Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao: Nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững đất nước

Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định như là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, mang tính động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong những cho tăng trưởng. Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tại Quyết định số: 991/QĐ-TTg ngày 16-9-2024) có ý nghĩa rất lớn, là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành VHTTDL khẳng định vai trò của mình như một nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước, là cơ hội để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng tốt hơn với quá trình phát triển đất nước.

Công chúng tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam- Ảnh: BTMTVN

Ý nghĩa của việc ban hành quy hoạch trong giai đoạn phát triển mới của đất nước

Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quan điểm, chiến lược, chính sách, kế hoạch tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Việc ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này tiếp tục là sự cụ thể hóa, hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý, và mang một ý nghĩa quan trọng trong hành trình phát triển mới của đất nước. Đây không chỉ là một bước tiến về mặt chiến lược, mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ cho niềm tin vào sức mạnh của văn hóa, thể thao trong việc kết nối con người và khơi dậy tinh thần dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đầu tư và phát triển các cơ sở văn hóa, thể thao hiện đại chính là chìa khóa để Việt Nam vươn mình ra thế giới, thể hiện bản sắc độc đáo, tự hào. Những sân vận động, nhà hát, bảo tàng mới không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là biểu tượng thời đại của khát vọng phồn thịnh, của ý chí vươn cao, vươn xa. Hơn cả những công trình vật chất, chúng chính là nơi gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa, là nhịp cầu để các thế hệ tương lai tự hào và tiếp nối.

Trong từng bước đi phát triển của đất nước, qua quy hoạch này, chúng ta cho thấy, không chỉ các thành phố lớn mà cả những vùng miền xa xôi cũng được chú trọng, để mọi người dân, từ trẻ nhỏ đến người già, đều có cơ hội tiếp cận với các giá trị văn hóa và thể thao đỉnh cao. Đây là cách mà đất nước chăm chút cho tinh thần của chính mình, xây dựng một xã hội lành mạnh, nơi con người không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn phong phú về tâm hồn.

Hơn thế nữa, quy hoạch này còn là lời kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay từ cộng đồng, từ doanh nghiệp, từ quốc tế. Bằng cách huy động mọi nguồn lực, chúng ta đang cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái văn hóa và thể thao đa dạng, nơi mà mỗi đóng góp đều có giá trị, mỗi sự tham gia đều góp phần làm giàu thêm cho đất nước.

Với tầm nhìn xa hơn, quy hoạch này không chỉ mang lại lợi ích trong hiện tại mà còn mở ra tương lai đầy triển vọng. Điều này không chỉ giúp Việt Nam sẵn sàng đón nhận những sự kiện thể thao và văn hóa quốc tế, mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, một Việt Nam giàu truyền thống nhưng không ngừng đổi mới, sáng tạo. Những giá trị này sẽ là động lực, là sức mạnh để đất nước tiến xa hơn, vững bước trong mọi thử thách.

Quy hoạch này chính là ngọn lửa giữ vững niềm tự hào dân tộc, là lời hứa cho một tương lai mà văn hóa và thể thao trở thành động lực phát triển không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần, tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa người với người, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới - Ảnh: chinhphu.vn

Huy động nguồn lực xã hội: Yếu tố quan trọng để thực hiện thành công quy hoạch

Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc huy động nguồn lực xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là sự đóng góp về tài chính, mà còn là sự tham gia của toàn bộ xã hội trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới này một cách bền vững và đa dạng.

Tôi cho rằng, trước hết, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách hấp dẫn, cởi mở nhằm khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc đầu tư xây dựng và quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao. Cơ chế hợp tác công - tư (PPP) cần được sửa đổi để lĩnh vực văn hóa, thể thao có thể được thực hiện, từ đó giúp đẩy mạnh hơn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, với cam kết từ phía chính phủ về sự hỗ trợ và ưu đãi về thuế, đất đai, cũng như các thủ tục pháp lý. Đây chính là cách để nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân cùng chung tay góp sức.

Ngoài ra, các hình thức xã hội hóa cần được tăng cường, nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng. Những chương trình như "quyên góp cộng đồng" cho các công trình văn hóa, thể thao hay "nhận nuôi" một dự án văn hóa tại địa phương có thể là một cách làm mới, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tự hào trong mỗi người dân. Khi mỗi người cảm thấy mình là một phần của sự phát triển văn hóa, thể thao, họ sẽ gắn kết với nó hơn, bảo vệ và duy trì lâu dài.

Sự hợp tác quốc tế cũng là một nguồn lực to lớn. Việc mời gọi các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư văn hóa và thể thao từ các nước phát triển không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn là cách để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và công nghệ. Điều này sẽ giúp các công trình văn hóa và thể thao của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với người dân trong nước mà cả với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịch cũng có thể là một nguồn lực kinh tế quan trọng. Khi các cơ sở văn hóa, thể thao được xây dựng và khai thác một cách hiệu quả, chúng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn thu hút du khách quốc tế. Các sự kiện thể thao, liên hoan văn hóa quốc tế sẽ mang lại nguồn thu lớn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của văn hóa và thể thao là yếu tố then chốt. Khi mỗi người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển các cơ sở văn hóa, thể thao, họ sẽ sẵn sàng góp phần không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng chính sự tham gia tích cực của mình trong các hoạt động, từ đó tạo nên một mạng lưới văn hóa thể thao phong phú, bền vững.

Như vậy, việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện quy hoạch không chỉ là vấn đề về vốn, mà còn là cách để gắn kết mọi thành phần trong xã hội, từ nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đến cộng đồng dân cư, cùng nhau hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa, thể thao bền vững, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng, việc ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện cho ngành VHTTDL phát triển. Đây không chỉ là một kế hoạch cụ thể về hạ tầng mà còn là một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao trở thành nguồn lực quý giá, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế, quảng bá bản sắc dân tộc ra thế giới.

Với sự đồng hành của nhà nước, khu vực tư nhân và toàn xã hội, quy hoạch này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nền văn hóa, thể thao nước nhà. Những cơ sở hiện đại, đồng bộ sẽ không chỉ là nơi gắn kết cộng đồng mà còn là biểu tượng của sự phát triển và tiến bộ. Hơn cả, nó sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững, vừa giữ vững bản sắc dân tộc, vừa vươn tầm quốc tế. Chính vì thế, thực hiện hiệu quả quy hoạch này không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà là của toàn dân, cùng chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng, nơi văn hóa và thể thao trở thành sức mạnh nội sinh mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

 

Theo Quy mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045: Mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.

Trong đó, về văn hóa, nghiên cứu, xây dựng mới 02 bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và một số bảo tàng chuyên ngành, như: Bảo tàng Tiền Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long... Phân bố mạng lưới cơ sở điện ảnh tại các địa phương đóng vai trò là trung tâm văn hóa của quốc gia và của vùng tại các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ. Hình thành các trung tâm điện ảnh gắn kết và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Nâng cấp quy mô các công trình trọng điểm: Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội lên cấp đặc biệt với sức chứa trên 3.000 chỗ ngồi; Rạp chiếu phim điện ảnh Quân đội nhân dân (Bộ Quốc phòng) đạt tiêu chuẩn quốc gia với sức chứa từ trên 1.200 đến 3.000 chỗ ngồi. Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương đóng vai trò trung tâm vùng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, nhà hát Cải lương Việt Nam, nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Về Thể thao, xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới.  Nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp) để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới. Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm; được sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đầu tư các trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao có quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành của công trình đạt cấp I, II, III đáp ứng yêu cầu huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu quốc tế, quốc gia...

 

;