Đầu ra cho phim

Nhiều thách thức đã được các đại biểu đặt ra trong Hội nghị - Hội thảo: Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim (do Bộ VHTTDL tổ chức tháng 12/2021) cho thấy cần có một cơ chế, sự thích ứng linh hoạt hơn cho lĩnh vực này.

Cảnh trong phim Em là của em

Đa số ý kiến của các đại biểu tham dự đều có tính thống nhất khi chỉ ra những hạn chế tồn tại dai dẳng của mảng phát hành phim hiện nay. Đại diện cho cụm rạp lớn nhất thuộc khối nhà nước, ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết: “Các năm qua công tác xã hội hóa các nguồn lực đầu tư vào điện ảnh đã giúp lượng phim được sản xuất trong nước tăng mạnh, hệ thống rạp cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy thị trường khởi sắc nhưng có một vấn đề nảy sinh ảnh hưởng tới thẩm mỹ, nhu cầu giải trí, hưởng thụ và cảm nhận văn hóa của khán giả khi phim ngoại lấn át phim nội. Hiện nhà nước chỉ nắm các đội chiếu bóng vùng sâu, vùng xa. Hệ thống rạp chiếu tại các thành phố vận hành theo cơ chế thị trường và phụ thuộc nhiều vào mạng lưới phát hành phim ngoại”. 

Một nền điện ảnh muốn phát triển phải dựa vào nội lực nhưng hiện tại hệ thống phát hành phim Việt vừa mỏng về lực lượng vừa yếu về trang thiết bị, nguồn phim. Về sản xuất, tuy huy động được nguồn lực lớn với 30 - 40 phim sản xuất mỗi năm nhưng vẫn chênh lệch rất lớn khi so sánh với hơn 200 phim ngoại nhập (trước khi dịch bệnh). Ngoài phát triển rạp chiếu, hiện các công ty, tập đoàn phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam còn đầu tư vào sản xuất phim. Đặc biệt, xu hướng đầu tư làm phim remark đang phát triển rầm rộ khi các đơn vị phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam đặt mua nhiều kịch bản ăn khách của nước ngoài để Việt hóa. Từ phân phối, phát hành phim, giờ các công ty vươn tay với thêm mảng sản xuất qua hàng loạt phim làm lại. 

Về phát hành, các công ty phát hành trong nước như Trung tâm Chiếu phim quốc gia, BHD, Galaxy… chỉ chiếm phần nhỏ trong khi khoảng 65% thị trường nằm trong tay các công ty nước ngoài như CGV, Lotte… Với việc phát hành phim được thả nổi theo cơ chế thị trường thì gần như toàn bộ đầu ra của phim Việt phụ thuộc hệ thống phát hành phim ngoại. Các phim sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn khi bị áp tỷ lệ thấp hoặc bị xếp vào khung giờ, suất chiếu không đẹp. Trong khi cụm rạp ngoại áp tỷ lệ cao cho phim nhập hoặc phim do họ đầu tư sản xuất thì các phim nội khi muốn vào hệ thống rạp này thường bị ép với tỷ lệ ăn chia thấp. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra trong nhiều năm dẫn tới nhiều bức xúc, kiện cáo dai dẳng.

Trong khi các rạp chiếu tại các thành phố bị ép thì hệ thống phát hành phim chiếu bóng tại các tỉnh gần như tê liệt. Một số đại biểu tại các tỉnh như Lạng Sơn, Đắk Lắk, Lâm Đồng… cho biết 54/63 trung tâm phát hành phim tại các tỉnh sáp nhập vào các trung tâm văn hóa, trong khi không có những hướng dẫn về bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm phát hành, chiếu bóng địa phương sau sát nhập. Hiện tại, sau sáp nhập, mỗi tỉnh một cách làm, một cơ chế riêng dẫn đến rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Các chính sách cho vùng sâu, vùng xa về thụ hưởng văn hóa, phim ảnh bị ảnh hưởng khi hệ thống phát hành phim bị giải thể, sát nhập trong khi không thể yêu cầu các rạp do tư nhân, các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại địa phương cùng gánh vác công việc. Các đại biểu đề xuất cần thống nhất ban hành một cơ chế về phát hành chiếu bóng tại địa phương, thể hiện vai trò của quản lý nhà nước về phát hành phim tại các tỉnh, vùng sâu, vùng xa.

Là Chủ tịch Hiệp hội phát hành phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm cho biết: “Khán giả Việt Nam đam mê nghệ thuật, vấn đề là làm thế nào xác định văn hóa vừa là công nghiệp vừa là nghệ thuật, là kinh tế. Từ năm 2015, thời điểm trước khi có dịch bệnh doanh thu đều tăng 200 - 300% mỗi năm. Tuy nhiên, đã là văn hóa thì phải có định hướng, phải có đề tài, ví dụ tập trung dòng phim lịch sử, dã sử…”.

 Việt Nam có vô vàn đề tài hấp dẫn nhưng muốn làm phim cổ trang, lịch sử thì gặp khó khi không có một trường quay hoàn chỉnh để sản xuất phim. Với Việt Nam, khi có một dòng phim lịch sử đủ nhiều, đủ phong phú sẽ định hướng được cho khán giả với sự hấp dẫn của chính những sự kiện, các triều đại, danh tướng, danh nhân của dân tộc. Với 100 triệu dân, các chính sách phát triển văn hóa cần tính đến cạnh tranh lành mạnh, có sự định hướng của nhà nước. Cần duy trì các đội chiếu bóng lưu động. Nên có chiến lược, kế hoạch dài hơi từ 5 -10 năm đẩy văn hóa trong đó có điện ảnh thành ngành công nghiệp. Trường quay Cổ Loa cần được xây dựng thành một địa điểm hỗ trợ cho sản xuất, đặc biệt là dòng phim lịch sử, dã sử. Nên lấy Trung tâm chiếu phim quốc gia là nhân tố, phát triển, mở rộng mạng lưới phát hành phim nội địa để hỗ trợ đầu ra cho phim, hỗ trợ về thuế, về chính sách để hệ thống phát hành phim phát triển.

Ông Trương Mạnh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Về nguồn phim, nhiều địa phương chỉ trông chờ vào Cục Điện ảnh bởi phim tư nhân khó phát hành được do vấn đề bản quyền, doanh thu. Muốn vậy nguồn phim của nhà nước cần phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề. Mỗi năm cần ít nhất 2 phim của nhà nước đủ để phát hành phim địa phương chiếu quanh năm cho các điểm vùng sâu, vùng xa. Trong các phim đó, đề tài, nội dung cần phổ cập khi phim chiếu ở bãi rộng có sự quy tụ của các thành phần, lứa tuổi khác nhau cùng xem. Hiện, nhiều địa phương tuy có rạp nhưng không có phim hoặc thiết bị lạc hậu do đó các nhà cung cấp không muốn đưa phim vào chiếu. Đa số người dân ở tỉnh không được xem phim tại rạp, mất đi một trải nghiệm, hưởng thụ văn hóa. Ngay tại Hà Nội, tại rạp Tháng Tám cũng đặt vấn đề liên doanh, liên kết nhưng các thủ tục phức tạp khiến các nhà đầu tư bỏ cuộc. Do vậy, cần có cơ chế chính sách phù hợp nếu không hệ thống phát hành nhà nước sẽ lê tiệt và sẽ rất khó nếu muốn khôi phục lại”. 

Cảnh trong phim Con đường có mặt trời

Bà Ngô Thị Bích Hạnh đại diện công ty BHD cho biết phát hành phim hiện tại đang được điều tiết bởi cơ chế thị trường, chưa có sự điều tiết của nhà nước về chính sách công nghiệp điện ảnh dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh qua tỷ lệ ăn chia giữa chủ rạp và nhà sản xuất, chuỗi rạp ngoại và hệ thống phát hành phim trong nước. Để đổi mới cần quản lý bằng luật, nghị định, chính sách về phát hành phim ví dụ như chính sách hỗ trợ về thuế, thu hút các nhà đầu tư trong nước… Với thực tế hiện tại khi các doanh nghiệp phát hành phim nội bị ép trên sân nhà, câu hỏi đặt ra là: Liệu 9 năm nữa khi tổng kết chiến lược văn hóa (năm 2030) các nhà phát hành, các thương hiệu nội như Beta, BHD, Galaxy… có bị đổi tên? Bởi nếu không có chính sách hỗ trợ để cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh doanh nghiệp nội khó tồn tại và phát triển. Hiện, các phim trong nước bị ép tỷ lệ thấp hơn từ 20 - 30% so với phim do các cụm rạp nước ngoài nhập về. Nếu không có sự điều chỉnh, giám sát, thương hiệu Việt Nam sẽ dần biến mất trên chính thị trường của mình.

Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu đề cập là sự phức tạp của các thủ tục hành chính khi hợp tác, liên doanh giữa cơ sở nhà nước và tư nhân. BHD từng xin hợp tác phát triển rạp Kim Đồng thành cụm rạp đa năng, Mix giữa phim ảnh với văn hóa, trong đó có một phòng chiếu 4D chỉ dành chiếu lịch sử Hoàn Kiếm, lịch sử Hà Nội và vẫn giữ tên rạp Kim Đồng nhưng thủ tục 5 - 6 năm vẫn chưa xong. 

Từ thực tế trên, một số giải pháp đã được các đại biểu đặt ra như nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc đầu tư của nước ngoài vào điện ảnh theo đúng luật điện ảnh là 51%, tránh để các đơn vị, công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Nhà nước cũng nên có cơ chế, chính sách, các ưu đãi để các doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam đầu tư vào điện ảnh nước nhà.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định các đơn vị phát hành, phổ biến phim độc lập với đơn vị nhập phim, tránh tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy tỉ lệ ăn chia với các cụm rạp, cơ sở chiếu phim hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng nhà nước nên cân nhắc, áp một khung hợp lý để các đơn vị nhỏ lẻ nhận được sự hỗ trợ, bảo vệ của nhà nước thông qua các hành lang pháp lý, các quy định.

Cuối cùng là các địa phương cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân thông qua phim ảnh. Nên mở các hội nghị, liên hoan tuyên truyền chiếu bóng lưu động gắn với tuyên truyền chính sách cũng như tạo cơ hội cho cán bộ làm nghề được học hỏi, giao lưu...

Với quyết tâm của Đảng, Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp văn hóa thì phát hành phim, chiếu bóng rất cần sự quan tâm và đầu tư đồng bộ bởi đây là mắt xích quan trọng trong hệ thống. Chuỗi rạp chiếu, kể cả phát hành, chiếu bóng lưu động là đầu ra của sản xuất phim, nhất là khi điện ảnh được xác định là một trong những mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa. Đi tìm đầu ra cho phim đã, đang và sẽ luôn là một thách thức khi đây là một mắt xích quan trọng trong cả ngành công nghiệp điện ảnh. 

THỦY TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 487, tháng 1-2022

;