Ngày hội VHTTDL của đồng bào Khmer Nam Bộ trên đất Sóc Trăng

Tối 6-11 tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Óoc om bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển". Ngày hội diễn ra từ ngày 2 đến 8-11, trong đó ba ngày chính là 6, 7, 8-11.

Dự Lễ khai mạc, về phía đại biểu Trung ương có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông.

Về phía tỉnh Sóc Trăng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Mẫn; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu.

Cùng đại diện các ban, Bộ, ngành trung ương: Ban Dân vận, Bộ VHTTDL, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...; các tỉnh thành: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Ngày hội

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao ý nghĩa của Ngày hội: "Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, góp phần giữ gìn, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế".

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan; nghệ thuật sân khấu độc đáo đặc sắc với các loại hình như sân khấu Rô băm, Dù kê. Bên cạnh đó, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer đã bảo tồn được hệ kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ còn đa dạng, phong phú bởi hệ thống các lễ hội, bởi kho tàng văn học dân gian đồ sộ từ tục ngữ, dân ca, truyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết... gắn bó lâu đời trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Chúng ta hết sức vui mừng và tự hào khi các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã và đang được đồng bào Khmer Nam Bộ bảo tồn phát huy trong đời sống hằng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay".

Trong không khí hân hoan và thắm tình đoàn kết của Ngày hội, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, khách quý và toàn thể nhân dân đã về dự Ngày hội. Nhiệt liệt chào mừng và biểu dương hơn 2000 nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng dân tộc Khmer từ 12 tỉnh, thành: An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, TP Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Cà Mau, TP.HCM, Sóc Trăng, Vĩnh Long đã hội tụ về thành phố Sóc Trăng, với tinh thần giao lưu học hỏi, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nhằm giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội

Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Ngày hội, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng nhắc đến lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng (tháng 11-2021): "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc... Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Ông cũng khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Việc giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ mình chứ không nhờ ai giữ cho mình được. Vì vậy đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: Người đi trước truyền lại cho người đi sau, ông bà cha mẹ truyền dạy cho con cháu, cộng đồng học hỏi lẫn nhau với nhiều cách sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Phát biểu đáp từ, ông Lâm Thanh Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy  Sóc Trăng đã khẳng định ý nghĩa quan trong của Ngày hội đối với Sóc Trăng và các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer, bày tỏ tin tưởng Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Óoc om bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ V năm 2022 sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Một số tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc

Cũng trong Lễ khai mạc, Lãnh đạo Tỉnh Sóc Trăng đã trao quyết định công nhận logo du lịch cho Sở VHTTDL tỉnh; đồng thời đại diện của Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam trao quyết định và Bằng công nhận kỷ lục Guinness Lễ hội Óoc om bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng (diễn ra trong ngày 7 và 8-11) có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất cho Sở VHTTDL Sóc Trăng.

Sau phần nghi lễ là chương trình Nghệ thuật chia thành hai chương: Ngày hội Samaki, Sóc Trăng - hội tụ và lan tỏa, thể hiện qua các đoạn trích tài liệu, tiết mục ca múa nhạc thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào Khmer Nam bộ với các dân tộc Hoa, Kinh trên mảnh đất Sóc Trăng trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất Chín rồng. Cũng trong phần nghệ thuật, khán giả còn được thưởng thức các điệu múa truyền thống, các làn điệu dân ca, trống, nhạc ngũ âm hay các hoạt cảnh tái hiện các lễ hội, sân khấu Dù kê, đua ghe Ngo... dàn dựng rất công phu, hoành tráng, mãn nhãn.

Bài: XUÂN HƯỚNG - Ảnh: L.HOÀN và X.H

;