TƯ TƯỞNG KHOAN DUNG TRONG TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY

Bước sang TK XX và đặc biệt là XXI, trong quá trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng, các giá trị truyền thống phương Đông từng bước khẳng định rõ vị thế của mình trong nền văn hóa nhân loại. Vì thế, việc xem xét, so sánh tư tưởng khoan dung trong triết học phương Tây phương Đông, gắn liền với sự vận động, phát triển tư tưởng khoan dung của thế giới đương đại, có thể là một gợi ý nhằm điều chỉnh quá trình giao lưu, hòa đồng của văn hóa Đông - Tây trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thuật ngữ khoan dung xuất hiện lần đầu trong Kinh Thư, TK V trước CN. Trong đó, khoan dung được quan niệm là một đức tính của người quân tử bên cạnh tín, mẫn, huệ. Khoan được hiểu là sự tha thứ, rộng lượng, khoan hồng, dung là bao dung. Thuật ngữ này được diễn đạt bằng nhiều từ khác nhau như: bao dung, độ lượng, khoan thứ.

Từ TK XV trở lại đây, với sự đi lên mạnh mẽ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phương Tây, nhiều giá trị văn hóa và tinh thần phương Tây đã chi phối nhiều mặt của đời sống nhân loại. Các dòng tư tưởng khoan dung của thế giới đương đại dường như đều xuất phát từ những gợi ý của trào lưu triết học và mỹ học phương Tây.

Trong truyền thống khoan dung phương Tây, yếu tố Do Thái - Thiên chúa giáo được xem là một cột trụ quan trọng, xuất phát từ sự tự vấn của lương tâm trước thượng đế, một mặt, đưa lại ý thức cá nhân, mặt khác, tạo ra một cơ chế tinh thần sẵn sàng nhập cuộc. Tính cơ động của xã hội phương Tây nằm ngay trong sự tự hiểu biết, tự khẳng định, tự thực hiện và tự đánh giá của con người. Trên cơ sở ấy, người phương Tây đã giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội theo hướng đề cao con người, nhưng là con người cá nhân, con người tự lập thân. Chủ nghĩa cá nhân với tất cả những mặt sáng và mặt tối của nó là một truyền thống độc đáo của phương Tây.

Theo một lôgic tất yếu, chủ nghĩa cá nhân bao giờ cũng được khai sinh ra từ chủ nghĩa cộng đồng, ở phương Tây thời Trung cổ là cộng đồng tôn giáo. Từ thời Khai sáng trở đi, niềm tin Kitô giáo (tin mình được chúa cứu vớt, khoan dung, lên trời) thông qua thiết chế đại diện của chúa trên trái đất là các công đồng (giáo hội) dần dần được chuyển tải, thế tục hóa thành niềm tin vào chính thể cộng hòa. Cải cách tôn giáo cổ vũ mọi người được tự ý đọc và giải thích Kinh thánh, giáo hội không độc quyền về tinh thần nữa, các con chiên tự mình tin vào thượng đế thay vì phải thông qua chiếc cầu trung gian là diễn giảng của các cha cố. Chế độ dân chủ (tư sản), nói như Toqueville, đã phá tung chiếc xích kéo dài từ người nông dân tới nhà vua chuyên chế và đặt mỗi mắt xích ra một nơi. Chủ nghĩa cá nhân, trước hết là sự tuyên bố: mỗi người được quan hệ trực tiếp với thượng đế, chịu trách nhiệm trước ông ta, ai cũng có thể lên trời chứ không riêng gì các thánh.

Chủ nghĩa cá nhân phương Tây được xây dựng trên nền của tư hữu, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân và Kitô giáo. Trong khi ở xã hội phương Đông, chế độ chuyên chế phong kiến tồn tại dai dẳng, nông dân không có quyền sở hữu ruộng đất, trái lại ở phương Tây, giai cấp nông dân sở hữu ruộng đất có nhiều điều kiện tự do trước phong kiến. Chính chế độ sở hữu tư nhân là cơ sở cho thiết chế và môi trường xã hội, cộng với sự dung dưỡng của Thiên chúa giáo, để cái cá nhân nảy nở và phát triển (1).

Theo triết học phương Đông, ý thức và tình cảm cộng đồng luôn đi liền với tư tưởng nhân văn, đồng thời cũng là điều kiện cho cả hai cùng nảy nở và phát triển. Thông thường theo quan điểm phương Tây, khi nói đến chủ nghĩa nhân văn thì thường coi trọng chủ nghĩa cá nhân. Đây là cốt lõi, xuất phát từ lịch sử hiện thực phương Tây. Ở phương Đông, trái lại, tư tưởng nhân văn nảy nở và được thể hiện trong và thông qua cộng đồng. Tại phương Đông, không phải không có cái cá tính và cá nhân, chỉ có điều chúng biểu hiện thông qua gia đình, trong dòng tộc, làng xã, tập thể, đất nước. Giá trị đạo đức xuất phát từ quan điểm thân nhân và chữ hiếu có ảnh hưởng sâu sắc trong truyền thống Á Đông. Chế độ gia trưởng và chế độ phụ quyền được hình thành trên cơ sở đó, sau mở rộng ra gia tộc, rồi làng nước. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà đặc trưng cơ bản của chế độ chính trị xã hội và các quan hệ xã hội phương Đông lại coi “thiên hạ như trong một nhà”. Mặt khác, yếu tố nhân văn và bình đẳng trong tư tưởng cộng đồng cũng được nhấn mạnh trong tư tưởng của phương Đông. Điều này được biểu hiện rõ nét trong tư tưởng kiêm ái của Mặc gia, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

Sự chồng xếp, lồng ghép, cộng sinh các mối quan hệ tụ cư, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo…trong xã hội phương Đông là nhân tố gắn kết sự bền vững của các cộng đồng Á Đông. Con người ứng xử linh hoạt với nhau theo tình cảm trên cơ sở chủ nghĩa cộng đồng. Đồng thời, do trọng tình nên con người nảy sinh tâm lý coi trọng cộng đồng tập thể. Cộng đồng không chỉ là sự cộng sinh về mặt xã hội mà đạt tới sự cộng sinh văn hóa với hàm nghĩa vun trồng, giáo dưỡng chữ nhân và sự hài hòa thiên - địa - nhân. Khẳng định điều này, tác giả Huỳnh Khái Vinh viết: Ở phương Đông, năng lực và nghệ thuật sống hòa thuận với người khác trên các phương diện lời nói, việc làm, chính kiến, sở thích… là sản phẩm của sự hài hòa giữa ý thức với tình cảm cộng đồng” (2).

Tư duy phương Tây thiên về phân tích một cách khách quan, trên cơ sở chủ nghĩa duy lý và khoa học. Trái lại, tư duy tổng hợp và trực giác tạo nên cốt cách của văn hóa phương Đông. Tư duy phương Đông hướng về tổng hợp tâm hồn với trí tuệ, lý tính với đạo đức xã hội, đạo đức xã hội với bản tính con người… dựa vào trực giác để đạt tới sự tổng hợp ấy. Đặc điểm nổi bật của tư duy trực giác là đặt mình vào giữa đối tượng để cảm nhận, giao tiếp. Phương thức tư duy trực giác coi trọng tác dụng của cái tâm, lấy tâm để bao quát đối tượng nhận thức, coi tâm là gốc của nhận thức. Tư duy trực giác ít đi sâu phân tích quá trình tác động của cái tâm, cũng không chứng minh bằng suy lý sự giác ngộ của tâm, mà chỉ mô tả trực tiếp sự giác ngộ không liên tục của linh cảm. Điều này thể hiện rõ nét trong tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Thuyết thiên nhân hợp nhất bắt nguồn từ Khổng, Mạnh và dần trở thành mệnh đề trung tâm của nguyên lý phương Đông về sự hài hòa, thống nhất, về cái một của thế giới. Theo thuyết này, thiên nhiên và con người, vạn vật có mối liên hệ lẫn nhau, cho nên cần giữ trạng thái hài hòa giữa chúng. Thuyết trung dung được coi là tiêu chuẩn tối cao để duy trì sự cân bằng vạn vật, bởi vì đạt đến trung dung hài hòa thì “trời đất như nằm ở đó vậy, vạn vật nhờ đó như được nuôi dưỡng vậy”.

Khác với phương Đông, chủ nghĩa duy lý với tư duy khoa học đã hun đúc nên một phần cốt cách của văn hóa khoan dung phương Tây. Chủ nghĩa duy lý phương Tây có nguồn gốc từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghiệp ở Tây Âu. Sự phát triển phi thường của khoa học tự nhiên đã đưa lại sự nhận thức mới mẻ về chúa. Trước kia, người ta tin rằng chúa có thể đưa được chúng sinh đến miền đất hứa, thì bây giờ nhiều người tin rằng, lý trí có thể giải phóng con người khỏi mọi tai ương, đưa đến hòa bình vĩnh cửu. Lý trí sẽ khám phá ra các quy luật tự nhiên chi phối sự sống và do đó, bảo đảm sự tiến bộ của con người.

Tinh thần duy lý được khởi đầu từ TK XVII ở Anh với những tên tuổi như F.Bacon; T.Hobbes, J.Locke,… và đạt đến đỉnh cao ở Pháp với R.Descartes. Trong Luận văn về phương pháp, R.Descartes đã bác bỏ triết học kinh viện trung cổ, phủ nhận quyền uy của giáo hội trong tư duy. Ông muốn sáng tạo một phương pháp mới để nhận thức thế giới, đem lý tính khoa học thay thế cho tín ngưỡng mù quáng. Theo ông, nhờ có lý tính mà con người có thể quan niệm được chân lý. R.Descartes đã đưa ra luận đề nổi tiếng, phản ánh bản chất triết học của ông: “Tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại, tôi có thật”. Từ luận đề này, R.Descartes đưa ra 4 quy tắc cơ bản để tìm chân lý khoa học: chỉ công nhận một chân lý khi nó thật hiển nhiên, phân tích, tổng hợp, tính tất cả các yếu tố. Những quy tắc này đánh dấu một cuộc cách mạng tư duy, chấm dứt thời đại giáo điều. Về sau, Hegel đã phát triển chủ nghĩa duy lý thành hệ thống gần như thâu tóm mọi lĩnh vực của đời sống con người với phương châm quan sát, phân tích, thực nghiệm để tránh chủ quan và tư biện và “đi đôi với tư duy khoa học thường là tư duy dân chủ” (3). Bởi lẽ, sự phân tích khoa học phải thông qua tranh luận, trao đổi bình đẳng. Môi trường tranh luận được xây dựng trên tinh thần Socrates là một đảm bảo cho khoa học và dân chủ. Chủ nghĩa duy lý phương Tây coi trọng yếu tố chuyên môn kỹ thuật. Sự tôn trọng khoa học đi liền với sự tôn trọng những người làm công tác chuyên môn kỹ thuật. “Sự song hành của hệ giá trị nghề nghiệp (trí tuệ, học vấn) và hệ giá trị quyền lực là một thế song hành dân chủ, tiến bộ và phát triển ở phương Tây” (4).

Như vậy, cơ sở xã hội và triết học hình thành tư tưởng khoan dung trong triết học phương Tây và phương Đông thể hiện sự khác biệt rõ nét trên nhiều bình diện.

Trong khi khoan dung phương Tây nhìn chung mang nhiều hàm nghĩa bình đẳng, dân chủ, nhấn mạnh đến tính thỏa hiệp, tổng hòa thì ở phương Đông, nội hàm của khoan dung có nhiều khía cạnh khoan thứ, rộng lượng, kể cả sự nhẫn nại, chịu đựng. Triết lý nhân sinh của Phật giáo Á Đông vừa chứa đựng tư tưởng Nho gia vừa dung nạp đạo Lão. Điều này có thể thấy rõ trong văn hóa của Nhật Bản, Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác. Giới hạn giữa các tông phái Phật giáo và Nho giáo, Lão giáo ngày càng đan xen, hòa trộn vào nhau. Sự dung nạp, điều hòa về tư tưởng thể hiện rõ trong nếp sống thường nhật của con người Á Đông: “Khi trẻ thì xuất chúng, thực hành đạo đức Nho gia, khi có tuổi thì nhận ra được cái thiền của Phật, lúc về già thì muốn tiêu dao theo Lão Trang” (5). Nguyên tắc dung nạp, điều hòa tâm, tính với mọi người trở thành phổ biến trong cả triết học, tôn giáo lẫn nếp sống, nếp nghĩ của người phương Đông. Chẳng hạn, Nho giáo thấm nhuần ý thức về sự thực hành đạo đức, Phật giáo ngày càng nhập thế, nếp sống dân gian coi cái giản dị là phương thức tồn tại. Giản dị vừa biểu hiện cho sự phát triển của triết học, vừa là phương thức tồn tại của nếp sống dân gian. Vì lẽ đó, “cái giản dị phương Đông nhiều khi mang tính hỗn tạp dân dã, song không hiếm trường hợp lại là sự thống nhất hài hòa giữa triết lý uyên thâm với việc thực hành đạo đức” (6).

Cũng cần khẳng định thêm rằng, trong khi triết học phương Tây thường đem sự vật vốn thống nhất tách thành nhiều mặt thì triết học phương Đông thiên vào việc khẳng định sự hài hòa thống nhất. Cả Nho giáo, Phật giáo đều tán thành thuyết thiên nhân hợp nhất và coi đó là quy luật tồn tại phổ biến của vũ trụ. Mục đích của mọi quan điểm triết lý đều gặp nhau ở quan điểm trung dung như là tiêu chuẩn tối cao để duy trì sự cân bằng vạn vật. Vì thế, bên cạnh sự khoan thứ, rộng lượng, tính cách điều hòa, dung nạp cũng sâu sắc hơn. Nó làm cho cái khoan thứ, rộng lượng dễ được chấp nhận hơn, được thực thi bình đẳng hơn. Do đó, hạn chế được vẻ ban ơn, cao ngạo và làm cho sự khoan hòa đạt được trạng thái cân bằng sau hành vi khoan hồng, khoan thứ, độ lượng, bao dung.

Văn hóa khoan dung phương Tây thấm nhuần yếu tố Cơ đốc giáo, coi mọi người đều bình đẳng trước chúa, sự tự do là phương thức tồn tại của con người. Theo chủ nghĩa hiện sinh của Kierkegaard, ba giai đoạn của con đường nhân sinh là con đường đi từ thấp đến cao của sự khoan dung. Kiểu khoan dung thẩm mỹ mang tính trực tiếp, khoan dung luân lý mang tính quá độ, đến khoan dung tôn giáo thì tính khoan hòa đạt đến sự thánh thiện. Chỉ trong khoan dung tôn giáo, con người mới đạt được sự tồn tại thực sự. Tất nhiên, ba giai đoạn trên chỉ là ba khả năng có thể đưa ra lựa chọn, song dù ở giai đoạn nào thì cái cá nhân tự do cũng đóng vai trò quyết định. Bất cứ người nào, dù ở trạng thái tinh thần dũng cảm hay nhu nhược, can đảm hay sợ hãi, cũng đều nằm trong trạng thái tự do. Chính sự tự do là ý hướng chủ quan của con người và khoan dung là kết quả đạt được của mối liên hệ giữa sự lựa chọn tự do của cá nhân với trách nhiệm đạo đức phải đảm nhiệm. Chủ nghĩa duy vật biện chứng Marxist với nhiều lý do khác nhau nên không trực tiếp bàn đến khái niệm khoan dung, song nguyên tắc khoan dung gắn liền với chủ nghĩa cộng sản là hướng tới xây dựng “vương quốc tự do”, trong đó, tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của mọi người và ngược lại.

Trái ngược với khoan dung phương Tây, các trường phái triết học phương Đông luôn đề cao một nền đạo đức dựa trên ý thức bổn phận. Vì thế, đạo đức khoan dung phương Đông củng cố và tăng cường tính đẳng cấp xã hội, khoan dung mang tính mục đích rõ rệt, mang tính chất một chiều từ người trên đối với người dưới, là sự ban ơn, tha tội với người dưới, kẻ thấp kém. Bởi văn hóa truyền thống phương Đông lấy con người và quan hệ con người làm điểm xuất phát, quan điểm chính trị xã hội thì dựa vào tiền đề trên dưới đồng lòng, dựa vào nhau, quan điểm luân lý dựa vào tiền đề trên dưới kính nhường. Xã hội dựa trên những cột trụ như vậy nên mối quan hệ nhân luân, lễ giáo chiếm vị trí cơ bản trong mối quan hệ xã hội. Triết lý nhân sinh, đạo đức của các dân tộc Ấn Độ, Trung Hoa… đã bồi dưỡng nhân sinh quan con người hướng đến một đạo đức khoan dung đôn hậu với cả người và vạn vật. Quan hệ người với người, giữa người với thiên nhiên và với thế giới nói chung đã thấm nhuần phong cách ung dung, hòa thuận, quan hệ với chính mình thì ung dung tự tại. Tuy nhiên, cái ung dung, tự tại đó thấm đẫm tính chất đẳng cấp, biểu hiện rõ nét trong việc khái quát thành phép tắc nhân luân, tam cương, ngũ thường, trung dung của Nho giáo.

Cách tiếp cận cơ bản và xuyên suốt của tư tưởng khoan dung trong các trào lưu triết học phương Tây là quan điểm coi con người là trung tâm. Tất nhiên, đây là con người cá nhân được xây dựng trên cái nền của sở hữu tư nhân, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân và Kitô giáo. Để nhận thức được bản thân mình, con người phải nhận thức được tính cá thể của mình. Điều này có thể thấy rõ nét trong triết học thời kỳ Phục hưng. Tư tưởng khoan dung thời kỳ này được coi như một kiểu tư duy đặc biệt cụ thể, như một sự nhận thức cá nhân. Đến TK XX, cùng với sự nở rộ của các trào lưu triết học, mỹ học, chủ nghĩa nhân văn nói chung, tư tưởng khoan dung nói riêng được khám phá dưới nhiều chiều cạnh khác nhau. Song tựu chung cũng đều là sự tự nhận thức của con người, sự quan tâm của con người với chính bản thân mình và sự khám phá những khả năng của con người. Nguyên lý nhân văn vĩ đại được I.Kant nêu ra: Con người không thể là phương tiện cho cái gì cả, nó bao giờ cũng là mục đích. Đây cũng chính là nguyên tắc nhân văn của văn hóa khoan dung hiện đại.

Bên cạnh đó, triết học truyền thống phương Đông lấy con người và quan hệ con người làm điểm xuất phát, cho nên thế giới quan dựa vào lập ý thiên - địa - nhân hợp nhất, thiên - nhân cảm ứng; quan điểm chính trị xã hội thì dựa vào lập ý sự tương liên trên dưới dựa vào nhau; quan điểm luân lý dựa vào tiền đề trên dưới tôn trọng, kính nhường nhau. Mặt khác, tư tưởng khoan dung trong triết học phương Đông là tôn trọng sự bình đẳng về phẩm chất, đạo đức, văn hóa và chấp nhận sự khác nhau về niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, tạo nên sự thống nhất, phong phú, đa dạng của từng cá nhân và từng cộng đồng, từng quốc gia. Vì vậy, mọi người được tham gia vào đời sống cộng đồng về mọi mặt, không có sự áp đặt và kỳ thị. Đây là một trình độ mới của tư tưởng khoan dung mang tính nhân văn sâu sắc mà mục tiêu nó hướng đến là nền hòa bình thực sự vì sự tiến bộ, phát triển bình đẳng.

___________

1, 2. Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn, Bàn về khoan dung trong văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004, tr.95, 183.

3, 4, 5, 6. Nguyễn Khắc Viện, Bàn và luận, Nxb Đà Nẵng, 1989, tr.75 - 86, tr.188.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : ĐỖ DUY TÚ

;