Chính sách văn hóa của thực dân Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1858-1945

     1. Bối cảnh

     Năm 1858, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Đà Nẵng, bắt đầu cho công cuộc xâm lược và khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Năm 1897, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, tiến hành chia đặt ranh giới các vùng, thiết lập lại bộ máy cai trị, chia nước ta làm ba kỳ với hai chế độ chính trị khác nhau. Bên cạnh những chính sách hà khắc về kinh tế, chính trị, Pháp cũng thi hành các chính sách về văn hóa nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Chính sách văn hóa của Pháp ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho văn hóa Pháp ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn hóa bản địa, phát triển các thành tựu văn hóa dựa trên những kế thừa từ văn minh phương Tây, tạo nền tảng cho sự phát triển văn hóa Việt Nam các thời kỳ về sau.

     Có một thực tế là, mặc dù là thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam vẫn có vua, triều đình nhà Nguyễn vẫn nắm quyền cai trị tại Bắc và Trung Kỳ, nhưng tất cả chỉ trên danh nghĩa. Vương triều Nguyễn tuy vẫn mang hình thức chính thể quân chủ nhưng đất nước đã mất độc lập chủ quyền dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Về không gian lãnh thổ, Nam Kỳ là đất “thuộc địa” nên chính quyền nhà Nguyễn, về mặt hình thức, ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ tồn tại song song hai hệ thống chính quyền: của người Pháp và của triều Nguyễn. Vua đã trở thành bù nhìn dưới sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của viên Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ. Các vị vua Nguyễn không còn quyền hành về quân sự và quyền thu thuế. Những quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng bị hạn chế tới mức tối đa. Mọi quyết định quan trọng của nhà vua trước khi ban bố đều phải qua sự kiểm duyệt và chấp thuận của người Pháp. Từ năm 1894, ngân sách Nam triều bị sáp nhập vào ngân sách bảo hộ. Quan lớn, quan nhỏ và đến cả vua cũng do Pháp trả lương. Nhà Nguyễn không còn là một nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ mà đã trở thành chính quyền bù nhìn tay sai của thực dân Pháp, một bộ phận của chính quyền thực dân. Đây là sự thay đổi cơ bản và to lớn về bộ máy cai trị tại Việt Nam trong giai đoạn 1858 – 1945. Từ đây, nhà Nguyễn không còn là người lãnh đạo đất nước, đưa ra các quan điểm chỉ đạo phát triển đất nước mà quyền lực đó thực chất là hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp. Chính quyền bảo hộ, bằng thực quyền và địa vị có được, trong thời gian này đã kịp đưa ra hàng loạt chính sách trên các lĩnh vực khác nhau để cai trị người dân Việt Nam.

     Thực dân Pháp triển khai các công cuộc khai thác trên toàn lãnh thổ đất nước nên phải sử dụng đến nguồn nhân lực bản xứ, khác với những thuộc địa trước kia của Pháp như châu Phi sử dụng trực tiếp người Pháp khai thác thuộc địa. Điều này dẫn tới việc Pháp buộc phải chuyển giao công nghệ, truyền bá những tri thức nhất định cho người dân Việt Nam. Lý do chính là vì điều kiện địa lý quá xa xôi của nước ta khiến chúng phải sử dụng tới các chính sách thay thế khác như “hợp tác” với giai cấp địa chủ người bản xứ, “Pháp - Việt đề huề” để lừa bịp dư luận trong nước, phục vụ cho công cuộc “khai hóa văn minh”. Từ đây, một lượng lớn tri thức phương Tây đã được lớp trí thức Tây học mới hình thành tiếp nhận và chuyển tiếp, góp phần lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa – nghệ thuật Việt Nam vô cùng sôi động đầu TK XX.

     2. Chính sách văn hóa của Pháp ở Việt Nam

     Có thể nói bản chất của chính sách văn hóa Pháp ở Việt Nam là loại chính sách cưỡng bức đồng hóa, nhằm đưa văn hóa Việt Nam lệ thuộc sâu sắc vào văn hóa Pháp. “Việc truyền bá văn minh Pháp là mục đích đã được xác nhận, còn trong thâm tâm thì nó có ý nghĩa là sẽ thay thế cho nền văn hóa hiện có” (1). Mục đích của những chính sách đó là nhằm: nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp; mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp, phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc. Để thực hiện mục đích đó, các chính sách văn hóa khác nhau đã được thi hành trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, tôn giáo, báo chí, văn học nghệ thuật, phát triển hạ tầng cơ sở, làm biến đổi tục lệ địa phương qua việc xây dựng hương ước cải lương…

     Về tư tưởng và giáo dục, để hoàn thiện quan điểm đồng hóa về văn hóa với thuộc địa ở Đông Dương, người Pháp thực hiện công việc mà họ coi là vô cùng quan trọng: tách văn hóa Đông Dương, văn hóa Việt Nam ra khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa. Đây là một trong những lo ngại và trăn trở to lớn của những nhà cầm quyền người Pháp vì sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đã tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta, nhất là ảnh hưởng của Nho giáo tới văn hóa và suy nghĩ, tư tưởng của phần đông lớp trí thức đương thời. Một trong những biện pháp để thực hiện công cuộc này chính là việc Pháp tạo điều kiện cổ vũ việc phổ biến chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Là thứ chữ ghi âm tiếng Việt dựa theo bảng chữ cái Latin, chữ quốc ngữ vốn xuất hiện từ lâu ở Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một phương tiện để cắt đứt mọi sự tiếp xúc giữa Việt Nam và Trung Hoa. Chữ quốc ngữ là thành quả công sức tập thể của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Ý, Pháp và người Việt… Mục đích ban đầu khi sáng tạo ra loại chữ này là giúp đỡ cho công việc truyền đạo. Chữ quốc ngữ về sau càng lúc càng khẳng định được những ưu điểm của nó so với chữ Hán, chữ Nôm tượng hình vì dễ học, dễ đọc, dễ viết. Vai trò của chữ Hán và nền Nho học nước nhà dần bị lung lay, ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa tại Việt Nam cũng dần suy yếu. Không còn Hán Nôm mà sử dụng chữ quốc ngữ trong giao tiếp cũng như văn tự, Pháp cũng cho khai tử luôn các trường học kiểu cũ, và các kỳ thi Nho học của triều đình phong kiến vào đầu TK XX, gây ra sự suy tàn tận gốc Nho giáo ở Việt Nam, cắt đứt mối dây liên hệ tồn tại cả ngàn năm giữa hai nước láng giềng về tư tưởng.

     Song song với việc xóa bỏ nền giáo dục thi cử kiểu cũ, Pháp cho xây dựng ở Đông Dương một nền giáo dục mới dựa trên chương trình giáo dục của Pháp, nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Toàn quyền Đông Dương Pasquier luôn nhắc đến những biến đổi to lớn mà người Pháp đem đến cho Việt Nam: đầu tư công nghệ, mở mang trường học, xây dựng hạ tầng cơ sở, công trình văn hóa, nhà máy. Đổi lại với những khai hóa lớn lao đó, người Việt Nam sẽ phải phục tùng người Pháp vô điều kiện. Tuy nhiên, trường học chỉ mở ra với số lượng ít, nội dung giáo dục chỉ tập trung đào tạo đội ngũ tay sai có trình độ học vấn vừa đủ. Cho đến năm 1930, tổng số học sinh, sinh viên từ tiểu học đến đại học chỉ chiếm 1,8% dân số Việt Nam. Do số người được đi học thấp, kết quả là tới năm 1945, trên 95% dân số Việt Nam mù chữ. Nguyễn Ái Quốc đã từng gọi đây là một “chính sách ngu dân triệt để” của chính quyền thực dân, nhằm tạo nên một nền giáo dục lệ thuộc vào chính quốc, xa rời nguồn gốc tổ tiên và không dành cho số đông quần chúng (2).

     Về tôn giáo, Pháp sử dụng Kitô giáo như một công cụ đắc lực để lan tỏa sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây ở Việt Nam. Từ một vương triều nhiều đời thực hiện chính sách cấm đạo, bắt bớ, giết hại người theo đạo, triều đình nhà Nguyễn phải dần dần nhượng bộ để thực dân phổ biến Kitô giáo. Triều đình Huế đã ký Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) với thực dân Pháp và Tây Ban Nha, trong đó Điều 2 quy định về tự do theo đạo Công giáo (3). Từ Hiệp ước này, Ki tô giáo có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, nhất là khi Pháp dần nắm trong tay mọi quyền hành cai trị đất nước, Pháp đã liên tiếp buộc nhà Nguyễn phải ký những văn bản chính sách có lợi cho sự phát triển của đạo Kitô ví dụ như Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Điều 9 của Hiệp ước này đã tạo nhiều đặc quyền mới cho Công giáo. Giáo hội hầu như không còn bị hạn chế trong việc mua bán và kế thừa tài sản. Giáo dân được bảo vệ khỏi sự sách nhiễu của nhà nước phong kiến Nguyễn. Những điều xúc phạm đến Công giáo của vua Nguyễn phải được xóa bỏ. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho Kitô giáo phát triển, chính quyền bảo hộ còn đưa ra những chính sách bất bình đẳng tôn giáo, phân biệt đối xử giữa các tôn giáo, tỏ thái độ chỉ coi trọng duy nhất Kitô giáo, gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ dân tộc (4).

     Trong quá trình thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa, báo chí được Pháp mang tới Việt Nam và biến thành công cụ phục vụ cho thực dân tại xứ thuộc địa. Pháp tài trợ và tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các tờ báo thân Pháp, ca ngợi công lao khai hóa văn minh cùng các thành tựu văn hóa Pháp, khuếch trương bộ mặt hào nhoáng của thực dân và tay sai trước người dân Việt. Đại diện Nam kỳ có Nam trung nhật báo (sau đổi thành Lục tỉnh tân văn), Đại Việt quan báo (sau đổi thành Đại Việt tân báoĐại Việt công báo), Nông cổ mín đàm. Bắc kỳ có Đăng cổ tùng báo xuất bản ở Hà Nội. Năm 1913, chính quyền thực dân cho ra đời Đông Dương tạp chí là chi nhánh đặc biệt của Lục tỉnh tân văn xuất bản ở miền Trung và miền Bắc. Mặc dù vậy, người dân Việt Nam cũng dùng chính báo chí để phản ánh tinh hoa văn hóa dân tộc, lòng yêu nước, ý chí, tinh thần đấu tranh của nhân dân. Cho nên, tại Việt Nam, cùng với việc phổ biến báo chí, Pháp cũng cho thi hành những quy định ngặt nghèo để kiểm soát ngôn luận. Theo sắc lệnh 3367, chính quyền bảo hộ được sửa đổi lại những quy định của Luật tự do báo chí (ra đời năm 1881, tại Pháp) riêng ở nước thuộc địa, hạn chế quyền tự do báo chí, cho phép chính quyền thuộc địa các xứ bảo hộ xử lý các vi phạm báo chí.

     Bên cạnh đó, Pháp cho thành lập và tài trợ vật chất cho các hội văn hóa mà tiêu biểu là hội Khai Trí Tiến Đức để tuyên truyền cho những luận điệu của chúng. Hội được thành lập vào năm 1919, tại Hà Nội với học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký, Cử nhân Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật tên tuổi cũng đứng tên trong hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải), Thượng thư Bộ Binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà vua Bảo Đại gọi là cậu), Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương. Quan điểm của hội này chỉ rõ: “Hội chúng tôi là gồm tất cả các phần tiêu biểu trong các dân đẳng xứ Bắc kỳ... có bụng muốn nhờ Đại Pháp che chở để mưu sự khai trí tiến đức cho đồng bào” (5). Trong thời gian hoạt động, hội này tích cực truyền bá văn minh phương Tây vào Việt Nam, đồng thời cũng tỏ ý muốn bảo vệ và gìn giữ văn hóa truyền thống. Tuy nhiên các hội viên luôn ảo tưởng về một khả năng hợp tác giữa Pháp – Việt Nam và tin tưởng vào con đường “khai hóa văn minh” của người Pháp, trở thành nơi tập trung thành phần trí thức cao trong xã hội, tuyên truyền cho tư tưởng phản động của chính quyền thực dân.

     Trên bình diện văn hóa vật chất, Pháp cho xây dựng một loạt đô thị kiểu mới, nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại (công trình giao thông, nhà xưởng, rạp chiếu phim, nhà triển lãm,…) phô trương “văn minh” của Đại Pháp, mua chuộc người dân An Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Đô thị Việt Nam theo lối cổ truyền, lấy chính trị làm trung tâm, chuyển sang mô hình đô thị kiểu phương Tây với chức năng trung tâm kinh tế. Đầu TK XX, thực dân Pháp đã cho thiết lập một hệ thống đô thị với ba cấp: cấp 1, đô thị cấp quốc gia như Sài Gòn, Hà Nội; cấp 2 là những đô thị vừa và nhỏ, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Vinh; cấp 3 là những thị xã, thị trấn ở địa phương. Đô thị kiểu mới có nhiều chức năng, được xây dựng và quy hoạch một cách đồng bộ, khoa học, có khu thương mại, khu hành chính, khu công nghiệp và dân sinh kiểu phương Tây. Nhờ vậy, phong trào Âu hóa có điều kiện phát triển và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhất là ở khu vực đô thị những năm 20-30 TK XX…

     Tại khu vực nông thôn, thực dân Pháp cho thi hành chính sách cải lương hương chính, lập hương ước cải lương mới thay thế cho các “cựu ước” cũ, tạo ra những biến chuyển về tục lệ địa phương. Ban đầu, thực chất chính quyền thực dân không muốn động tới hương ước và tổ chức làng xã. Trong xã, thôn, quan lại và cường hào nắm quyền chi phối và lũng đoạn cuộc sống làng xã. Việc duy trì chế độ cai trị làng xã như cũ có lợi cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, sang đầu TK XX, cùng với công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 - 1929), tăng cường bóc lột thuộc địa, chính quyền thực dân bắt đầu tấn công mạnh vào tính chất tự trị, khép kín của làng xã, chấm dứt tình trạng phó mặc cho người Việt quản lý làng xã trước kia. Thực dân Pháp muốn loại bỏ bộ máy cai trị làng xã cũ, hội đồng kỳ mục, vốn là những kẻ cứng đầu cứng cổ theo lề lối phong kiến, nặng tư tưởng Nho học, không phải vì muốn cải thiện đời sống của nhân dân mà muốn bằng một bộ máy mới, đưa giai cấp địa chủ đã được tân học hóa lên nắm quyền cai trị, gắn kết chặt chẽ việc cai trị ở làng xã với hệ thống cai trị của chính quyền thực dân. Từ đây, làng xã Việt Nam gắn với hương ước mới do thực dân Pháp đề ra, đó là hương ước cải lương, chú trọng việc loại bỏ bớt các thủ tục rườm rà, tốn kém trong tục lệ làng, xã vì vậy, nhìn bề nổi, có vẻ theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, trong tục cưới hỏi trước kia, nhiều gia đình lấy vợ để thêm người lao động, vì thế nên nhiều nhà gái thách cưới rất cao, làm cho nhà trai rơi vào cảnh khốn cùng. Trong chính sách cải lương hương chính đã có sự thay đổi, đó là vừa khuyến khích vừa bắt buộc các làng xã hạn chế việc thách cưới và tổ chức ăn uống linh đình mà “chỉ trong họ, các nhà sự chủ ẩm thực với nhau, chứ không được mời dân, nếu trái lệnh phải phạt 1 đồng, mà người không thân thích đi ăn uống cũng phải phạt 5 hào” (6) hay trong việc tang cũng cần phải tiết giảm. Hương ước làng Đồng Ngoại quy định: “Tang chủ cũng chỉ được dùng trầu nước thiết đãi quan viên dân làng đến hộ tế mà thôi, chứ ngoại giả không được bày ra cỗ bàn phiền phí gì cả” (7). Các tục lệ đã hạn chế bớt những chi tiết lãng phí, không phù hợp trước kia nhưng lại chuyển sang nộp phạt, nộp tiền làm những việc đó để thành lập quỹ làng, nhưng quỹ làng đó phần lớn người dân không được tự tiện sử dụng mà phải nộp vào ngân hàng, làm lợi cho chính quyền. Nói cho cùng, mục đích của những chính sách này không phải để làm lợi cho người dân mà là để chi phối và can thiệp sâu sắc vào đời sống của người dân sau lũy tre làng, tiến tới hạn chế tối đa quyền tự quản làng xã.

     3. Bài học từ việc nghiên cứu chính sách văn hóa của Pháp tại Việt Nam

     Chính sách văn hóa của thực dân Pháp tại Việt Nam mang lại cho nền văn hóa nước nhà cả những biến đổi tích cực lẫn những ảnh hưởng tiêu cực. Điểm hạn chế lớn nhất mà những chính sách này mang lại là những lầm tưởng về quá trình “khai hóa văn minh” bằng những “hào nhoáng” bề ngoài của nó. Từ việc lừa bịp được dư luận, Pháp đã đem tới cho văn hóa nước nhà những ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa mẫu quốc, nô dịch văn hóa nước ta bởi văn hóa Pháp, khiến người dân rời bỏ văn hóa truyền thống của tổ tiên, phục vụ trung thành cho Pháp. Song, những chính sách văn hóa đó cũng mang tới cho Việt Nam những biến đổi tích cực. Trong thời đại ngày nay, khi mà đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tiếp xúc và giao lưu văn hóa với các nước khác trên thế giới là tất yếu, bài học chúng ta có thể rút ra như sau: phải luôn trân trọng, gắn kết, gìn giữ vẻ đẹp vốn có của văn hóa dân tộc; tích cực giao lưu, hỏi hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới một cách chọn lọc để làm giàu cho văn hóa nước nhà; giữ gìn văn hóa truyền thống nhưng không phải giữ y nguyên, mà phải tích cực phát triển, học hỏi tạo ra những nét văn hóa mới của dân tộc từ những tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng tầm văn hóa nước nhà lên một vị trí mới; phát triển, cải cách văn hóa phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thời đại, phải gắn kết với nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người dân, phục vụ cho lợi ích của tất cả nhân dân.

     Như vậy, có thể thấy, nội dung của chính sách văn hóa của thực dân Pháp ở Việt Nam đầu TK XX luôn là tìm mọi cách đồng hóa, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa bản địa. Tuy nhiên trong thực tế lịch sử, ý tưởng này là không khả thi. Văn hóa dân tộc vẫn bền bỉ trường tồn, thậm chí sự giao thoa, tiếp biến với văn hóa phương Tây lại càng khiến nó tỏa sáng hơn. Chính sách văn hóa của thực dân Pháp đã góp phần đưa văn minh phương Tây phổ biến ở nước ta, đem đến những biến đổi tích cực đối với nền văn hóa phương Đông từng “bế quan tòa cảng” hàng thế kỷ, với sự xuất hiện của báo chí, nền giáo dục mới, các đô thị theo mô hình phương Tây, những hình thức sinh hoạt văn hóa kiểu mới, hiện đại hơn, gần gũi với sự thay đổi nhanh chóng của văn minh nhân loại đầu TK XX. Nó đem lại những thuận lợi, nhưng đồng thời cũng gây ra những hiểu lầm đáng kể về “lòng tốt” của thực dân, tấm gương “khai hóa” văn minh của Pháp mà khiến ta quên đi mục đích khai thác, bóc lột, vơ vét thuộc địa của chúng, dần tiến tới xa lánh với văn hóa dân tộc, quên đi cội nguồn, nòi giống cha ông. Chính sách văn hóa này cũng là cơ sở để những trào lưu văn hóa mới, những tư tưởng văn hóa mới trên thế giới tiếp cận Việt Nam, từ đó lý luận và học thuyết Mác - Lênin cũng theo nhiều con đường như sách vở, báo chí không công khai tuyên truyền ở Đông Dương. Một đội ngũ trí thức Tây học được hình thành cùng khát khao tìm ra con đường đi đúng đắn, cứu giúp dân tộc ra khỏi ách thống trị của thực dân. Đảng ra đời năm 1930 đã nhanh chóng nhận thấy cần có một đội ngũ cán bộ văn hóa lãnh đạo phong trào cách mạng, với tinh thần, chủ trương văn hóa theo đường lối Mác - Lênin.

________________

1. Brocheux. P, Hémery. D, Đông Dương - nền thực dân nước đôi (1858 - 1954), Nhà xuất bản La Découverte, 1995, tr. 167.

2. Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2009, tr.151.

3. Patrick J.N.Tuck,Thừa sai Công giáo Pháp và các chính sách của đế quốc tại Việt Nam 1857-1914: một sưu tập tư liệu, Nxb Đại học Liverpool, Anh quốc, 1987.

4. Lê Đắc Tâm, Khái quát về chính sách tôn giáo của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam (1858-1954), http://btgcp.gov.vn.

5. Cuộc nghênh tiếp quan Toàn quyền Merlin ở Hội Khai trí, Bài diễn thuyết của quan Toàn quyền, Nam Phong tạp chí, số 80,1924, tr. 24-29.

6. Hương ước làng Thanh Liệt, tổng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, 1936.

7. Hương ước làng Đồng Ngoại, tổng Nghĩa Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

 

Tác giả: Đặng Thị Hương Liên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;