Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội ở tỉnh Khánh Hòa

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai kịp thời, đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Qua đó, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện thông qua việc thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội. Năm 2019, Khánh Hòa đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách: hộ nghèo 43.975 thẻ; dân tộc thiểu số là 26.569 thẻ; đối tượng vùng đặc biệt khó khăn là 731 thẻ…

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng được tỉnh Khánh Hòa chú trọng triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp đột phá. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm cho 17.606 lượt người; giới thiệu việc làm cho 10.368 người, đã có 3.214 người có việc sau khi được giới thiệu việc làm; tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 29.086 người, tổ chức 94 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.721 lao động nông thôn. Cơ cấu chuyển dịch lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - du lịch, công nghiệp, xây dựng. Ngoài ra, thành phố thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường kiện toàn ban giảm nghèo; đảng ủy xã, phường đề ra các nghị quyết, kế hoạch, giải pháp giảm nghèo cụ thể cho từng nhiệm kỳ. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Khánh Hòa là 3,06%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,90%, toàn tỉnh có 49 xã được công nhận đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 95%. Đặc biệt, hiện nay, tỉnh còn phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường để tư vấn, cung cấp các dịch vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng yếu thế. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng được thực hiện chu đáo.

Tuy nhiên, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, công tác an sinh xã hội của tỉnh còn nhiều hạn chế bất cập như: kinh phí thực hiện các chính sách còn hạn chế nên mức đạt mục tiêu kế hoạch chưa cao. Đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển của thành phố. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, khả năng tái nghèo cao. Chính vì vậy, những năm tới, để thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, tỉnh Khánh Hòa cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực, tinh thần phục vụ của công chức thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn

Chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn tồn tại một số hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ công chức thực thi chính sách an sinh xã hội.

Do vậy, yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng Đội ngũ cán bộ, công chức đang thực thi chính sách an sinh xã hội, không những đảm bảo tốt chuyên môn mà còn phải có cái “tâm”; “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong công tác quản lý cán bộ, cần có phương thức đổi mới đánh giá thi đua khen thưởng hằng năm công bằng, dân chủ nhằm khuyến khích và tạo động lực cho sự cống hiến, làm việc hăng say, tinh thần phục vụ nhân dân tận tụy của người làm dịch vụ công nói chung và công chức thực thi các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Thực hiện quyết liệt chủ trương tinh giảm biên chế; có phương án vận động công chức không đáp ứng điều kiện, năng lực yếu chuyển công tác... Sắp xếp, tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, chất lượng; năng lực của các công chức, viên chức được nâng lên, đồng thời công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng điểm là cơ sở quan trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ làm chính sách.

Hai là, nâng cao nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội

Nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất quan trọng, cần tranh thủ nguồn vốn từ việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục giúp mọi người dân được hưởng phúc lợi xã hội tốt nhất. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, an ninh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Để đánh thức nguồn lực của nhân dân trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tỉnh cần tập trung: thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trên địa bàn. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, phấn đấu 100% các cơ sở y tế, 100% trạm y tế thành phố, xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y sĩ, y tá nhằm phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; đầu tư cải tạo các khu vui chơi; khuyến khích các doanh nghiệp mở các khu vui chơi dành cho thiếu nhi… đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hình thành các trường tư thục chất lượng cao để nhân dân được hưởng tốt nhất về phúc lợi xã hội.

Phối hợp chặt chẽ và thực hiện có hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao chất lượng tổ chức, cung cấp các dịch vụ y tế, cải thiện tốt hơn tinh thần, thái độ, cung cách phục vụ của các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình phục vụ giảm phiền hà cho người bệnh.

Chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội cần được quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp cấp trùng đối tượng tham gia, gây thất thoát nguồn lực thực thi chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào xóa đói, giảm nghèo, gây quỹ vì người nghèo… đặc biệt là hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, tôn vinh các tập thể và cá nhân có thành tích trong giúp nhau giảm nghèo. Huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người nghèo (doanh nghiệp, các đơn vị tài trợ, các dự án phát triển kinh tế, xã hội…). Hiện nay, các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước và một phần nguồn cân đối ngân sách của tỉnh nhưng do nguồn thu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xóa đói, giảm nghèo bền vững nên việc thu hút nguồn vốn cho công tác này cần có sự chủ động của các sở, ban, ngành và kêu gọi của các nguồn khác là yêu cầu cấp thiết.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo cơ sở đầu tư hỗ trợ cho an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Đây là biện pháp quan trọng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh, đồng thời tạo ra việc làm cho người lao động cải thiện cuộc sống. Trong đó cần chú trọng tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển công nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo điều kiện phát triển kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, các khu, cụm công nghiệp. Sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ đất, khuyến khích chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” theo đúng quy định pháp luật phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa (khu vui chơi, khu thể thao cộng đồng), phát triển cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), góp phần nâng cao hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tập trung phát triển làng nghề thu hút được nhân công lao động là những đối tượng hộ nghèo, người khuyết tật. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển lâu dài trên địa bàn.

Bốn là, đảm bảo tốt việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp các ngày lễ lớn. Đôn đốc thành phố, các xã, thị trấn làm tốt công tác chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công. Đề nghị, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về các đối tượng chính sách xã hội khác, khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ người có công với cách mạng. Tăng cường công tác quản lý và chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công nhằm ngăn ngừa và hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ ý nghĩa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các cấp đẩy mạnh phong trào vận động đóng góp quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” để chăm lo cho gia đình chính sách. Thực hiện tốt công tác xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-Ttg hỗ trợ nhà ở cho người có công. Ngoài ra, cần tổ chức thực hiện tốt việc thăm viếng, tặng quà trong dịp lễ, Tết, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết hiệu quả các chế độ theo quy định (miễn giảm học phí con đối tượng người có công đang theo học tại các trường, thực hiện hiệu quả công tác điều dưỡng hàng năm…).

Năm là, nâng cao năng lực, khả năng cho người nghèo, cho người đang hưởng các chính sách an sinh xã hội

Để giải quyết tốt việc giảm nghèo và thoát nghèo bền vững tại tỉnh Khánh Hòa, việc kết hợp các nguồn lực là rất quan trọng, bảo đảm sự chỉ đạo điều hành một cách tập trung, đầu tư có chiều sâu và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, đồng thời phải thực hiện tốt các giải pháp nâng cao năng lực, khả năng cho người nghèo bởi họ là một trong những đối tượng chính của chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục phát huy có hiệu quả các nguồn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho họ có nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế hộ gia đình, định hướng phương thức sản xuất, kế hoạch chỉ tiêu cụ thể để sử dụng nguồn vốn vay qua kênh ủy thác của các tổ chức đoàn thể nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các cấp. Quản lý tốt hoạt động các tổ vay vốn, hạn chế đến mức thấp nhất nợ quá hạn, tránh tình trạng nợ đọng vốn.

Quan tâm thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, việc cấp thiết là thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, công tác tái định cư và các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, từng bước xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu; củng cố mở rộng các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa ở địa bàn miền núi.

Nâng cao chất lượng an sinh xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng để vượt qua khó khăn, phải bằng sự nỗ lực vươn lên của chính những người đang hưởng các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đây là mối quan hệ qua lại, cộng đồng xã hội chỉ có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, các đối tượng cần nỗ lực vươn lên bằng khả năng sẵn có, bằng lao động, đào tạo… mới có thể phát triển bền vững. Để nâng cao ý thức, ý chí vươn lên thoát nghèo, vai trò của chính quyền địa phương, cán bộ và các tổ chức đoàn thể, cộng đồng và cá nhân rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Tác giả: Lê Minh Khôi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

;