Đền Lăng Sương, nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh

Đền Lăng Sương là ngôi đền cổ, nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên của dân tộc Việt Nam. Nơi đây là biểu tượng thiêng liêng của hào khí Thánh Tản Viên trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Đền Lăng Sương là ngôi đền cổ kính, linh thiêng gắn với hào khí Đức Thánh Tản

 

Trong cội nguồn tín ngưỡng thờ “Tứ bất tử” của người Việt, Đức Thánh Tản Viên là vị thần xếp ở vị trí thứ nhất (Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Công chúa Liễu Hạnh). Ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng Ba Vì (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Phú Thọ có nhiều ngôi đền, miếu thờ Đức Thánh Tản Viên, trong số đó, điểm nhấn nổi bật nhất là đền Lăng Sương, một ngôi đền cổ kính, linh thiêng và là không gian thực hành tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên lâu đời của người dân đất Việt.

Trong truyền thuyết và những tư liệu lịch sử ghi chép lại, Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) tên thật là Nguyễn Tuấn, có thân phụ là Nguyễn Cao Hành, thân Mẫu là Đinh Thị Đen. Đức Thánh cất tiếng khóc chào đời tại động Lăng Sương thuộc vùng đất Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Vốn là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, học hành thành tài, văn võ song toàn, Tản Viên Sơn đã trở thành con rể của Vua Hùng thứ 18 khi kết duyên với công chúa Ngọc Hoa, góp sức mình cho công cuộc dựng nước trong thời đại Hùng Vương. Tên tuổi của Tản Viên Sơn Thánh gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh trong cuộc giao tranh không cân sức khi vua Hùng kén rể. Về sau, ông hóa thành vị nhân thần uy linh và năng lực siêu nhiên, luôn hiển linh giúp đời và dân nghèo, ngự trên ngọn núi Tổ Ba Vì linh thiêng.

Cung thờ gia đình Đức Thánh Tản Viên ở chính giữa

 

Dừng chân ở vùng đất Tổ Phú Thọ, du khách mọi miền sẽ được chiêm bái ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Tản Viên. Đền Lăng Sương thuộc thôn Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ngôi đền tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng, giữa chốn sơn thuỷ hữu tình. Lưng tựa vào núi, phía bên phải là dòng sông Đà xanh thẳm, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát phì nhiêu, xa xa là những triền núi cao sừng sững, điệp trùng. Ngôi đền được Thục Phán An Dương Vương cho xây dựng vào năm 258 TCN để tri ân công đức của Đức Thánh Tản.

Điều đặc biệt so với các ngôi đền khác thờ Đức Thánh Tản là đền Lăng Sương là không gian tâm linh duy nhất phụng thờ cả gia đình Thánh Tản Viên, ở địa điểm Tản Viên Sơn Thánh chào đời. Không gian ngôi đền cổ kính, trầm mặc dưới những tán cổ thụ rợp bóng mát. Những câu đối tại cổng tam quan và không gian bên trong ngôi đền như toát lên hào khí oanh liệt và sự linh thiêng của Đức Thánh Tản. Phía trước cổng đền có hai câu đối: “Thiên giáng Thánh nhân bình Bắc địch/Địa lưu Thần tích hiển Nam Bang” (Nghĩa là: Trời sinh Thánh dẹp giặc phương Bắc/Đất lưu Thần tích hiển Thánh trời Nam) hay “Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần/Bả thác long linh giáng hạ trần” (Nghĩa là: Lăng Sương ngọc sáng, ngọc tinh thần/Mang dấu rồng thiêng xuống hạ trần).

Qua cổng tam quan, không gian tâm linh của ngôi đền hiện ra qua những công trình trong quần thể di tích. Phía trước đền chính là bia đá cổ ghi lại lịch sử của đền Lăng Sương. Kiến trúc ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ “công” gồm 3 gian đại bái, 3 gian hậu cung. Cột, kèo đều được tạo tác bằng gỗ, mái đền lợp ngói vẩy, có lưỡng long chầu mặt nguyệt. Sắc màu cổ kính của ngôi đền được hiện hữu qua mái vòm cong vút và kiểu kiến trúc độc đáo. Gian đại bái đền Lăng Sương được bài trí tôn nghiêm, mang đậm sắc màu cổ kính qua những bức hoành phi, câu đối. Cột, xà, kèo của ngôi đền được thiết kế, tạo tác tinh xảo.

Tảng đá phía trước ngôi đền, tương truyền là nơi Mẫu Đinh Thị Đen sinh ra Đức Thánh Tản

 

Gian hậu cung có tượng thờ Mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Thánh Tản), tượng Đức Thánh Tản, tượng Ngọc Hoa công chúa (vợ Thánh Tản), hai bên là tượng dưỡng mẫu (mẹ nuôi) của Thánh Tản là bà Ma Thị, thánh phụ Cao Hành. Hai bên gian đại bái có tượng thờ hai cận thần giỏi của Thánh Tản là ngài Quý Minh, Cao Sơn. Không gian ngôi đền lưu giữ hoành phi, câu đối cổ, bia đá, tảng đá nơi Mẫu Đinh Thị Đen sinh ra Đức Thánh Tản Viên.

Ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 2005. Năm 2018, Lễ hội đền Lăng Sương được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội đền Lăng Sương được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm, ngày sinh Đức Thánh Tản Viên với những nghi lễ cổ truyền được gìn giữ từ bao đời nay ở vùng Trung Nghĩa. Trải qua thời gian, ngôi đền lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hoá, là điểm nhấn tâm linh trên vùng đất Tổ. Nơi đây gắn với tín ngưỡng thờ cúng “Tứ bất tử” của người Việt, là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhà bia, nơi ghi lại những tư liệu, huyền tích về Đức Thánh Tản

 

THÉ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;