Công bố/công khai hiện vật: Nhu cầu cấp thiết để người trẻ thực hành cổ phục

Trang phục Áo dài ngũ thân đã có những hình thức mới phù hợp với đời sống đương đại - Ảnh: Áo dài Năm Tuyền

 

Sự ra đời cuốn sách Ngàn năm áo mũ - Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945 vào năm 2013 đã tạo nên nguồn cảm hứng lớn lao cho các thành phần trong xã hội quan tâm đến trang phục truyền thống, tác động đặc biệt mạnh mẽ tới những người trẻ yêu mến chủ đề này. Ở thời điểm ấy, thực trạng bế tắc về y phục thuộc lĩnh vực phim cổ trang kéo dài từ đỉnh điểm dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010) đã phủ bóng lên các nghiên cứu cổ phục chính thống (1), dù cho đâu đó cũng có những điểm sáng hiếm hoi như thành quả dự án phục hồi mũ vàng triều Nguyễn từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2) (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Cách tiếp cận mới của tác giả cuốn sách nêu trên đã mở đường cho hướng nghiên cứu trúng hơn, sát thực hơn về di sản y phục. Chỉ trong khoảng một năm sau đó, vào tháng 6/2014, một diễn đàn nổi bật của nhóm các bạn trẻ mang tên “Đại Việt Cổ phong” hình thành trên nền tảng mạng xã hội (Facebook), thừa hưởng trực tiếp cảm hứng và tinh thần “Ngàn năm áo mũ”. Nhóm trực tuyến này không ngừng mở rộng thành viên bởi tính thú vị, sự chăm chút cho các bài đăng về khám phá văn hoá xưa, làm nở rộ phong trào nghiên cứu/thực hành rất nghiêm túc về một lĩnh vực hoàn toàn mới (trước hết là cổ phục) - được khởi động bởi một thế hệ hoàn toàn trẻ lúc bấy giờ (thế hệ cuối 8X - đầu 9X).

Từ đây, phong trào về trang phục truyền thống (gọi tắt là phong trào cổ phục) bắt đầu phát triển không giới hạn, gặt hái nhiều thành quả gây chú ý.

1. Vai trò của thế hệ trẻ trong hành trình hồi sinh trang phục truyền thống (2014-2024)

Từ những tà áo dài ngũ thân đầu tiên được thực hiện vào khoảng năm 2014-2015, trải qua bước đầu thử nghiệm các dạng áo mũ cổ truyền, đặt nền móng thương mại hóa, kiểm chứng và đính chính tri thức sai lệch... đến nay chúng ta đã có hàng loạt dấu mốc tiêu biểu của phong trào cổ phục, với 21 sự kiện mang tính bước ngoặt nhất trong vòng 10 năm: 

1/ Dự án gây quỹ cộng đồng “Hoa Văn Đại Việt” bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong và Comicola: lần đầu thực hiện vector hóa và phổ biến hoa văn truyền thống từ thời Lý đến thời Nguyễn, bao gồm hoa văn trang phục (2015)

2/ Sự kiện “Tân Niên Hoài Niệm” bởi nhóm Nam Văn Hội Quán, Đại Việt Cổ Phong, Sử Quán Cổ Phong: chương trình đầu tiên trình diễn bộ sưu tập phỏng dựng cổ phục ở trong nước (2017)

3/ Dự án phỏng dựng áo nhật bình triều Nguyễn bởi nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh: mô phỏng áo đoàn loan của Trưởng Công chúa Mỹ Lương (2017)

4/ Dự án “Dệt Nên Triều Đại” bởi tổ chức Vietnam Centre: phỏng dựng lễ phục/lễ nghi, sản xuất hình ảnh và tư liệu về thời Hậu Lê (2017)

5/ Thương hiệu V’style - Việt Cổ Phục Cách Tân được thành lập, đánh dấu làn sóng đầu tiên về thương mại hoá cổ phục và cổ phục cách tân (2017)

6/ Nhóm Đình Làng Việt thành lập Câu lạc bộ Áo dài nam truyền thống (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo Dài Ngũ thân truyền thống): thúc đẩy trào lưu may mặc áo dài triều Nguyễn và kết nối với phong trào cổ phục (2017)

7/ Chương trình “Đám cưới Nam Kỳ” bởi nhóm Đại Nam Hội Quán: tái hiện và nhắc nhớ về văn hóa trang phục đặc sắc của miền Nam xưa (2019)

8/ Dự án phỏng dựng triều phục thời Nguyễn bởi thương hiệu Great Vietnam: lần đầu phân định và tái hiện bào phục dựa trên hiện vật (2019)

9/ Dự án phim Phượng Khấu bởi đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: ứng dụng cổ phục từ thương hiệu Ỷ Vân Hiên (2019)

10/ Nhóm Vương Sư Kiên Duệ được thành lập, tiên phong trong nghiên cứu sản phẩm võ phục và dụng cụ võ bị cổ của Việt Nam (2020)

11/ Thương hiệu Áo dài Năm Tuyền lần đầu ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất áo dài ngũ thân (2020)

12/ Ngày hội “Tóc Xanh - Vạt Áo” mùa thứ I tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-TP.HCM): ngày hội cổ phục thường niên tại TP. Hồ Chí Minh (2021)

13/ Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Việt Nam” (Grand World Phú Quốc) bởi Vingroup: là dự án đầu tư, ứng dụng cổ phục lớn nhất Việt Nam tính đến nay (2021)

14/ Thương hiệu Đông Phong là nhóm cổ phục đầu tiên chuyên tâm nghiên cứu các phương pháp dệt và nhuộm vải tơ tằm thủ công (2021)

15/ Dự án phỏng dựng áo tứ điên thời Lý - Trần bởi nhóm Đại Việt Phong Hoa và thương hiệu Cổ Trang Đại Việt Quán: tái hiện và giới thiệu loại áo bốn vạt của người Việt xưa (2021)

16/ Tái hiện nghi lễ Tiến lịch thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long: ứng dụng cổ phục từ thương hiệu Ỷ Vân Hiên (2022)

17/ Ngày hội “Bách Hoa Bộ Hành” mùa thứ I: ngày hội giới thiệu và diễu hành Việt phục thường niên tại thủ đô Hà Nội (2022)

18/ Dự án “Thập Nhị Tiên Y” bởi thương hiệu Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp: dự án tái hiện tiên phục Việt Nam, mở ra hướng tái hiện Việt phục từ các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo xưa (2022)

19/ Tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn tại Đại nội Huế: lần đầu ứng dụng cổ phục từ thương hiệu Great Vietnam và Áo dài Quang Hòa (2024)

20/ Dự án mô phỏng áo tràng vạt thời Lê Trung hưng bởi thương hiệu Hoa Niên - Năm Tháng Tươi Đẹp: khởi đầu xu hướng cập nhật các phát hiện mới về dạng áo trực lĩnh/áo tràng vạt của thời Hậu Lê (2024)

21/ Dự án phỏng dựng triều phục thời Lê Trung hưng bởi thương hiệu Cẩm Thượng Thiêm Hoa: mô phỏng long bào Chúa Trịnh (2024).

Có thể thấy, những cột mốc này là trái ngọt được thai nghén bởi một thời kỳ dồn nén những khao khát làm sáng tỏ hình hài trang phục Việt từ nhiều thế hệ, khi được dịp bung tỏa thì trôi chảy hết sức mãnh liệt. Trong đó, người trẻ đã trở thành thế hệ đầu tiên nghiên cứu Việt phục có đường hướng rành mạch, ban đầu là tự phát, về sau trở thành những chuyên gia gần như duy nhất về lĩnh vực này trong bối cảnh của thời đại.

Cũng chính những tài năng trẻ đã trực tiếp tìm ra, đặt vấn đề và lật lại nhiều sai lệch về trang phục truyền thống trong các sách vở, báo chí - truyền thông, các chú dẫn sai lệch tại những đơn vị văn hóa, bảo tồn/bảo tàng, di tích/danh thắng, các báo cáo nghiên cứu khoa học và công trình phục dựng.

Một ví dụ điển hình cho làn sóng này - đó là các phát hiện của người trẻ về việc có đến 80% trang phục phục dựng ở các bảo tàng trên cả nước là không có giá trị tham khảo (vì “phục dựng” nhưng không có hiện vật gốc), gây hệ luỵ về nguồn tham khảo/ứng dụng. Tuy vậy, hoặc là những tiếng nói ấy chưa đủ lớn, chưa được lắng nghe, hoặc đây không phải mối quan tâm của đa phần các thế hệ chuyên gia đương thời.

2. Thách thức trên hành trình hồi sinh trang phục truyền thống của thế hệ trẻ

Mặc dù trực tiếp góp phần giúp cổ phục khởi sắc theo từng ngày, nhưng những phát hiện mới của người trẻ (chủ yếu là tư nhân) về văn hóa trang phục truyền thống lại gần như không được khuyến khích một cách có hệ thống. Hệ luỵ từ thực tế ấy - chưa nói đến thiệt thòi cho các tài năng trẻ, đã tạo ra nhiều ngộ nhận cho người dân về bản sắc văn hoá. Ở chiều cạnh khác, một thế hệ chuyên gia chính thống kế cận dần dần kế tục nhiều sai lệch cũ, gây xung đột với tri thức văn hoá - lịch sử mới. Sự phân rẽ này làm chậm đi bước tiến tích cực của phong trào trên bình diện chung.

2.1. Thương mại hóa cổ phục - nỗ lực tiêu chuẩn hóa không thành

Khi sự ghi nhận và ứng dụng không đến từ khối chính thống trong suốt một thời gian dài - một thập kỷ, điều này làm cho chuẩn mực hoạt động nghiên cứu/thực hành cổ phục của phong trào người trẻ dần bước sang một diễn biến khác: dịch chuyển từ thuần nghiên cứu sang thương mại hóa để kinh doanh trang phục. Đây nên được tính là sự thoái lui đối với hoạt động nghiên cứu, khi người nghiên cứu độc lập bỏ ngỏ một phần hoặc toàn phần con đường khoa học mới chớm nở, vì không có sự hỗ trợ.

Những bạn trẻ vốn cặm cụi nghiên cứu bỗng lao vào kinh doanh văn hóa như là cách duy nhất để tiếp bước đam mê, điều này khiến một bộ phận lớn phải dừng “cuộc chơi”, chỉ còn lại số rất nhỏ trụ lại. Sau 5-10 năm, từ việc cùng tìm kiếm tri thức nghiêm túc thuở ban đầu, giờ đây các tài năng quay ra cạnh tranh nhau ngày càng khốc liệt, nhưng chẳng phải cạnh tranh quan điểm nghiên cứu mà là cạnh tranh thị trường. Không những thế, xung quanh họ lúc này là một “rừng” các nhà may lạ mọc lên, ra sức sao phỏng bừa bãi các thành quả của thế hệ tài năng trẻ, tự nhận kinh doanh trang phục truyền thống - sẵn sàng bán sản phẩm vào thị trường với giá vô cùng thấp. Chính lúc này, thương mại hóa văn hóa không đem lại giá trị quảng bá nữa, mà làm thui chột tri thức về may mặc cổ phục. Người nghiên cứu độc lập không cạnh tranh nổi và “ngã” ngay trên thành quả mà mình mở đường, cũng không cánh cửa nào để ngỏ vì chẳng cơ quan nghiên cứu nào có chuyên ngành cổ phục. Sự hỗn loạn này là hệ quả sôi động của việc thành tựu văn hóa chưa được quan tâm sớm, không kết nối kịp thời, chưa được khuyến khích coi trọng.

Trên thực tế, một thương hiệu cổ phục thành công (với giá thành cạnh tranh, kinh doanh tốt, có tiếng tăm) lại gần như chưa bao giờ tỷ lệ thuận với tính chuẩn xác trong sản phẩm mà mình phân phối, điều này tiềm ẩn nhiều hệ luỵ với văn hoá dân tộc. Môi trường khoa học trong nước đã không bảo bọc được các tài năng trẻ, thị trường cũng không phải nơi như thế, điều đọng lại chính là tri thức về cổ phục đã nhuốm màu từ hoạt động quảng cáo/marketing của doanh nghiệp. Ngày nay, những đơn vị có tiếng nói lớn nhất về trang phục truyền thống lại là các thương hiệu, thứ đến là các tài năng/chuyên gia bị “kẹp” giữa, chứ nhất định không phải là các đơn vị nghiên cứu đầu ngành.

Tuy nhiên, bản thân thị trường về cổ phục cũng không bền vững. Tiếng nói thương hiệu bị phụ thuộc phần lớn vào lợi thế truyền thông chứ không được quyết định bởi chất lượng chế tác, thế nên tiềm lực vô cùng mỏng manh. Nếu tính từ giai đoạn 2017-2018 là thời điểm bùng nổ thương mại hóa, một thương hiệu/doanh nghiệp cổ phục sở hữu độ phủ cao nhất về truyền thông tại Việt Nam ngay sau đó đã rơi vào danh sách 150 đơn vị nợ tiền bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) tại thành phố Hà Nội tính đến cuối năm 2021 (3) - vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động, thuộc danh sách 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm lâu nhất của thành phố (nợ liên tiếp 2 năm: 2020 và 2021) trong khi số lao động chính thức chỉ là 5 nhân viên (thấp hàng thứ 3 trong tổng số 10 doanh nghiệp được nêu). Hiện nay, thương hiệu nói trên đã đăng ký doanh nghiệp mới.

Đây chỉ là một trong nhiều minh chứng cho thấy thể trạng yếu kém của các thương hiệu và thị trường cổ phục Việt Nam, đằng sau những tin bài tích cực thường được báo giới chia sẻ.

Chúng ta cũng có một ví dụ khác về hệ luỵ của việc tri thức văn hoá bị thao túng tiêu cực bởi số ít cá nhân/đơn vị thương mại hoá: Năm 2018, một chủ doanh nghiệp/thương hiệu cổ phục khi kinh doanh sản phẩm gối xếp truyền thống đã âm thầm đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm này (4). Sự việc được phát hiện vào năm 2020 trên các diễn đàn cổ phục và báo chí lên án rất mạnh mẽ, Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối cấp văn bằng ngay sau đó. Câu chuyện này được xem như tiêu biểu cho không chỉ bối cảnh văn hóa trong nước, mà còn tiêu biểu cho một số hạn chế của người trẻ. Sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình tận dụng danh nghĩa kinh doanh văn hóa cũng cho thấy những khả năng khôn lường trong bối cảnh Việt Nam thiếu nhiều rào cản xác minh giữa được hay bị thương mại hoá.

2.2. Tác động từ việc thiếu các tiêu chuẩn về trang phục truyền thống

Điều mà chúng ta đang cần chính là các tiêu chuẩn để minh định năng lực thẩm định, quản lý, quảng bá di sản và nhận diện khả thi các dạng thức cổ phục. Các hệ quả nói trên khi đã lan rộng và hình thành rõ nét sẽ tác động ngược về khối chính thống: tri thức không phụ thuộc các đơn vị có chuyên môn/chức năng sẽ không chỉ gây hại văn hóa mà còn làm suy yếu chính chuyên môn và chức năng của các đơn vị này.

Ngay trong phạm vi những danh thắng/di tích, đơn vị bảo tàng/bảo tồn trọng điểm quốc gia thì lại càng dễ dàng xuất hiện những điểm giới thiệu, phân phối trang phục truyền thống thiếu chính xác - thực trạng này diễn ra phổ biến từ Bắc vào Nam, là biểu hiện của việc tìm kiếm nhà thầu thiếu kiểm soát và nhất thời. Hoặc trong nhiều trường hợp, các đơn vị chuyên môn/chức năng và thậm chí các đơn vị báo chí - truyền thông, vì chưa có năng lực, đã dễ dàng tìm kiếm và tiếp nhận sự hợp tác, tôn vinh các cá nhân/tập thể thiếu uy tín trong nghiên cứu - thực hành cổ phục.

Thông tin sai lệch chi phối hiểu biết của cộng đồng và làm suy yếu nền tảng văn hoá công chúng. Tình trạng này sẽ nhanh chóng dội tiếp sang những lĩnh vực khác (lễ hội, phim ảnh, sân khấu, giáo dục...).

Phong trào nghiên cứu và thực hành cổ phục trẻ hiện nay đã ngày càng bộc lộ rõ dấu hiệu hụt hơi, rẽ nhánh do các tác động lâu dài đã nêu và chắc chắn cần một động lực hữu hình tức thì. Nếu muốn nghiên cứu mà người nghiên cứu phải giành giật thị trường thì sẽ không có nghiên cứu chuyên sâu, và nếu nghiên cứu phục dựng/bảo tồn nhưng luôn phải so sánh mình với các nhà thiết kế/sáng tạo thời trang thì sẽ rất khó có phục dựng đúng nghĩa.

2.3. Nhu cầu cấp thiết về tiêu chuẩn hóa về trang phục truyền thống

Việc cần làm giờ đây, có lẽ mang một ý nghĩa sâu xa và lâu dài - dù đáng ra phải làm từ rất lâu: thúc đẩy công bố/công khai hiện vật trong các đơn vị bảo tồn, bảo tàng, lưu trữ liên quan đến trang phục truyền thống. Điều này tất yếu dẫn đến việc có cơ sở để xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của trang phục truyền thống - là bước quan trọng hàng đầu để chính thức hóa các ứng xử tiếp theo với cổ phục.

Thay vì chỉ có một, hai nhóm người ra sức phổ biến và khuyến nghị, việc công khai hiện vật sẽ mở ra nhiều chiều khác nhau. Qua đó, tính thật giả có thể kiểm chứng cụ thể qua góc nhìn chuyên môn/học thuật chứ không phải bằng hoạt động quảng cáo/kinh doanh sản phẩm. Điều này còn khơi dậy quá trình tự tìm tòi, tự nhận thức của người dân đối với hiện vật được công khai, đặc biệt là người trẻ kế cận.

3. Công bố, công khai hiện vật về trang phục truyền thống

Công bố, công khai hiện vật về trang phục truyền thống (trước hết ở các đơn vị bảo tồn/bảo tàng) có thể là trưng bày trực tiếp, hoặc trưng bày tiêu bản nếu hiện vật đã hư hại nặng, nhưng tốt hơn hết là số hóa hiện vật đúng cách.

Thời gian vừa qua, số hóa trở thành một phong trào ở mọi phương diện, nhưng về di sản trang phục thì tại Việt Nam dường như làm chưa đúng cách. Việc số hóa 3D ồ ạt hiện vật và đăng tải trên các website sẽ có giá trị riêng, nhưng lại không có một chút giá trị nào cho việc nghiên cứu trang phục (về kiểu dáng, chất liệu, kỹ thuật...). Cách số hóa quần áo tốt nhất chính là chụp hình trực diện như một số bảo tàng tiêu biểu ở các nước bạn đã làm rất tốt (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...).

Công bố, công khai hiện vật còn giải phóng cho tình trạng thiếu rõ ràng, minh bạch về quy trình tiếp cận hiện vật (không chỉ riêng với di sản trang phục) ở các đơn vị bảo tồn - vốn còn nặng tính xin cho/quan hệ, và đã cản trở rất lớn những người nghiên cứu độc lập trong hàng chục năm qua, trong đó yếu thế nhất là những người nghiên cứu trẻ.

Việc công bố, công khai hiện vật lúc này đang như một sự “cứu trợ” vốn được kỳ vọng từ rất nhiều năm về trước, thậm chí chạm đến cả những giá trị và lý tưởng ban đầu của thế hệ nghiên cứu cả cũ và mới, cả người trẻ đang/sẽ nghiên cứu và những người đã dừng lại. Đây phải được coi là bước hàng đầu trong nghiên cứu y phục xưa, để mở ra tính bản lề (trước khi bàn đến các giải pháp mang tính cành, nhánh về quảng bá).

                                      

1. Hiền Đỗ, Trang phục trong phim cổ trang Việt đều chưa chuẩn, vnexpress.net, 29-6-2013.

2. Tiến Dũng, Lần đầu công bố bảo vật hoàng cung, vnexpress.net, 9-10-2010.

3. Báo Hà Nội Mới, Danh sách 150 đơn vị nợ tiền bảo hiểm từ 6 đến 24 tháng trên địa bàn Hà Nội, hanoimoi.vn, 10-12-2021.

4. Thời báo VTV, Khi chiếc gối xếp truyền thống “vô tình” có chủ, vtv.vn, 20-7-2020.

                                      

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.

 

 

VŨ ĐỨC

Nhà nghiên cứu, GREAT VIETNAM

 

 

 

;