SÁNG TẠO, THÀNH TỐ CƠ BẢN VÀ QUAN TRỌNG CỦA VĂN HÓA

Khi thế giới ngày càng phẳng, giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa là xu hướng, đồng thời là yêu cầu để tồn tại và phát triển của từng quốc gia thì mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa càng bộc lộ rõ sự tương tác trong quy luật vận động của sự phát triển bền vững. Thế giới đã từng chứng kiến sự phát triển kinh tế gây tổn hại đến văn hóa và môi trường ở một số quốc gia và trên phạm vi khu vực. Một số đặc trưng văn hóa của các tộc người, văn hóa địa phương đến văn hóa của một số quốc gia đã và đang bị lung lay, biến dạng, thậm chí biến mất bởi sự tác động lớn của phát triển kinh tế và các quy luật của sự phát triển kinh tế. Có nơi còn coi văn hóa là sân sau của sự phát triển kinh tế.

Từ quan điểm, nhận thức và cách hành xử tầm quốc gia, quốc tế đến các cộng đồng, cá nhân, có thể thấy phát triển kinh tế và văn hóa có lúc cộng sinh, có nơi đối chọi, mâu thuẫn, mất cân bằng và luôn xuất hiện xu hướng tìm kiếm và duy trì mối quan hệ hài hòa.

Sự giằng co giữa bảo tồn và phát triển có mặt ở mọi nơi và được xem như là minh chứng sinh động phản ánh bản chất mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Tại các đô thị lớn có bề dày lịch sử văn hóa, trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế, lợi thế khu vực trung tâm, các cao ốc có thể được lựa chọn xây dựng thay thế cho các di sản kiến trúc, dấu tích của lịch sử văn hóa. Sự nhượng chỗ hay thôn tính này đã làm một số khu vực, thậm chí cả đô thị thiếu căn tính vì luôn chạy theo những cái mới, cái hiện đại, mà bỏ quên, thậm chí xóa bỏ ký ức lịch sử, văn hóa. Trong sự phát triển chung của văn hóa, nghệ thuật truyền thống là một trong những lĩnh vực luôn được đặt trong tình trạng báo động về sự mất mát và biến dạng. Đã có nơi vì mong muốn bảo tồn nguyên bản nghệ thuật truyền thống, tránh xa những tác động của kinh tế đã nỗ lực theo xu hướng đóng băng, bảo tàng hóa nghệ thuật, xem nhẹ tính thích nghi và môi trường mới dung dưỡng sự tồn tại, tiếp nối của nghệ thuật truyền thống, vô hình chung làm nghệ thuật truyền thống ngày càng cách xa với cuộc sống thực tế, khác với bản chất vốn có của nó được sinh ra, nhào nặn từ cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên trước cánh cửa của TK XX khép lại, khi những nền kinh tế, văn hóa lớn đang lưỡng lự hoặc hồ hởi bước vào quá trình toàn cầu hóa, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra nhận định: “Khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra mà không tính đến môi trường văn hóa thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối, cả về mặt kinh tế và văn hóa, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc cũng sẽ bị suy giảm đi rất nhiều”(1). Do đó, “nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển, chúng ta cần vượt lên trên cách tiếp cận kinh tế học thuần túy và tìm ra hàng trăm các phương thức có thể được để cho tính công nghiệp và sáng tạo có thể gắn bó móc nối với nhau, và kinh tế có thể bắt rễ trong văn hóa”(2). Lịch sử đã minh chứng kinh tế và văn hóa gắn bó với nhau rất chặt chẽ, hữu cơ. Kinh tế không tự phát triển nếu không dựa trên nền tảng của văn hóa và văn hóa cũng không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Ngày nay và tiếp sau, mối quan hệ mang tính quy luật biện chứng này đã và sẽ tồn tại với lịch sử phát triển bền vững của nhân loại. Do đó, chỉ có trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đặt trong mối quan hệ tổng hòa với xã hội, tôn trọng các quy luật của tự nhiên, các nền kinh tế, nền văn hóa của từng quốc gia và cả nhân loại mới phát triển bền vững. Lời tuyên bố của ông Tổng giám đốc UNESCO mở đầu Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa đã nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của hai thập kỷ vừa qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào, hoặc xu hướng chính trị và kinh tế nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau” và “nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa, thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng về cả kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều”(3). Đó là những đúc rút từ thực tế, mang tầm quốc tế.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ phong kiến đã từng có sự gắn kết tương tác, hữu cơ giữa văn hóa và kinh tế. Nông nghiệp lúa nước là cái nôi sản sinh nền văn hóa tương đồng. Sự biến chuyển tác động giữa kinh tế và văn hóa mang tính tự nhiên, theo quy luật vận động đến trước khi sự có mặt của người phương Tây xuất hiện ở Việt Nam. Những giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội Việt Nam có sự thay đổi lớn sau khi có yếu tố kinh tế quốc tế do người phương Tây mang đến. Ngày nay, bản chất giữa kinh tế và văn hóa là không thể tách rời nhau, nhưng thực tế sự xa cách, thiếu liên kết, thậm chí đối chọi giữa kinh tế và văn hóa đang âm ỉ và ngày càng khắc sâu tại Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng quán tính có thể được coi là yếu tố hàng đầu khắc sâu sự xa cách giữa kinh tế và văn hóa.

Đã có một thời gian dài, kinh tế được xem là sản xuất còn văn hóa chỉ là tiêu dùng. Kinh tế tập trung cho khai thác, sản xuất, thương mại,… tuy có gắn với các nhu cầu của con người, văn hóa, nhưng chưa được xem một cách nghiêm túc là hàm lượng phải có trong sản phẩm hàng hóa. Còn quan niệm phiến diện về văn hóa ngự trị nhiều nơi, coi văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống hay là yếu tố bên ngoài, đi sau kinh tế, hoặc chỉ chạy theo sự tăng trưởng kinh tế thuần túy mà thiếu quan tâm đúng mức đến các giá trị văn hóa, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Sự tập trung cho văn hóa theo kiểu phong trào bên cạnh những mặt tích cực, diện rộng, mang tính xã hội, đã bộc lộ những hạn chế, trong đó lớn nhất là góp phần hạn chế sáng tạo, bình quân chủ nghĩa. Mà sáng tạo là thành tố cơ bản và quan trọng của văn hóa, là cầu nối hữu cơ giữa văn hóa và kinh tế.

Đổi mới đã mang lại động lực mới cho kinh tế, sức sống mới cho văn hóa. Đảng, Nhà nước ta đã xác định và đặt đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ của văn hóa, kinh tế trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Văn hóa là nguồn lực mềm, là động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển, làm hài hòa hóa các mối quan hệ xã hội và lành mạnh hóa môi trường xã hội. Tuy nhiên, thực tế qua hơn hai mươi năm qua, đổi mới chưa mang lại những động lực cần thiết cho sự phát triển của văn hóa như những gì nó đã làm được cho đời sống thương mại và kinh tế. Những thang bậc của giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử bị biến dạng, lối sống chỉ biết ngày hôm nay, lịch sử, quá khứ được coi là sự hoài cổ, những hiện đại, vô hồn được trọng dụng vì thức thời, dễ đổi thay… tất cả nếu tốt cũng được coi từ sự phát triển kinh tế, nếu chưa tốt cũng được xem là mặt trái của kinh tế thị trường. Qua hàng chục năm, quan niệm, tư duy về phát triển kinh tế, văn hóa của ta vẫn theo quán tính cũ, kinh tế là kinh tế, văn hóa là văn hóa, cái đi trước, cái theo sau, kiểu phú quý sinh lễ nghĩa trong khi đó thế giới với những quan điểm, cách ứng xử mới, hài hòa hơn đã thay đổi.

Sự phát triển kinh tế tạo những điều kiện, tạo cơ sở vật chất cho mọi sự phát triển, nhưng sự phát triển văn hóa lại là động lực cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ và trình độ ngày càng cao của sự phát triển kinh tế. Phát triển văn hóa nằm ngay trong phát triển kinh tế, nằm ngay trong các chính sách xã hội. Muốn cho phát triển văn hóa có hiệu quả, các nhà soạn thảo kế hoạch kinh tế, văn hóa cần có ý thức và quan niệm đúng về văn hóa, cần có tư duy văn hóa.

Đã có nhiều nghiên cứu về phát triển kinh tế trong cơ chế thị trường, về bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và không ít đề tài tìm kiếm, đề xuất các giải pháp gắn kết kinh tế với văn hóa, hay kết nối văn hóa với kinh tế. Nhưng bản chất của vấn đề là con người và quy luật cần được nhận diện đúng bản chất và tác động phù hợp bằng cơ chế, chính sách. Hơn hai mươi năm đổi mới đã bắt đầu hình thành một thế hệ mới, nhưng những người làm kinh tế và có vai trò quan trọng tác động đến văn hóa lại thuộc về thế hệ trước, quán tính, tư duy và cách hành xử không dễ thay đổi, kinh tế là kinh tế, văn hóa là văn hóa. Quy luật phát triển kinh tế cung cầu, giá trị, rất khắc nghiệt, tính cạnh tranh, sự loại trừ…đã vô tình hoặc cố ý phương hại đến văn hóa, hoặc văn hóa có thể được xem là vỏ bọc cho kinh doanh mà chưa được thẩm thấu, thấm sâu, hình thành văn hóa kinh doanh. Văn hóa và những phẩm chất của nó không thể tự vận động nếu tách rời yếu tố chính trị, kinh tế. Nhiều mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp để kết nối giữa kinh tế và văn hóa đã được đề ra, nhưng cần làm rõ sự kết nối mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ, tính quy luật và sự sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trên cơ sở tính hệ thống, đồng bộ, với lộ trình phù hợp là cần thiết.

Trên thế giới, nhiều mô hình mang tính lý thuyết và cả thực tế đã được triển khai: phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển kinh tế gắn với văn hóa, phát triển văn hóa gắn với kinh tế. Ở Việt Nam, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã rõ, thời gian đã đủ đúc rút bài học và đang hình thành những nguồn lực mới, vấn đề mấu chốt ở đây là sự lựa chọn. Khi kinh tế chúng ta vừa thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nền văn hóa đặc sắc đang mở cánh cửa ra thế giới, chính sách kinh tế đã có, chính sách văn hóa đã được xác lập, nếu chúng ta cứ tiếp bước mà thiếu cầu nối sẽ rất khập khiễng. Do đó, đồng thời với việc tái cơ cấu đầu tư văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa,… cần ưu tiên cho các chính sách và giải pháp mang tính cầu nối giữa kinh tế và văn hóa tập trung vào con người, bởi con người và vì con người, để hài hòa, hạn chế những tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế đến văn hóa, nhân lên những ảnh hưởng tích cực, rút ngắn khoảng cách về sự thụ hưởng văn hóa, để văn hóa tự tin phát triển cùng kinh tế…

Tập trung xây dựng chính sách phúc lợi văn hóa trên cơ sở chính sách phát triển văn hóa, phát triển kinh tế. Thực tế đã minh chứng, khi kinh tế phát triển làm tăng nhu cầu về văn hóa, là nền tảng quan trọng cho chính sách phúc lợi văn hóa. Sự phát triển kinh tế của một đất nước vừa bước ra khỏi tình trạng kém phát triển còn cần rất nhiều nguồn lực để tập trung cho kinh tế, nhưng nếu chính sách phúc lợi văn hóa được đặt ra minh bạch, phù hợp sẽ vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển hài hòa, bền vững. Chính sách phúc lợi văn hóa cần được nhấn mạnh và có nội dung phù hợp với các đối tượng đặc biệt: phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người dân tộc thiểu số.

Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa để lượng hóa sự phát triển văn hóa. Phải đưa ra các tiêu chuẩn mới, phù hợp về số liệu thống kê văn hóa và các thông tin giám sát việc thực hiện các chính sách văn hóa trong mối tương quan với phát triển kinh tế. Tổng điều tra, thống kê người dân tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí trong và ngoài nhà, nhu cầu, việc sử dụng thời gian rỗi và quỹ thời gian dành cho văn hóa, so sánh đối chiếu với mối quan hệ tương quan với việc người dân tham gia các hoạt động kinh tế.

Tái định vị văn hóa trong đời sống kinh tế, xã hội phù hợp với đặc thù, bản sắc văn hóa, bối cảnh phát triển kinh tế. Thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận phiến diện về văn hóa tồn tại qua các hoạt động. Văn hóa là của toàn dân, không khuôn hẹp và cần thay đổi tư duy về văn hóa là của nhà nước. Có chính sách phù hợp khuyến kích thành lập các quỹ văn hóa, các tổ chức đối tác giữa khu vực công tư để cộng đồng trách nhiệm phát triển văn hóa bền vững.

Chính sách cho không gian văn hóa tương hỗ phát triển với không gian kinh tế cần sớm được xây dựng. Đây vừa là không gian hữu hình, vừa là không gian vô hình, là hệ quả của sự thâm nhập của văn hóa vào kinh tế và sự phát triển kinh tế trên nền tảng của văn hóa. Tập trung vào các đô thị lớn, dày di sản hay các vùng xa xôi có văn hóa đặc sắc đang tự mình bươn trải với kinh tế. Đề xuất xử lý hài hòa sự phát triển kinh tế, văn hóa tại các cực phát triển kinh tế (TP.HCM, thủ đô Hà Nội). Chú trọng yếu tố hợp tác đa ngành để tạo dựng mối quan hệ phát triển hài hòa, bền vững.

Xác lập quan điểm, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam với chính sách và giải pháp kết gắn đồng bộ, phù hợp với Việt Nam, với công nghiệp văn hóa trên thế giới, trong đó quan tâm đến các lĩnh vực: di sản, phim ảnh, ca múa nhạc… Chú trọng các chính sách liên quan đến đào tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ, tập trung khơi nguồn và dung dưỡng môi trường kích thích, phát huy sự sáng tạo. Đây vừa là sức sống của văn hóa vừa là mạch nguồn của sự phát triển kinh tế. Bên cạnh phát triển văn hóa theo phong trào, ở cơ sở, cần tập trung, có chính sách và giải pháp đề cao và bảo hộ sáng tạo cá nhân một cách phù hợp.

Vào những năm cuối của Thập kỷ quốc tế về phát triển văn hóa của TK XX và những năm cuối của thập kỷ đầu tiên của TK XXI, giữa những thay đổi, tác động của thế giới và tình hình trong nước, một lần nữa văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, phát triển lại được định vị.

Ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã ra Nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chỉ rõ “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Trong Nghị quyết này, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật (VHNT) được xác định là một trong 10 nhiệm vụ cụ thể để xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Ngày 16-6-2008, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới ra đời là mốc dấu đối với sự phát triển của VHNT nước nhà. VHNT, với tư cách là một bộ phận quan trọng và tinh tế của văn hóa, được khẳng định là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đổi mới toàn diện hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020, VHNT cũng phải phát triển tương xứng với tầm vóc của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, những biến đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đang là những tiền đề, đồng thời là những thách thức cho sự phát triển của VHNT Việt Nam. Đánh giá tình hình VHNT thời gian qua, Nghị quyết 23-NQ/TW chỉ rõ: “VHNT Việt Nam có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc, những đặc điểm mới, đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém đan xen nhau”. Tình hình đó đặt ra những vấn đề cần đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho VHNT trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu chung là khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển VHNT, từ khâu sáng tạo, lý luận phê bình, truyền bá đến tiêu thụ văn hóa. Trong đó, việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng hệ thống chế độ chính sách đối với các hoạt động VHNT và văn nghệ sĩ, đầu tư đặt hàng, tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác VHNT, thành lập quỹ sáng tác được coi là khâu đột phá, tạo nên những chuyển biến mang tính đồng bộ, để VHNT phát triển tương xứng với vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển văn hóa của thời kỳ mới. Đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, tạo sự đột phá và chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại như là yếu tố quan trọng, cơ bản, nền tảng để củng cố, hình thành đội ngũ làm công tác VHNT.

Việc xác lập các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt là đời sống VHNT đã rõ. Tuy nhiên, cũng như nhiều đề án, chương trình… việc triển khai thực tế sẽ thường gặp khó khăn vì nguồn lực. Vấn đề đặt ra với các đề án triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW bên cạnh việc xác định trọng tâm, thứ tự ưu tiên, lộ trình thực hiện khoa học, phù hợp, cơ chế, chính sách, cân đối nguồn lực và lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, thì cần chú trọng, đặt đúng tính đặc thù của VHNT. Đó là, lực lượng sáng tác không thể củng cố, hình thành một sớm, một chiều; bên cạnh diện rộng, cần tập trung phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Đó là, sức sáng tạo, tác phẩm đỉnh cao không hoàn toàn ra đời từ các phong trào phát động, nó ra đời từ sức bật, môi trường dung dưỡng,…mang đậm dấu ấn cá nhân. Do đó giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao xứng tầm với dân tộc và thời đại; nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về lý luận và thực tiễn việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được xác định là 1 trong 5 mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020.

Sáng tạo là linh hồn, cốt cách của VHNT. Những tác phẩm VHNT đỉnh cao được ra đời khó có thể từ cuộc sống xã hội bình lặng, môi trường dành cho sáng tạo không được coi trọng, bị xâm hại. Do đó, bên cạnh nền tảng là đời sống xã hội, rất cần việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, phương thức và sự tìm tòi, thể nghiệm. Thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, bảo trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bảo hộ có kết quả về tác giả và quyền liên quan. Phát huy, khai thác và giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của trí thức, văn nghệ sĩ. Trọng dụng trí thức, văn nghệ sĩ trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt với nhân tài của đất nước. Khuyến khích sự tìm tòi, khẳng định và bảo vệ những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hóa, văn nghệ.

Với đặc tính của sáng tạo VHNT thiên về cá nhân, do đó việc lựa chọn ưu tiên, trọng tâm trong xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 cần tập trung, dành nguồn lực thích hợp để xây dựng và triển khai trên thực tế các chính sách khuyến khích sáng tạo.

        Đó là việc hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, văn nghệ sĩ. Ban hành quy chế dân chủ trong hoạt động văn hóa và văn nghệ; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức, văn nghệ sĩ phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích sáng tạo. Hàng năm, nhà nước dành một khoản kinh phí thường xuyên cho việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo và phổ biến tác phẩm VHNT, kiến trúc, báo chí, sưu tầm, phổ biến kho tàng văn hóa dân gian theo cơ chế nhà nước tài trợ, đặt hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp tài chính để đầu tư cho xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Tổ chức phát động các cuộc thi sáng tác VHNT để có được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ nhu cầu của xã hội, quan tâm hơn nữa đến giới trẻ. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính (nhà nước, tài trợ, hiến tặng…) trong việc thành lập và gây quỹ của các quỹ văn hóa để hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, sớm hình thành quỹ hỗ trợ sáng tác VHNT. Thực hiện bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, chế độ nhuận bút, chế độ bản quyền gắn với doanh thu của tác phẩm. Tiếp tục thực hiện các hình thức khen thưởng, các giải thưởng đối với các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu; có cơ chế khuyến khích sáng tạo.

 

Cùng với các giải pháp, cơ chế đồng bộ về nhân lực, cơ chế, chính sách, điều kiện cơ sở vật chất…, chính sách khuyến khích sáng tạo sẽ đóng vai trò chủ công để đưa VHNT xứng đáng với tầm vóc, vị thế trong nền văn hóa nước nhà, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi đồng bộ các giải pháp khuyến khích sự phát triển của VHNT. Do vậy, vấn đề ưu tiên, trọng tâm, phù hợp trong thời gian này là xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích VHNT, trong đó tập trung cho các chính sách sáng tạo cần được sự chỉ đạo sát sao của trung ương, sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức hội hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Cùng với dòng chảy chung của nhân loại, kinh tế, văn hóa Việt Nam phát triển cộng sinh, bền vững cần dựa trên nền tảng, phù hợp quy luật, hạn chế quán tính để có những chính sách mang tính cầu nối, khơi nguồn sự sáng tạo, sức sống của kinh tế hài hòa với văn hóa.

_______________

 

1, 2. Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ VHTTTT xb, Hà Nội, 1992.

            3. Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012

Tác giả : Hồ Anh Tuấn

;