Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Văn hóa, nghệ thuật để góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa

Vở ballet Hồ Thiên nga 2024 của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam- Ảnh: Liên Hương

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu một trong những nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ là: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Trong đó, đột phá chiến lược là: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài… Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong những giải pháp để phát triển văn hóa đó là: Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Những năm qua, nguồn nhân lực ngành Văn hóa nghệ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển của ngành Văn hóa nước ta. Tuy đã đạt được những thành tựu, nhưng tình trạng thiếu và yếu của nguồn nhân lực ngành Văn hóa vẫn cần có những chính sách mạnh mẽ để nguồn lực con người có bước đột phá, tạo đà cho công cuộc chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật

Những năm gần đây, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đội ngũ làm văn hóa nghệ thuật đang là vấn đề trở thành nguy cơ cản trở sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Về nguồn nhân lực ngành Văn hóa, nghệ thuật, tính đến 30.6.2021 tổng số nhân lực ngành (VHTTDL) trong cả nước là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao: 10.199 người; lĩnh vực du lịch: 870.000 người, trong đó 18.907 người phục vụ ở cả 3 lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.

Theo số liệu thống kê đến nửa đầu năm 2021, tổng số chỉ tiêu được giao cho 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL gồm viên chức, người lao động là 1.316 người. Thực tế tổng số cán bộ, viên chức và người đang lao động tại 12 đơn vị nghệ thuật là 1.049 người... Một con số đáng để chúng ta suy nghĩ, cho thấy phần nào sự thiếu hụt về đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp ngay ở các đơn vị nghệ thuật Trung ương.

Còn tại các địa phương, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa nghệ thuật phải phụ trách, quản lý khá nhiều mảng, có nhiều hoạt động, nhưng số lượng cán bộ văn hóa hiện này còn mỏng. Ở cấp sở (tỉnh, thành phố), đội ngũ cán bộ văn hóa được biên chế ở các phòng chuyên môn như phòng Nghiệp vụ văn hóa, phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, phòng Quản lý di sản với mức định biên cán bộ khoảng từ 5-7 người/ phòng. Ở cấp huyện, cán bộ văn hóa được định biên từ 5-7 người, làm việc ở phòng Văn hóa Thông tin.

Nguồn nhân lực được đào tạo văn hóa, nghệ thuật cũng khó khăn trong tuyển sinh. Theo thống kê, tính đến hết năm 2022, cả nước có 107 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, trong đó có 7 trường đại học và 3 trường cao đẳng ngành nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế, các trường đều được đầu tư hệ thống trang thiết bị giảng dạy học tập hiện đại, cơ sở vật chất, giảng đường, nhà hát, sân khấu, phòng thực hành... đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, sự đầu tư của Nhà nước và Bộ VHTTDL còn thể hiện ở việc tăng ngân sách cho việc bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ các trường nghệ thuật. Quy mô đào tạo đã tăng, song vẫn còn hạn chế so với các ngành nghề khác và so với nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Nghệ thuật của xã hội, đặc biệt, một số ngành nghệ thuật truyền thống quy mô đào tạo giảm.

Công tác tuyển sinh các chuyên ngành kịch hát dân tộc như: Diễn viên chèo, tuồng, cải lương, sân khấu rối... khá khó khăn. Cá biệt như tuồng, nhã nhạc Cung đình Huế không trong những năm gần đây có học viên đăng ký. Với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm học này, trường chỉ tuyển sinh được 20 diễn viên Chèo, còn chuyên ngành diễn viên Cải lương, Tuồng không có học viên đăng ký.

Chỉ tiêu của các cơ sở đào tạo của Bộ không tăng nhiều. Cụ thể, năm học 2022-2023 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tuyển sinh 435 chỉ tiêu, năm 2023-2024 là 455 chỉ tiêu; Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM năm học 2022-2023 chỉ có 95 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo (giảm hơn 100 chỉ tiêu so với năm 2021); năm học 2023-2024, Nhà trường tiếp tục thông tin chỉ tuyển 95 chỉ tiêu. Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2022: 260 chỉ tiêu; Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2023: 130 chỉ tiêu; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2022 tuyển 350 chỉ tiêu - năm 2023 là 480 chỉ tiêu. Nhạc viện TP.HCM năm 2022 là 307 chỉ tiêu, năm 2023 là 410 chỉ tiêu.

Những con số biết nói cho thấy, nhu cầu đào tạo các ngành Nghệ thuật trong những năm gần đây vẫn còn khiêm tốn, nhất là so với khối ngành Kinh tế. Ví dụ cùng thời điểm năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu.

Báo cáo của Bộ VHTTDL, năm 2022, theo tổng chỉ tiêu khối văn hóa, nghệ thuật 6.311, tuyển được 4.294, đạt 68%, trong đó chủ yếu là các trường đại học văn hóa đạt tỷ lệ cao, còn các trường đại học nghệ thuật tỷ lệ vẫn thấp.

Theo khảo sát của người viết tại một số trường đại học nghệ thuật, nhiều năm nay, tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành Nghệ thuật ngày càng có xu hướng giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không lựa chọn các khối ngành đào tạo nghệ thuật. Trong đó, ngoài nguyên nhân học xong khó kiếm việc làm thì hiện nay đang có một xu hướng học sinh xem các ngành khối nghệ thuật là một kỹ năng chứ không phải là một nghề nên nhiều em tự trang bị, bồi dưỡng năng khiếu ở các cơ sở đào tạo bên ngoài nhà trường.

Đối với các ngành mang tính đặc thù cao như ngành nghệ thuật truyền thống, trong quá trình theo học được hưởng một số chế độ đặc thù, nhưng thực tế học viên khi tốt nghiệp về các nhà hát lại không có biên chế nên rất khó thu hút. Trường xuống tận địa phương tuyển trung cấp chèo, tuồng; rất nhiều thí sinh có năng khiếu, nhưng gia đình không cho theo học. Bởi học rồi cũng chẳng để làm gì.

Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM thì do số lượng giảng viên có hạn nên chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm Mỹ thuật của Nhà trường chỉ có 25 sinh viên/năm. Mặc dù vậy, trong vòng 3 năm gần đây, trường chỉ tuyển sinh được tối đa một nửa trên tổng chỉ tiêu đề ra, tức là khoảng 12-13 sinh viên.

 Học viện Âm nhạc Huế có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản âm nhạc được UNESCO ghi danh, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... Nhưng hiện tại, Học viện Âm nhạc Huế, ngoài hai chuyên ngành Piano và Thanh nhạc có đông người theo học, các ngành khác cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Đặc biệt, chuyên ngành Nhã nhạc nhiều năm liền không tuyển sinh được.

Đồng bộ những chính sách tháo gỡ

Để tìm kiếm nguồn thí sinh đầu vào cho các trường đại học ngành Nghệ thuật, Bộ VHTTDL đã xây dựng nhiều đề án đào tạo như: “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020”; “Dự án liên kết đào tạo giữa 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ là: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội”. Trong đó, mỗi nhà hát được tuyển chọn đào tạo 30 học viên, bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận, bù đắp vào số diễn viên đang dần đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có chế độ ưu đãi, giảm 70% học phí cho sinh viên theo học sân khấu truyền thống, hằng tháng có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác…

Từ năm 2017, Bộ VHTTDL đề xuất giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao, nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bộ cũng có 2 đề án đào tạo trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài. Hằng năm, Bộ vẫn tuyển sinh các em trong độ tuổi, đáp ứng nhu cầu chuyên môn về phía Bộ và đơn vị đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề ngoại ngữ đang là một rào cản đối với nhiều học sinh ngành Văn hóa, nghệ thuật.

Tại Hội thảo văn hóa năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng từng đề nghị quan tâm đến yếu tố đặc thù của ngành Văn hóa trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, ban hành chính sách về nguồn lực con người làm văn hóa, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, đó là: Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, phát triển văn hóa phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, cần sớm có chính sách về nguồn lực con người làm văn hóa, trong đó chú ý về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù. Đây là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật như Bác Hồ đã nói: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”.

Trong thời gian tới, các ban ngành và các địa phương tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được và những bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020”, để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng, ban hành Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030”, hướng đến mục tiêu: Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ, bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và xã hội. Hình thành một đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trình độ chuyên môn cao và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từng bước tiếp cận ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới; có khả năng làm chủ và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến; sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, giá trị; đưa thể thao và du lịch phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Về giải pháp về chính sách: Tuyển chọn những cá nhân có năng khiếu đặc biệt (từ tuổi học sinh), có chính sách đào tạo đặc biệt để quy hoạch vào đội ngũ nghệ sĩ trong tương lai vì đào tạo các ngành nghệ thuật đòi hỏi thời gian lâu dài. Đưa sinh viên có năng khiếu đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn tại nước ngoài để tạo nguồn nhân lực cho ngành. Đặc cách tuyển chọn nguồn nhân lực có năng khiếu đặc biệt, được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, có thành tích quốc tế. Tuyển chọn, sử dụng các nghệ nhân, nghệ sĩ có bề dày thành tích trong nghệ thuật (được công nhận Nghệ nhân Dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân) tham gia công tác giảng dạy, truyền nghề; bổ sung, hoàn thiện những chính sách đãi ngộ riêng, phù hợp với nghệ sĩ, nghệ nhân. Có các chính sách khen thưởng kịp thời cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có kết quả cao, giải thưởng trong sáng tác, biểu diễn, đạt các danh hiệu trong nước và quốc tế; thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư.

Giải pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện về vai trò, vị trí của văn hóa. Từ đó thu hút đội ngũ sinh viên, học sinh có năng khiếu văn hóa, nghệ thuật cho các trường.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất khung chương trình đào tạo; chú trọng, nâng cao chất lượng chuyên môn, giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp các chương trình không phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích của người học.

Trong tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ văn hóa, bên cạnh các tiêu chuẩn theo quy định cần nghiên cứu, đề xuất những chính sách phù hợp với vị trí, tính chất ngành nghề, làm sao thu hút được tài năng trẻ để họ yên tâm công tác, rèn luyện và cống hiến tài năng, công sức cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, chăm lo nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giáo dục, hình thành những con người mới. Vì vậy, không thể thiếu vai trò lãnh đạo, quản lý, đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Cần dành những ưu tiên cần thiết về nhân lực, tài lực cho lĩnh vực này. Đồng thời, cần phát huy sự tham gia của cộng đồng, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không ngừng phát triển.

Ngoài ra, cần đổi mới chính sách tiền lương, phụ cấp và bảo hiểm xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín và những người có những đóng góp, cống hiến lớn trong việc gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong bất kỳ lĩnh vực nào của xã hội, cán bộ luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không nằm ngoài tính tất yếu đó. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng được đội ngũ cán bộ có tài, có tâm, có tinh thần trách nhiệm và khát vọng sáng tạo, cống hiến sẽ là khâu then chốt để khơi thông mạch nguồn văn hóa, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, đồng thời thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

                                                         

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.

 

HÀ HỒNG GẤM

Nhà báo, Báo điện tử Tổ quốc

 

 

;