Theo Giáo sư sử học Phan Ngọc Liên: “Căn cứ địa cách mạng là khu vực lãnh thổ có đầy đủ các yếu tố địa lợi, nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có cơ sở vững chắc về chính trị và quân sự, được dùng làm nơi xây dựng lực lượng cách mạng (bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang để từ đó phát triển rộng ra các nơi khác); là nơi cung cấp về sức mạnh vật chất, quân sự, nguồn cổ vũ về tinh thần, chính trị trong cách mạng và kháng chiến…”.
Căn cứ Huyện ủy H16 (tên thường gọi: Căn cứ H16), để đảm bảo yếu tố bí mật và phù hợp với tình hình cách mạng trong những năm chống Mỹ trên địa bàn H16 nên tên gọi cũng thay đổi qua các thời kỳ lịch sử như: giai đoạn từ năm 1960 – 1965 gọi là Căn cứ H16; giai đoạn từ năm 1965 – 1969 gọi là Cơ quan Anh Tư; giai đoạn từ năm 1970 – 1975 gọi là Cơ quan Huyện ủy H16.
Toàn bộ các điểm di tích nằm về phía Tây của xã Đăk Kôi, nơi đây có địa hình dốc, nhiều đồi núi cao hiểm trở như Ngok Cành (1.598m), Ngok Jang Rong (1000m). Điểm di tích được phân bố rộng, tập trung chủ yếu ở 03 điểm chính là “Cơ quan Anh Tư: tại suối Teă Mao Lâng; vị trí khu vực “B5” tại suối Teă Rchong và vị trí khu vực B10 tại suối Đăk Kôi.
Về vị trí di tích Căn cứ Huyện ủy H16 (với mật danh và Cơ quan anh Tư) đóng tại suối Teă Mao Lâng. Vị trí di tích này cách trung tâm UBND xã Đăk Kôi khoảng 10km nằm về phía Tây – Nam. Địa hình nơi đây rất phức tạp, nhiều đồi cao, suối sâu. Trong đó, núi Ngok Jang Rong có độ cao trên 1000m, làm tấm lá chắn ở phía đông cho Cơ quan Huyện ủy H16 đóng.
Nhìn tổng thể di tích, toàn bộ hệ thống hầm, hào, hang đá nằm dưới chân núi Ngok Cành và được bao bọc bởi dãy núi dày. Địa hình nơi đây có rất nhiều đá, vì vậy đã tạo điều kiện cho ta trong việc làm hầm trú ẩn. Đáng chú ý ở đây, có một hang đá nằm chìm trong sườn núi, cách suối Teă Mao Lâng gần 100m. Đây là địa điểm khá tốt mà lãnh đạo Huyện ủy đã từng ở. Từ ngoài nhìn vào hang đá có hình chữ V, mặt đá rộng, to, chiều cao hang đá là 1,8m, đoạn rộng nhất của hang là 3,9m; chiều dài của hang đá là 2m. Cửa hang quay về phía nam. Phía sau hang đá được án ngự bởi núi Ngok Kăp Kla và được bao bọc bởi các khu rừng nứa. Đây được coi là vị trí an toàn trong việc tránh bom, pháo kích. Phía trước cửa hang đá khoảng 50m là bãi đất hơi bằng gần suối Teă Mao Lâng có hệ thống hầm, hào được bố trí khá bài bản, nằm bao bọc xung quanh khu vực suối Teă Mao Lâng, trải dọc từ Bắc xuống Nam. Hầm được làm theo kiểu chữ A, mỗi hầm đo được với chiều rộng là 70cm, sâu 2m, các đoạn hào dài 5m, rộng 70cm. Toàn bộ hệ thống hầm, hào và hang đá trải dài trên phạm vi khoảng 10.000 m2.
Về vị trí di tích Căn cứ Huyện ủy H16 (gọi với mật danh là B5) đóng tại suối Teă RChong. Di tích này nằm gần làng Kon Rgoh ở hiện nay, cách trung tâm làng khoảng 500m về hướng Tây – Nam. Toàn bộ các điểm nằm tập trung trên sườn đồi, thuộc núi Ngok H’Nâng; phía Tây giáp núi Ngok H’Nâng phía Đông giáp suối Teă Rchong; phía Nam giáp suối Teă Chum; phía Bắc giáp làng Kon Rgoh.
Nhìn tổng thể vị trí di tích, địa bàn này rất thuận lợi cho cơ quan Huyện ủy H16 đứng chân hoạt động. Bởi nơi đây có nhiều con suối nhỏ và lớn, chảy theo các miền núi cao. Bao bọc xung quanh là núi Ngok H’Nâng, nhìn xa từ trên đỉnh núi này ta có thể thấy bao quát một vùng rộng lớn thuộc khu vực trũng dọc theo sông Đăk Kôi, tạo điều kiện cho ta trong việc quan sát và phát hiện địch.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Kon Tum và huyện Kon Rẫy thăm Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Huyện ủy H16
Các điểm di tích được phân bổ tập trung, nằm bên sườn đồi Ngok H’Nâng. Các hệ thống hầm, hào, nhà ở cũng được bố trí khá bài bản, theo trục Bắc – Nam chạy dài đến suối Teă Rchong. Từ điểm cao nhất và vị trí hầm, được làm theo kiểu hình chữ A có chiều dài 6m, rộng 60cm, sâu 2m, tiếp theo hầm này khoảng 5m là vị trí nhà ở của Bí thư Huyện ủy. Theo lời kể của ông A Brêh, nhà được làm bằng tranh, tre, nứa, lá, diện tích nhà khoảng 6m2 (dài 3m, rộng 2m), tiếp đến là nhà hội trường có chiều dài 8m x rộng 5m, cách nhà của Bí thư khoảng 5m bố trí 1 hầm chứ A để tránh máy bay thả bom, kích thước của hầm này là 5,5m x rộng 70cm, sâu 2m. Toàn bộ phạm vi của di tích khoảng 5.000 m2.
Về vị trí di tích: Cơ quan Huyện đội và Trường Đảng (gọi với mật danh là B10) đóng tại suối Đăk Kôi. Di tích này là nơi cơ quan Huyện đội và Trường Đảng H16 đứng chân. Nơi đây Huyện ủy H16 tổ chức tập huấn, học tập các nghị quyết, chỉ thị của huyện, của tỉnh cho toàn bộ Đảng bộ và nhân dân, các lực lượng vũ trang trong toàn huyện. Vị trí di tích này nằm cách trung tâm xã Đăk Kôi khoảng 30m. Ở đây, có địa hình bằng phẳng, với một diện tích rộng, trải dọc theo sông Đăk Kôi. Theo lời ông A Brêh kể lại: “Vị trí này là khu rừng rậm, ẩm ướt và nghĩa địa nơi chôn cất người chết của làng Kon Rlong trước kia, khu vực này có nhiều le, cây to, thoáng mát, đất bằng, rất thuận lợi cho ta dựng nhà, hội trường với một số lượng nhiều, phục vụ trong học tập, ăn, ở cho các cán bộ và các lực lượng vũ trang trong toàn huyện. Hội trường làm khá rộng với diện tích khoảng 50 m2, đủ chứa 60-70 người. Bàn ghế trong hội trường làm bằng tre, nứa. Nhà ở cho cán bộ khoảng 7-8 cái, mái nhà làm bằng tranh, nền đất, vách nứa, kích thước của mỗi ngôi nhà dài 8m x rộng 4m. Trong nhà được trang bị các giường ngủ cho cán bộ khi đến đây học tập. Chân giường làm bằng gỗ, mặt giường làm bằng lồ ô, được đập dập, chiếu đan bằng lá cây”.
Nhìn tổng thể di tích hiện nay là một bãi đất bằng phẳng. Chính giữ vị trí của di tích có một cây Xoài lớn đã mọc cách đây hàng trăm năm tuổi, đường kính thân cây đo được là 2,3m; cao khoảng 30m. Toàn bộ vị trí của khu vực này khoảng 5.000m2. Phía Đông giáp suối Đăk Kôi; phía Nam giáp đất nhà ông Ber làng Kon Rlong; phía Tây giáp đất nhà ông A Rinh làng Kon Rlong; phía Bắc giáp trường Mẫu giáo xã Đăk Kôi.
Về giá trị di tích, Căn cứ Huyện ủy H16 là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Kon Tum. Căn cứ H16 đóng tại địa bàn xã Đăk Kôi ra đời và phát triển từ những năm 1954 đến năm 1972. Nơi đây vừa là chỗ dựa của Mặt trận B3, vừa là nơi dừng dân của các đơn vị tiểu toàn 304, 406... và Thị ủy Kon Tum (H5). Giữ vai trò là cửa ngõ phía Bắc thị xã Kon Tum, làm bàn đạp cho sự nghiệp giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, Măng Đen, Măng Buk và thị xã Kon Tum.
Tại vùng đất này, dân tộc Xơ Đăng có truyền thống chống giặc ngoại xâm từ bao đời nay (nổi bật là phong trào “Nước Xu” chống thực dân Pháp và trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Tuy họ chỉ ăn củ nâu, chuối rừng, uống nước suối nhưng vẫn đi đầu trong chiến đấu, mỗi người dân là một chiến sĩ bảo vệ buôn làng, bảo vệ đất nước, tiêu biểu là xã Đăk Ui, Đăk Kôi, Ngok Bờ Dềnh...
Trong quá trình hoạt động tại khu căn cứ, Huyện ủy H16 đã chỉ đạo, tổ chức thành công nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện. Trong chỉ đạo chiến đấu, Đảng bộ H16 đã từng bước chuyển hướng phong trào đấu tranh, biết kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tổ chức thành công chiến thuật 3 mũi giáp công đánh địch. Từ đó, đã đánh bại từng đồn, bốt và ấp chiến lược lớn nhỏ như đồn Kon Braih, đồn Kleng, Măng Buk, ấp kon Stiêu... cũng như giành thắng lợi trong các cuộc càn quyét lớn của địch. Trong đó, nổi bật là trận chống cản lớn vào năm 1967 với hơn 8000 quân địch, đã đổ bộ trên địa bàn H16. Ta đã đánh liên tục 16 trận, diệt 16 tên Mỹ và làm một số khác bị thương vì chông, thò. Bắn rơi 1 máy bay, thu 4 máy bộ đàm và một số quân trang, quân dụng khác.
Đảng bộ H16 còn phát động được sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, vận động được quần chúng, thực hiện 4 tốt (đoàn kết tốt, tư tưởng chính trị tốt, sản xuất tự lực cánh sinh tốt và đánh giặc giữ dân tốt). Trên cơ sở đó, trong suốt cuộc đấu tranh chống Mỹ, nhân dân trong vùng căn cứ H16 được Nhà nước phong tặng cho các đơn vị và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đó là xã Đăk Ui (năm 1971), Lực lượng vũ trang huyện Kon Braih (năm 1976), xã Đăk Kôi (năm 1994); U Rê (năm 1978), A Tranh (1995), Trần Dũng (năm 1995).
PHẠM VIẾT THẠCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024