Sáng ngày 24-1-2025, buổi ra mắt cuốn sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam – nghi lễ và thực hành nghi lễ” của tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã diễn ra tại Phố Sách Hà Nội.
Toàn cảnh buổi ra mắt sách
Cuốn sách do Nxb Thế giới và Nhã Nam xuất bản, đây vừa là một công trình có tính chất khảo cứu lý luận về tập quán thờ cúng vốn đã ăn sâu trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Việt, vừa là một cẩm nang hướng dẫn thực hành các nghi lễ cổ truyền theo đúng tinh thần thành kính, tiết kiệm và văn minh trong cuộc sống hiện đại.
Tham gia trao đổi tại buổi ra mắt sách có các diễn giả: PGS, TS Bùi Xuân Đính - nguyên là Trưởng phòng Nghiên cứu các dân tộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Viện Dân tộc học) và Thượng tọa Thích Tâm Hiệp - Trụ trì chùa Thụy Ứng (Hải Lăng, Quảng Trị). Thượng tọa Thích Tâm Hiệp là thành viên chủ chốt của nhóm Nghiên cứu Di Sản Văn hóa Đền Miếu Việt, tích cực đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và giáo dục, nhất là trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam và có mối quan tâm sâu sắc đến nghiên cứu cổ sử, đặc biệt về các thiền sư thời Lý và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Các diễn giả trao đổi tại buổi ra mắt sách
Là một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ và có nhiều năm hướng dẫn thực hành nghi lễ thờ cúng, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã tìm hiểu, ghi chép, miêu tả, hệ thống hóa và bước đầu phân tích hệ thống nghi lễ của người Việt để cho ra mắt tác phẩm Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ. Các nghi thức thờ cúng, tế lễ ông bà tổ tiên và các bậc tôn kính như Phật, thánh, thần, tiên… đã hình thành và phát triển song hành với quá trình bền bỉ dựng nước và giữ nước của người Việt, góp phần làm giàu nền văn hiến lâu đời của dân tộc.
Các diễn giả đã đánh giá, điểm nổi bật của cuốn sách nằm ở việc giới thiệu, phân tích và hệ thống hóa một cách vừa có chiều sâu lý luận, vừa ngắn gọn, dễ hiểu những nét căn bản trong nghi lễ thờ cúng cổ truyền của người Việt. Nội dung lý luận của cuốn sách nằm tập trung ở Chương 1, nêu những nét khái quát nhất về đặc điểm, tính chất của nghi lễ thờ cúng ở Việt Nam. Ở phần này, bên cạnh việc đưa ra định nghĩa, nguồn gốc, phân loại hoạt động thờ cúng, tác giả tổng kết nên 8 nguyên tắc và 3 tính chất cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền.
Một điểm mới mẻ và không kém phần gợi mở là phần Phụ lục ở Chương 1, gồm các lời hỏi-đáp tuy vắn tắt nhưng giúp làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về hoạt động thờ cúng. Một điểm đặc biệt của các bài văn khấn, văn lễ trong cuốn sách này là, dựa trên văn khấn cổ truyền của cha ông (vốn là các bài đã có từ lâu, sử dụng nhiều từ cũ, từ Hán Việt có phần trúc trắc, khó hiểu), tác giả soạn lại văn khấn với lối hành văn hiện đại, thuần Việt nhưng vẫn đảm bảo được sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt lẫn nội dung cốt lõi của các bài khấn. Qua đó, cuốn sách giúp cho bạn đọc, nhất là giới trẻ, biết sử dụng các bài văn khấn bằng tiếng mẹ đẻ một cách nhuần nhụy và trong sáng, làm tăng thêm phần trịnh trọng và thành tâm khi tự mình dâng lễ tổ tiên, ông bà.
Bìa cuốn sách
Đánh giá về ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách, hai diễn giả đều cho rằng cuốn sách đã cho thấy việc thờ cúng của người Việt bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng của tiền nhân qua những thăng trầm của lịch sử, một mặt vẫn tiếp tục bảo lưu truyền thống, mặt khác tiếp thu những điểm ưu việt từ mọi nền văn hóa của thế giới để làm giàu đẹp thêm đời sống tinh thần - tâm linh của mình. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng chính là một phương thức tu tâm mà người Việt đã thực hành hàng ngàn năm qua và sẽ không bao giờ mất đi. Chính bởi lẽ đó mà thông qua cuốn sách này, thế hệ trẻ hôm nay có thể tìm hiểu để thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị thờ cúng cũng như những nghi lễ căn bản, từ đó tiếp nối việc thờ cúng, lễ bái của tổ tiên cho đúng đạo lý.
Đúc kết từ quá trình hơn 20 năm trực tiếp làm công việc hướng dẫn nghi thức thờ cúng và thực hiện những việc liên quan đến văn hóa tâm linh, tác giả Quách Trọng Trà đã đưa ra những hướng dẫn thực hành nghi lễ thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, đồng thời vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị cốt lõi cổ truyền, qua đó đáp ứng nhu cầu thực tế trong đời sống tâm linh của đại đa số người Việt.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN