Quan tâm đầu tư văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội

Kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay, nhiều địa phương đã tăng cường đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch. Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đó là cảm nhận của chúng tôi qua ba ngày, từ 13 đến 16-8, khi được tham gia đoàn phóng viên, báo chí do Bộ VHTTDL tổ chức khảo sát, thực tế ở các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh.

Đoàn công tác, nhà báo, phóng viên do ông Nguyễn Văn Nghinh – Trưởng phòng Tổng hợp, Tuyên truyền (Văn phòng Bộ VHTTDL) làm trưởng đoàn đã tìm hiểu, khảo sát thực tế, trao đổi với lãnh đạo ngành VHTTDL và chính quyền các địa phương về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Cùng với những đánh giá thực tế về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm kiến tạo, khơi thông nguồn lực phát triển VHTTDL; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Đoàn công tác, nhà báo, phóng viên do ông Nguyễn Văn Nghinh – Trưởng phòng Tổng hợp, Tuyên truyền Bộ VHTTDL làm trưởng đoàn đã tìm hiểu, khảo sát thực tế, trao đổi với lãnh đạo ngành VHTTDL và chính quyền các địa phương

Tỉnh Bắc Giang: Ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Tại tỉnh Bắc Giang, chia sẻ với đoàn công tác và các nhà báo, phóng viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải cho biết, đến năm 2023, toàn tỉnh có 755 di tích, danh thắng đã xếp hạng, trong đó có 5 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt với 34 điểm; 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 625 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 4 bảo vật quốc gia... Sở VHTTDL tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, qua hơn 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tu bổ, tôn tạo trên 150 di tích với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, bước đầu đã gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch và phát triển KT-XH của địa phương...

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, những năm gần đây, Bắc Giang là một trong những địa phương có mức đầu tư cho văn hóa liên tục tăng, trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện TDTT của nhân dân.

Ông Đỗ Tuấn Khoa cũng cho biết, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch và đầu tư công nhiều thiết chế quan trọng như Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh, Sân vận động tỉnh, Rạp nghệ thuật truyền thống, trong đó Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh đã được khởi công, dự kiến hoàn thành quý I-2025. Đối với cấp huyện, cũng đã thông qua công tác quy hoạch, các địa phương bố trí mặt bằng, xây dựng lộ trình triển khai hoàn thiện hệ thống thiết chế cơ bản và thiết chế chuyên ngành; giai đoạn 2021-2023, nhiều địa phương đã ban hành và triển khai cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho đầu tư hoàn thiện thiết chế VHTT…

Đến với Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, là một trong những thiết chế được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Đây là địa điểm tập luyện, thi đấu các môn thể thao, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương. Phó Chánh Văn phòng Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trần Thanh Cảnh cho biết, Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang được xây dựng trên khu đất rộng 2,8ha thuộc địa phận phường Dĩnh Kế và xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang. Cùng với chức năng là nhà thi đấu, luyện tập thể thao tổng hợp với sức chứa 4000 chỗ ngồi, công trình còn bao gồm: sân thể thao tổng hợp, khán đài, khu vực dành cho vận động viên, khu vực hành chính, phòng họp báo, phòng trọng tài, khu vực công cộng, khán giả, khu căng tin, nhà kho… Công trình này được xem là điểm nhấn kiến trúc, làm nổi bật cảnh quan đô thị của TP Bắc Giang.

Cùng nằm trên địa bàn phường Dĩnh Kế và xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) là công trình Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh Bắc Giang. Trung tâm hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến vào quý 1-2025 sẽ đi vào hoạt động. Phó Chánh Văn phòng Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trần Thanh Cảnh cho biết, Trung tâm sẽ vận hành với nhiều chức năng như biểu diễn nghệ thuật với khán phòng gần 1000 chỗ, chiếu phim, triển lãm… đồng thời, Trung tâm còn có trụ sở làm việc, phòng tập luyện cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên.

Đoàn khảo sát tại Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh Bắc Giang

Trước đây, tỉnh cũng có rạp chiếu phim tuy nhiên, rạp chiếu này đã xuống cấp, cơ sở vật chất, thiết bị phòng chiếu không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người xem, nên lãnh đạo tỉnh đã quy hoạch rạp chiếu mới tại Trung tâm. Hệ thống phòng chiếu tại Trung tâm Văn hóa – Triển lãm có 3 phòng gồm: phòng chiếu 3D, 4D và 5D sẽ góp phần thu hút khán giả đến rạp, phát triển công nghiệp điện ảnh trên địa bàn.

“Các sự kiện đã được ngành VHTTDL tỉnh lên kế hoạch sẽ diễn ra tại Trung tâm trong đầu năm 2025, như Liên hoan Chèo toàn quốc, Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, Ngày hội văn hóa dân tộc tỉnh Bắc Giang với nhiều hoạt động bên lề… Với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được diễn ra tại Trung tâm, sẽ góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của người dân tại địa phương; qua đó lan tỏa các giá trị văn hóa, con người đặc trưng vùng Kinh Bắc đến với người dân trong nước và quốc tế” – ông Trần Thanh Cảnh cho biết.

Tỉnh Hải Dương: Tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đột phá để thu hút du khách

Tại tỉnh Hải Dương, đoàn công tác, nhà báo, phóng viên đã được lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh thông tin về hoạt động trong mỗi lĩnh vực của ngành. Trong đó, về đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các khu công nghiệp nói riêng đã được các phóng viên, báo chí quan tâm.

Chia sẻ về thực trạng xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương Bùi Thị Ánh Ngọc cho biết, những năm qua Sở VHTTDL tỉnh đã nỗ lực tổ chức nhiều chương trình văn nghệ tại các khu công nghiệp, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần đến với người lao động tại đây. Trong quá trình thực hiện tiêu chí 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở VHTTDL cũng đã đề nghị bằng văn bản đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn phải có quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao dành cho cán bộ, nhân viên, công nhân.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp thiết lập, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đơn giản góp phần đáp ứng hưởng thụ về văn hóa tinh thần cho cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp” – bà Ngọc cho biết.

Hội trường tầng 1 của Trung tâm Văn hóa xứ Đông (tỉnh Hải Dương) có sức chứa 1.200 chỗ

Đoàn công tác, nhà báo, phóng viên đã đến khảo sát Trung tâm Văn hóa xứ Đông - một thiết chế văn hóa được tỉnh Hải Dương quan tâm đầu tư xây dựng. Trung tâm với quy mô lớn, có diện tích xây dựng hơn 4.500m2, gồm 4 tầng và 1 tầng hầm, 1 tầng áp mái. Với các hạng mục chính gồm trung tâm hội nghị và quảng trường, Trung tâm Văn hóa xứ Đông là một trong những thiết chế văn hóa cấp tỉnh có sức chứa lên tới 19.000 người.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương Đỗ Thị Mai Huệ, cho biết: “Trung tâm Văn hóa xứ Đông là thiết chế văn hóa do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh quản lý, sử dụng. Trung tâm được xây dựng với kiến trúc mở, mang phong cách hiện đại. Điểm nhấn là hội trường lớn ở tầng 1, có sức chứa 1.200 chỗ, hai bên sảnh dành cho trưng bày triển lãm. Các tầng còn lại đều có các hội trường nhỏ với 100 chỗ, 150 chỗ và 250 chỗ…”.

Bà Đỗ Thị Mai Huệ Huệ cũng cho biết, “khi Trung tâm văn hóa xứ Đông đi vào hoạt động, chúng tôi đã xây dựng đề án quản lý và vận hành. Sở hữu một địa điểm đẹp trong thành phố, nên Trung tâm là địa điểm được lựa chọn để tổ chức các hội nghị lớn của tỉnh, các sở, ban, ngành. Có những ngày Trung tâm có 2-3 hoạt động được tổ chức. Những sự kiện lớn diễn ra đều đặn hằng tháng, tỉ lệ “sáng đèn” tại đây đạt khoảng 50-60% quỹ thời gian trong tháng”.

“Nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn như kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày sinh của các lãnh đạo… đã được tổ chức tại thiết chế văn hóa này. Nhằm thu hút đông đảo người dân khi tổ chức các chương trình lớn, Trung tâm có đội tuyên truyền lưu động, phát thanh trên các tuyến phố để người dân được biết và tham gia” – bà Huệ chia sẻ.

Đoàn đi thực tế tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 4 di tích và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 271 di tích cấp tỉnh; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 bảo vật quốc gia…; Một trong những dự án đang được tỉnh thực hiện tu bổ, phục hồi, nâng cấp hạ tầng là khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với khai thác, phát triển du lịch.

Phó Trưởng ban quản lý khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc Lê Duy Mạnh cho biết: hiện tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đang khai thác hai loại hình du lịch chính là di tích và lễ hội, tuy nhiên vẫn mang tính mùa vụ, khách đến với khu di tích đông nhất vào tháng Giêng và tháng Tám. Với tính chất mùa vụ thì các khâu dịch vụ đi kèm cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì thế cần tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đột phá để phát triển.

“Để thu hút khách du lịch gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa, chúng tôi đang xây dựng Đề án phát triển du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc đến năm 2030. Tại dự án này, du khách vừa được du thuyền trên sông, nghe hát quan họ và được thăm các di tích liên quan đến thờ Đức Thánh Trần. Cùng với đó, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của địa phương như cá chép lưng gù, tôm, gà đồi... Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, với diện tích gần 1380ha, 2/3 là diện tích của Chí Linh, Hải Dương, còn lại thuộc tỉnh Bắc Giang, Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 8 năm, đây là dự án nằm giữa Côn Sơn – Kiếp Bạc, nếu dự án triển khai thành công, sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch” – ông Lê Duy Mạnh cho biết.

Tỉnh Quảng Ninh: Bảo tồn “xanh” góp phần duy trì và phát huy các giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa

Chia sẻ với đoàn tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Lâm Nguyên cho biết, trong những năm qua tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ cơ cấu hạ tầng như hệ thống đường cao tốc, phát triển hệ thống cảng biển, sân bay... để phát triển du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lượt khách tham quan tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023... Trong dịp đầu năm 2024, lượng khách nội địa tập trung chủ yếu đến các điểm du lịch tâm linh như: Khu di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông, chùa Lôi Âm, Đức Ông, Long Tiên...

Đoàn công tác, nhà báo, phóng viên làm việc tại Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh

Quý I năm 2024, lượng khách Trung Quốc tăng cao, tuy nhiên quý II-2024 lượng khách Trung Quốc giảm dần. Hiện nay, 10 thị trường khách quốc tế lớn của Quảng Ninh gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật.

Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá kích cầu hoạt động du lịch, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế đang khôi phục mạnh mẽ trở lại. Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ trì triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, nội dung kích cầu du lịch trên địa bàn. Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; phát triển các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch; tổ chức các sự kiện, hoạt động VHTTDL các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch...

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch và đầu tư các thiết chế văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa Thể thao; có 13/13 thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao. Cấp xã có 104/177 Trung tâm Văn hóa Thể thao; cấp thôn có 1449/1452 thôn khu có Nhà văn hóa.

Ở cấp tỉnh, các thiết chế Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao, Cung Văn hóa Thanh Thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật, Sân Vận động Cẩm Phả, Trung tâm Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được xây dựng quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đăng cai, tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế.

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh Quảng Ninh được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đó là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa...

Về di tích, di sản, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tỉnh Quảng Ninh có trên 600 di tích, trong đó có 10 di tích quốc gia đặc biệt và Vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới… Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chú trọng triển khai quy hoạch: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều.

“Với việc quy hoạch và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa theo hướng bảo tồn “xanh”, sẽ góp phần duy trì và phát huy các giá trị tốt đẹp của di sản, tạo sức sống "xanh" lâu bền trong cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh theo hướng bền vững”–  Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Những kết quả đạt được ở 3 tỉnh mà chúng tôi có dịp khảo sát, đã khẳng định một điều: văn hóa ngày càng được các địa phương quan tâm, chăm lo, đầu tư có chiều sâu và đi vào thực chất. Chủ chương, chính sách về văn hóa ngày càng được thể chế hóa, tháo gỡ những điểm ngẽn, sẽ góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

NGỌC BÍCH - Ảnh: HUY AN – VIỆT HÙNG

;