Rắn và huyền thoại về thầy thuốc rắn

Chúng ta từng nghe nhiều câu chuyện dân gian về cuộc đời kỳ bí của những người bắt rắn và thầy lấy nọc rắn mà cho tới nay, con người vẫn chưa đủ tri thức để vén bức màn bí mật của họ.

Những người chuyên bắt rắn

Trong những bài viết về “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, cụ Vương Hồng Sển cũng đã nhắc đến nhiều thầy thuốc rắn chỉ đọc thần chú, phun rượu trắng với vài thứ cỏ mà cứu được người bị rắn cắn đang sùi bọt mép. Đúng là điều mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn còn bỏ ngỏ.

Những con người kỳ bí

Tôi từng nghe nhiều người kể chuyện về thầy thuốc rắn càng làm cho tôi thêm hoài nghi và càng hoài nghi tôi càng muốn khám phá. Qua cái nhìn của tôi, hầu như thầy thuốc rắn nào cũng là người có tuổi, những bậc “lão nông tri điền”. Họ là những người được truyền nghề một cách bí mật chứ chưa bao giờ học nghề với ai và cũng chưa có ai mở lớp dạy nghề bao giờ. Cho nên trong giới bắt rắn và trị nọc rắn xưa nay, chúng ta ít nghe nhắc đến hai chữ sư phụ và đệ tử mà hầu hết là những người âm thầm và lặng lẽ cứu người. Họ là những người “thi ân bất cầu báo”, luôn coi trọng nhân cách. Dù tài giỏi cao thâm cỡ nào họ cũng không khoe khoang hoặc tự cao tự đại. 

Nghe nói ở vùng Bảy Núi – An Giang có một thầy thuốc rắn chuyên lấy nọc bằng cách dùng lưỡi để liếm và hút nọc, tôi liền tìm đến. Đúng là lời đồn không sai chút nào. Thầy tên là Chau Phuol, người dân tộc Khmer, hiện sinh sống tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên - An Giang. Bà con ở đây ai cũng biết tiếng thầy là người có tài hút nọc rắn nhờ có cái lưỡi kỳ diệu.

Thầy thuốc rắn lưỡi đen Chau Phuôl (bên trái) và tác giả

Người thứ hai mà tôi quen biết là sư cả Chau Kim Sa hiện tu tại chùa Phnom Pi Lơ, dưới chân núi Nam Qui, huyện Tri Tôn – An Giang, chuyên trị rắn cắn bằng những cây thuốc bí truyền, kết hợp với làm phép và đọc kinh cầu nguyện. Sư Chau Kim Sa cho biết ngài được ông ngoại là hòa thượng Chau Som, một “thần y” chuyên lấy nọc rắn truyền dạy cho ngài về cách lấy nọc rắn, cứu sống hằng trăm người. 

Tại Gò Công có thầy Lê Khánh Gia với hơn 40 năm hành nghề thầy đã chữa trị cho hằng ngàn người bị rắn cắn thoát nguy hiểm.

Như một huyền thoại

Qua gặp gỡ nhiều thầy thuốc rắn và những câu chuyện lý thú xung quanh nghề bắt rắn và lấy nọc rắn, tôi mới hiểu thầy rắn có hai loại: thầy chuyên lấy nọc rắn và thầy bắt rắn. Cũng có người vừa bắt rắn vừa làm thầy thuốc. Mỗi thầy đều có bí quyết riêng nhưng hầu hết đều dùng cây cỏ ngoài tự nhiên hoặc một loại thuốc gia truyền nào đó để chữa trị. Những bài thuốc rắn xưa nay đều là những cây thuốc bí truyền cho nên không ai được lén lút ăn cắp nghề. Về phương pháp chữa trị, từ trước tới nay cũng có nhiều trường phái khác nhau. Người thì chuyên dùng thuốc, tuyệt đối không dựa vào bùa phép hoặc thần linh. Người thì dùng thuốc gia truyền kết hợp với những ý niệm siêu hình như khấn vái và bùa ngải, phổ biến nhất là ở vùng U Minh Hạ – Cà Mau, đa số các ông thầy thuốc rắn đều tin vào thần quyền mà chủ yếu là ông Tổ. Chính vì vậy mà tại vùng U Minh có rất nhiều câu chuyện bí ẩn về những ông thầy rắn đạo hạnh cao thâm chuyên dùng bùa ngải để bắt rắn và lấy nọc rắn. Chuyện mới nghe qua giống như một huyền thoại nhưng thực tế đã có người chứng kiến kỳ tài của họ, như trường hợp ông Trịnh Văn Ớt, một tay bắt rắn nổi tiếng ở U Minh đã hơn 10 lần bị rắn cắn nhưng đều tự chữa khỏi.(1)

Sư Cả Chau Kim Sa tại chùa Phnom Pi Lơ giới thiệu cây thuốc rắn

Bất cứ thầy thuốc rắn nào cũng âm thầm thực hiện lời tổ dạy. Ba đức tính mà các thầy thuốc rắn coi như lời vàng ngọc, đó là: không nhận tiền, không lạm sát các loài rắn và không dùng tà thuật để hại người. Nếu ai làm trái coi như đã phản bội lại lời thề và sẽ bị trả giá.  

Có những người lúc mới được truyền nghề họ rất sợ câu “sinh nghề tử nghiệp” như một lời sấm truyền  nhưng càng về già họ càng tự tin và nghiệm ra rằng “sống chết có số”. 

Tại Giồng Riềng – Rạch Giá xưa kia có một người chuyên dùng loại thuốc bí truyền thoa lên tay để dụ rắn. Một hôm, sau khi lôi gần hết ổ rắn ra ngoài, ông thò tay vào hang thì bị một con cuối cùng cắn vào cổ tay làm ông rùng mình. Biết đây là con rắn chúa cực kỳ nguy hiểm nên ông vội rút gói thuốc bí truyền, một thứ bùa hộ mệnh vắt trên đầu tóc để tự cấp cứu. Ấy thế nhưng, khi mở gói ra thì thuốc không còn. Ông biết mình đã tới số nên vội trăn trối vài điều với đứa học trò rồi trào đờm ngay trên ổ rắn(2).  

Ở Cà Mau còn có một kỳ tài là ông Tư Già chỉ dùng tay vỗ nhẹ vào miệng hang cũng làm cho rắn bò lên. Ngoài nghệ thuật dụ rắn, ông Tư Già còn là một thầy thuốc rắn có nguyên tắc kỳ quặc, nghĩa là người nhà nạn nhân phải chửi ông một câu độc địa ông mới chịu ra tay cứu người(3).

Về việc nầy, cụ Vương Hồng Sển cũng cho biết chính cụ đã tận mắt chứng kiến một em bé làm công cho gia đình cụ bị rắn hổ cắn đến sùi bọt mép mà ông thầy người Khmer vẫn bình thản chuẩn bị đồ nhậu. Đợi đến khi cụ chửi  mấy câu thì thầy mới chịu đổ thuốc. Sau khi tìm hiểu lý do cụ mới rõ sở dĩ ông thầy chưa vội ra tay là kế để gia đình nạn nhân chửi một tiếng cho Tổ nhập vào trước khi lấy nọc(4).

Cũng theo cụ Sển, trong tín ngưỡng thờ thần, người Khmer có một vị thần Neack-Ta chuyên lo việc cứu người bị rắn cắn. Vị thần này bảo các đệ tử (thầy thuốc rắn) phải giữ ba lời thề độc thì Tổ mới đãi. Một là suốt đời không được trục lợi. Hai là không được giở trò dâm ô con bệnh. Ba là không nhận lễ vật và muốn trị có kết quả phải để cho người rước thầy chửi vài ba câu. Có thế Tổ mới nhập vào.(5) 

Kể từ khi nền y học hiện đại phát triển, một số thầy đã vượt khỏi nguyên tắc “bí truyền”, dần dần vén bức màn bí mật bằng cách chỉ ra phác đồ điều trị và giới thiệu một vài loại thuốc để giúp cho nhân dân tự chữa trị và các ngành khoa học có cơ sở để nghiên cứu.

Hiện nay, tại trại rắn Đồng Tâm đã có Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu, đã cấp cứu, điều trị cho nhiều người bị rắn cắn. Nhiều bác sĩ cũng đã vận dụng kinh nghiệm cổ truyền kết hợp với Đông và Tây y để cứu sống hằng vạn người nhưng vai trò và nhân cách của những thầy thuốc rắn dân gian vẫn tiếp tục tỏa sáng, giúp cho nhiều người thoát khỏi bàn tay tử thần, nhất là ở những vùng xa xôi cách trở, thiếu bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa.

________________________

Tài liệu tham khảo

(1) Theo Võ Đắc Danh – vantuyen.net

(2) Theo Nguyễn Hữu Hiếu – Nam Kỳ cố sự – Nxb Tổng hợp Đồng Tháp – 1997

(3) Theo Phan Thanh Nhàn – Rừng U Minh - Dấu ấn và cảm thức - Nxb Văn nghệ Kiên Giang – 1993.

(4) (5) Dẫn theo bài viết “ Người Việt gốc Miên tỉnh Sóc Trăng – Tín ngưỡng và bùa ngải” của Vương Hồng Sển.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;