Viện Pháp tại Hà Nội chuyển địa điểm

Từ ngày 6-5-2022, Viện Pháp tại Hà Nội sẽ chuyển địa điểm tới số 15 Thiền Quang (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) trong một biệt thự lớn có từ nửa đầu thế kỷ XX mang dấu ấn di sản kiến trúc chung Pháp Việt, được bảo tồn và tu bổ lại. Việc chuyển địa điểm này đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động của Viện Pháp, hai mươi năm sau khi chuyển từ Đại học Mỹ thuật đến L’Espace.

Phát biểu tại buổi họp báo thông báo về việc chuyển địa điểm của Viện Pháp tại Hà Nội, ông Nicolas Warnery – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết, việc chuyển địa điểm này nằm trong chiến lược mới của Viện Pháp tại Việt Nam nhằm đổi mới sáng tạo theo ba định hướng: Gặp gỡ công chúng mới, phát triển nhiều hoạt động mới và vẫn là nơi mà tất cả mọi người đều có thể lui tới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, nhất là từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến việc gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại với nhau gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Thierry Vergon – Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội chia sẻ chi tiết hơn về định hướng hoạt động sắp tới của Viện Pháp. Theo đó, hai cơ sở mới của Viện Pháp ở số 8 (L’Espace Campus France) và số 15 Thiền Quang đều không có hội trường cũng như không có phòng triển lãm bởi vậy từ nay trở đi, chương trình văn hóa của Viện Pháp sẽ được tổ chức ở bên ngoài cơ sở. Viện Pháp muốn chuyển mình để tạo ra sự năng động mới, trở thành một trung tâm văn hóa nhân rộng công năng, để người dân khắp thành phố Hà Nội - không chỉ ở quận Hoàn Kiếm như hiện nay mà còn ở Long Biên hay ở các nơi khác - và tổ chức các chương trình biểu diễn, triển lãm, tọa đàm, các buổi chiếu phim gần nơi ở của người dân Hà Nội hơn.

Sắp tới, nhiều hoạt động mới sẽ được mở rộng khi tổ chức chương trình văn hóa bên ngoài cơ sở đồng nghĩa với việc Viện Pháp sẽ hướng nhiều hơn đến việc cùng xây dựng chương trình với các đối tác địa phương - các địa danh lịch sử, các trung tâm biểu diễn, các nhóm hội, các phòng trưng bày, những tác nhân khởi xướng - ở tất cả các phố phường của thành phố. Những chương trình này được kỳ vọng sẽ là nơi đối thoại giữa các nền văn hóa, làm cầu nối để xích lại gần nhau hơn.

Một lý do nữa được đưa ra cho việc di chuyển địa điểm, đó là phố Tràng Tiền nơi Viện Pháp tại Hà Nội đặt trụ sở từ năm 2003, gần Nhà hát Lớn, đã có nhiều đổi thay, các hiệu sách và cửa hàng nhỏ dần được thay thế bằng các cửa hàng sang trọng, xa xỉ. Vì vậy, khu phố này trở nên đắt đỏ hơn, khó tiếp cận hơn đối với một bộ phận công chúng của Viện Pháp, chẳng hạn như sinh viên. Tuy nhiên, điều đó lại không tương ứng với dự án của Viện Pháp, một tổ chức phi lợi nhuận, mong muốn tiếp tục cung cấp chất lượng dịch vụ cao nhất với giá cả phải chăng, đặc biệt là cho sinh viên.

Từ trái sang: bà Sophie Maysonnave, ông Nicolas Warnery và ông Thierry Vergon tại buổi họp báo

Ông Thierry Vergon khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp cận gần hơn với công chúng bên cạnh việc duy trì những hoạt động trực tuyến. Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Bộ VHTTDL. Viện Pháp sẽ đồng hành trong việc quảng bá cho văn hóa Việt Nam và đồng hành cùng các hoạt động trong chiến lược phát triển văn hóa này cùng Bộ VHTTDL”.

Bà Sophie Maysonnave – Giám đốc Viện Pháp Việt Nam chia sẻ về 7 mục tiêu mà các hoạt động của Viện Pháp hướng tới, đó là tinh thần sáng tạo, sức trẻ, đối thoại và trao đổi, bảo tồn di sản và phát huy giá trị di sản, đồng hành với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Việt Nam, đưa các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam tham dự các sự kiện quốc tế và phát huy giá trị di sản văn hóa của UNESCO, đặc biệt là phát triển du lịch và tu bổ di sản. Bà Maysonnave cho biết, ưu tiên trong các hoạt động chính là người trẻ: “Trọng tâm trong nhiệm vụ là hướng tới công chúng trẻ, người Hà Nội trẻ, người Việt Nam trẻ. Chúng tôi mong xây dựng gu về văn hóa, thảo luận, tranh luận cho người Việt Nam trẻ, mở rộng công chúng mới là đối tượng trẻ em. Ngoài trao đổi, chia sẻ, chúng tôi mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn di sản văn hóa, đồng hành với các nhà xuất bản trong việc xuất bản các tác phẩm và quảng bá điện ảnh, âm nhạc bằng cách gửi các tác phẩm đi dự các lên hoan và các sự kiện văn hóa lớn ở nước ngoài”.

Phối cảnh biệt thự tại 15 Thiền Quang, nơi đặt trụ sở mới của Viện Pháp tại Hà Nội

Nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà báo… từng hợp tác với Viện Pháp tại Hà Nội đều tỏ ra lưu luyến với địa điểm 24 Tràng Tiền. Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý xúc động bộc bạch: “Những ngày đầu Lý mới bước chân vào con đường âm nhạc của mình, Viện Pháp L’Espace có ý nghĩa lớn với Lý vì chương trình đầu tiên mà mình được tiếp xúc với khán giả Hà Nội được tổ chức tại L’Espace. Đối với Lý, L’Espace luôn là cái nơi mà mình rất trân trọng và biết ơn. Dù Viện Pháp có chuyển đi nơi đâu, Lý luôn hy vọng rằng L’Espace luôn là nơi tạo ra những chương trình, không gian văn hóa và tạo ra cho người Việt có sân chơi và nơi học tập và phát triển, nâng cao đời sống văn hóa - nghệ thuật của mình”.  

NGÔ HỒNG VÂN

;