Phân cảnh về sự hy sinh của ba chiến sĩ gây xúc động
Vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã thành công khi giới thiệu với công chúng vở diễn Ngược chiều bình an (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn NSƯT Minh Hiếu) để tôn vinh lòng dũng cảm của những người lính cứu hỏa.
Từ câu chuyện có thật về sự hy sinh anh dũng của ba người lính cứu hỏa trong khi làm nhiệm vụ, Ngược chiều bình an đưa người xem vào thế giới của các chàng trai với công việc cần sự dũng cảm, đi ngược lại với dòng người đang tháo chạy khỏi nơi nguy hiểm để đem tới sự bình an cho xã hội. Công việc nguy hiểm, đãi ngộ chưa cao; những nỗi đau, sự lo lắng của người thân luôn thường trực, những sinh hoạt đời thường thật bình dị giữa các chiến hữu trước khi đi làm nhiệm vụ… Vậy nên khi họ dâng hiến sinh mạng để đổi lấy sự bình an cho người dân, người xem đều cay mắt, nghẹn ngào, xót thương và tràn ngập lòng biết ơn.
Ê kíp thống nhất lựa chọn kết cấu và cách kể chuyện giản dị, không lạm dụng các pha kịch tính vì nội dung và thông điệp đã đủ rõ ràng. Ðạo diễn Kiều Minh Hiếu cho biết: “Chúng tôi muốn khắc họa chân dung những người lính cứu hỏa không chỉ trên chiến tuyến với ngọn lửa, mà còn trong những khoảnh khắc đời thường - nơi họ mang trong mình nỗi lo, niềm tự hào và cả những hy sinh thầm lặng. Vở kịch không chỉ là câu chuyện về sự mất mát, mà còn là lời tri ân dành cho những con người sẵn sàng lao vào nguy hiểm để bảo vệ sự bình yên cho người khác”.
Khai màn là cảnh một vụ hỏa hoạn dữ dội khiến đội trưởng đội cứu hỏa - trung tá Vũ Trọng Thanh (Thế Nguyên đóng) hy sinh anh dũng khi lao vào đám cháy để cứu người trong giấc mơ của vợ anh, Thùy (Diễm Hương đóng). Cảnh trong mơ khiến Thùy hốt hoảng bởi nỗi lo này luôn thường trực, khi chồng cô là lính cứu hỏa. Suốt hơn 20 năm yêu nhau và kết hôn, Thùy luôn sống thấp thỏm, lo âu giữa tình yêu tha thiết, sự tự hào về người chồng yêu quý cùng nỗi sợ hãi tột cùng với dự cảm một ngày nào đó gia đình sẽ đổ vỡ vì sự ra đi của chồng mình bởi nghề nghiệp của anh quá nguy hiểm. Người xem lo lắng vì sợ lại như các khuôn mẫu: người thân vì ích kỷ, vì thiếu sự quan tâm mà ngăn cản những chiến sĩ cảnh sát đi làm nhiệm vụ. Nhưng trên sàn diễn, đối mặt với sự sốt ruột, khóc lóc của người vợ, vừa vội an ủi vợ, vừa nhanh chóng khoác lên chiếc áo chống cháy… Thanh đã lao đi để ngược chiều bình an thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hiện thực cháy nổ được thể hiện hiệu quả
Từ đó, người xem được chứng kiến những phút giây rất đời thường của những người lính khoác trên mình bộ quần áo chống cháy đặc thù. Họ có sự lựa chọn dũng cảm lao vào tâm lửa để cứu người, cứu tài sản… bảo vệ sự bình yên, tính mạng và tài sản của nhân dân. Họ cũng có những phút giây đắng đót vì cuộc sống đời thường vất vả mưu sinh, có sự so sánh để rồi lựa chọn từ chối những món tiền lớn của những kẻ hối lộ mong được bỏ qua cho những vi phạm về phòng cháy chữa cháy… Ê kip sáng tạo không chỉ tái hiện chân thực những hiểm nguy khi thực hiện nhiệm vụ mà còn đi sâu vào thế giới nội tâm của những con người luôn đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Ba nhân vật chính -diễn viên Thế Nguyên đảm nhận vai Vũ Trọng Thanh, diễn viên Ba Duy đảm nhận vai Ngô Trung Tuấn, diễn viên Vũ Tuấn đảm nhận vai Hoàng Nhật Linh - hiện lên với những trăn trở về tình thân, trách nhiệm và lý tưởng nghề nghiệp. Họ không chỉ chiến đấu với lửa mà còn với chính những nỗi sợ, những niềm đau và cả khát vọng được trở về bên gia đình.
Không khí vở diễn không bị căng cứng, khô khan như một tác phẩm tụng ca đơn thuần mà được cân nhắc hiệu quả tâm lý đến với người xem khi xen giữa những cảnh nguy hiểm, những pha mô tả hiện thực đen tối còn tồn tại trong xã hội thì vẫn còn những màn cảnh có tình huống hài hước, gây cười để giúp thư giãn tinh thần cho người xem. Pha sinh hoạt trong đội của các anh lính trẻ vô tư, vai diễn giàu chất hài của Cao tiên sinh (Tô Dũng)… khiến vở diễn dễ tiếp nhận hơn bởi người xem.
Không ham những pha dàn dựng phức tạp, chỉ với những cảnh cứng di động để diễn tả sự thay đổi không gian và hiệu ứng ánh sáng, màn hình LED được phát huy tốt nhất, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… tất cả đã tạo thành một vở diễn hay, hấp dẫn, khiến khán giả rơi nước mắt khi ba người lính cứu hỏa đã hy sinh trong tư thế đẹp nhất: lao vào đám cháy, “đi ngược chiều sự bình an” để đổi lấy an toàn cho người dân, bình yên cho xã hội. Giấc mơ dữ ngay từ khi bắt đầu mở màn của vợ Thanh đã thành hiện thực nhưng người xem lại thấy bên cạnh sự nghẹn đắng là lòng tự hào, tự hào vì xã hội vẫn còn những con người như vậy, sẵn lòng đi ngược lại dòng người, hy sinh tính mạng cho sự an toàn của tài sản, tính mạng của bao người…
Nhà báo Hà Tùng Long đã đưa lên trang cá nhân cảm nhận của mình về vở diễn: “Cảnh kết là khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất. Khi ba chiến sĩ ngã xuống giữa đám cháy, mọi âm thanh như lặng đi, chỉ còn lại sự mất mát và nỗi day dứt khôn nguôi. Nhưng hơn cả sự bi thương, vở kịch đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính cứu hỏa. Họ đã sống và chiến đấu không chỉ vì nhiệm vụ, mà vì bình yên của bao người khác. Khi ánh đèn sân khấu tắt, tôi tin rằng thông điệp ấy vẫn sẽ còn mãi trong lòng khán giả”.
Ðồng cảm, thương tiếc, trân trọng, biết ơn… đó là cảm xúc chung của cả khán phòng khi vở kết thúc và phải sau vài phút lặng đi, mới vang lên tiếng vỗ tay cổ vũ cho một tác phẩm sân khấu thành công. Sự giản dị, đời thường và cách xử lý thông minh của ê kip, của dàn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam đã được ghi nhận xứng đáng. Vở diễn sẽ nằm trong kịch mục biểu diễn thường xuyên của Nhà hát, đó là ý kiến, là niềm tin mà nhiều người được xem tác phẩm đã đồng thuận.
Hình ảnh cuộc sống đời thường của lính cứu hỏa được thể hiện chân thực, gần gũi
NGỌC BẢO; Ảnh: NHKVN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025