Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ Hậu cần quân đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời Người vẫn dành thời gian chăm lo, xây dựng và chỉ đạo công tác hậu cần quân đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hậu cần.Nhờ đó, ngành Hậu cần quân đội nói chung và đội ngũ cán bộ hậu cần nói riêng đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, luôn tích cực, chủ động “thấy trước, lo trước” bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của quân đội.

Công tác hậu cần quân đội là một mặt công tác quân sự, có vị trí, vai trò rất quan trọng, là một trong những yếu tố tạo thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được” (1) hay “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận, điều đó rất rõ ràng dễ hiểu” (2). Trong đó, cán bộ hậu cần là một trong những lực lượng giữ vai trò then chốt quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác hậu cần. Bởi, theo Người: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Do vậy, Người đặc biệt quan tâm đến công tác hậu cần, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hậu cần. Ngay từ ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), Người đã trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp 50 đồng bạc Đông Dương được trích từ quỹ Đảng để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men chi dùng cho Đội. Số tiền tuy không nhiều nhưng đã cho thấy Người rất chú trọng đến công tác hậu cần nói chung và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần nói riêng.

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, do vừa phải tổ chức xây dựng lực lượng, vừa phải làm nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội ở các chiến trường nên công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, chưa có điều kiện tập trung cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Do đó, các ngành thiếu hụt về lực lượng, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ còn yếu… Trước tình hình đó, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục, như: ra sắc lệnh trưng tập các y, bác sĩ, dược sĩ vào phục vụ quân đội; mở các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quân nhu, quân y... Đặc biệt, quan tâm đến đội ngũ cán bộ hậu cần, Người đã trực tiếp nói chuyện, viết thư, huấn thị về nhiệm vụ tới từng người trong ngành Hậu cần. Tháng 3-1948, Người đã gửi thư cho Hội nghị Quân y, động viên và huấn thị ngành Quân y trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội, thương, bệnh binh. Trong đó, Người viết: “Người thày thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… người ta có câu “lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thày thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Đến thăm đoàn xe đầu tiên của quân đội, Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ngành vận tải quân sự: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu” (3). Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời của Người, đội ngũ cán bộ ngành hậu cần đã phần nào đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, kịp thời bảo đảm các nhu cầu cho quân đội chiến đấu.

Sau chiến thắng biên giới 1950, lực lượng vũ trang của ta đã trưởng thành vượt bậc, các đại đoàn chủ lực được thành lập, phương thức tác chiến ngày càng tập trung đòi hỏi ngành cung cấp cũng phải xây dựng theo hướng tập trung thống nhất. Ngày 11-7-1950, Người đã ký sắc lệnh số 121/SL thành lập Tổng cục Cung cấp (Tổng cục Hậu cần) nhằm thống nhất về mặt tổ chức và chỉ đạo trong toàn ngành. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Người rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hậu cần. Do trước đó điều kiện ngành Hậu cần còn nhiều khó khăn nên mới mở được một số ngành đào tạo, như: quân y, dược… hoặc một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quân nhu ngắn hạn. Bên cạnh đó, đa phần cán bộ hậu cần được lấy từ cán bộ quân sự, chính trị, một số là cán bộ cơ quan Đảng, chính quyền được điều động làm công tác cung cấp, do đó còn hạn chế về chuyên môn, thực tiễn còn lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác.

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Người, tháng 5-1951, Tổng cục Cung cấp đã tiến hành khai giảng lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên gồm 88 học viên. Người đã viết thư thăm hỏi, động viên, cổ vũ và khích lệ tinh thần đối với giáo viên, học viên của lớp học. Thư gửi lớp Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số bộ đội tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì” (4). Đồng thời, Người nhắc nhở cán bộ cung cấp càng “phải làm kiểu mẫu về cần, kiệm, liêm, chính”. Ngoài ra, Người cũng đã kịp thời uốn nắn những nhận thức, quan điểm lệch lạc, cho rằng “cung cấp là một công việc tầm thường không được nêu danh nổi tiếng như ra trận đánh giặc” hay “cán bộ cung cấp thường mang tiếng hủ hóa”. Người chỉ ra “nói như vậy là lầm, lầm to” và yêu cầu để cải chính dư luận đó thì cán bộ các cơ quan cung cấp “phải thực hành kiểm tra phê bình và tự phê bình”. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của ngành Hậu cần, trong bốn năm (1951-1954), từ lớp cung cấp đầu tiên đến trường Hậu cần đã mở được 5 khóa huấn luyện, bồi dưỡng được 486 cán bộ cung cấp (5). Đây là lực lượng quan trọng của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, góp phần nâng cao sức chiến đấu của quân đội trên chiến trường.

Đến tháng 6-1952, tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ Nhất, Người đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo ngành Hậu cần, Người nói: “Muốn làm tròn nhiệm vụ, cán bộ cung cấp trước hết phải có tinh thần trách nhiệm, cố gắng vượt mọi khó khăn làm cho bộ đội no ấm, đủ súng đạn, đủ sức khỏe để đánh giặc” (6). Đồng thời, Người đã chỉ ra bổn phận của cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch; trong đó, đối với chiến sĩ, dân công: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ... Muốn làm được như thế, cố nhiên phải có tổ chức, có chương trình, nhưng nếu cán bộ không cố gắng, thì không thành công được” (7). Những lời chỉ dạy trên của Người đã được Ban huấn luyện lớp học bổ sung vào chương trình huấn luyện và nhanh chóng truyền đạt đến học viên.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi quân và dân ta đang đẩy mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã viết thư động viên cán bộ cung cấp và đồng bào dân công phục vụ chiến dịch, mong các cô, các chú ra sức thi đua: chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội, tranh nhiều thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức. Đồng thời các cô, các chú phải giữ vững chính sách của Đảng và của Chính phủ. Những lời động viên đó là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để cán bộ hậu cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các chiến dịch được mở ra liên tiếp, nhu cầu của tiền tuyến rất lớn, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ hậu cần, nhất là cán bộ chỉ huy. Người luôn quan tâm lựa chọn những người có năng lực và phẩm chất đạo đức để bổ sung cho cơ quan Tổng cục.

Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, trong giai đoạn này, Người đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội nói chung và cán bộ hậu cần nói riêng. Nói chuyện với các đơn vị tham dự cuộc duyệt binh ngày 1-1-1955 tại Hà Nội, Người khẳng định: Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không nên vì hòa bình mà xao nhãng học tập. Các cô, các chú cần học gì? Cần học chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân. Phải học tập kỹ thuật, vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình càng phải học để tiến bộ... Ngày 7-9-1958, Người đã về thăm Trường Sĩ quan Hậu cần, Người căn dặn: Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần.

Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở cán bộ quân đội, nhất là cán bộ hậu cần phải “quý trọng của công”. Bởi, “tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào”, do đó, “phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”. Cho nên cán bộ, chiến sĩ nhân viên ngành Hậu cần phải tiết kiệm, bảo vệ mọi tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm đúng định lượng, tiêu chuẩn, chế độ quy định; phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô lãng phí, cửa quyền, hách dịch, ăn bớt, ăn xén tiêu chuẩn của bộ đội, của đơn vị làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe và sức chiến đấu của bộ đội.

Ngoài ra, Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ hậu cần “phải có thái độ tốt với mọi người, phải phát huy tinh thần phục vụ đơn vị”. Muốn làm được như vậy, mỗi cán bộ hậu cần phải “có sáng kiến thi đua”, “phải thi đua với nhau, giúp đỡ lẫn nhau trao đổi kinh nghiệm cho nhau để không ngừng tiến bộ”, phải “luôn luôn nâng cao tinh thần làm chủ, tinh thần trách nhiệm”... Đặc biệt, nói chuyện tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua của các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần (12-1958), Người nói: Các cán bộ, chiến sĩ không được tự mãn trước những thành tích đã đạt được, phải tiếp tục cố gắng đẩy mạnh phong trào thi đua lên một bước nữa, phải tổ chức việc thi đua cho tốt hơn nữa làm cho quân đội ta trở nên hùng mạnh về mọi mặt, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Cán bộ phải chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ, phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào phê bình và tự phê bình.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, các thế hệ cán bộ ngành Hậu cần đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, nhiệm vụ công tác hậu cần hết sức nặng nề và khẩn trương. Đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh vũ khí công nghệ cao, các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, phương thức bảo đảm hậu cần có sự phát triển… đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ hậu cần về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Do đó, những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng ngành Hậu cần quân đội.

Thực hiện những lời dạy của Người, trong xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần hiện nay cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Quân ủy Trung ương Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ… Đồng thời, triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung phong trào thi đua Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển sâu, rộng theo hướng đổi mới thực chất, hiệu quả, nâng cao chất lượng…

 Bên cạnh đó, mỗi cán bộ hậu cần quân đội phải là người gương mẫu về cần, kiệm, liêm, chính, thực sự đoàn kết, khiêm tốn, giản dị trong lối sống, cong việc, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững điều lệ công tác Hậu cần…; phong cách làm việc khoa học, sát thực tiễn, gắn bó với đơn vị, tác phong dân chủ, cụ thể, tỷ mỉ, sâu sát thực tế, miệng nói, tay làm, làm việc có kế hoạch, có lý, có tình, thực sự quần chúng, giữ vững đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, tổ chức đảng và đơn vị…

 Những lời dạy bảo sâu sắc của Người là di sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công tác hậu cần quân đội nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần nói riêng. Thấm nhuần tư tưởng của Người, đòi hỏi cán bộ hậu cần phải tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, không ngừng vươn lên từng bước hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh, chính quy, hiện đại.

_____________

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.296.

2, 3, 4, 6, 7. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.58, 179,180, 431, 433.

5. Học viện Hậu cần, Lịch sử Học viện Hậu cần (1951-2001), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001 tr.26.

Tác giả: Nguyễn Hải Sinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;