Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ngày 8-10-2024, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (số 1 phố Hỏa Lò) Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!”.
Cựu chiến binh đến với trưng bày Bàng ơi!
Trưng bày giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, giúp chúng ta thêm hiểu và yêu hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát xanh. Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.
Trưng bày "Bàng ơi…!" được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh - vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Pano trưng bày được thiết kế sáng tạo bằng những hình tròn với phần giao thoa tạo thành hình chiếc lá. Điểm nhấn trong trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Trong trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút.
Đông đảo bạn trẻ đến với trưng bày Bàng ơi!
Trưng bày được chia làm 2 phần: Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò và Bàng ơi!
Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò ngày ấy, là “người bạn” gần gũi, thân thương, đồng hành và gắn bó mật thiết với đời sống của tù chính trị. Bàng âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn “địa ngục trần gian”. Trước năm 1930, những tù nhân phải lao dịch ở tòa án, đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non, xin được trồng để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại. Theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.
Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Gốc cây bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp vào. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập Chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò. Bên cạnh đó, cành bàng, lá bàng, quả bàng đã được các tù chính trị sử dụng làm nguồn dược liệu quý chữa bệnh đường ruột, kiết lỵ, tiêu chảy, nguồn vitamin, thuộc bổ cho những đồng chí đau ốm, cần sớm phục hồi sức khỏe, cũng như chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ.
Phần II- Bàng ơi!, giới thiệu những điều thú vị về bàng, những sản phẩm đặc trưng từ bàng, những lá bàng in thơ, bàng trong âm nhạc, văn học và thơ ca... Nơi hải đảo xa xôi, bàng trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù chính trị Nhà tù Côn Đảo, của chiến sĩ hải quân. Dưới gốc bàng là nơi kẻ thù thực hiện những màn tra tấn man rợ đối với người tù, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù nhân chống lại chế độ giam cầm hà khắc. Những hốc cây là “hòm thư” bí mật, nơi tù chính trị cất giấu tài liệu, truyền đơn và báo tin cho nhau bằng ám hiệu riêng. Lá bàng, quả bàng và cả vỏ cây là nguồn thực phẩm, vị thuốc quý giá cứu sống tù nhân, để tiếp tục đấu tranh và nuôi hy vọng.
Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu những sự thật thú vị về bàng, như: mầm bàng xoắn ốc, công dụng chữa bệnh của bàng, cây bàng có tuổi thọ lớn nhất tại Việt Nam (năm 2020)… tạo nên một không gian trải nghiệm về sự sống động của bàng.
Trưng bày kéo dài tới ngày 31-12-2024.
THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA