Đề tài chiến tranh, cách mạng và hình tượng người lính là một trong những dòng chủ đạo góp phần làm nên sự phát triển rực rỡ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam qua nhiều thập kỷ. Ra đời trong khói lửa chiến tranh và đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đề tài chiến tranh và hậu chiến là một mảng quan trọng trong lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng ký ức về một thời hào hùng của dân tộc vẫn được khắc ghi cho đến tận hôm nay và sức hút của những tác phẩm này vẫn đang được khẳng định.
Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
Phim chiến tranh - dòng chủ lưu của điện ảnh
Ngay từ thời điểm sơ khai của điện ảnh cách mạng, vào năm 1953 tại Ðồi Cọ, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, nhưng như một kỳ tích, điện ảnh đã cho ra đời những bộ phim lay động đến trái tim của khán giả, khắc họa rõ nét sự tàn khốc của chiến tranh, đề cao tinh thần yêu hòa bình, là bản anh hùng ca của quân và dân ta.
Bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông đã đi vào lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam với tư cách bộ phim truyện đầu tiên, ra đời từ khi điện ảnh còn non trẻ, với đội ngũ những người làm phim góp phần xây dựng nền móng của nền điện ảnh Cách mạng. Và Chung một dòng sông cũng chính là mạch khơi nguồn sáng tạo cho đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam.
Những bộ phim lấy đề tài chiến tranh sau đó đều nêu bật khí thế chiến đấu hào hùng, khơi gợi tình yêu nước và góp phần động viên tinh thần chiến đấu, lao động của quân và dân ta. Có thể kể đến Lửa trung tuyến (đạo diễn Phạm Văn Khoa), Chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ), Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), Hai người lính (đạo diễn Vũ Sơn, Trần Thiện Thanh), Người chiến sĩ trẻ (đạo diễn Hải Ninh), Trên vĩ tuyến 17 (đạo diễn Lý Thái Bảo, Nhất Hiên), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh), Nổi gió (đạo diễn Huy Thành), Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh)...
Phim Em bé Hà Nội
Sau năm 1975, mặc dù đất nước đã hòa bình nhưng chiến tranh vẫn là mảng đề tài chủ đạo của điện ảnh bởi với các nghệ sĩ điện ảnh - những người từng trưởng thành trong cuộc chiến, đây vẫn là mảng đề tài máu thịt gần gũi nhất. Bởi vậy mà đề tài chiến tranh đã trở thành dòng chảy chủ đạo của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đó. Với tư cách là những người chiến thắng, các nghệ sĩ điện ảnh càng có điều kiện để phản ánh về cuộc chiến từ nhiều góc độ. Từ những góc nhìn đa dạng ấy, cuộc chiến tranh vẻ vang của dân tộc hiện lên đầy bi tráng mà hào hùng, để thế hệ sau thấy được niềm tự hào và trân trọng hòa bình.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn là âm hưởng chủ đạo trong những bộ phim về đề tài chiến tranh ở giai đoạn này. Trong đó Mùa gió chướng, Tự thú trước bình minh, Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Như thế là tội ác, Về nơi gió cát, Vùng gió xoáy, Xa và gần… là những bộ phim đáng chú ý nhất.
Khai thác chất bi tráng mà trữ tình
Ðề tài chiến tranh cách mạng và đề tài hậu chiến vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ của văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không còn mang tính tuyên truyền mà nó hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật.
Cảnh phim Những người viết huyền thoại
Ở giai đoạn những năm 1980, các nhà làm phim cũng có những góc nhìn mới và khác về cuộc chiến, thể hiện qua những khía cạnh mà giai đoạn trước không có. Ðó là khai thác những góc khuất trong cuộc chiến: những hy sinh, mất mát, đau thương trong số phận những con người đi qua cuộc chiến. Ðó là những phim Những đứa con, Bình minh xôn xao, Ðịa chỉ để lại, Tình đất Củ Chi, Mùa gió chướng, Cha và con, Câu chuyện làng dừa, Huyền thoại về người mẹ… trong đó nổi bật nhất là bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Ðặng Nhật Minh).
Nếu ở giai đoạn trước chủ yếu khai thác chất bi tráng của chiến tranh thì giai đoạn này, chất trữ tình cũng được đề cập với những bộ phim đi sâu vào nội tâm của các nhân vật, đặc biệt không chỉ nhân vật chính diện mà nhân vật phản diện cũng được nhìn nhận, qua đó âm hưởng của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng lan tỏa qua những góc nhìn đa dạng đầy màu sắc và chiến tranh cũng hiện lên qua nhiều lăng kính. Kỷ niệm vùng ven, Mẹ vắng nhà, Mảnh trăng cuối rừng, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Khoảng khắc im lặng của chiến tranh, Hồi chuông màu da cam, Trừng phạt… là những bộ phim tiêu biểu nhất. Không còn xây dựng nhân vật một chiều, không chỉ là những bộ phim tuyên truyền cứng nhắc, phim truyện giai đoạn sau chiến tranh là những góc nhìn đa dạng vào thân phận con người, không mô tả trực diện chiến tranh nhưng sự khốc liệt của chiến tranh và sự chính nghĩa của bên thắng cuộc hiện lên qua những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ, những triết lý nhân văn sâu sắc.
Cảnh trong phim Đừng đốt
Bước vào thời kỳ Ðổi mới - giai đoạn sau năm 1986 đến những năm 1990, điện ảnh hòa chung vào dòng chảy đổi mới của văn học nghệ thuật. Như một luồng gió mới, trào lưu Ðổi mới cũng giúp diện mạo của điện ảnh giai đoạn này có nhiều điểm độc đáo khác biệt từ cách tiếp cận đến thủ pháp nghệ thuật, ngay cả trong đề tài truyền thống như chiến tranh cách mạng. Khi ấy, chiến tranh đã kết thúc hơn một thập kỷ, độ lùi về thời gian đã giúp các nghệ sĩ chiêm nghiệm, khiến họ bộc lộ những cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chiến tranh không chỉ là tấm huân chương lấp lánh mà còn là những góc khuất đằng sau nó. Không có đường chân trời, Nữ thần Laksmi, Người đi tìm dĩ vãng, Cỏ lau, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý… là những bộ phim tiêu biểu của giai đoạn này. Trong đó Cỏ lau, Lưỡi dao là bộ phim tiêu biểu nhất.
Cảnh trong phim Người trở về
Hậu chiến là đề tài để lại dấu ấn rõ nét trong điện ảnh Việt Nam từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000 với số lượng phim áp đảo và chất lượng nổi trội. Khác với phim chiến tranh chủ yếu mang âm hưởng tụng ca, hậu chiến là những bè trầm trong bản nhạc, chủ yếu đi sâu vào những góc khuất của số phận, những khoảng lặng của chiến tranh với những nỗi đau giằng xé của người ở lại. Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Chung cư, Ðời cát và Bến không chồng là những bộ phim tiêu biểu.
Phim chiến tranh trở thành “hiện tượng phòng vé”
Có thể nói, với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những năm gần đây phim về đề tài chiến tranh Cách mạng không còn mang tính tuyên truyền, mà hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật. Ðừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Người trở về… là những bộ phim đã tạo được tiếng vang ít nhiều trong những năm trở lại đây. Tuy điều kiện làm phim còn khó khăn, thiếu thốn, kinh phí eo hẹp, cộng thêm sự cạnh tranh của những phim bom tấn nước ngoài, phim giải trí trong nước, nhưng những bộ phim này vẫn luôn có cách để chạm được đến trái tim của một bộ phận khán giả.
Những người lính trẻ trong phim Mùi cỏ cháy
Ðầu năm 2024, bộ phim Ðào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) - tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng đã bất ngờ trở thành “hiện tượng phòng vé”. Ðược sản xuất với kinh phí khoảng 20 tỷ, sau gần 3 tháng công chiếu, bộ phim Ðào, phở và piano thu về khoảng 21 tỷ đồng. Khai thác đề tài chiến tranh Cách mạng với một góc nhìn khác lạ, bộ phim tái hiện không khí hào hùng nhưng cũng rất lãng mạn của người dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu dài 60 ngày đêm, từ ngày 19/12/1946 đến ngày 17/2/1947. Không chỉ mang âm hưởng hào hùng mà tinh thần của những người con Hà Nội yêu thành phố của mình chính là điểm khác biệt của bộ phim trong dòng chảy của những bộ phim chiến tranh.
Một bộ phim lịch sử lấy đề tài chiến tranh Cách mạng gây sốt phòng vé dịp Tết như Ðào phở và piano là bước ngoặt lớn cho dòng phim lịch sử và phim lấy đề tài chiến tranh Cách mạng. Ðặc biệt đây còn là một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, không nhằm mục đích thương mại. Không giống như những bộ phim của các nhà sản xuất tư nhân được truyền thông rộng rãi, Ðào phở và piano không có kinh phí truyền thông. Sức hút bất ngờ của bộ phim cho thấy người trẻ không lãng quên lịch sử và cũng cho thấy đề tài chiến tranh Cách mạng vẫn luôn có sức hấp dẫn với công chúng. Thành công của bộ phim đến từ chất lượng nghệ thuật với sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng từ kịch bản, bối cảnh đến diễn xuất… Từng gây xôn xao trong dư luận khi ra mắt vào tháng 9/2023, bộ phim đã giành giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
Phim Đào, phở và piano đã cho thấy sức hút của dòng phim chiến tranh Cách mạng
Thành công của Ðào, phở và piano là một động lực lớn giúp dòng phim lịch sử - phim chiến tranh Cách mạng mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn, có khả năng cạnh tranh với các dòng phim giải trí đương thời.
Thứ trưởng Tạ Quang Ðông cho biết, Bộ VHTTDL đánh giá cao và đặc biệt hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh cùng đồng hành với Nhà nước trong công tác phát hành, quảng bá, góp phần nâng tầm thương hiệu phim Việt nói chung, phim Nhà nước đặt hàng nói riêng. Việc có những bộ phim Nhà nước đặt hàng như Ðào, phở và piano được khán giả đón nhận nhiệt tình càng cho thấy ngành điện ảnh đã đi đúng hướng trong việc tiếp cận khán giả và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt, góp phần tích cực vào Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
LÊ MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024