Trong 12 con giáp (thập nhị địa chi), Rồng (Thìn) và Rắn (Tỵ) na ná nhau về một vài bộ phận hình thể và xếp liền kề nhưng nội hàm ngữ nghĩa và bản chất sự vật thì khác nhau khá xa.
Ảnh minh họa
Rồng là con vật xuất hiện trong trí tưởng tượng của con người, chưa hề tồn tại trong đời thực. Cho đến nay, dù đã tìm ra hóa thạch của nhiều loại khủng long bị tuyệt diệt từ kỷ Phấn Trắng (khoảng 66 triệu năm trước), người ta vẫn không khai quật được một mẫu xương nhỏ nào của rồng, để chứng minh nó là con vật từng bay lượn trên trái đất.
Còn rắn là con vật hiện hữu, với hơn 3.500 loài khác nhau, có mặt hầu khắp thế giới (trừ châu Nam Cực), từ trên cạn đến dưới nước, từ trong lòng đất đến chót vót cây cao, từ thiên nhiên hoang dã đến đô thị, khu dân cư… đâu đâu cũng có rắn, từ rắn lành đến rắn độc, từ rắn mù cực nhỏ đến rắn khủng Amazon… và đủ loại màu sắc.
Xưa nay, người ta luận bàn nhiều về ý nghĩa và biểu tượng của Thìn – Rồng cũng như Tỵ - Rắn, trong mối tương quan của hệ thống thiên can, địa chi cũng như trong tâm linh và đời thực con người.
Nhân chia tay năm Giáp Thìn, chào đón năm Ất Tỵ, bài viết này chỉ bàn về một ý tưởng so sánh: rồng là biểu tượng cho ước mơ, khát khao, là sự lãng mạn bay bổng của con người; đối lập với rắn là biểu tượng của đời sống hiện hữu với tất cả buồn vui, sướng khổ, thiện ác… là cõi hiện thực trần trụi mà con người đang trải qua từng giây phút.
Đã là lãng mạn, ước mơ, khát khao… với những hình ảnh chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của con người nên hình tượng và biểu tượng rồng thường đẹp đẽ, cao sang, kỳ vĩ, lớn lao, quyền uy… Dường như không có một tì vết, chẳng một thoáng xấu xí nào trong hình ảnh con rồng. Chính vì vậy mà rồng (long) gắn với và là biểu tượng của các bậc đế vương thời quân chủ, trong mọi phương diện không gian và thời gian. Tất cả sự vật, hiện tượng, vấn đề… gì có liên quan đến vua chúa, ắt có gắn thêm từ long hoặc rồng (bệ rồng, sân rồng, long thể, long nhan, long ý, long bào, long sàng,…). Trong văn hóa, văn nghệ dân gian, nhất là trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao dân ca, kiến trúc, hội họa… hình ảnh rồng hiện lên với tất cả sự đẹp đẽ, lộng lẫy, uy nghi của nó.
Đã là hiện thực, là cuộc sống trần tục, với tất cả tốt xấu, trắng đen, hỉ nộ ái ố… đang diễn ra nên hình ảnh, hình tượng rắn gắn với từng phút giây sống của con người, nhất là ở phương diện bất hạnh, tâm tối, chêch vênh, không thân thiện… Nói đến rắn (xà), mặc nhiên người ta nghĩ đến cái ác, cái xấu, đến những rủi ro, đến nỗi kinh hãi… Rất ít hoặc không có hình ảnh và biểu tượng gắn với rắn để diễn đạt ý niệm về cái đẹp, cái hiền, về hạnh phúc, về sự thân thiện, dù có những loài rắn lành, vô hại (theo thống kê, phần lớn các loài rắn đều không có nọc độc hoặc có nọc độc nhưng không có khả năng tiêm nọc độc vào đối tượng)… Hằng ngày, trong đời thực và trên các phương tiện truyền thông, hình ảnh rắn hiện lên với tất cả sự nguy hiểm, hung dữ, rình rập… Không ai không tỏ ra sợ hãi (trừ các “ông thầy” bắt rắn) trước những cái tên ám ảnh: hổ mang chúa, hổ đông, mái gầm (cạp nong, cạp nia), đến mamba đen, đuôi chuông, cây xanh Nam Phi (bomslang)…
Trong văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung, văn vần dân gian nói riêng, nhất là ở mảng tục ngữ, thành ngữ, rắn xuất hiện cũng chủ yếu và hầu hết mang nghĩa ác, xấu độc… (nọc người bằng mười nọc rắn; rắn mại tại chỗ, rắn hổ về nhà; mười hang ếch cũng gặp một hang rắn; cõng rắn cắn gà nhà; hang hùm, nọc rắn; khẩu Phật tâm xà (khẩu xà tâm Phật); sư hổ mang; vãi rắn rết; rắn đổ nọc cho lươn; hùm tha rắn cắn; xà cung thạch hổ…). Người ta thường gọi các loài rắn dữ bằng những cái tên, như: mãng xà (mãng xà tinh); chằn tinh; trăn tinh… để nói về một thế lực tự nhiên đầy sức mạnh hắc ám, độc địa, luôn tìm mọi cách sát hại cuộc sống và sinh mệnh con người.
Hai con giáp Thìn (rồng) và Tỵ (rắn) đi liền nhau, quả thực là một cách sắp xếp mang ý tưởng siêu phàm, khơi gợi cho chúng ta một cách nhìn càn khôn và cuộc sống con người phong phú, đa dạng đầy đủ hơn. Cuộc sống là hiện thực với tất cả những buồn vui, sướng khổ, mà cái buồn, khổ luôn tồn tại, hiện hữu bắt con người phải vượt qua, vươn lên bằng ước mơ, khao khát cháy bỏng. Ước mơ, khao khát là một phần không thể thiếu, không thể tách rời trong cuộc sống, trong tình cảm, tâm linh con người. Lãng mạn về hiện thực là hai phương diện gắn liền với nhau, là một cặp phạm trù trong triết lý nhân sinh của con người, nhất là của người Việt. Vì vậy, hình tượng con rồng Việt (và Á Đông) bao giờ cũng mang thân thể con rắn khác xa với hình ảnh con rồng nhiều nơi khác (tương tự một loài bò sát). Nếu không có phần đầu cách điệu hóa và các chân dài mua may bay lượn, trước sau, rồng cũng chỉ là con đại mãng xà không hơn. Với người Việt (và Á Đông), rồng dù là thuộc cõi lãng mạn, không có thực nhưng cũng phải xuất phát từ rắn thuộc miền hiện thực, có thực. Một quan niệm không phải là không logic, biện chứng.
Nếu hình ảnh rồng là biểu tượng của các bậc đế vương thì hình ảnh rắn gắn liền với thần linh (vật thần). Nếu biểu tượng rồng ở trên cao vời, không hoặc khó với tới thì biểu tượng rắn ở ngay dưới mặt đất, trong ý niệm con người và nơi các đền thờ mọc lên khắp hai bờ các con sông suốt từ Bắc vào Nam. Tục thờ rắn (với tư cách là thủy thần) của người Việt là một hiện tượng khá phổ biến, nhất là ở vùng Bắc Bộ trước đây. Trước các thế lực không thân thiện trong tự nhiên, con người đã thần thánh hóa nó, mong được nó phù hộ độ trì, như: thần hổ, thần rắn,…
Với cách tiếp cận như trên, người viết cho rằng, rồng và rắn chính là hình ảnh biểu tượng của hai phương diện trong một cặp phạm trù không thể tách rời hiện thực - lãng mạn tồn tại vĩnh hằng trong cuộc sống con người chúng ta.
TRẦN TRỌNG TRIẾT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025