến tạo và xây dựng một xã hội văn minh, điều hành bằng công cụ pháp luật và không ai đứng trên pháp luật. Tuân thủ pháp luật, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đó là mệnh lệnh chứ không chỉ là khẩu hiệu đơn thuần. 

Bộ trưởng đề nghị: "Thứ nhất, ngoài việc chủ động rà soát, bổ sung xây dựng pháp luật, phải chú ý nhiều hơn trong công tác phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương. Để tiếp tục khẳng định, đưa một số loại hình, mô hình tốt mà chúng ta đã kiểm chứng trong thực tiễn. Như quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những gì đã đúng, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, thì phải được áp dụng và cụ thể hóa nó bằng các văn bản quy phạm pháp luật, để chúng ta làm có chiều sâu, có căn cơ, bài bản.

Thứ hai, phải nhận thức một cách đầy đủ về sức mạnh mềm của văn hóa và phải chuyển hóa tất cả các hoạt động dưới dạng văn hóa, bằng cách riêng của nghệ thuật, bằng quy luật tác động riêng của loại hình này để chúng ta tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách tốt hơn. Và tất cả những điều đó với một mong muốn, chúng ta phải tập trung để chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam như tinh thần của Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Để đời sống văn hóa của nhân dân được nâng cao hơn, ý thức và chấp hành pháp luật được tốt hơn, văn hóa phải hiện diện ở các cấp độ, để chúng ta lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam,  dân tộc Việt Nam, bảo tồn, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình đó, chúng ta phải tiếp biến với những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhưng đồng thời phải giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để văn hóa  trở thành động lực tinh thần của sự phát triển".

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng trao giải Nhì cho các tập thể và cá nhân đạt giải

Cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở" đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở và được đánh giá là một hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, ý nghĩa trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Tổng kết Cuộc thi, ngày 2-11-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2803/QÐ-BVHTTDL về việc trao giải thưởng Cuộc thi cho 11 cá nhân và 10 tập thể đạt giải. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng có đề xuất Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hưởng ứng Cuộc thi là: Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh; Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau.

Ban Tổ chức trao giải Ba cho các tập thể và cá nhân đạt giải

Ban Tổ chức trao giải Khuyến khích cho các tập thể và cá nhân đạt giải

Ngay sau khi tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn, giới thiệu các sáng kiến, mô hình PBGDPL hiệu quả, từ đó phổ biến, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, cách làm hay về PBGDPL thông qua các hoạt động văn hóa ở cơ sở trong thực tiễn, đặc biệt là đối với đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hài đảo. Việc PBGDPL linh hoạt, từ thực tiễn cơ sở thông qua các hoạt động văn hóa cơ sở đã không chỉ góp phần để pháp luật đi vào cuộc sống, mà còn mang hơi thở của cuộc sống đến với các quy định của pháp luật.

THANH DANH - Ảnh: PV

;