PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC CỦA THIẾU NHI TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY

 

Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành một trong các yếu tố tạo nên cơ sở vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt tới mục tiêu này, văn hóa đọc giữ một vai trò hết sức quan trọng và thiết thực vì đây là điều kiện để mọi người tiếp thu thông tin và tri thức, từ đó phát triển trí tuệ, nhân cách và tài năng của mỗi một con người và của cả cộng đồng.

 

1. Về văn hóa đọc

Văn hóa đọc, ở nghĩa rộng, là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Các quốc gia phát triển, có nền văn hóa đọc cao, đều có sự phát triển khá đồng đều và hài hòa ba thành phần này. Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Nếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước là lành mạnh (có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường thân thiện cho mọi người dân dễ dàng tiếp cận với sách báo, tài liệu đọc có chất lượng cao) nhưng thiếu ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của cộng đồng xã hội, của mọi người dân, cũng không thể tạo ra được một văn hóa đọc phát triển. Ngược lại, ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của mọi thành viên trong xã hội là lành mạnh, nhưng ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các quan chức và cơ quan nhà nước không lành mạnh, cũng không thể có một văn hóa đọc phát triển. Thậm chí còn có nguy cơ làm suy thoái ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các thành viên trong xã hội và cộng đồng xã hội.

Xét trên bình diện cá nhân, văn hóa đọc biểu hiện trình độ phát triển tinh thần cụ thể của con người trong điều kiện xã hội nhất định. Theo tác giả Trần Thị Minh Nguyệt, “văn hóa đọc xem xét ở góc độ cá nhân bao hàm khía cạnh định hướng của chủ thể tới đối tượng đọc (nhu cầu đọc), khả năng, trình độ lĩnh hội thông tin (kỹ năng đọc), cả ở phản ứng với đối tượng đọc (ứng xử văn hóa)”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, văn hóa đọc có thể giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực, nhân tố quyết định mọi thành công. Xây dựng và phát triển văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước góp phần đem lại cho dân tộc Việt Nam sức mạnh của trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chưa bao giờ người ta bàn nhiều về văn hóa đọc như hiện nay. Đọc đang đứng trước cơ hội và nguy cơ: là cơ hội bởi mỗi người đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ và được quyền lựa chọn, nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn ngày càng đa dạng và hấp dẫn.

Đọc là một kênh giao tiếp quan trọng nên văn hóa đọc càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tác động và thay đổi nhận thức, tư duy của con người. Đã một thời, đọc là một hoạt động được người dân Việt Nam hết sức quan tâm. Trong thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc đọc dường như ít được quan tâm, thói quen đọc dường như có sự thay đổi. Vì thế, đã đến lúc cần phải nhìn nhận một cách đúng mực về văn hóa đọc, bởi chấn hưng và phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong việc nâng cao dân trí của quốc gia.

 

2. Phát triển văn hóa đọc của thiếu nhi, một vấn đề cấp bách

Lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành thế giới quan và mở rộng hiểu biết của các em. Sách báo đối với thiếu nhi, về một phương diện nào đó, còn cần hơn sách báo đối với người lớn. Các em còn nhỏ, phạm vi hoạt động còn bị hạn chế, chưa cho phép các em mở rộng thế giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú, nên sách báo là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống. Sách báo còn có tác dụng bổ sung và hỗ trợ việc học của các em ở trường, góp phần nâng cao chất lượng học tập và trong chừng mực nào đó giúp khắc phục những thiếu sót của chương trình chính khóa. Chính ở ý nghĩa này, bà Krupskaia đã khẳng định: “Sách cần cho thế hệ đang lớn lên không kém gì trường học”. Việc đọc sách còn giúp những em không có điều kiện đến trường vẫn có thể học tập, giúp luyện cho các em thói quen tự học, tự nghiên cứu những vấn đề mình yêu thích, say mê. Mặt khác, sách không chỉ giúp các em nắm những kiến thức khoa học cơ bản mà còn góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ.

 

Trong giáo dục trẻ em, sách báo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Krupskaia đã nhấn mạnh: “Sách thiếu nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất”. Đối với thiếu nhi, việc đọc sách báo có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em. Tuy nhiên, trẻ em hôm nay có quá nhiều phương tiện giải trí khác nên sách báo đã không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Cuộc chiến giữa văn hóa đọc với văn hóa nghe nhìn không cân sức hiện nay đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn từ nhiều phía để nâng cao văn hóa đọc.

Với trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em thành thị hiện nay, đọc sách không phải là sở thích số một. Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì văn hóa nghe nhìn ngày càng có xu hướng lấn át văn hóa đọc. Trẻ em ngày nay say mê sử dụng các phương tiện nghe nhìn, từ trò chơi điện tử đến phim ảnh trên truyền hình và internet. Nếu có đọc sách thì phần lớn thường đọc truyện tranh và truyện giả tưởng dịch của nước ngoài. Nhiều giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thừa nhận họ hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì. Đối với phụ huynh, trong tổng chi phí cho một trẻ em mỗi tháng thì số tiền dành cho việc mua sách, báo chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Ngay cả những phụ huynh thường xuyên dành tiền mua sách cho con cũng không biết con mình mua sách gì, thích đọc sách gì.

Trong thực tiễn hiện nay, công tác tuyên truyền, hướng dẫn đọc cho thiếu nhi chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và có định hướng. Ngay ở những cơ quan có chức năng hướng dẫn việc đọc của thiếu nhi như hệ thống thư viện công cộng, cơ quan phát hành sách, phương tiện truyền thông đại chúng... cũng thực hiện chưa thường xuyên, chưa hấp dẫn và đa dạng. Các tạp chí giới thiệu, hướng dẫn đọc như Xuất bản Việt Nam, Người đọc sách, Sách và đời sống… tuy xuất bản nhiều nhưng chưa đến được với các em một cách rộng rãi; các hội chợ sách chưa được tổ chức định kỳ thường xuyên.

Với những lý do trên, vấn đề phát triển văn hóa đọc của thiếu nhi đã trở nên cấp bách nhằm góp phần định hướng và nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho thiếu nhi.Việc nghiên cứu về văn hóa đọc của thiếu nhi phải được tiến hành trong bối cảnh có sự phối hợp tác động của các thiết chế văn hóa, giáo dục khác như: nhà xuất bản, công ty phát hành sách, thư viện, nhà văn hóa thanh thiếu niên, trường học…, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa đọc của thiếu nhi làm cho sách báo và các loại hình tài liệu khác trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho các em, góp phần tích cực vào việc giáo dục các em trở thành những người lao động có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Nghiên cứu lý luận về văn hóa đọc.

Khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay thông qua các tiêu chí như: thói quen đọc, sự tương quan giữa thói quen đọc và các hoạt động khác, mức độ đọc, thời điểm và cách thức đọc, kỹ năng đọc, sở thích đọc, lựa chọn và ứng xử với tài liệu, quan điểm về chuẩn mực và giá trị đọc…

Phân tích, đánh giá các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến văn hóa đọc của thiếu nhi. Về mặt khách quan, chú trọng đến các nguyên nhân liên quan đến hệ thống chính sách, quá trình phát triển kinh tế xã hội và lối sống, phong tục tập quán.

Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để xây dựng và phát triển văn hóa đọc của thiếu nhi.

 

3. Kết luận

Ai cũng biết sách báo có ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách của thiếu nhi, thế nhưng chúng ta chưa hình thành ý thức trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc cho các em. Công việc rất quan trọng này lâu nay dường như được cả gia đình, nhà trường phó thác cho các nhà văn, các nhà xuất bản, dấu ấn của các bậc cha mẹ, các thày cô giáo gần như không có. Để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh cho thiếu nhi, cần có sự tham gia của người lớn, cụ thể là các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa, thày cô giáo và đội ngũ những người sáng tác… Xã hội dành nhiều quan tâm trong việc nâng cao văn hóa đọc cho thiếu nhi, nhưng cái gốc quan trọng vẫn tùy thuộc vào gia đình và nhà trường, những nhân tố có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách và thói quen đọc sách của các em.

        Văn hóa đọc chỉ phát triển khi có môi trường phát triển và môi trường đó chỉ có được khi con người có ý thức xây dựng nên và học cách bảo vệ nó dài lâu. Hãy xây dựng và bảo vệ văn hóa đọc của thiếu nhi ngay từ bây giờ, vì đó chính là tương lai của cả một thế hệ con em chúng ta sau này.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Cao Thanh Phước

;