Bộ phim Mưa đỏ (đạo diễn Đặng Thái Huyền) xoay quanh cuộc chiến đấu của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Phim cũng phản ánh cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025, đây là dự án phim điện ảnh có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội Nhân dân trong 10 năm trở lại đây.
Cổng thành Đinh Công Tráng được phục dựng lại
Với mong muốn tái hiện sống động và chân thực nhất giai đoạn lịch sử chiến tranh của dân tộc tại thập niên 70, đặc biệt là năm 1972 với 81 ngày đêm lịch sử tại Quảng Trị, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã đầu tư xây dựng, tái hiện kỹ lưỡng bối cảnh trên phim trường. Bên cạnh đó còn huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cho cảnh quay.
Bối cảnh quay tại Sân bay Tà Cơn
Điểm đặc biệt nhất của bộ phim là phim trường Thành Cổ, được tái hiện phỏng theo di tích Thành Cổ Quảng Trị. Bối cảnh được dựng ngay bên sông Thạch Hãn, trong phim trường rộng 50 héc-ta. Đoàn làm phim và đội ngũ họa sĩ đã nghiên cứu kết cấu của Thành Cổ Quảng Trị trên thực tế, từ đó lên thiết kế bối cảnh bảo đảm sát như nguyên mẫu. Từ cổng thành Đinh Công Tráng, các lớp thành bao, màu tường thành với các lớp rêu phong của thời gian, cách sắp xếp các lớp gạch cũng như nghiên cứu kết cấu của từng viên gạch. Để bảo đảm tính chân thực nhất, đoàn làm phim cũng mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh từng tham chiến tại Thành Cổ để đưa ra các góp ý, tư vấn về chi tiết trong quá trình xây dựng.
Những bối cảnh khác từ hầm mổ, trạm phẫu thuật, đoàn tàu vận chuyển tân binh… cũng được đầu tư tâm huyết đến từng chi tiết. Các toa tàu cũng được phục dựng, thiết kế lại để đúng với tinh thần và thời điểm lịch sử. Những phân cảnh tại hầm mổ, trạm phẫu đã để lại cho diễn viên và ekip đoàn làm phim rất nhiều xúc động, bởi tính chân thực của bối cảnh, đã tái hiện được nỗi đau của chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết, sự tiếc nuối và bất lực của các chiến sĩ khi chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trên tay của mình.
Đoàn làm phim phục dựng lại bối cảnh đường phố Quảng Trị
Tại các đại cảnh có sự tham gia đông đảo của các diễn viên quần chúng, đoàn làm phim đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình của bà con. Nhiều diễn viên quần chúng lần đầu được tiếp xúc, chứng kiến những cảnh nổ hoành tráng, dữ dội, những vũ khí, khí tài của quân đội ngay trước mắt, ngoài sự thích thú, tò mò khi được tham gia vào phim. Đó còn là sự tự hào, xen lẫn cảm xúc về những ký ức mất mát, đau thương, sự chia cắt do chiến tranh mang lại, từ đó mỗi người càng cảm thấy trân trọng giá trị của hòa bình.
Đạo cụ của các nhân vật sĩ quan Việt Nam cộng hòa cũng được kỳ công sưu tầm, phục chế tới từng chi tiết nhỏ nhất. Rất nhiều hiện vật là hiện vật quý, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng, chính vì thế, để tái hiện được trong phim, đoàn làm phim đã nhân bản với tỉ lệ 1:1 để phục vụ các cảnh quay. Bên cạnh việc bảo đảm khắc họa chân thực lịch sử, các bối cảnh đạo cụ còn mang giá trị thẩm mỹ, cũng hóa thân thành một nhân vật trong câu chuyện.
Phó đạo diễn Nguyễn Quang Quyết giới thiệu những chi tiết nhỏ mà đoàn làm phim kì công chuẩn bị
Diễn viên Hứa Vĩ Văn trong một cảnh phim
Đoàn làm phim phục dựng lại bối cảnh đường phố Quảng Trị
Cảnh quay tái hiện lại bối cảnh của Khu Nhà chỉ huy
Một góc Cổng thành Đinh Công Tráng nhìn từ bên bờ sông
Bối cảnh Trạm phẫu tiền phương
Cảnh quay có sự phối hợp của các quân binh chủng
Một góc của bối cảnh Thành Cổ được phục dựng lại
Bài: THỦY LÊ; Ảnh: ĐIỆN ẢNH QUÂN ĐỘI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024