Nhà văn Lê Xuân Khoa
Ảnh: Hiếu Shin
Những ngày cuối cùng của năm đang trôi qua cùng bộn bề lo âu thì cái lạnh của mùa Đông ập xuống thành phố khiến dòng người tấp nập ai nấy đều phải chui vào những tấm áo bông to xụ, như là cách trời đất vỗ vai con người, nhắc nhở: Này, Tết sắp đến rồi! Đừng mãi ngẩn ngơ về chuyện chưa được như ý. Nhìn lại xem! Chẳng phải năm vừa rồi chúng ta vẫn làm được đủ thứ đặc biệt với bao nhiêu trải nghiệm kỳ thú đó ư?
Sáng nay, tôi nhấp ngụm trà thơm, hít một hơi sâu, ngồi dưới hiên lá, hứng từng giọt nắng rơi xuyên màn sương sớm. Nhìn hàng xe cộ đông đúc như mắc cửi lướt ngang trước mắt, tâm trí tôi chợt hiện về những buổi giao thời của 30 năm trước, khi tôi vẫn là một cậu bé loắt choắt cắp sách đến trường… Ngày ấy, đường phố Hà Nội hãy còn thưa thớt lắm, xe máy cũng chưa nhiều chứ nói gì ôtô. Mùa Đông dường như lạnh hơn, là do trái đất đang ngày càng nóng lên hay vì bấy giờ chưa có nhiều loại áo đơn áo kép? Tôi ôm chặt lưng mẹ từ sau yên xe đạp, được mẹ chở qua chùa Một Cột, qua lăng Bác, qua đường Thanh Niên, qua mùi hoa sữa đậm đà...
Phố tôi sống là phố Lãn Ông, tên hiệu của thần y Lê Hữu Trác. Phố có một số hiệu thuốc gia truyền nhưng đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì nghề thuốc còn thưa thớt. Khi mẹ tôi về mất sức, ra vỉa hè bán thuốc cũng là lúc phố thuốc bắt đầu nhộn nhịp trở lại cho đến giờ. Trường cấp I tôi học là trường tiểu học Hồng Hà, nằm ngay bên kia đường, chỉ cần đi bộ mấy chục bước nhưng bố mẹ dặn tôi phải quan sát cẩn thận và giơ tay xin đường. Trường là một công trình cổ kính với những cột trụ gỗ, những mái đao rêu phong, những câu đối chữ Nho. Mọi người thường gọi trường là “đình Hồng Hà”. Mãi khi lớn lên, tôi mới được biết trước kia trường chính là Hội quán Phúc Kiến, và phố Lãn Ông từng mang tên phố Phúc Kiến với rất nhiều người Hoa sinh sống. Gia đình tôi ở trên căn gác nhỏ trong ngõ hẹp. Nhà mái ngói, khi trời mưa phải huy động đủ loại xô chậu để hứng dột. Những trưa hè, bố hát ru tôi bằng thơ Tố Hữu: “Tre già ôm lấy măng non…”. Những đêm Đông, bố mẹ ấp tôi dưới lớp chăn con công để chống chọi lại cái rét như cắt da cắt thịt. Con mèo tam thể thích nằm trên nóc chiếc vô tuyến JVC vỏ đỏ, thỉnh thoảng ngủ quên nó lại ngã kềnh xuống sàn.
Ngày ấy, mới có truyền hình thì làm gì có nhiều lựa chọn. Tôi thuộc lòng lịch nhà đài, thứ mấy là VKT, thứ mấy là Sân khấu, thứ mấy chiếu phim, riêng chương trình dành cho thiếu nhi Những bông hoa nhỏ thì tối nào 19 giờ cũng có. Phim trên truyền hình thì cả nước xem, ai cũng biết Đơn giản tôi là Maria hay Người giàu cũng khóc… Gần Tết, bố tôi mượn đầu băng về cho cả nhà cày phim chưởng Hồng Kông, phim hành động Mỹ. Vô tuyến có ba hệ: PAL để xem truyền hình Việt Nam, NTSC để xem băng, còn SECAM thì anh Khánh - anh trai tôi - dò bắt được “kênh Liên Xô”. Không biết tiếng Nga nên chúng tôi cứ xem hình ảnh đoán nội dung. Nga có bộ hoạt hình Hãy đợi đấy kể chuyện cáo và thỏ đuổi nhau, ngoài ra còn có bộ Chú mèo Leopold, tôi xem bao nhiêu lần vẫn không chán. Tôi còn chăm nghe nhạc trên đài tiếng nói. Sở thích hát và kể chuyện của tôi manh nha từ đấy, rồi dần phát triển khi tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ ở trường và địa phương. Đĩa CD chưa xuất hiện, thú vui của các “dân chơi” là những máy cassette phát nhạc xập xình. Một trong những băng cassette đầu tiên bố tôi đem về có một mặt là Boney M, mặt kia là Modern Talking, cũng là những bản nhạc phổ biến nhất ở các đám cưới. Bên cạnh đó, tôi nhớ có băng Chèo Lưu Bình Dương Lễ, băng cải lương Tình sử An Lộc Sơn… Năm mới, đâu đâu cũng mở bài Happy New year. Sau này, khi trình độ tiếng Anh nâng lên, tôi mới vỡ lẽ ra lời bài hát ấy của ABBA ẩn chứa nhiều nỗi buồn và trăn trở. “Bước ngoặt” đến khi tôi kiếm được chiếc máy cassette một ổ băng, kích thước gọn hơn nửa quyển vở. Tôi hí hoáy dùng nó để thu âm một vài câu chuyện thường ngày và mấy bài hát tôi sáng tác ra cùng cậu hàng xóm.
Niềm vui - Ảnh: Nguyễn Thu Thủy
Trên gác xép gỗ nhà tôi chứa một tủ sách nhỏ, trong đó có tuyển tập thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, Dế mèn phiêu lưu ký, X30 phá lưới và một số truyện dịch từ tiếng Nga… Bố tôi có máu văn thơ từ thời đi học ở quê, cộng thêm chút hoa tay vẽ vời nên rất giỏi làm báo tường. Anh trai tôi được thừa hưởng đôi bàn tay khéo léo của bố chứ không vụng về như tôi. Nhờ bố với anh nên tôi tập tọe làm thơ từ năm lớp 1. Anh em tôi thường đến hiệu sách cạnh Bờ Hồ, thèm thuồng nhìn vào những tập thơ nhỏ bằng bàn tay của các cụ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu… Anh Khánh thao thao kể tôi nghe giai thoại bí ẩn về bài thơ Hai sắc hoa tigôn và tác giả T.T.Kh. Năm tôi lớp 3, bố mẹ phát hiện ra tôi viết truyện và đã mang “bản thảo” ngây ngô đó đi thuê người ta đánh máy chữ lại.
Khoảng thời gian tôi luôn mong ngóng mỗi năm là Tết, vì không phải học bài, được mừng tuổi, được mua quần áo mới và được ăn ngon. Trời phải rét mới ra không khí Tết. Chưa có tủ lạnh, trời nóng quá thì kẹo mứt bị chảy nước, tiếc đứt ruột. Gần Tết, mẹ sẽ dắt tôi ra chợ hoa Hàng Lược ngắm đào, quất. Ngày ấy, các giống hoa chợ Tết chưa phong phú đa dạng như bây giờ, quen thuộc nhất là hoa hồng, violet, lay ơn, thược dược, thuỷ tiên… thế nhưng tôi đã thấy cực kỳ rực rỡ. Đào có nhiều kích cỡ, nhưng hầu như không có những gốc đào rừng lớn như những năm sau này. Thường thì mẹ không mua đào mà mua một chậu quất nhỏ xinh.
Sắc xuân về
Ảnh: Vũ Hồng Kỳ
Cách Tết vài tuần, cả gia đình tôi ngồi bóc hành. Số nhà tôi có một mảnh vườn, nơi mỗi hộ chia nhau ra nuôi gà, lợn để cải thiện. Đầu khu vườn là một căn bếp chung, nơi các hộ sẽ đưa bánh chưng vào cùng luộc. Do đặc thù nghề nghiệp, đêm 30 bố tôi thường phải đi trực. Mẹ tôi treo băng pháo ngoài cửa, buộc giấy mồi vào một thanh tre dài. Giao thừa đến, tôi ôm mèo trốn sẵn trong chăn, mẹ đốt giấy mồi rồi dùng thanh tre châm lửa băng pháo trước khi ù chạy vào với anh em tôi. Pháo nổ ran bốn phương tám hướng cùng mùi khói nồng nặc. Sáng mồng 1, xác pháo hồng lả tả khắp mọi nơi hoà với sắc hoa đào. Bọn trẻ con có trò châm pháo trên tay quăng xuống, một tay cầm hương, một tay cầm pháo. Tôi nhát gan nên chỉ dám chơi pháo tép, thế mà có lần quăng chậm bị nổ rát bàn tay. Truyền hình chiếu những cảnh tai nạn vì pháo rất thảm thương, cho nên đến năm 1995, cả nước ngừng đốt pháo. Lúc đó, ai có thể tưởng tượng được Tết mà không có tiếng pháo sẽ như thế nào. Ca dao đã viết “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, không có pháo liệu Tết có còn là Tết? Thế mà tròn 30 năm đi qua, chúng ta đều đã quen với những cái Tết im ắng, những buổi sáng mồng 1 yên bình và lắng đọng. Những âm thanh rộn ràng của pháo âu cũng chẳng quan trọng bằng bình an cho tất cả mọi người.
Năm 1994, Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm lên Việt Nam. Năm 1995, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đó là cột mốc đánh dấu đời sống dân ta từng ngày khởi sắc. Hôm nay, tôi cũng sắp bước từ 2024 sang 2025. Ngồi trên tàu điện Cát Linh - Hà Đông đầy tiện nghi, tôi lại nhớ về tàu điện leng keng trên đường phố Thủ đô ngày tôi còn bé xíu. Có những thứ tưởng chừng đi vào dĩ vãng, để rồi vào thời điểm chín muồi, lại tái xuất bằng một diện mạo mới, hiện đại hơn, trẻ trung hơn. Vây quanh tôi trên tàu điện ngày xưa là các ông, bà, chú, bác với những màu áo gần giống nhau, đa phần đều sờn cũ. Vây quanh tôi bây giờ là các anh, các chị, các bạn, các em, các cháu, rồi cả người ngoại quốc… xúng xính trong những trang phục đẹp đẽ, đa dạng sắc màu. Người thì ăn diện lịch lãm, người thì mặc giản dị, lại có người vận trang phục truyền thống Việt Nam một cách đầy tự hào. Duy có một điểm tôi thấy không hề thay đổi, đó là những nụ cười. Những nụ cười trìu mến, thân thiện và lạc quan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chính là nguồn nhựa sống đưa chúng ta vượt qua từng mùa Đông để đi đến những mùa xuân. Kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, Việt Nam đang tiến vào mùa xuân thứ 80.
Tôi theo dòng người hối hả bước xuống ga, lòng chộn rộn biết bao cảm xúc. Sau lưng tôi, đoàn tàu lại bắt đầu lăn bánh.
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
LÊ XUÂN KHOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025