Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025

Ngày 15-5-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ký ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Theo đó, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...

Chương trình không bao gồm các hoạt động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí vốn cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, cho các Chương trình, Đề án, nhiệm vụ khác.

Chương trình chỉ rõ 8 nhiệm vụ giải pháp:

1. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.

Theo đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo tồn di sản, tài nguyên văn hóa đặc thù: nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo; Xây dựng thể chế văn hóa trong xã hội số; hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả; đổi mới chính sách đãi ngộ tôn vinh tài năng và cống hiến đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa; Tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến sâu rộng về các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, đội ngũ những người làm văn hóa, xác định rõ vai trò từng chủ thể trong thực hiện Chương trình.

2. Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc 

Triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh, khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia; Đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới; Đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia; nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh, trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật; nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có; hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa

Cụ thể: tăng cường năng lực cơ sở vật chất, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, 50 khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương không tự cân đối được ngân sách; nghiên cứu phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia; xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam; tăng cường năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật ngành điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới; triển khai “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”; tăng cường năng lực hoạt động thư viện số; hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu thư viện Việt Nam, tài nguyên thông tin mở và Trung tâm bảo quản tài nguyên thông tin số quốc gia, có khả năng liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.

4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân

Chương trình đề ra nhiều nội dung: nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số; xây dựng và hỗ trợ phát triển không gian trải nghiệm sách đa phương tiện hiện đại phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại thư viện cấp tỉnh, thư viện cộng đồng ở những địa phương chưa có thư viện cấp xã; xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên Việt Nam, chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số ở Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2045; thúc đẩy hoạt động, hỗ trợ trang thiết bị cho các đội thông tin, tuyên truyền lưu động tại vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

5. Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa

Một số nội dung nổi bật như: xây dựng chương trình khoa học nghiên cứu cơ bản về văn hóa, về văn hóa trong xã hội số, văn hóa đặc thù của các dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống; nâng cao năng lực, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ quản lý văn hóa tầm chiến lược, hoạch định, tư vấn xây dựng chính sách phát triển ngành; đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật; lựa chọn những văn nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức trẻ có năng lực, khả năng sáng tạo để đào tạo dài hạn, tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài...

6. Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng

Chương trình nhấn mạnh: Xây dựng và triển khai Chương trình sáng tác văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một số chỉ tiêu cụ thể: thực hiện và công bố khoảng 30 - 45 công trình nghiên cứu lý luận, phê bình về văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh có chất lượng; khoảng 35 tác phẩm, chương trình nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn theo mô hình mới; khoảng 35 tác phẩm, công trình nghệ thuật biểu diễn thể nghiệm kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Cùng với đó, phấn đấu sản xuất trong một năm: khoảng 45 tác phẩm phim truyện điện ảnh; 90 tác phẩm phim tài liệu - khoa học và 40 tác phẩm phim hoạt hình (trong đó có khoảng 30% số phim được đặt hàng từ ngân sách nhà nước); khoảng 45 tác phẩm, công trình điêu khắc mỹ thuật, 60 tác phẩm, công trình mỹ thuật, nhiếp ảnh về lịch sử dân tộc, đấu tranh cách mạng, công cuộc đổi mới đất nước.

Đồng thời, đẩy mạnh việc phát hành, phổ biến, quảng bá, xuất khẩu phim, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật tiêu biểu của Việt Nam ra quốc tế; phổ biến phim phục vụ đồng bào dân tộc, đồng bào sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo; chiếu phim Việt Nam tại rạp; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các không gian văn hóa sáng tạo thuộc các lĩnh vực trọng tâm như điện ảnh, nghệ thuật đương đại, giải trí truyền thông, thời trang tại các địa phương, thành phố lớn; xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững và Bản đồ công nghiệp văn hoá; tạo lập môi trường để liên kết, tương tác giữa các nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, các không gian văn hóa và doanh nghiệp, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển...

7. Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới

Hàng loạt nội dung được đề ra, bao gồm: nâng cao năng lực vận hành, hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào và Pháp; tổ chức dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội về hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, sản phẩm văn hóa Việt Nam, tiềm năng và thế mạnh của địa phương tới bạn bè quốc tế; đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế có quy mô, uy tín; hình thành và phát triển được 3 - 5 thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế có chất lượng tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có chất lượng phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút đầu tư, sản xuất phim quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín của khu vực, quốc tế.

8. Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình

Chương trình nhấn mạnh: Đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Ưu tiên tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước; có cơ chế huy động các nguồn lực từ xã hội tham gia thực hiện Chương trình, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đối với phát triển văn hóa.

Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực khác như nguồn lực về đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao...; bảo đảm nguồn lực theo khả năng cân đối của ngân sách từng thời kỳ; thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo nghệ thuật của thế hệ trẻ, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, thu hút các nhà sáng tạo nghệ thuật trong nước và quốc tế để tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương gắn với lợi thế, bản sắc văn hóa, bảo đảm hiệu quả của Chương trình...

Chương trình  cũng xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ VHTTDL, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Chương trình; Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả; sơ kết hằng năm, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp kế hoạch và đề xuất nhu cầu kinh phí sử dụng ngân sách trung ương thực hiện Chương trình hàng năm, theo giai đoạn gửi cơ quan có thẩm quyền; Đề xuất dự toán và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình do Bộ VHTTDL được giao trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước; Tổng hợp kiến nghị và đề xuất xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý, giám sát, cơ chế huy động và quản lý các nguồn lực xã hội hoá trong quá trình thực hiện Chương trình; Bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, phổ biến thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức, sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý, thực hiện Chương trình; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình.

THANH DANH

;