Thương hồ miền Tây cả đời gắn bó

Về thăm sông nước miền Tây/ Dọc ngang sông nước nơi đây quê mình/ Bức tranh sơn thủy hữu tình/ Núi Sam sừng sững soi mình Bình Thiên/ Trà Sư xanh thẳm nghiêng nghiêng/ Rừng tràm đồng lúa bọc viền rạch kênh/ Bước chân “cầu khỉ” chênh vênh/ Cà Mau bát ngát bồng bềnh tràm xanh.

Khách thương hồ cập bến sông Ngã Bảy - 
Nguồn: baoangiang.com.vn

 

Đã mấy chục năm nay tôi lại có dịp để về thăm quê nội, đường đi luôn ghập ghềnh bởi những mố cầu, cống. Không phải do thi công không đúng kỹ thuật, mà là xứ đất ngậm thủy của miền Tây sông nước, kênh rạch dọc ngang nhằng nhịt. Như đã hẹn, mấy đứa em chạy vỏ lãi, cùng ghe ra đón chúng tôi, chiếc vỏ lãi rẽ sóng lướt đi cùng vô vàn là xuồng ghe tấp lập, qua cái chợ nổi, nơi ngã 5, của năm dòng chảy gặp nhau tạo ra một “bùng binh nước” với những chiếc xuồng ghe và cả thững chiếc thuyền lớn  kề sát bên nhau, để trao đổi đủ thứ: lương thực, thực phẩm, rau màu nông sản. Một bức tranh quê của vùng sông nước, thật lạ lẫm với tôi, cùng những lời chào hỏi, thuận thảo, thuận mua, vừa bán, bằng những câu từ mộc mạc thôn quê, chẳng có chút gì gọi là khách sáo. Cây “bẹo” treo lủng lẳng vật phẩm trên mỗi đầu xuồng, ghe là lời quảng cáo, mời chào dẫn khách, một cách thật hữu hiệu. Kẻ mua người bán rất mau lẹ, cùng vui vẻ, hình như người ta không trả giá và cũng không nói thách như những nơi khác.

Mới chừng 6 giờ buổi sáng hôm sau, tiếng kèn hơi bim bim nghe không chói tai nhưng âm trầm vang xa, âm thanh này rất quen với tôi, từ những lần về trước. Thấy bà bác tôi cầm giỏ đi ra, tôi cũng tò mò theo sau. Thì ra là cô gái bán trái cây năm xưa, trên chiếc “ghe bầu” nhỏ ngày nào, cùng âm thanh của chiếc kèn bằng quả bóng cao su nhỏ, bóp, bóp phát ra tiếng bim bim. Giờ cô gái ấy đã là một chị luống tuổi, nước da sạm nắng nhưng nụ cười vẫn thân thiện trẻ trung, cùng chiếc ghe bầu, được thay vào là chiếc “chẹt” chắc chắn, gắn máy có công xuất, lái bằng vô lăng, như ngôi nhà nhỏ, bồng bềnh di động trên mặt nước, cái kèn bằng quả bóng, được thay vào bằng một chiếc cần, có tay nắm rất đẹp vừa tay, mỗi lần chị kéo ra, hay đẩy vào, lại phát ra một âm trầm vang vọng, tùy theo lần kéo đẩy; mà người ta nhận biết được, ghe ấy bán gì  và cô chủ ấy là ai. Bên trong chất đầy hàng hóa, giống như một cửa hàng tổng hợp được thu nhỏ, với đầy đủ các mặt hàng. Từ cây kim sợi chỉ, tới bình ga, nước lọc, nước xả, gạo muối, đường sữa, cuốc xẻng v.v... Bởi sự tò mò hiếu động, tôi đã mạnh dạn xin chị được đi theo, để hiểu thêm quê hương của mình mà tôi ít có thời gian tiếp xúc. Được sự đồng ý của chị, tôi đã xin phép bác tôi, rồi tháp tùng cùng chị chủ chẹt theo dòng kênh rạch ra nơi tụ hợp như chợ nổi miệt vườn.

Được biết chị tên Lan đã có chồng và 2 đứa con, chồng và con của chị vẫn ở trên bờ; anh làm nghề cắt tóc dạo. Còn chị, bởi cái nghiệp “thương hồ” dày đây mai đó đã ngấm vào máu thịt, chị đã không thể bỏ được nghề mà mình đã gắn bó bao năm qua, trước kia chị còn son trẻ thường vô vườn mua trái cây về bán, chiều đi bẻ trái cây; tối khuya lựa hàng, sáng đưa đi chợ, đến khi lấy chồng, nhà chồng cũng không có đất. Chị muốn đổi nghề  nhưng không thể thay đổi được cho nên chị vẫn giữ nghề, bám các chợ để mưu sinh, quanh năm trôi dạt trên sông nước, có điều tần tảo tằn tiện đã đổi được chiếc ghe bầu để buôn bán tạp hóa, đồ dùng, cho thị hiếu người dùng, mỗi ngày một phát triển hơn. Đằng sau những buổi chợ đông vui, tấp nập, khuất sau những tiếng cười rôm rả, là những nỗi nhọc nhằn. Phải đổ mồ hôi, tự mình bê vác bình nước, bình ga, với vóc dáng nhỏ thó của chị thì cũng nặng lắm chứ, rồi những ngày mưa to gió lớn, cũng không thiếu gì khó khăn, ế ẩm. Nhưng cũng phải khắc phục vươn lên, để có chén cơm manh áo, cùng chồng tiếp nuôi dạy con cái, đến trường học hành…

Tôi vô cùng cảm kích khi chiếc chẹt của chị, vượt qua đập, ngăn nước mặn, nước ngọt và càng nể phục con người nơi đây: đã sáng chế, sáng tạo trong lao động, đã phát sinh ra những sáng kiến mà chỉ có thực tiễn từ công việc mà nảy ra. Tôi và chị chủ chẹt vẫn ngồi cùng đầy hàng hóa, máy móc mà vượt đập như bay qua, một cách nhẹ nhàng. Đó là một bộ khung giá sắt chắc chắn, nằm soai soải dưới lòng kênh, có bánh xe sắt, nằm trên đoạn đường uốn cong cong, tựa đường ray xe lửa, vắt ngang con đập, khung giá đỡ như chiếc xe goòng, được cuộn dây cáp móc vào hộp bánh răng đổi chiều, có động cơ điện, hoặc máy nổ. Vậy là chiếc chẹt đã nằm vào khung; tời kéo qua nhẹ nhàng. Những người nông dân miệt vườn thật là trí tuệ. Đến giữa đập, tôi thấy chị vo viên tờ năm ngàn, ném vào chiếc giỏ có cái miệng to, trong khi chẹt vẫn lao theo qua bên kia đập. Thế là chẳng cần người thu ngân, mà vẫn không sai số.

Tới chợ ngã 5 rồi tôi như bị giằng xé cảm xúc, bởi các loại nông sản ở khắp nơi chở về, trên các chiếc xuồng ghe lớn nhỏ, đủ loại trái cây, cùng tôm cá lương thực, thực phẩm rau cỏ. Có thuyền cà phê, hủ tiếu, bánh canh, hương vị cũng ngào ngạt đủ mùi, màu sắc. Tôi xin chị ở lại đây và xin chị số điện thoại để lúc nào chị về thì đón tôi, chị cặp chẹt sát chiếc thuyền, thơm phức mùi cà phê buổi sáng với những chiếc phin tí tách giọt đắng, đang thánh thót đen ly. Gọi ly cà phê tôi nhâm nhi thả hồn theo dòng người, đang lùm xùm mua bán, trao đổi, gương mặt ai cũng niềm nở, vui vẻ buổi sớm mai. Bắt chuyện cùng hai bác lớn tuổi ngồi bàn bên, đó là những trụ cột trong nhà, đưa hàng cho vợ đi bán; giờ ngồi ăn sáng uống cà phê lấy lại phong độ, bù cho chiều qua, sáng nay mang vác. Tôi mới biết được những chợ nổi như thế này vẫn tồn tại mãi là bởi đặc thù miền sông nước ở đây, cho dù đường xá đã bê tông hóa, các khu chợ mới cũng đã mọc lên. Nhưng hình như thói quen của nét văn hóa chợ nổi trước đây, đã đi vào tiềm thức, cùng sự thuận tiện đơn giản mà hiệu quả, của chiếc ghe, xuồng, cặp sát mương, liếp, vận chuyển hàng hóa lên, rồi theo dòng nước tới chợ; vừa chở được nhiều, nhiên liệu cùng con người giảm bớt sức lao động và thời gian, lại không bị tắc nghẽn kẹt xe. Nhìn qua hướng đầu thuyền, tôi thấy một ghe lớn chất đầy than củi đước, phủ bạt chằng chéo kỹ lưỡng chắc là đợi giờ hoặc con nước để xuất hành rồi về một thành phố thị trấn nào đó. Sau vành tay lái trên ca bin, một chàng thanh niên nằm vắt chân chéo nguẩy mắt lim dim ngân nga giọng khàn đục mấy câu thơ: “Đời nào vui bằng đời thương hồ/ Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”. Câu hát quen thuộc đó của khách thương hồ, cứ lan xa trên sông nước đồng bằng sông Cửu Long, là xứ sở của sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Cũng không thiếu những người từ khó khăn, ruộng đất không có nhưng có sự quyết tâm cùng đức tính cần cù đã thay đổi công việc buôn bán, nâng cấp dần lên đã trở thành những ông chủ. Thấy tôi nói chuyện về miền sông nước, còn chưa được tường tận, hai bác mới kể cho tôi nghe những câu chuyện đổi đời của những ông thương hồ làm hàng sáo lúa, gạo; rồi ông vua trấu, vua rơm, vua dừa. Từ chiếc ghe bầu nhỏ, làm ăn khấm khá, biết tu trí, phát triển để ghe đẻ ra ghe, thành ghe lớn chục tấn, trăm tấn và hơn nữa. Tôi đang chìm đắm trong phong cảnh chợ nổi thôn quê, cùng những câu chuyện của những người nông dân “ông chủ ghe tàu” thì tiếng chuông điện thoại vang lên, chị Lan chủ chẹt hàng hóa tổng hợp gọi tôi về. Tôi xin phép hai bác được thanh toán tiền cà phê và cảm ơn các bác đã chỉ huấn cho tôi, hai bác gật đầu chào với cái nhìn và nụ cười mộc trần, thân thiện, đúng người miệt sông nước “anh hai”.

Mới bước chân xuống chẹt chị Lan đã niềm nở nói với tôi: Hôm nay về sớm chú ạ, lẽ ra phải hai tiếng nữa mới về. Nhưng hôm nay phải về sớm để cúng mùng 2, cái nghề Bà Cậu này, cũng phải lòng thành, tâm sáng, tín ngưỡng mật thiết chú ạ. “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Ở trên bờ thì người ta cúng gà nhưng mình ở dưới nước thì cúng vịt. Nhìn xuống giỏ trái cây cùng lỉnh kỉnh đồ bổi, tôi thấy một con vịt rất to, lông lá sạch tinh, miệng cặp hai cánh đúng là vịt cúng, rồi rau má, rau đắng, nấm rơm, rá đỗ chanh, hành. Chị đon đả cười nói, mời tôi trưa nay qua nhậu với ông xã chị, chị nói từ nhà chị, qua nhà bác tôi; chỉ cách nhau mấy vuông tôm và vài liếp đậu thôi. Tôi hứa sẽ qua. Chiếc ghe trườn lên con đập ngăn giữa vùng nước mặn và nước ngọt, tôi không thấy chị vo tiền ném vào cái giỏ như lúc đi.Thì ra 5 ngàn lúc đi đã là “bao qua”. Nhìn lên bầu trời và bạt ngàn màu xanh của miệt sông nước; lòng tôi như tràn ngập một niềm vui bất tận với quê hương mình.

 

DUY CHUÔNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;