Thời khắc của năm cũ đang dần trôi - năm 2024 - một năm với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử ấy, nghệ thuật múa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và khẳng định khả năng thích ứng, sức lan tỏa sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Sử thi nghệ thuật 80 năm dưới quân kỳ quyết thắng.
Ảnh: Tư liệu
Huy động tiềm lực sáng tạo trẻ
Năm 2024 - một năm với nhiều mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang - quốc phòng của đất nước như: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024); kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)… Đội ngũ nghệ sĩ múa lực lượng vũ trang đã có một năm hăng say, hào hùng, thể hiện sức chiến đấu và nhiệt huyết của những người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng với rất nhiều tác phẩm múa mới được sáng tác và biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm và các cuộc thi chào mừng những ngày lễ lớn như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X; Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong Phụ nữ quân đội;...
Đại tá, NSƯT Hiền Trang - Phó Trưởng khoa Múa Trường Đại học VHNT Quân đội chia sẻ: “Năm nay lực lượng vũ trang chúng tôi có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị...Nghệ sĩ múa quân đội chúng tôi rất vinh dự, tự hào được là những người nghệ sĩ - chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn hóa - lịch sử của đất nước; được khẳng định tiềm năng sáng tạo nghệ thuật để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, cùng chung sức, chung lòng củng cố sức mạnh dân tộc, hòa nhịp vào công cuộc chuyển mình của quốc gia, dân tộc”.
Hòa vào dòng chảy nghệ thuật múa lực lượng vũ trang, các nghệ sĩ múa ngoài lực lượng vũ trang cũng đã trải qua một năm thăng hoa với nhiều cuộc thi nghệ thuật chuyên và không chuyên như: Liên hoan múa Quốc tế 2024; Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam (trong khuôn khổ Tuần lễ Múa Việt Nam); Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc Về với Điện Biên; Liên hoan Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng; Liên hoan nghệ thuật quần chúng Hà Nội - Niềm tin và hy vọng; Liên hoan Đồng ca Hợp xướng và Múa tập thể thiếu nhi Thủ đô năm 2024 và rất nhiều các sự kiện, liên hoan nghệ thuật trên khắp các tỉnh thành cả nước...
Chính từ những cuộc thi, liên hoan này đã có hàng trăm tác phẩm múa ra đời, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho khán giả và công chúng yêu loại hình múa. Đặc biệt, qua các kỳ, cuộc cho thấy các nghệ sĩ múa trẻ đã tự tin thể hiện niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, cho khán giả thấy được vẻ đẹp diệu kỳ, trong trẻo, thánh thiện của nghệ thuật múa. Trình độ biểu diễn và chất lượng tác phẩm của các nghệ sĩ múa trẻ ngày càng chuyên nghiệp, bản lĩnh; các diễn viên trẻ được đào tạo bài bản, có sự tập trung cao về kĩ năng diễn xuất cũng như cảm xúc và kĩ thuật. Tác phẩm múa có sự đầu tư, kết hợp từ việc sử dụng sáng tạo không gian sân khấu, ánh sáng, âm nhạc mang lại trải nghiệm phong phú, truyền tải thông điệp sâu sắc, thể hiện rõ tính cá nhân và phong cách của từng nghệ sĩ.
Thơ múa Họa tình nhân gian - Tác phẩm tham gia Liên hoan múa quốc tế 2024 của Trường ĐHVHNT Quân đội. Ảnh: The Hue of Hue
Một tiết mục tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2024 của Nhà hát Chèo Thái Bình.
Ảnh: Tư liệu
Nhận định về sự sáng tạo của các nghệ sĩ múa trẻ tham gia Liên hoan múa Quốc tế 2024 NSND Công Nhạc ghi nhận sự sáng tạo và tài năng của các thế hệ biên đạo và các diễn viên múa trẻ: “Trong Liên hoan lần này, các đoàn nghệ thuật Việt Nam đã đạt được những thành công nổi bật thông qua các chương trình biểu diễn và các tác phẩm múa độc lập. Các tác phẩm tiêu biểu như Nàng Mây của Học viện Múa Việt Nam và Họa tình nhân gian” của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã thể hiện rõ nét sự đổi mới và sáng tạo trong nghệ thuật múa, gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu múa, bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế”.
Trong Cuộc thi tác phẩm múa dân tộc Việt Nam do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức, NGƯT Đỗ Thu Hằng - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (Nay là Học Viện Múa Việt Nam) hào hứng cho biết: “Với 18 tiết mục của các đơn vị công lập và ngoài công lập, hơn 100 nghệ sĩ tại cuộc thi đã khoe vốn liếng múa của các dân tộc Kinh, Ba na, Chăm, Tày, Thái đen, S’Tiêng, Xê Đăng, Mông, Ê đê, Hà Nhì đen, Giẻ Triêng… Nhiều tác phẩm đã khai thác vốn dân gian, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo ra được những tiết mục rất hấp dẫn, truyền tải được thông điệp một cách rõ ràng. Và qua cuộc thi cho thấy đội ngũ biên đạo trẻ ngày càng có nhiều sáng tạo mới mẻ, để lại cho người xem cảm giác thiện cảm, dễ chịu” .
Rõ ràng, với góc nhìn của thế hệ trẻ, với cách tiếp cận đề tài sáng tạo, mới mẻ và những công cụ hỗ trợ như: ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, kĩ xảo sân khấu, trang phục, đạo cụ, thiết kế mỹ thuật... cộng hưởng với âm nhạc và lối xử lý ngôn ngữ múa mang hơi thở đương đại, các sáng tạo của các nghệ sĩ - biên đạo múa trẻ trong năm qua đã thể hiện tư duy tiệm cận, tôn vinh văn hóa truyền thống, đồng thời nỗ lực đổi mới phương cách sáng tạo nghệ thuật múa Việt Nam trong bối cảnh đương đại.
Màn 3 Ballet Hồ Thiên Nga do các diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn.
Ảnh: Thanh Hoa
Kỳ vọng đột phá - vững bước tương lai
Nhìn một cách bao quát, chúng ta có thể thấy Việt Nam đang chuyển động với nhiều tiết tấu, vũ điệu và nhu cầu nhảy múa, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, cư dân trở thành một điều gì đó rất tự nhiên.
Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay thì việc tiếp xúc, giao lưu, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước với thế giới thông qua nghệ thuật múa được coi là một kênh tiếp cận, lan tỏa hiệu quả, giúp bạn bè quốc tế có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, dễ dàng tiếp cận và cảm thụ văn hóa Việt Nam hơn cả.
Thế nhưng, lan tỏa và giới thiệu nghệ thuật múa Việt Nam ra sao để bạn bè quốc tế thấy được một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc. Đổi mới, sáng tạo trong dòng chảy xã hội đương đại như thế nào để thấy một Việt Nam nội lực, cường tráng, hòa nhập nhưng không hòa tan...Đó là những điều mà nhiều nghệ sĩ và nhà quản lý nghệ thuật múa trăn trở, kỳ vọng.
Bày tỏ niềm mong mỏi vào sự phát triển bền vững, phát huy tinh thần sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, NSND Trần Ly Ly - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh: “Có thể thấy, một số đơn vị nghệ thuật của Việt Nam có tinh thần sáng tạo, diễn viên có nhiều chất liệu thể hiện nhưng về quan điểm sáng tác - nếu đứng trước tầm thế giới thì múa của ta vẫn đang bị mông lung - đó là điều nghệ sĩ múa chúng ta phải nghiên cứu, suy nghĩ về phương cách sáng tạo trong tương lai...Tất nhiên, mỗi ngành nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ có những cách tiếp cận, tư duy sáng tạo khác nhau... Song con đường, quan điểm sáng tạo phải thật rõ nét”. Thêm vào đó, NSND Trần Ly Ly kỳ vọng có một sự toàn vẹn hơn trong việc đào tạo nghệ thuật múa; mong muốn có một môi trường tiệm cận hơn với nghệ thuật thế giới về đào tạo, biểu diễn và sáng tác - một môi trường có sự tương tác với các ngành nghệ thuật khác.
Đồng quan điểm với NSND Trần Ly Ly, NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để nghệ thuật múa phát triển bền vững cần phải có sự phối, kết hợp đồng bộ từ các chương trình đào tạo cần được phát triển toàn diện; Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo cần được quan tâm, xây dựng thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt là công tác phát triển, xây dựng đội ngũ lý luận phê bình có chuyên môn, có nghiệp vụ và tâm huyết - nguồn lực thúc đẩy sự phát triển ngành Múa thông qua những đánh giá khách quan và định hướng tích cực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các nghệ sĩ nhận diện được điểm mạnh và điểm yếu, từ đó sẽ nâng cao chất lượng về nghệ thuật”.
Đối với nghệ thuật múa phong trào, NSND Nguyễn Ngọc Anh cho hay: “Các tác phẩm múa phong trào chưa phản ánh hết tiềm năng của nghệ thuật múa phong trào trên cả nước. Các tác phẩm múa dân gian dân tộc xuất hiện lép vế so với các loại hình múa khác; các tác phẩm múa do các biên đạo phong trào sáng tác còn nhiều hạn chế về phương pháp, kỹ năng... chủ yếu là biên đạo theo cảm tính, lòng yêu nghề và kinh nghiệm khi còn làm diễn viên. Việc nâng cao chất lượng múa phong trào trên cả nước trong bối cảnh hội nhập và phát triển là bài toán khó cho những người làm công tác quản lý văn hóa nhất là những người hoạt động trong ngành Múa. Nhưng có lẽ các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương cần phải có định hướng rõ ràng trong sáng tác và biểu diễn múa phong trào, để múa phong trào phát triển tích cực hơn, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân trên cả nước”.
Vậy là những ngày cuối năm hối hả, bộn bề như con tàu đang lăn bánh về đích, nghệ thuật Múa Việt Nam cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những dự định, kế hoạch cuối cùng trước thềm năm mới; sẵn sàng vững bước, đón chào tương lai với nhiều hứa hẹn, kỳ vọng bứt phá vươn mình cùng dân tộc.
Múa Chơi trăng của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tham gia Liên hoan múa TP HCM mở rộng.
Ảnh: dodo
Một tiết mục tham gia Liên hoan CMNTQ 2024 của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.
Ảnh: Tư liệu
NGUYỄN THỊ THANH HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025