Nâng cao quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông

     Quảng Nam là tỉnh thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có 142 km đường biên giới đất liền giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quảng Nam có hai huyện tiếp giáp với huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông (Lào) là Nam Giang (Bến Giằng) và Tây Giang (Bến Hiên). Nhân dân các dân tộc vùng biên giới tỉnh Quảng Nam và các bộ tộc tỉnh Sê Kông nói riêng đều nằm trong khối Đông Nam Á, có nhiều điểm tương đồng về địa bàn cư trú, văn hóa, phong tục tập quán.

     Hoạt động giao lưu giữa Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông nói riêng tác động tích cực đến đường lối chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước. Các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với những người Việt Nam ở xa Tổ quốc, mà còn là một kênh thông tin góp phần quảng bá, làm lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ đó, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị bền chặt và khẳng định sự độc đáo của văn hóa Việt Nam.

     Phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông nói riêng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp giữa hai bên, như: tổ chức những buổi giao lưu, quảng bá về văn hóa, hợp tác đầu tư phát triển trong lĩnh vực thông tin truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu văn hóa vùng, miền giữa nhân dân hai tỉnh với nhau; tổ chức những buổi trưng bày, triển lãm về Mối tình Lào - Việt, tổ chức những tuần văn hóa Việt Nam... nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về phong tục, tập quán, lối sống, đặc trưng, tính cách riêng của văn hóa hai tỉnh với nhau. Thực tiễn cũng cho thấy, trong xu hướng hiện nay, việc mở rộng quan hệ ngoại giao là tất yếu khách quan để mỗi nước tranh thủ cơ hội, khắc phục khó khăn, đảm bảo sự phát triển bền vững.

     Việt Nam và Lào nói chung, tỉnh Quảng Nam và Sê Kông nói riêng đều có những nét tương đồng trong bản sắc văn hóa, đây là nhân tố quan trọng, góp phần hình thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai bên. Đặc biệt, hai bên đều có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Theo thời gian, quá trình cộng cư, sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn và quan hệ tiếp xúc từ xa xưa của nhân dân hai nước. Cho đến nay, các dân tộc anh em sống ở khu vực biên giới hai nước vẫn nuôi dưỡng niềm tự hào và truyền cho nhau những câu chuyện về đạo lý làm người sâu sắc mà các thế hệ trước để lại. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái, tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào. Mặc dù Việt Nam và Lào có tiếng nói, văn tự không giống nhau, sáng tạo và lựa chọn các nền văn hóa cũng như các hình thức tổ chức chính trị xã hội khác nhau, nhưng những nét tương đồng trong văn hóa thì khá phổ biến ở mọi mặt đời sống hằng ngày của cư dân Việt Nam và Lào. Sự gần gũi về khoảng cách địa lý, đặc biệt, đều có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với những nền văn hóa khác nhau qua những thời kỳ lịch sử khác nhau; sự tương đồng giữa văn hóa làng - nước của người Việt và văn hóa bản - mương của người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở Đông Nam Á.

     Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế là tất yếu khách quan. Trước tình hình đó, lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục thắt chặt và đưa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị lên tầm cao mới. Đồng thời, đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ Quảng Nam - Sê Kông theo các cách thức mới. Đặc biệt, trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ tinh thần đoàn kết, chống phá thành quả cách mạng mà hai nước đã đạt được; thời gian tới, cần tiếp tục phát huy và tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và Quảng Nam và Sê Kông nói riêng.

     Tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phôn-vi-hản cùng nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân hai nước dày công xây dựng, vun đắp. Tỉnh Quảng Nam là một trong số những địa phương của cả nước đã có nhiều đóng góp to lớn để mối quan hệ đó ngày càng bền chặt. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần tiếp tục nâng cao quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa Quảng Nam với tỉnh Sê Kông và các địa phương khác của Lào, theo đó, thời gian tới, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

     Thứ nhất, thường xuyên quán triệt và nắm vững những quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào qua các thời kỳ cách mạng.

     Đây là một nội dung quan trọng có vai trò chỉ đạo, định hướng hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cần được các địa phương quán triệt và thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Kế thừa tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo hoạt động đối ngoại của các Đại hội trước đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Như vậy, thường xuyên quán triệt và nắm vững những quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào qua các thời kỳ cách mạng, nhằm đảm bảo cho hoạt động đối ngoại giữa hai bên luôn đúng hướng, thống nhất và ngày càng bền chặt. Căn cứ điều kiện thực tiễn về tầm quan trọng, vị trí chiến lược của mỗi địa phương trong mối quan hệ với các địa phương của Lào mà đề ra phương hướng giúp đỡ, hợp tác toàn diện để đạt hiệu quả thiết thực. Đối với tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, trong quan hệ hợp tác toàn diện phải luôn quán triệt và thực hiện đúng theo quan điểm, đường lối đối ngoại của hai bên. Muốn vậy, cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi lực lượng, tạo cơ sở để thống nhất mọi hành động trong thực tiễn triển khai các hoạt động hữu nghị, hợp tác.

     Thứ hai, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp của hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế.

     Đây là nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai tỉnh ngày càng phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ hai nước nói chung và tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tạo cơ chế chính sách ưu đãi để thúc đẩy các đối tác, doanh nghiệp của hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư phát triển toàn diện trên các mặt hoạt động, trong đó trọng tâm là kinh tế, cụ thể: Nghiên cứu miễn thị thực nhập cảnh vào Lào cho hộ chiếu phổ thông và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa công nhân sang thực hiện các hợp đồng kinh tế dài hạn và các dự án đầu tư lâu dài tại Lào; để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân Lào, đề nghị Chính phủ Lào giảm các khoản thuế nhập hàng hóa sản xuất từ Việt Nam đưa sang Lào và miễn thuế các vật tư, thiết bị đưa từ Việt Nam sang Lào để lắp ráp các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào; phía Lào miễn thuế lao động đối với công nhân Việt Nam sang lao động cho các doanh nghiệp Việt Nam trên đất Lào và cho phép công nhân lưu trú theo thời gian hợp đồng sản xuất của nhà máy… Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phân Ban hợp tác Việt Nam - Lào cần hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Nam để có điều kiện hợp tác, giúp đỡ đào tạo ngắn hạn các ngành nghề cần thiết cho lưu học sinh Lào tại tỉnh Quảng Nam và kinh phí hỗ trợ cho đời sống nhân dân Lào di cư tự do sang địa bàn tỉnh Quảng Nam.

     Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động hữu nghị và hợp tác trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên.

     Đây chính là nguyên tắc quan trọng trong thực hiện các hoạt động hữu nghị, hợp tác giữa hai bên. Độc lập, tự chủ là một yêu cầu nội tại của mọi quốc gia, dân tộc với tính cách là một chủ thể chính trị - pháp lý, trở thành một trong những nguyên tắc căn bản nhất trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, cả trên bình diện đối nội và đối ngoại.

     Theo đó, thực hiện tinh thần độc lập tự chủ trong hoạt động hữu nghị, hợp tác là tự mình quyết định (cả trong đối nội lẫn đối ngoại) đường lối, chính sách, lộ trình, bước đi; quyết định con đường và mục tiêu phát triển của đất nước mình, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc và điều kiện cụ thể của đất nước, của từng địa phương. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi toàn cầu hóa đang là một xu hướng khách quan, lôi cuốn sự tham gia của hầu hết các quốc gia dân tộc trên thế giới thì sự thâm nhập và học hỏi kinh nghiệm qua lại giữa các quốc gia dân tộc là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là đánh mất đi tính độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc. Việt Nam sẵn sàng tham khảo và vận dụng kinh nghiệm của các nước phục vụ cho sự phát triển của đất nước mình nhưng trên tinh thần độc lập tự chủ, biết lựa chọn những kinh nghiệm phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể, không rập khuôn, máy móc. Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dù trong bất kỳ tình huống nào, thời kỳ lịch sử nào cũng luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

     Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng đã giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được; nắm bắt kịp thời, sâu sắc những thay đổi về nội dung, kết cấu độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

     Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở vũng chắc lâu dài cho quan hệ chính trị, tạo thế và lực cho thế trận quốc phòng, an ninh ở mỗi nước, đảm bảo sự ổn định lâu dài.

     Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác về chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững biên giới hòa bình hữu nghị, cần đặc biệt tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội để tương xứng mối quan hệ về chính trị, tạo cơ sở vũng chắc lâu dài cho quan hệ chính trị, tạo thế và lực cho thế trận quốc phòng, an ninh ở mỗi nước, đảm bảo sự ổn định lâu dài. Trung ương tạo điều kiện tốt nhất để các tỉnh của Việt Nam chủ động, có những chương trình hợp tác nhằm khai thác thế mạnh của địa phương và các tỉnh kết nghĩa của Lào. Chú trọng xây dựng và rút kinh nghiệm về mô hình hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới theo hướng huyện hợp tác với huyện, xã hợp tác với xã, thôn (bản) hợp tác với thôn bản. Thường xuyên hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đồng thời, dành cho nhau sự ưu tiên, ưu đãi hợp lý, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước… Chú trọng đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị các di tích liên quan đến mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào ở các tỉnh của Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào ở các tỉnh của Lào. Đồng thời, có nhiều hình thức giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của mỗi nước nhận thức đầy đủ về mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và có nhiều hoạt động nhằm không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị này.

     Hai nước Việt Nam và Lào vốn có truyền thống đoàn kết đặc biệt, kề vai, sát cánh bên nhau, giúp đỡ lẫn nhau qua các cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài. Trong đó, suốt chặng đường lịch sử của hai dân tộc, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có những đóng góp to lớn cùng nhân dân các bộ tộc Hạ Lào góp phần tô thắm thêm mối tình đoàn kết đặc biệt ấy. Nhân dân hai địa phương luôn nhận thức sâu sắc được sự phát triển này là kết quả, cũng là tiền đề cho quá trình hợp tác bền vững, lâu dài giữa hai dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một khối cộng đồng Đông Nam Á hòa bình, giàu mạnh.

________________

1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Giang, Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Giang 1945-1975, 2005.

2. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam, Kỷ yếu hoạt động hữu nghị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2007) và (18-7-1977 - 18-7-2007) tại Quảng Nam, tháng 12 năm 2007.

3. Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng, Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng 1930-1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

4. Các Báo cáo Hội nghị thường niên giữa Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Nam và Đoàn đại biểu cấp cao các tỉnh Sê Kông, Chăm-pa-xắc, Luông Pra Băng qua các năm 1996, 2003, 2007, 2008, 2009. Tài liệu lưu tại Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam.

 

Tác giả: Lê Minh Đức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

 

;